Giao lưu trực tuyến Thứ sáu, 26/04/2024 , 02:57 am
Cập nhật : 08/09/2009 , 15:09(GMT +7)
Tường thuật Giao lưu trực tuyến: Techmart VN Asean+3
Tiếp nối những thành công trước đây, Techmart Việt Nam Asean+3 lần này mở rộng hơn về quy mô và số đơn vị tham gia từ các nước có thế mạnh về công nghệ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Techmart Việt Nam Asean+3 năm nay sẽ tập trung nhiều thiết bị công nghệ mới của các nước khu vực Đông Nam Á. 

 
Danh sách các vị khách mời:
- Ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KHCN, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Trưởng ban Tổ chức Techmart Việt Nam ASEAN + 3 năm 2009

- Ông Tạ Bá Hưng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó trưởng ban thường trực Techmart Việt Nam ASEAN + 3 năm 2009

- Ông Trần Ngọc Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp

- Ông Lê Văn Tri, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học FITOHORMON.

Chương trình giao lưu trực tuyến "Techmart Việt Nam Asean+3 Cơ hội “vàng” kết nối cung- cầu thiết bị công nghệ" do báo VietNamNet phối hợp với Trung tâm NC&PT Truyền thông KHCN (Bộ Khoa học Công nghệ) tổ chức tại Tòa soạn Báo VietNamNet, 141 Bà Triệu, Hà Nội đã thành công tốt đẹp.  
Kính mời bạn đọc theo dõi buổi giao lưu trực tuyến:

Phạm Văn Hiệp (nam, 43 tuổi): Xin hỏi Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng: Vị trí của Techmart đối với việc tạo lập và phát triển thị trường KH&CN theo chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng: Theo tôi đất nước chúng ta đã hội nhập và phát triển theo cơ chế thị trường thì phải vận động theo cơ chế thị trường. Tất cả các lĩnh vực, các ngành cũng phải tiệm cận và chịu sự điều chỉnh của cơ chế này. KHCN cũng không thể là ngoại lệ.

Sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cuối cùng cũng phải được thương mại hoá và trở thành hàng hoá, để có thể trao đổi trên thị trường như các sản phẩm khác, nông dân làm ra lúa... thì nhà khoa học làm ra các công nghệ, tạo ra các ý tưởng, các mẫu sản phẩm, và những sản phẩm này đều có thể và có quyền mang ra chào bán và trao đổi. Những sản phẩm trí tuệ này cũng có giá trị được xã hội thừa nhận, phải có một địa điểm, không gian để mọi người giới thiệu và chào bán sản phẩm của mình. Chợ TBCN là nơi thực hiện nhiệm vụ của một chợ để bán công nghệ, thiết bị, sản phẩm mới của các nhà KH, công dân, các nhà nghiên cứu, của các doanh nghiệp hay bất cứ ai khác. 

Ông Nguyễn Văn Lạng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - Ảnh: Lê Anh Dũng

Cũng như các lĩnh vực khác, chợ KHCN cũng có thể là chợ ảo, hoặc các chợ truyền thống của các sản phẩm khác. Tôi cho rằng sẽ đến lúc chúng ta phải tổ chức những nơi, những phương thức chào bán các sản phẩm, ý tưởng và công nghệ. Có thể gọi đó là chợ ý tưởng. Trong thực tế, rất nhiều người có những ý tưởng về KH, CN nhằm mục đích trả lời những câu hỏi do thực tế sản xuất, đời sống xã hội đòi hỏi nhưng người đưa ra ý tưởng đó thì không đủ điều kiện về tài chính, tổ chức, năng lực quản lý và thị trường mà họ buộc phải bán luôn ý tưởng của mình. Đó là những vấn đề thuộc về phạm trù thị trường công nghệ.

 
Ở một số nước tiên tiến, người ta ngoài việc xây dựng các thị trường công nghệ: - các TT hội chợ triển lãm, các sàn giao dịch - người ta còn tổ chức các trung tâm ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ. Những người có ý tưởng đến các trung tâm đó được nhà nước hỗ trợ về mặt cơ sở hạ tầng, pháp lý để họ đưa ý tưởng của họ thành công nghệ (quá trình nghiên cứu). Sau đó, người ta sẽ tạo điều kiện cho chủ nhân công nghệ đó nghiên cứu quy trình sản xuất ra sản phẩm rồi quảng bá sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn mác sản phẩm và hình thành ra công ty. Quá trình đó gọi là quá trình ươm tạo DN công nghệ. Các DN này có thể ở trong trung tâm ươm tạo 3-5 năm, khi có đủ điều kiện thì có thể lên sàn chứng khoán, ra các khu CN để xây dựng nhà máy và phát triển sản phẩm của mình. Nhà nước đóng vai trò như bà đỡ cho quá trình phát triển này.

Một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là phát triển thị trường CN. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 214/2005/QĐ-TTg ngày 20/8/2005 về việc phê duyệt đề án phát triển thị trường công nghệ VN. Thực hiện quyết định đó, trong thời gian qua Bộ KH&CN đã phối hợp với các địa phương tổ chức hàng loạt hội chợ CN thiết bị và nhiều nơi đã hình thành các sàn giao dịch công nghệ thông qua đầu tư FDI cũng như các hiệp định, các nghị định thư hoặc các hình thức liên doanh liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và DN nước ngoài.
 
Đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dung cấp QG, cấp bộ ngành, các địa phương, các doanh nghiệp hoàn thành tạo ra một khối lượng lớn các công nghệ, sản phẩm trong hầu hết các lĩnh vực, các ngành kinh tế. Có một thực tế là có rất nhiều nghiên cứu phát minh, sáng chế, cải tiến hợp lý hoá công nghệ lại không do các nhà KH, các nhà nghiên cứu tạo ra mà do những công dân bình thường ở các cơ quan, các địa phương đã công bố, được xã hội thừa nhận và trở thành hàng hoá đáp ứng các yêu cầu của sản xuất và đời sống, ví dụ: các công nghệ và thiết bị sau thu hoạch, nuôi trồng thuỷ, hải sản các loại giống cây trồng, vật nuôi mới, các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi, bảo vệ thực vật, xử lý môi trường…

Có nhiều công nghệ được triển khai từ kết quả của các Techmart. Techmart đóng một vai trò quan trọng trong chu trình nghiên cứu triển khai tổ chức sản xuất các sản phẩm. 

Ma Văn Khôi (Nam, 30 tuổi, Vĩnh Phúc): Thưa ông Tạ Bá Hưng - Phó trưởng ban Thường trực Techmart Việt Nam ASEAN+3, xin ông cho biết những hoạt động chính Techmart lần này là gì? Có điểm nào mới so với những lần trước?

 

Mô tả ảnh.
Ông Tạ Bá Hưng - Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia trả lời bạn đọc - Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Tạ Bá Hưng: Chợ công nghệ thiết bị Việt Nam ASEAN + 3 lần này có những hoạt động chính mà những chợ thiết bị công nghệ VN lần trước đều có, nhưng quy mô và mức độ ưu tiên có khác trước.

Trước hết, đó là các hoạt động giới thiệu, chào bán các công nghệ và thiết bị tiên tiến tại 778 gian hàng. Đó là những công nghệ và thiết bị có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của VN và các nước ASEAN + 3. Trên 2500 công nghệ thiết bị đã được đăng ký, đó là những công nghệ được các nước ASEAN + 3 và các Viện, các trường đại học, các doanh nghiệp VN nghiên cứu, chế tạo phù hợp với nhu cầu sản xuất và đời sống.

Hoạt động thứ hai là hội nghị, hội thảo và thuyết trình công nghệ điển hình. Ban tổ chức đã đưa vào kế hoạch triển khai 4 hội thảo khoa học về những vấn đề thời sự và ưu tiên của các nước ASEAN + 3. Cụ thể là những Hội thảo về Môi trường và Công nghệ sạch trong bối cảnh thay đổi khí hậu; Tiết kiệm Năng lượng và Công nghệ Năng lượng tái tạo; Công nghệ Chế biến Lương thực Thực phẩm; Sở hữu trí tuệ - Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Chuyến giao công nghệ.

Sẽ có trên 20 buổi thuyết trình về các công nghệ điển hình, nổi trội cho những đối tượng quan tâm và giữa những đối tác mua, bán công nghệ cụ thể, trong đó sẽ có một buổi thuyết trình về các công nghệ và thiết bị tiên tiến của Trung Quốc liên quan tới chế biến thực phẩm.

Hoạt động thứ ba là tư vấn, tra cứu, tìm kiếm công nghệ và cơ hội đầu tư, chuyến giao công nghệ. Sẽ tổ chức một số gian mang tính chất tư vấn giúp cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các cá nhân có những thông tin cần thiết liên quan đến kỹ năng đàm phán, giao dịch, mua bán công nghệ và ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng như những thông tin liên quan tới hàng rào giao dịch công nghệ trong xuất nhập khẩu. Người đến Chợ có thể vào không gian Techmart ảo gồm các máy tính nối mạng internet để tra cứu, tìm kiếm thông tin cụ thể về các công nghệ, đối tác phù hợp tại địa chỉ: http://www.techmartvietnam.vn

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong chụp ảnh lưu niệm trong Techmart Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (ảnh trái); Những hình ảnh được ghi lại từ các kỳ Techmart Việt Nam (các ảnh phải) - Ảnh: TL
Hoạt động thứ tư là ký kết các văn bản ghi nhớ và hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa các đối tác. Căn cứ vào những công nghệ, thiết bị đã đăng ký, cũng như tham quan trực tiếp các gian hàng, các đối tác có thể đàm phán trao đổi và đi đến ký kết các văn bản ghi nhớ hoặc hợp đồng nhằm xúc tiến việc chuyển giao công nghệ giữa bên cung và bên cầu. Ban tổ chức bố trí không gian ký kết. Việc ký kết các văn bản nói trên có sự chứng kiến của đại diện Ban tổ chức cũng như đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Các bên ký kết hợp đồng có thể là bên B (tức bên bán) là các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước hoặc là các doanh nghiệp có công nghệ mới, thiết bị mới. Còn bên A, bên mua, phần lớn là các doanh nghiệp, các địa phương hoặc các cá nhân cụ thể hiện đang có nhu cầu đổi mới công nghệ hoặc nâng cao hiệu quả của dây chuyền sản xuất. Bên A cũng có thể là các viện nghiên cứu, các trường đại học có nhu cầu hợp tác, liên kết cùng các doanh nghiệp trong khâu thương mại hóa và công nghiệp hóa các sản phẩm trí tuệ của mình để có thể tạo ra những hàng hóa dưới dạng công nghệ và thiết bị mới với giá thành cạnh tranh hơn và phù hợp hơn với điều kiện sản xuất và đời sống.

Hoạt động thứ năm là xét thưởng và trao Cúp vàng Techmart Việt Nam. Ban tổ chức đã yêu cầu các đối tượng tham gia tự chọn lọc và đề xuất dưới dạng hồ sơ xin xét thưởng Cúp vàng Techmart VN trong số những công nghệ và thiết bị mới của mình được giới thiệu chào bán tại chợ. Tiểu ban khen thưởng đã thành lập các Hội đồng chuyên môn xem xét các hồ sơ để tư vấn cho Hội đồng xét thưởng, tôn vinh các công nghệ và thiết bị xuất sắc để trao Cúp vàng. Mặc dù hồ sơ xét tuyển là quan trọng, nhưng các Hội đồng chuyên môn còn căn cứ vào việc thể hiện và giới thiệu các sản phẩm tại gian hàng và kết quả giao dịch mua bán công nghệ cụ thể trong thời gian diễn ra Techmart. Cho nên, tính chất hàng hóa và khả năng đáp ứng nhu cầu của người mua là tiêu chí quan trọng bậc nhất đối với việc xét thưởng và trao Cúp vàng.

Năm nay, Ban tổ chức dự kiến sẽ xét chọn và trao khoảng 200 Cup vàng Techmart VN cho các công nghệ và thiết bị xuất sắc thuộc các lĩnh vực công nghệ khác nhau cũng như những sản phẩm tiêu biểu cho việc nghiên cứu và ứng dụng mở rộng các công nghệ mới tại các địa phương, vùng miền trên cả nước.

Cup vàng Techmart VN không những thể hiện việc viện, trường, doanh nghiệp VN được tôn vinh bởi năng lực sáng tạo công nghệ của mình, mà còn góp phần gây dựng thương hiệu sáng tạo công nghệ của các đơn vị tham gia. Lễ trao Cup vàng Techmart VN sẽ được trao tại phiên khai mạc tổng kết Techmart, cụ thể là chiều 20/9/2009. Ngoài ra Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trao bằng khen cho một số tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự thành công của Techmart VN ASEAN+3.

Một hoạt động đặc biệt quan trọng của Techmart năm nay là chương trình tuyên truyền quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương, cũng như tại các nước ASEAN +3. Ban tổ chức đã cử các đoàn công tác sang các nước ASEAN + 3 làm việc trực tiếp với các đối tác là các doanh nghiệp, các viện, các trường đại học và các cơ quan quản lý liên quan đến việc thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ. Hoạt động này được triển khai trước, trong và sau khi Techmart được diễn ra, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và tác động của các công nghệ mới thể hiện ở sản phẩm hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh của chúng.

Lương Văn Sâm (Nam, 65 tuổi): Tôi đã làm ra được một công nghệ sản xuất được sản phẩm tốt, có chất lượng nhưng gặp khó khăn về tài chính để tổ chức sản xuất thử nghiệm với quy mô lớn và triển khai thành sản phẩm mà xã hội đang có nhu cầu. Vậy qua Hội chợ Techmart, tôi có thể "bán non" công nghệ của tôi không? Ban Tổ chức có giúp tôi trong việc này không ?

 

Mô tả ảnh.
Ông Lê Văn Tri - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học FITOHORMON - Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Lê Văn Tri: Trước hết tác giả của công nghệ phải khẳng định điểm dừng của công nghệ đó là ở đâu: ví dụ kết thúc ở giai đoạn nghiên cứu, kết thúc giai đoạn triển khai thử nghiệm… để khẳng định giá trị và hiệu quả của công nghệ trước khi bán. Nhiều khi cũng chỉ cần một ý tưởng hay cũng được. 

Theo tôi, ban tổ chức chợ sẽ sẵn sàng chắp nối những người có nhu cầu tiếp cận trực tiếp với tác giả và thảo luận về phương thức, chuyển giao thực hiện và giá cả của công nghệ.

 

Trần Đức Bàng (Hải Hậu, Nam Định, 45 tuổi): Tôi là một nông dân. Tôi xin hỏi Ban Tổ chức Techmart. Tôi có cải tiến một thiết bị sẵn có bằng cách lắp thêm một số bộ phân, nhờ vậy hiệu quả hơn rất nhiêu (và có thể sử dụng vào cả những mục đích khác). Vậy tôi có thể chào bán "thiết bị mới" của tôi tại Hội chợ Techmart không?

 

Ông Tạ Bá Hưng: Từ khi Techmart Việt Nam được tổ chức đến nay đã có nhiều nông dân, công nhân, thợ thủ công được mời tham dự để giới thiệu, quảng bá kết quả sáng tạo của mình ở các mức khác nhau. Có thể là việc cải tiến những thiết bị công nghệ hiện có phù hợp với điều kiện sản xuất và đời sống cụ thể hoặc làm tăng năng suất và hiệu quả.

Việc anh đã có cải tiến thiết bị hiện có và đem lại hiệu quả tốt hơn hoàn toàn được hoan nghênh và có thể tham gia chợ công nghệ thiết bị. Nhân đây cũng cung cấp thêm thông tin, hàng trăm nông dân được gọi là nhà khoa học "chân đất" đã tham gia các kỳ Techmart và đã đem lại hiệu quả và tác động rất lớn không những đối với cá nhân người nông dân tham gia Chợ thông qua việc bán sản phẩm của mình. Không những thế, họ còn có cơ hội học hỏi thêm và được tư vấn từ các nhà khoa học, các doanh nghiệp để hoàn thiện sản phẩm của mình và nâng tầm quy mô và tính công nghiệp trong sản xuất sản phẩm.

Ví dụ, ông Trần Văn Dũng, một nông dân ở Trà Vinh đã mày mò chế tạo ra thiết bị đào ao nuôi tôm. Sau khi tham gia Techmart VN 2003, 2005 và 2007, ông đã bán được nhiều thiết bị và cải tiến nâng cấp thiết bị của mình. Hiện nay, ông Dũng không những bán được thiết bị ở VN mà còn phát triển ra thị trường Campuchia, Lào, thậm chí cả Australia. Sau Techmart 2005, ông Dũng đã thành lập công ty TNHH Liên Thanh, bán được 117 máy với doanh thu hơn 10 tỷ đồng.

Cơ sở sản xuất của ông đã tạo việc làm cho hơn 50 người. Một số nhà khoa học "chân đất" khác sau khi tham gia Techmart được các sở khoa học và công nghệ giúp đỡ, tạo điều kiện để hoàn thiện công nghệ, thiết bị, mở rộng sản xuất, đăng ký sở hữu trí tuệ và từng bước trở thành các doanh nghiệp chuyên chế tạo hoặc cải tiến các thiết bị hiện có phục vụ thiết thực cho đời sống sản xuất của địa phương. Chúng tôi mong muốn sự tham gia Chợ công nghệ thiết bị của những nhà khoa học "chân đất" như vậy. Hy vọng trong những kỳ Techmart tới sẽ có anh Bàng tham dự để giới thiệu kết quả sáng tạo và cải tiến của mình.

Mô tả ảnh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng - Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguyễn Thu Hương (Vinh, Nghệ An): Hiệu quả của Techmart những kỳ trước đối với KH&CN nói riêng và xã hội nói chung là gì? Thứ trưởng kỳ vọng gì ở Techmart lần này?

Ông Nguyễn Văn Lạng: Từ năm 2003 đến nay, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tổ chức được 3 kỳ techmart quy mô quốc gia, hàng chục techmart quy mô vùng, huy động được hơn 3422 đơn vị tham gia với hơn 4100 gian hàng, giới thiệu và chào bán hơn 17000 công nghệ và thiết bị, ký kết trên 4.600 ghi nhớ, hợp đồng mua bán công nghệ với tổng giá trị hợp đồng là trên 5.250 tỷ đồng. 

Các công nghệ, thiết bị được chuyển giao tại các techmart, sau khi ứng dụng vào sản xuất và đời sống đã tạo ra khối lượng lớn sản phẩm hàng hoá đạt chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra khối lượng việc làm lớn cho xã hội. Nhiều sản phẩm có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trong khu vực và thế giới. Có thể nói, techmart đã góp phần khẳng định thương hiệu Việt.

Techmart ASEAN+3 có sự tham gia của các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn sẽ là một Techmart với quy mô chất lượng hiệu quả cao hơn so với các Techmart trước. Với số lượng gần 700 gian hàng, trong đó có gần 100 gian hàng của các nước sẽ có những công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại lần đầu tiên xuất hiện ở VN.

Tôi hy vọng tại Techmart ASEAN+3 lần này, số lượng các giao dịch, hợp đồng, biên bản ghi nhớ, thoả thuận, chuyển giao, mua bán công nghệ, thiết bị sẽ tăng lên so với techmart trước ít nhất là 50%. Sau techmart lần này chúng tôi cũng hi vọng tạo ra một cú hích cho việc đổi mới và làm chủ công nghệ. 

Hoàng Vân
(nữ, 27 tuổi, Ninh Bình): Thưa ông Trần Ngọc Hưng và ông Lê Văn Tri, hai ông có kỳ vọng hay mong muốn gì khi tham gia Techmart lần này?

Ông Trần Ngọc Hưng: Viện IMI là viện đi đầu về sản phẩm công nghệ cao đặc biệt là sản phẩm cơ điện tử. Trong kỳ hội chợ Techmart tới đây, chúng tôi cũng kỳ vọng là có thể giới thiệu với các doanh nghiệp về các sản phẩm cơ điện tử của mình cũng như để tìm hiểu thêm các sản phẩm mới mà các doanh nghiệp khác giới thiệu.

Nguyễn Thị Thu (nữ, 35 tuổi, Phú Mỹ Hưng, TP Hồ Chí Minh): Các Công nghệ và Thiết bị giới thiệu chào bán có được lựa chọn theo các tiêu chí nhất định nào không?

Mô tả ảnh.
Buổi giao lưu đang diễn ra sôi nổi - Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Tạ Bá Hưng: Khác với các Export và các hội chợ thương mại thông thường, Chợ công nghệ thiết bị Việt Nam chỉ giới thiệu và đưa vào giao dịch mua bán những công nghệ và thiết bị theo các tiêu chí xác định. Các tiêu chí đó là:

- Công nghệ và thiết bị là sản phẩm, kết quả của các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

- Công nghệ và thiết bị đã sẵn sàng được đưa vào sản xuất phục vụ đời sống chứ không phải chỉ là ý tưởng công nghệ.

- Công nghệ và thiết bị đã được áp dụng thành công ở những quy mô khác nhau, có khả năng nhân rộng trong sản xuất đời sống.

- Công nghệ và thiết bị đã được đăng ký sở hữu trí tuệ ở các mức độ khác nhau.

- Công nghệ và thiết bị của nước ngoài phải đạt trình độ tiên tiến và có giá thành phù hợp với Việt Nam.

Công nghệ và thiết bị phải đạt một trong những tiêu chí trên mới được tham gia giới thiệu giao dịch tại Chợ. Điều đó có nghĩa không phải bất kỳ công nghệ thiết bị nào cũng được đưa vào Chợ. Ban tổ chức yêu cầu các đối tượng tham gia cung cấp thông tin chi tiết về từng công nghệ, thiết bị. Trên cơ sở các thông tin đó và các tiêu chí nêu trên, tiểu ban nội dung của ban tổ chức quyết định cho phép các đơn vị chào bán và giới thiệu các công nghệ, thiết bị phù hợp. Đây cũng là cơ sở để ngăn chặn những công nghệ, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và để khuyến khích chuyển giao áp dụng mở rộng các công nghệ thiết bị tiên tiến thân thiện với môi trường phục vụ phát triển bền vững.

Phạm Văn Huynh (nam, 30 tuổi, Bình Dương): Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp, Công ty cổ phần công nghệ sinh học- FITOHOOCMON-BIFI đã tham gia chào bán những công nghệ và thiết bị nào tại các Techmart trước? Hiệu quả thu được là gì thưa hai đại diện của hai đơn vị?

Ông Lê Văn Tri: Trong suốt thời gian tham gia nhiều hội chợ, công ty cổ phần công nghệ sinh học- Fitohoocmon-Bifi đã chuyển giao rất nhiều công nghệ đơn cử như các công nghệ và chế phẩm tăng năng suất cây trồng – Fito-Humat, các sản phẩm xử lý đáy và nước ao nuôi trồng thủy sản Biof, Bts, bios… các sản phẩm xử lý các nguồn thải của các trang trại chăn nuôi tập trung, các nhà máy chế biến nông lâm nghiệp-Biomix.

Đặc biệt Fitohoocmon đã xây dựng và chuyển giao một hệ thống sản xuất phân bón sinh học trong cả nước trên cơ sở sử dụng các nguồn thải hữu cơ của các nhà máy đường, cao su, cafe, chế biến sắn… 

Gần đây, Bifi là đơn vị sản xuất phụ gia bê tông bằng con đường công nghệ sinh học, đây là sản phẩm thân thiện với môi trường cũng đã được chuyển giao cho hầu hết các công trình xây dựng trong nước, đó là sản phẩm phụ gia hóa dẻo, phụ gia siêu hóa dẻo, phụ gia đông cứng nhanh, phụ gia kéo dài thời gian liên kết, phụ gia phục vụ cho sản xuất bêtông dự ứng lực, bêtông mác cao với các thương hiệu Bifi-01, Bifi-02, Bifi-03, Tr-77, Hv07, Bifi-707, Bifi-777… 

Nhìn chung tất cả sản phẩm của chúng tôi đã được chuyển giao cũng như cung ứng ra thị trường trong nhiều năm qua và đến nay vẫn được đánh giá cao, tiếp tục sử dụng và là đều là những mặt hàng chủ chốt trong hệ thống kinh doanh của chúng tôi.

Hoang Tu (nam 33 tuổi, San Francisco, Hoa Kỳ): Tôi là doanh nhân ở Mỹ muốn tham gia Techmart thì cần những thủ tục gì?

Ông Tạ Bá Hưng: Rất hoan nghênh sự quan tâm của bạn tới Techmart và bạn có thể tham gia Techmart với những thủ tục rất đơn giản.

Trước hết, bạn theo dõi các sự kiện Techmart dự kiến tổ chức ở Việt Nam, ví dụ đối với Techmart VN ở tầm quốc gia và quốc tế, thông thường được tổ chức 2 năm một lần. Techmart vùng thường được tổ chức hàng năm tại các địa phương. Để biết thông tin này, bạn có thể vào trang web: http://www.techmartvietnam.vn để biết thêm chi tiết.

Để tham gia Techmart, bạn sẽ làm thủ tục đăng ký theo hướng dẫn của ban tổ chức, cụ thể là điền vào các phiếu đăng ký, giới thiệu công nghệ thiết bị. Các doanh nhân nước ngoài thường được hỗ trợ phí tham gia ở mức độ hợp lý. Ví dụ, một gian hàng tiêu chuẩn 6m2 với giá 350usd. 

Nguyễn Việt Hà (nam, 40 tuổi, Bắc Ninh): Xin Thứ trưởng cho biết, tại sao Techmart lần này chúng ta không mời các quốc gia khác mà lại là ASEAN và 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản?

Ông Nguyễn Văn Lạng: Techmart ASEAN+3 là sáng kiến của UB KHCN ASEAN+3. Chúng ta biết rằng TQ, Nhật bản và Hàn quốc là những quốc gia có nền kinh tế và KHCN phát triển nhất châu Á có nhiều điểm tương đồng với VN và các nuớc ASEAN. Quan hệ hợp tác hữu nghị VN-TQ đã có từ lâu đời. VN và Nhật bản đang hướng tới trở thành đối tác chiến lược. Sắp tới, tổng thống Hàn Quốc sẽ có chuyến thăm VN và hợp tác kinh tế VN - Hàn quốc đang tiến tới trở thành đối tác chiến lược của nhau.

Chúng tôi cũng hi vọng những Techmart sau sẽ có sự tham gia của nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tran Van Hoa (nam, 35 tuổi, TPHCM): Thưa ông Hưng, xin ông chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc giới thiệu các công nghệ tại các kì Techmart của Viện IMI?

Mô tả ảnh.

Ông Trần Ngọc Hưng - Phó Tổng Giám đốc thường trực Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp - Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Trần Ngọc Hưng: Theo kinh nghiệm của Viện IMI, các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao được giới thiệu qua các tính năng kỹ thuật, đồng thời cũng có những so sánh với các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu trên thế giới, qua đó thì doanh nghịêp có nhu cầu mua sản phẩm công nghệ có điều kiện so sánh và đánh giá mức độ hiện đại của sản phẩm. Về phía khách hàng, những đánh giá của họ sẽ quyết định chất lượng sản phẩm và cũng là hình thức quảng cáo tốt nhất cho sản phẩm của mình. Vì vậy, chúng tôi luôn quan tâm đến các dịch vụ sau bán hàng và cập nhật các công nghệ mới cho sản phẩm.

Thanh Hải (nam, 40 tuổi, Hà Nội): Tôi thấy ông vừa là một nhà khoa học, vừa làm kinh doanh mà là kinh doanh đa ngành nghề. Điều gì đã giúp ông có những thành công như vậy?

Ông Lê Văn Tri: Đúng vậy, tôi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô và bảo vệ tiến sỹ năm 1988 và đến năm 1991 đã thành lập một doanh nghiệp khoa học rất sớm ở Việt Nam. Lý do là các sản phẩm khoa học của chúng tôi phải có lối thoát và thị trường của nó. Chính doanh nghiệp khoa học này là nơi các ý tưởng khoa học của chúng tôi được thực hiện một cách đầy đủ nhất từ khâu nghiên cứu cơ bản, kiểm nghiệm trong thực tiễn và kinh doanh có hiệu quả. 

Sau gần 20 năm, chúng tôi đã xây dựng được các phòng thí nghiệm chuyên sâu như phòng thí nghiệm về cây trồng, phòng thí nghiệm vể thổ nhưỡng, môi trường, đặc biệt là phòng thí nghiệm về vi sinh vật đất và cây trồng. Đã có được rất nhiều cán bộ khoa học làm việc và tạo được rất nhiều công nghệ sản phẩm mới. 

Nói là tôi nghiên cứu đa ngành nghề cũng chưa đúng. Thực chất, vẫn là ngành sinh học nhưng tại sao tôi sang một lĩnh vực hoàn toàn trái là vật liệu xây dựng mà thực chất là tôi đã xử dụng công nghệ sinh học để tạo dựng các nguyên liệu phục vụ cho ngành vật liệu xây dựng. Còn tất nhiên, việc đánh giá chất lượng sản phẩm thì phải ở các kỹ sư xây dựng. 

Tôi tự thấy, thành công không chỉ dừng ở vấn đề nghiên cứu ra công nghệ mà việc lớn hơn là việc phải tổ chức sản xuất ra công nghệ và kinh doanh công nghệ có hiệu quả. Tôi đánh giá rất cao những người kinh doanh sản phẩm công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực sinh học, là một lĩnh vực khó phụ thuộc nhiều yếu tố môi trường, xã hội. Chính vì vậy mà số lượng cán bộ của đơn vị chúng tôi bao gồm cả nhà khoa học, cả nhà quản lý, cả nhà triển khai, cả nhà sản xuất, đặc biệt là một khối lượng cán bộ kỹ thuật quản lý công nghệ tại các đơn vị chuyển giao tại địa phương. Tôi đánh giá tất cả mọi người đều có vai trò quan trọng như nhau.

Hà Duy An (nam, 40, TpHCM): Tôi cho rằng Techmart đã là một thương hiệu có giá và đã đến lúc chuyển giao hoạt động này cho một số công ty hoặc đơn vị chuyên nghiệp đứng ra kinh doanh Techmart. Vậy ý kiến của các ông thế nào?

Ông Nguyễn Văn Lạng: Những năm qua, Bộ KH&CN đã chủ trì tổ chức các techmart thành công. Đúng là techmart đã có thương hiệu trong nước và khu vực. Cũng như nhiều lĩnh vực khác trên đất nước ta, techmart sẽ từng bước được xã hội hoá. Chúng tôi rất hoan nghênh các tổ chức khoa học, các doanh nghiệp có đủ năng lực có thể đứng ra đăng cai tổ chức các techmart. Bộ KH&CN đã có lộ trình xã hội hoá đến 2015.

 

Mô tả
            ảnh.
Quang cảnh buổi giao lưu Techmart VN Asean+3: Cơ hội ’vàng’ kết nối cung - cầu thiết bị công nghệ diễn ra tại tòa soạn báo VietNamNet - Ảnh: Lê Anh Dũng

Trần Thanh Kim (Núi Trúc, Hà Nội): Thưa ông, có một số người nói rằng hiện nay chúng ta tổ chức hơi nhiều Techmart, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Trần Ngọc Hưng: Theo tôi số lần tổ chức hội chợ Techmart như hiện nay là vừa đủ. Bởi vì đây cũng là một hình thức tổ chức mới nên nhiều doanh nghiệp còn có thời gian để làm quen. Tuy nhiên, ban tổ chức hội chợ Techmart nên có những nội dung thay đổi nhiều hơn nữa để phù hợp với nhu cầu tìm kiếm công nghệ mới của các doanh nghiệp, đặc biệt là các hình thức quảng cáo giới thiệu sản phẩm công nghệ mới của các doanh nghiệp khoa học trên mạng Internet để các doanh nghiệp có nhu cầu có thể tiếp cận nhanh và trực tiếp với công nghệ mới.

Mai Phương Hà (nữ, 27 tuổi, Kim Động, Bắc Giang): Thưa ông Tri - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học- FITOHOOCMON-BIFI, ông đã từng tham dự Techmart chưa và với tư cách gì: người bán hay người mua? Ông thấy Techmart có đem lại cho ông lợi ích gì không?

Ông Lê Văn Tri: Techmart việt nam bắt đầu có từ năm 2003, đến nay đã khá nhiều năm. Ngay từ techmart đầu tiên, tôi đã tham gia và có thể nói là tham gia rất tích cực, suốt từ rất nhiều techmart cả ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tôi đều tham gia với tư cách là nhà khoa học, doanh nhân khoa học và sản xuất kinh doanh. Vì thế, tôi cũng đem đến techmart những công nghệ của đơn vị chúng tôi nghiên cứu ra để chào bán và giới thiệu với chợ. Đồng thời, cũng nghiên cứu tiếp nhận những công nghệ mới đặc biệt là các thiết bị để hoàn thiện các công nghệ mà hiện nay chúng tôi đang thực hiên. Tôi nói đặc biệt, bởi vì đơn vị chúng tôi là đơn vị nghiên cứu tạo dựng các công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp sinh học như môi trường, phân bón sinh học, thủy sản, chăn nuôi. Nói như thế, có nghĩa là chợ khoa học công nghệ là nơi để giao lưu chất xám, giao lưu công nghệ và giao lưu những sản phẩm cụ thể của cả nhà khoa học, của cả nhà sản xuất, của cả những người ứng dụng.

Mô tả
            ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thực tế, trong nhiều năm qua nhờ chợ khoa học công nghệ chúng tôi đã thu được rất nhiều kết quả tốt. Thứ nhất là đẩy mạnh quảng bá thương hiệu về lĩnh vực phân bón sinh hoc Fitohoocmon, các dạng phân bón lá fito, các sản phẩm phục vụ cho ngành thủy sản Biof, Bts… và một số sản phẩm phục vụ cho xử lý môi trường hữu cơ rắn và môi trường lỏng Biomix. Đặc biệt gần đây, sản phẩm phụ gia bê tông bằng con đường công nghệ sinh học của công ty BiFi cũng là đơn vị thành viên của chúng tôi.

Thành công thứ 2 là các đơn vị hợp tác và các hợp đồng chuyển giao sau mỗi lần hội chợ đều được tăng lên và có những đơn vị chủ động gọi điện đề nghị chúng tôi cung cấp công nghệ và sản phẩm. Từ đấy, đã đẩy doanh thu của đơn vị chúng tôi càng ngày càng tăng. 

 

Lê Đức Hoàng (nam, 34 tuổi, Nam Định): Thưa ông Tri, ông thấy có khó khăn gì không trong việc tham gia Techmart? 
Ông Lê Văn Tri: Xuất phát bản thân tôi là một nhà nghiên cứu khoa học hơn 30 năm, đồng thời là người quản lý một doanh nghiệp khoa học cũng gần 20 năm, với 15 bằng sáng chế và rất nhiều công nghệ tạo ra rất nhiều sản phẩm cụ thể hiện nay đang cung cấp ra thị trường. Thì việc tham gia chợ khoa học công nghệ hoàn toàn không có gì là khó khăn. Ngược lại đây là nơi để chúng tôi có thể cởi mở và giao lưu được với các đồng nghiệp cũng như những khách hàng trong cả nước và quốc tế. 

TRẦN VĂN HÙNG (nam, 40 tuổi, Phú Thọ): Những lợi thế của doanh nghiệp có sản phẩm đạt Cup vàng Techmart là gì?
 

Ông Nguyễn Văn Lạng: Cup vàng Techmart là giải thưởng danh giá cho các sản phẩm, công nghệ và thiết bị. Đạt Cup vàng Techmart tạo ra cơ hội trong việc khẳng định và quảng bá thương hiệu và sản phẩm của đơn vị trong quá trình cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Thanh Hà (nam, 39 tuổi, Hà Nội): 1. Thưa ông Tạ Bá Hưng, tôi có theo dõi nhiều kỳ hội chợ công nghệ (Techmart) diễn ra ở Việt Nam và nhận thấy kết quả Techmart năm sau đều tốt đẹp hơn năm trước đó. Vậy xin ông cho biết, thực tế các cuộc chuyển nhượng (hợp đồng ký kết) về thiết bị, công nghệ những năm trước kia đến nay còn hiệu quả hay không? Và các ông có đánh giá lại hiệu quả của những hợp đồng chuyển giao thiết bị, công nghệ từng ký kết tại các Techmart trước kia hay không? 2. Một trong những mục tiêu của Techmart là thúc đẩy thị trường công nghệ, thiết bị trong nước nhưng tại sao càng về sau, các chợ Techmart lại càng có nhiều sự tham gia của các công ty nước ngoài. Đặc biệt Techmart năm nay lại mở rộng thành Techmart Asean+3, có sự góp mặt không những của các nước ASEAN mà cả 3 nước lớn của Châu Á khác?

Ông Tạ Bá Hưng: Tôi xin trả lời 2 câu hỏi của bạn như sau:

Mô tả
            ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

 1. Đối với từng kỳ Techmart, kết quả dễ nhận thấy nhất và đáng quan tâm nhất là việc ký kết các văn bản ghi nhớ và các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Điều quan trọng nhất đối với ban tổ chức và đối với xã hội là việc triển khai các bản ghi nhớ và hợp đồng chuyển giao công nghệ trên thực tế như thế nào? Đây là vấn đề tương đối khó trong khâu đánh giá một cách toàn diện, tuy nhiên, theo kết quả điều tra mà Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, đã có tới 20% các bản ghi nhớ và hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết tại các Techmart vừa qua đã được triển khai và thực hiện trên thực tế.

Nhiều đối tác đã hợp tác chặt chẽ trong việc chuyển giao công nghệ và thiết bị góp phần nâng cao năng lực công nghệ của sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy còn khá nhiều khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch nói trên. Ví dụ, về năng lực tài chính của cả 2 bên mua và bán công nghệ; năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ của bên mua cũng như năng lực hoàn thiện nâng cấp công nghệ theo yêu cầu của đối tác cũng còn hạn chế.

Nhiều ý kiến yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xem xét và hỗ trợ cả hai bên cung và cầu công nghệ trong việc triển khai các hợp đồng đã ký. Ví dụ hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp để có vốn, giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận gói kích cầu thông qua ngân hàng để có thể mua sắm và nâng cấp công nghệ. Những hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết trong các kỳ Techmart cần được quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các địa phương, coi đó là công cụ chuyển giao và ứng dụng mở rộng các công nghệ và thiết bị tiên tiến vào sản xuất đời sống.

2. Đúng vậy, trong thời kỳ đầu, các Techmart tổ chức tại nước ta chủ yếu nhằm vào việc hỗ trợ các viện nghiên cứu, các trường đại học tìm được đầu ra cho các sản phẩm sáng tạo của mình, cũng như giúp các doanh nghiệp VN tiếp cận được các nguồn công nghệ và thiết bị phù hợp hiện có trong nước với giá cạnh tranh và lợi thế dịch vụ sau bán hàng. Tuy nhiên, việc từng bước mở rộng quy mô và đối tượng tham gia Techmart đến với các doanh nghiệp, viện, trường nước ngoài là nhu cầu khách quan và cần thiết. Việc tham gia của các đối tác nước ngoài một mặt giúp chúng ta tiếp cận được các công nghệ và thiết bị tiên tiến (trong nhiều trường hợp, chúng ta chưa tự sản xuất, đầu tư, chế tạo); mặt khác tạo cơ hội để chúng ta so sánh những sản phẩm, công nghệ, thiết bị của ta với những thiết bị cùng chủng loại của nước ngoài.
 
Từ đó có thể khẳng định những công nghệ thiết bị nào chúng ta đã và đang nắm bắt và làm chủ được, những công nghệ nào chúng ta có lợi thế so sánh trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, có thể xác định được những công nghệ và thiết bị nào có thể hoặc nên mua hoặc nhận chuyển giao từ các đối tác nước ngoài thì kinh tế hơn, hợp lý hơn.

Luật chuyển giao công nghệ mới được ban hành vừa qua cũng đã khẳng định chủ trương nhập khẩu những công nghệ và thiết bị tiên tiến của nước ngoài mà VN hiện tại chưa có năng lực nghiên cứu chế tạo hoặc không thuộc sở trường nghiên cứu và chế tạo của VN. Các kỳ Techmart có sự tham gia của đối tác nước ngoài là cơ hội rất quan trọng để chúng ta biết mình, biết người và xác định chiến lược và chính sách khoa học, công nghệ của đất nước.

Techmart Việt Nam ASEAN + 3 với sự tham gia của các nước trong cộng động ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là cơ hội để chúng ta vừa giới thiệu các công nghệ thiết bị tiên tiến của ta với các nước bạn đồng thời là cơ hội để tiếp cận, giao dịch, mua bán các công nghệ tiên tiến của nước bạn, góp phần thúc đẩy thị trường công nghệ Việt Nam và thị trường công nghệ khu vực. 

Trần Hoài Nam (nam, 30 tuổi, Hòa Bình): Thưa ông Lê Văn Tri, tại hội chợ có công nghệ nào khử độc để biến thực phẩm có những chất bảo quản độc hại hoặc rau quả còn dư lượng thuốc trừ sau thành thực phẩm sạch không?
 
Ông Lê Văn Tri: Theo tôi biết, tại các hội chợ trước và hy vọng năm nay cũng vậy đều có các công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực xử lý môi trường nước, xử lý thực phẩm rau quả sạch hơn để đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. 

Hy vọng anh đến hội chợ chọn và mua được công nghệ và thiết bị anh mong muốn.
 
Mô tả
            ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Hoàng Huynh (nam, 34 tuổi, Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội): Thưa ông Hưng, ông có thể cho biết sản phẩm sản phẩm của IMI hiện nay là gì? Viện có những công nghệ gì để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm đó?

Ông Trần Ngọc Hưng: Một trong những thành công của Viện IMI trong những năm qua là đã chuyển đổi từ các sản phẩm cơ khí truyền thống sang sản phẩm cơ điện tử. Hiện nay sản phẩm của Viện được chia trong 5 nhóm chính là: sản phẩm cơ điện tử trong thiết bị xây dựng như trạm trộn bê-tông, bơm bê tông, xe trộn bê-tông,...; sản phẩm cơ điện tử trong công nghiệp như các loại cân điện tử, định lượng trong ngành công nghiệp; các sản phẩm cơ điện tử trong sản xuất máy công cụ như máy phay CNC, máy tiện CNC, máy cắt Plasma điều khiển CNC, máy hàn lồng thép; sản phẩm cơ điện tử trong lĩnh vực môi trường như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi, hệ thống phân loại và xử lí rác, hệ thống xử lí nước thải,...; sản phẩm cơ điện tử trong chế biến nông sản thực phẩm như máy phân loại cafe bằng màu sắc, máy phân loại gạo,... Hiện nay Viện đang nghiên cứu, phát triển hai nhóm sản phẩm mới là cơ điện tử trong tiêu dùng và cơ điện tử trong y tế. Đến nay Viện đã có được trên 100 sản phẩm cơ điện tử, đặc biệt năm 2005, Viện vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 51 sản phẩm cơ điện tử. 

Các sản phẩm của Viện đều được hợp tác với các nước tiên tiến trên thế giới, trên cơ sở sử dụng các công nghệ mới nhất để áp dụng vào sản phẩm. Viện chỉ nhập các chi tiết chính của nước ngoài chiếm khoảng 10 - 15% giá trị sản phẩm, phần còn lại thì được chế tạo trong nước. Qua đó, sản phẩm có chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng giá thành chỉ bằng 40 - 60%, đặc biệt là dịch vụ sau bán hàng được đáp ứng đầy đủ và nhanh nhất. 

Hoàng Văn Tú (67 tuổi P.Ngô thì Nhậm, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội): Thưa ông Hưng, tôi có một số giải pháp về tiết kiệm năng lượng đã được kiểm nghiệm thực tế và muốn mang "bán" tại hội chợ như Techmart. Vậy những giải pháp kĩ thuật có là đối tượng để mua bán không?

Ông Trần Ngọc Hưng: Theo tôi, giải pháp kỹ thuật cũng là một công nghệ và được chào bán tại Techmart. Để tránh tranh chấp, giải pháp công nghệ của bạn cần được đăng ký bản quyền sáng chế.

Nguyễn Liên (nữ, 40 tuổi, Khánh Hòa): Triển lãm, hội chợ là 1 kênh quảng bá có hiệu quả cao. Xin Thứ trưởng cho biết Techmart có điểm gì khác biệt so với các hội chợ khác? Nhà nước sẽ áp dụng những chính sách gì để Techmart trở thành một nơi mua bán - trao đổi công nghệ thực sự (không chỉ mang tính hình thức) giữa các nhà khoa học và giới công nghiệp?
Ông Nguyễn Văn Lạng: Techmart là hội chợ chuyên về KHCN. Có thể nói môi trường pháp lý cho phát triển và vận hành thị trường công nghệ cơ bản được hính thành. Việc ban hành các luật Sở hữu trí tuệ, Chuyển giao công nghệ, Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Công nghệ cao cùng với Quyết định số 214/2005/QĐ-TTG ngày 30/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển thị trường công nghệ đã hình thành cơ sở pháp luật quan trọng cho thị trường công nghệ ở nước ta. Có thể nói thị trường công nghệ nước ta đã được hình thành, từng bước mở rộng về quy mô, nội dung và hình thức hoạt động. Các hoạt động của techmart đã thể hiện tính thiết thực, phát triển tương đối đều ở các vùng miền. Thông qua techmart các viện nghiên cứu, các trường ĐH, các cơ quan quản lý nắm bắt được tốt hơn nhu cầu công nghệ của địa phương để chỉnh hướng nghiên cứu cho phù hợp với thị trường cũng như cho công tác quản lý khoa học công nghệ được hiệu quả hơn.

Tuy nhiên theo tôi, để phát triển thị trường KHCN, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước rất cần tính chủ động sáng tạo của tổ chức KHCN, nhà khoa học... Thị trường KHCN chỉ phát triển khi tuân theo đúng quy luật về kinh tế, tức là có sự tham gia của "bàn tay vô hình" (thị trường) và bàn tay hữu hình (sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước) như thị trường bất động sản, tài chính...

Trần Nữ Thủy Tiên (nữ, 33 tuổi, Huế): Thưa ông Trần Ngọc Hưng, nhu cầu về công nghệ và thiết bị của DN là rất lớn. Vậy theo ông các nhà KH cần phải làm gì để đáp ứng nhu cầu của các DN?
Ông Trần Ngọc Hưng: Đúng như vậy. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, đặc biệt là các ngành công nghiệp có nhu cầu rất lớn về thiết bị và công nghệ hiện đại. Theo tôi, chỉ có thông qua con đường hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ với các nước tiên tiến trên thế giới mới có điều kiện tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới. Hiện nay, Viện IMI có hợp tác với trên 50 hãng và khoảng 20 trường ĐH trên thế giới, đặc biệt là CHLB Đức.
Mặt khác, chúng ta cần có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuậtc có trình độ và được đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ mới để tiếp thu và nghiên cứu các công nghệ của nước ngoài. Hàng năm, kỹ sư tại Viện IMI có quy chế đào tạo lại định kỳ 3 năm/ 1 lần và trên các lĩnh vực mới như kỹ sư cơ khí được đào tạo thêm các chuyên ngành tự động hoá, tin học, điện tử để có khả năng thích nghi và làm chủ được các sản phẩm mới. Bởi vì, chúng ta đều biết, các sản phẩm cơ điện tử hiện nay là tích hợp của các chuyên ngành cơ khí, điện tử, tự động hoá, tin học.

Hoàng Mai (nam, 40 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội): Xin các vị có thể cho biết số lượng và đặc điểm của các nhà khoa học quần chúng được Bộ KH&CN mời tham gia giới thiệu những sản phẩm sáng chế của mình tại Techmart năm nay?

Ông Tạ Bá Hưng: Để động viên và tôn vinh những tấm gương quần chúng sáng tạo và ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất đời sống, đối với từng kỳ Techmart VN, Bộ KHCN có mời một số các nhà khoa học quần chúng tham dự và giới thiệu các sản phẩm, công nghệ, thiết bị của mình. Năm nay, có 13 nhà khoa học quần chúng được mời dự Techmart VN ASEAN + 3 và các nhà khoa học quần chúng này được mời theo một số tiêu chí mang tính chất tiêu biểu đối với phong trào sáng kiến cải tiến của quần chúng. Cụ thể là những người có học vấn dưới lớp 12, có kết quả trong việc sáng tạo, cải tiến các công cụ lao động có khả năng tăng năng suất lao động, giảm thiểu lao động chân tay, có khả năng ứng dụng mở rộng trong điều kiện sản xuất đời sống ở địa phương.

Thông qua phát hiện của các cơ quan thông tin đại chúng và sự giới thiệu của các sở khoa học công nghệ, các cá nhân quần chúng sáng tao nêu trên đã được Bộ KHCN mời và tạo điều kiện thuận lợi để tham gia. Ví dụ hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở, hoàn thiện sản phẩm và vận chuyển hàng hóa đến Chợ.

13 gian hàng được Ban tổ chức bố trí cho các nhà khoa học quần chúng giới thiệu và chào bán các sản phẩm, công nghệ, thiết bị của mình.

Nguyễn Văn Lê (nam, 30 tuổi, Sóc Trăng)Thưa ông Lê Văn Tri, nông dân chúng tôi thường quan niệm công nghệ sinh học là rất cao cấp, được liệt vào "công nghệ mũi nhọn". Xin ông giải thích những công nghệ nào có thể thực hiện ở quy mô gia đình được giới thiệu ở Techmart?

Ông Lê Văn Tri: Theo tôi, cũng phải khẳng định công nghệ sinh học là thực hiện nghiên cứu những công nghệ rất đơn giản cho đến rất phức tạp. Tôi chưa biết ông là ai nhưng có thể nói công nghệ muối dưa cà ngon cũng cần có một công nghệ sinh học chuẩn và chắc chắc có người này muối ngon hơn người kia, đồng thời những công nghệ nghiên cứu tách gen, truyền gen, cấy ghép lại là những công nghệ rất cao siêu. Cho nên quan niệm công nghệ sinh học là rất cao cấp và được liệt vào công nghệ mũi nhọn như ông nói là cũng đúng. Nhưng nhiệm vụ của các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu công nghệ là phải tạo ra các công nghệ có thể phức tạp về chế tạo, nhưng đơn giản trong ứng dụng. Ví dụ như máy lọc nước khử vi sinh vật có hại, rõ ràng để tạo ra các màng lọc là phức tạp nhưng việc ứng dụng quá đơn giản đối với người dân.

Tóm lại, các công nghệ sinh học có thể ứng dụng trong quy mô gia đình là rất nhiều và luôn luôn xung quanh ta 

Vân Anh (nữ, 42 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội): Mục đích chính Techmart Việt Nam ASEAN+3 hướng tới là gì? Tiêu chí xét thưởng Cúp vàng Techmart Việt Nam ASEAN+3 là gì? có điểm gì đặc biệt?
Ông Nguyễn Văn Lạng: Về tiêu chí xét thưởng và các thông tin liên quan xin mời bạn vào địa chỉ www.techmartvietnam.vn để biết thêm chi tiết.

Hoàng Văn Hoạt (nam, 46 tuổi, Bắc Ninh): Thưa ông Trần Ngọc Hưng, đứng trên phương diện một nhà KH, ông đánh giá như thế nào về "cung"- "cầu" thiết bị công nghệ tham gia tại techmart này?

Ông Trần Ngọc Hưng: Tôi nghĩ là nhu cầu về công nghệ và sản phẩm mới ở Việt Nam là rất lớn. Các sản phẩm chào bán tại Techmart chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của các doanh nghiệp. Qua hội chợ thương mại thì các doanh nghiệp khoa học cũng thấy được các nhu cầu về công nghệ của các đơn vị để tiếp cận nghiên cứu các loại công nghệ mới này phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Long Hồng Gấm (nữ, 30 tuổi, Cao Bằng): ông Tạ Bá Hưng, ông có thể cho biết địa phương nào có số lượng gian hàng triển lãm tại Techmart nhiều nhất? Con số đó có nói lên điều gì?

Ông Tạ Bá Hưng: Hiện nay, đã có 36 địa phương đăng ký tham gia. Ngoài 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương có nhiều gian hàng nhất với mỗi địa phương khoảng 40 gian hàng, thì các địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng cũng có hàng chục gian hàng tham gia. Các địa phương còn lại thường tham gia từ 2 - 5 gian hàng. Điều đó chứng tỏ những thành phố lớn, những nơi tập trung nhiều đơn vị nghiên cứu và đào tạo là những địa phương có tiềm lực sáng tạo công nghệ và thiết bị mới. Đây cũng là dịp để các địa phương quảng bá các sản phẩm công nghệ thiết bị của mình đối với các địa phưong khác trong nước và với các đối tác quốc tế.

Nghiêm Thị Thanh (nữ, 34 tuổi, Quận 1, Tp HCM): Chào Ông Nguyễn Văn Lạng, tôi được biết, Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (thuộc Bộ Khoa học và công nghệ), là dơn vị chuyên tổ chức các kỳ techmart, đang chuẩn bị trở thành Cục thông tin. Vậy Hoạt động tổ chức techmart có gì thay đổi khi Trung tâm lên Cục? Xin cám ơn.
Ông Nguyễn Văn Lạng: Techmart sẽ vẫn được tiếp tục tổ chức định kỳ và ngày càng được xã hội hoá cao. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước tiến tới chỉ là "bà đỡ" và tạo môi trường pháp lý cho các techmart mà thôi. Vì vậy đương nhiên việc Trung tâm chuyển thành Cục sẽ không ảnh hưởng gì tới thị trường công nghệ nói chung và techmart nói riêng.

Trịnh Vân Hằng (Hải Phòng): Các sản phẩm được trưng bày ở Techmart một phần là sản phẩm khoa học công nghệ, sử dụng ngân sách nhà nước. Vậy khi thương mại hóa qua Techmart nhà chuyển giao có trách nhiệm gì?

Ông Lê Văn Tri: Đúng vậy, các sản phẩm trưng bày ở Techmart là kết quả nghiên cứu của mọi người dân, trong đó có một phần được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhưng tôi được biết cho đến nay nhà nước đang khuyến khích và hỗ trợ các sản phẩm khoa học đến được với người sử dụng. Do vậy, chưa bắt các nhà chuyển giao khoa học phải hoàn trả hay đóng góp lại kinh phí. Tất nhiên, khi chuyển giao công nghệ, các nhà chuyển giao phải thực hiện đúng luật chuyển giao công nghệ.
 
                                                                          ***
 

Kết thúc buổi giao lưu, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng tâm sự: Techmart ASEAN+3 chắc chắn sẽ là hội chợ lớn nhất về quy mô so với các techmart trước đó. Rất cám ơn các bạn đã cùng chúng tôi quan tâm đến việc tổ chức thành công Techmart ASEAN+3. Chúc các bạn may mắn và hẹn gặp lại tại Techmart ASEAN+3 - Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ – Hà Nội từ ngày 17-20/9/2009.


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner