Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Giao lưu trực tuyến Thứ tư, 22/01/2025 , 01:31 pm
Cập nhật : 08/01/2010 , 22:01(GMT +7)
Toàn cảnh giao lưu trực tuyến '50 năm Khoa học và Công nghệ VN'
Tổng biên tập báo Đất Việt Vũ Ngọc Dung tặng hoa Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong. Ảnh: Tuấn Linh
Nhân kỷ niệm 50 thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), báo Đất Việt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: "50 năm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VN)".

Bộ KH - CN, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Bộ KH&CN không ngừng khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt nhất trọng trách của một cơ quan tham mưu, giúp Đảng và Chính phủ quản lý thống nhất, nhằm phát triển KH&CN trong phạm vi cả nước.

Trong những ngày đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN MT của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Viện KHCNVN Châu Văn Minh trao đổi những thông tin liên quan đến tình hình phát triển KH&CN nước nhà.

Sau đây là nội dung buổi gia lưu trực tuyến với chủ đề" 50 năm Khoa học và Công nghệ Việt Nam":

Bộ trưởng Hoàng Văn Phong tại buổi giao lưu.

Thời gian qua, có không ít tranh luận về vai trò, vị trí cũng như đóng góp của KH-CN cho sự phát triển của đất nước... Ở góc độ Bộ KH-CN, Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?(Phạm Thúy Hồng, 28 tuổi, Nữ, Hà Nội)

 - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Tôi xin khẳng định KH-CN VN đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước trong mọi thời kỳ: giai đoạn đầu tiên sau khi được thành lập Bộ KH-CN (1959-1975), các công trình của các giáo sư Lương Đình Của, Bùi Huy Đáp... đã đảm bảo lương thực, thực phẩm cho hậu phương lớn ở miền Bắc và tiền tuyến miền Nam trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Các công trình của các nhà khoa học, như của giáo sư Đàm Trung Đồn, Vũ Đình Cự... về chống nhiễu ra-đa, chống bom và thủy lôi từ trường, góp phần quan trọng vào việc đánh bại chiến tranh phá hoại tại miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước.

Hiện nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, những kết quả nghiên cứu về giống, quy trình canh tác, phòng chống dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi đã tạo tiền đề cho nền nông nghiệp của VN cất cánh. Đất nước chúng ta đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về lúa, cafe, hạt điều..., các sản phẩm thủy sản như cá, tôm... Thành tựu trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí, năng lượng, công nghệ thông tin... đều mang đậm dấu ấn của hoạt động KH-CN

Với những kết quả như vậy, KH-CN đã khẳng định được vị trí quan trọng, không thể thiếu được trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói riêng và phát triển đất nước nói chung.

Một số ý kiến cho rằng, dường như chỉ thấy những “Hai Lúa” – “Kỹ sư chân đất” có những sáng tạo khoa học – kỹ thuật để đáp ứng một nhu cầu nào đó trong sản xuất của người nông dân... KH-CN đã có những đóng góp cụ thể như thế nào cho nông nghiệp của đất nước? - (Đào Thị Minh Công, 25 tuổi, Nữ , Yên Bái)

 - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Chúng ta rất vui mừng vì có nhiều bà con nông dân có những sáng kiến cải tiến KH và với những sáng kiến đó đã tạo được những sản phẩm: máy móc, thiết bị... phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt tại địa phương. Bộ KH-CN đã xác định có 5 lực lượng chính tham gia và đóng góp vào hoạt động KH-CN:

- Các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong các Viện nghiên cứu, các ĐH.

- Các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công trình sư làm việc trong các Doanh nghiệp, Nhà máy, Xí nghiệp.

- Những người dân yêu thích KH thuộc mọi thành phần, có năng lực thực hiện các sáng kiến cải tiến để tạo ra những sáng chế, máy móc, thiết bị.

- Đội ngũ các nhà quản lý (quản lý Nhà nước và Doanh nghiệp).

- Trí thức VN ở nước ngoài và người nước ngoài tại VN.

Như vậy, các "Kỹ sư chân đất" thuộc lực lượng thứ ba kể trên. Vì vậy, trong nhiều năm nay, Bộ KH-CN luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, cải tiến sáng kiến của họ; đồng thời, cũng dành sự tôn vinh xứng đáng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH-CN đã có những đóng góp chính như sau:

Thứ nhất, các nghiên cứu về giống đã tạo nền tảng vững chắc cho phát triển lương thực như lúa, ngô, lạc..., cây công nghiệp như cà fê, cao su...; phát triển thủy sản như cá tra, các loại tôm... có giá trị thương phẩm cao và có sản lượng xuất khẩu lớn.

Thứ hai, có đóng góp to lớn vào việc xây dựng mạng lưới thủy lợi trên toàn quốc, góp phần quan trọng giải quyết úng ngập, khô hạn; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai canh tác.

Thứ ba, tạo ra được những quy trình, giải pháp và các loại thuốc bảo vệ thực vật, động vật trong trồng trọt và chăn nuôi góp phần quan trọng trong việc phát triển các ngành trồng trọt và chăn nuôi, nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực- thực phẩm ngày càng tăng của nhân dân.

Thứ tư, xuất hiện nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực chế biến lương thực và thủy sản, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường sang những khu vực, quốc gia đòi hỏi các tiêu chuẩn cao về chất lượng như Mỹ, EU, Nhật Bản...

 

Có lần, Bộ trưởng phát biểu, “muốn khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phải hình thành những doanh nghiệp mạnh, tiên phong trong việc đổi mới công nghệ”, nhưng thực tế, các doanh nghiệp mạnh, tiên phong trong việc đổi mới công nghệ ở VN chưa nhiều...C òn những vướng mắc, trở ngại nào khiến DN ở ta chậm đổi mới công nghệ? Bộ KHCN sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?  (Cao Kim Kiên, 35 tuổi, Nam, Thái Bình).

 - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: KH&CN muốn trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì trước hết kết quả nghiên cứu của các nhà KH phải trở thành công cụ, phương tiện trong quá trình sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp. Tiếp theo, bản thân các nhà KH tạo ra những sản phẩm có thể là hữu hình hoặc vô hình, có giá trị thương mại, có thể trao đổi mua bán trên thị trường, khi đó, các nhà KH sẽ trở thành chủ thể của quá trình sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa.

Để có thể làm tốt cả hai chức năng này, cần có những DN có khả năng hấp thụ, làm chủ và sáng tạo công nghệ, hoặc cần có các tổ chức KH có năng lực thương mại hóa các sản phẩm của chính bản thân mình. Các DN KH&CN chính là lực lượng có thể làm tốt hai nhiệm vụ trên. Đây chính là mô hình doanh nghiệp mà tôi đã có lần đề cập tới, trên thế giới có thể thấy đó là các công ty ST-Electronics, Yahoo, Google, eBay, Facebook, Lenovo...

Bộ KH&CN đang triển khai chương trình "Ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp" trên toàn quốc; trước hết là trong các ĐH với các sinh viên, nghiên cứu sinh trẻ. Họ sẽ được làm việc với các nhà KH có tinh thần DN, được nhận các tư vấn bởi các nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm thành đạt, được nhận sự tài trợ từ các quỹ, trong đó có Qũy Đầu tư Mạo hiểm, Qũy Phát triển KH&CN.

Hiện nay, có hàng trăm DN loại này và hy vọng trong thời gian tới, số lượng các doanh nghiệp này có thể đạt tới hàng nghìn. Với một đặc điểm là tốc độ phát triển của các doanh nghiệp rất nhanh, sản phẩm của họ có giá trị gia tăng lớn, các doanh nghiệp này sẽ làm được vai trò đi tiên phong trong việc đổi mới, sáng tạo công nghệ, góp phần nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.

Theo Nghị định số 62/2008/NĐ-CP ngày 12/05/2008 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao cho đất nước theo quy định của pháp luật. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, quan trọng trong việc phát triển KH - CN của đất nước... Ông có thể điểm lại tình hình hoạt động và những đóng góp của Viện trong thời gian qua?

- GS Châu Văn Minh: Tháng 5/2010 tới đây, Viện KHCNVN sẽ tròn 35 tuổi... Điểm lại 5 năm gần đây, tôi chỉ xin điểm qua một số công trình có ý nghĩa mà Viện đã thực hiện. 

 Viện đã liên tục chủ trì thực hiện các đề tài điều tra, nghiên cứu trong Chương trình Biển Đông – Hải Đảo. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học, căn cứ để cùng Bộ ngoại giao và các bộ ngành khác trong việc đàm phán với Malaysia, Phillipin, Trung Quốc trong việc phân định ranh giới ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, qua đó thực thi chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài ra các kết quả nghiên cứu trong điều tra về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, thiên tai và biển đã tạo cơ sở dữ liệu có giá trị lâu dài và không thể thiếu trong xây dựng các chiến lược, qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Viện đã thành lập Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần từ tháng 10/2007, cho phép ghi nhận liên tục và cảnh báo các trận động đất có cường độ mạnh hơn 3,5 độ Richter xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ ngay sau khi có tín hiệu vài phút. Ví dụ Năm 2009 Viện đã phát hiện và cảnh báo 3 đợt động đất ở Sơn La trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan hữu quan. Chấn tâm động đất cách khu vực đập thủy điện Sơn La khoảng 37 km. Mặc dù các trận động đất trên không thiệt hại về người và của, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cho khu vực đặc biệt là vùng đập thủy điện Sơn La. Viện đang có đề án xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc động đất cảnh báo sóng thần trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Viện đã thành lập Viện CN Vũ trụ và triển khai chương trình KHCN trọng điểm về CN vũ trụ. Đang thực hiện dự án VNREDSaT-1 và dự kiến phóng vệ tinh nhỏ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất vào năm 2012.
 Viện đã thành lập Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, thực hiện quy hoạch mạng lưới bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và từng bước xây dựng hệ thống bảo tàng thiên nhiên của Việt nam
 Viện đã có nhiều thành công trong việc ứng dụng công nghệ gen, tế bào động - thực vật, công nghệ vi sinh… Nhiều sản phẩm công nghệ vật liệu mới, vật liệu tiên tiến đã được dùng trong công, nông nghiệp. 

Viện là đơn vị đi đầu trong cả nước về nghiên cứu cơ bản. Trong 5 năm gần đây, Viện đã công bố hơn 5000 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế, trong đó có gần 1000 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế chất lượng tốt được liệt kê trong danh sách của Viện thông tin khoa học quốc tế ISI. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực thì con số này vẫn đang khiêm tốn. Nhưng nếu tính kết quả trên tổng đầu tư thì thành tích của Viện về nghiên cứu cơ bản là hiệu quả đáng ghi nhận.     

 Hàng năm Viện thực hiện hàng trăm hợp đồng KHCN với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên công tác chuyển giao công nghệ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kết quả nghiên cứu của Viện.  

 

GS Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm ủy ban KHCN MT của Quốc hội.

Kính thưa GS. Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm ủy ban KHCN MT của Quốc hội, với tư cách là Phó chủ nhiệm ủy ban KHCN MT của Quốc hội và ở góc độ của mình, ông đánh giá thế nào về tình hình hoạt động KH-CN của nước nhà? (Vũ Thế Phương, 46 tuổi, Nam, Thái Nguyên)

- GS. Nguyễn Đăng Vang: Nói đến hoạt động KHCN, chúng ta thường suy nghĩ đây chỉ là công tác nghiên cứu KH ở các viện nghiên cứu, các ĐH và một số DN. Về mặt xã hội, chúng ta lại muốn KH phải đóng góp thiết thực và ứng dụng vào sản xuất. Thực tế nghiên cứu KH mới chỉ là công đoạn một trong hoạt động KHCN nói chung. 

Công đoạn hai là phải chuyển tải KH và lưu thông kết quả đó. Chúng ta có thể nhận biết được thông qua các bài báo, hội nghị KH, nhưng điều đó vẫn chưa thể hình thành thị trường. Nếu không có thị trường mua bán công nghệ, thì KH không thể phát triển. Việc quan trọng là phải lưu thông, chuyển tải kết quả nghiên cứu KH thành hàng hóa. Công đoạn này  thể hiện  ở các giải pháp hữu ích độc quyền, thường là đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT.

Công đoạn ba là KHCN ứng dụng thành hàng hóa để phục vụ cho con người. 

Cuối cùng, công đoạn bốn là hàng hóa đó đạt chất lượng như thế nào, có được người tiêu dùng chấp nhận hay không.
 
Nếu nhìn nhận hoạt động KHCN theo cách phân loại trên, chúng ta thấy có những công đoạn được đánh giá khác nhau. Có một số ý kiến cho là tốt, có ý kiến chưa đồng tình, nhất là ở công đoạn nghiên cứu. Nhưng nếu nhìn nhận ở sản phẩm hàng hóa cuối cùng đến người tiêu dùng thì các sản phẩm hàng hóa của chúng ta đang có sức cạnh tranh tốt trên thị trường và đáp ứng tốt cho tiêu dùng. Theo tôi, KHCN Việt Nam đang có bước tiến bộ vượt bậc!

Xin lấy ví dụ cụ thể: Để có một công trình thủy điện Sơn La đang xây dựng hiện nay, thì công đoạn nghiên cứu đã được tiến hành cách đây 20 năm. Và đến giờ, đây là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Việc xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu - công trình quan trọng quốc gia- cũng phải được chuẩn bị, nghiên cứu trước 20 năm. Theo tôi, các công trình nghiên cứu KH để đi vào sản xuất trung bình phải mất nhiều năm, và không phải công trình nào cũng thành công. Nếu thành công, hiệu quả kinh tế của mỗi công trình mang lại rất lớn. 

Theo một đánh giá của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, năng lực KHCN quốc gia nói chung còn thấp, quy mô nhỏ hẹp. Điều tra tiềm lực KHCN của Bộ KH&CN cũng cho thấy, tuổi đời của cán bộ khoa học khá cao, hầu hết là giáo sư và phó giáo sư gần 60 tuổi, số dưới 50 tuổi chỉ chiếm 12%. Số lượng tiến sĩ hơn 10.000 người nhưng trình độ so với chuẩn quốc tế rất thấp, chỉ khoảng 25% số cán bộ khoa học có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và chúng ta đặc biệt thiếu các chuyên gia và tổng công trình sư. Ủy ban cùng với Bộ KH&CN, các cơ quan chức năng phối hợp như thế nào để thúc đẩy KHCN phát triển? (Phan Ngọc Hà, 35 tuổi, Nữ, Hải Dương)

GS. Nguyễn Đăng Vang: Những con số trên là thực tế, nhưng còn thiếu số liệu điều tra tại các doanh nghiệp. Hiện nay, có sự dịch chuyển lớn cán bộ nghiên cứu từ các viện sang doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn. Mỗi năm có thêm 1 triệu sinh viên ĐH thì sau 4 năm, chúng ta sẽ có lực lượng KHCN khoảng 1 triệu người.

Nói đến hoạt động khoa học thì phải nói đến nguồn lực, bao gồm: kinh phí, đầu tư và nguồn nhân lực. Kinh phí đầu tư thấp (2% chi tiêu ngân sách), cả lương cho cán bộ mới ra trường với hệ số 2,34 thì sau khi trừ các khoản đóng bảo hiểm, họ thực tế chỉ nhận được 1,1 triệu đồng mỗi tháng. Phần lớn các viện nghiên cứu có thêm các nguồn thu khác thì thu nhập của người mới ra trường cũng chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng là phổ biến. Trong khi, các doanh nghiệp, như Viettel hay VNPT có thể trả cho cử nhân mới tốt nghiệp từ nước ngoài về là 10 - 15 triệu đồng một tháng.

Sự dịch chuyển này làm cho công đoạn nghiên cứu của hoạt động KH&CN tại các viện nghiên cứu thực tế gặp khó khăn, nhưng nhìn toàn bộ bốn công đoạn thì lại là một cách chuyển giao nhanh KH&CN vào sản xuất. Để tháo gỡ khó khăn tại các viện Nghiên cứu, thì đầu tư cho nghiên cứu, trả lương cho cán bộ nghiên cứu phải được cao hơn nhiều so với mức hiện nay, thì mới giữ được lực lượng này tại các viện.

Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường như: tình hình thực hiện nhiệm vụ, phân bổ và quản lý ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan... Ông có thể điểm lại những vấn đề mà Ủy ban đã tham gia trong chức trách của mình, như tình hình ngân sách cho KHCN; việc ban hành các quy phạm pháp luật trong hoạt động KHCN? (Nguyễn Thu Giang, 28 tuổi, Nữ, Đồng Nai)

- GS. Nguyễn Đăng Vang: Ủy ban KHCNMT của QH được giao thẩm tra các dự án lớn, do Chính phủ trình. Các dự án luật đó là Luật KHCN, Luật chuyển giao tiến bộ KH, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Công nghệ cao, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật tần số vô tuyến điện...Các luật này đang được vận dụng trong sản xuất, kinh doanh và trong hoạt động nghiên cứu KH. Trong quá trình vận dụng, một số dự án luật đã được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Ngoài ra, có một số luật không hoàn toàn cho KH nhưng có một số chương, điều cho hoạt động KH, như là Luật Ngân sách...

Về vấn đề ngân sách, cùng với Ủy ban Ngân sách của QH, Ủy ban KHCNMT làm việc với các bộ có liên quan như Bộ KH&CN, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính...để đảm bảo cấp đủ 2% chi tiêu ngân sách quốc gia hàng năm cho hoạt động KHCN. Sự phân bổ ngân sách nghiên cứu KH được cấp cho các cơ quan TƯ và các nghiên cứu KH địa phương.

Ủy ban cũng giám sát các hoạt động KHCN tại các viện nghiên cứu, các ĐH, một số doanh nghiệp lớn có nhận kinh phí của Nhà nước cho nghiên cứu KH.

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc ngân sách chi cho KH - CN... Có dư luận cho rằng, ngân sách chi cho KH - CN như hiện nay là phù hợp, mức chi ngân sách cho KH - CN thấp... Vấn đề đặt ra là việc sử dụng kinh phí Nhà nước cho KH&CN sao cho hiệu quả... Ớ góc độ Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?, (Trần Văn Bằng, 43 tuổi, Nam , Ba Đình, Hà Nội)

- GS. Nguyễn Đăng Vang: Về câu hỏi này, đúng là có ý kiến cho rằng kinh phí cho KH là quá nhiều, mà không hiệu quả. Có ý kiến lại nói là thấp và đang có hiệu quả. Theo tôi, thì kinh phí hiện nay là quá thấp. Nếu nói 2% GDP chi tiêu ngân sách thì tương đương với 0,4% GDP (của năm 2009) và 0,3% (2007). Theo số liệu đã được quyết toán trình QH trong tháng 6 vừa qua, thì năm 2007 đã chi tiêu cho KHCN là 2.307 tỷ đồng tại các Viện nghiên cứu TƯ, 626 tỷ đồng tại 64 tỉnh thành (nay là 63 tỉnh, thành). Nhưng các nước khác ví dụ như Hàn Quốc, kinh phí đầu tư cho KH là trên 5% GDP. Số tương đối chênh lệch gấp khoảng 12 lần (0,4% GDP). Nhưng so sánh tuyệt đối, thì Hàn Quốc đầu tư trên 50 tỷ USD, trong khi của Việt Nam chúng ta là khoảng 500 triệu USD năm 2009, chênh lệch 100 lần. Năm 2005, Mỹ đầu tư 308 tỷ USD cho KH, thời điểm đó Việt Nam đầu tư khoảng 300 triệu USD, gấp 1.000 lần, còn dân số Mỹ chỉ gấp 4 lần dân số nước ta. Tất nhiên so sánh là khập khiễng, nhưng rõ ràng kinh phí đầu tư lớn đã giúp cho Hàn Quốc phát triển kinh tế với một tốc độ được nhiều nước khâm phục. Xin được nói thêm rằng, nếu chúng ta muốn đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển, thì KHCN áp dụng vào thời điểm đó, do Việt Nam sáng tạo phải được tiến hành nghiên cứu từ bây giờ. Đương nhiên, KH&CN không phải chỉ là nghiên cứu như đã nói ở trên, KHCN còn là hoạt động mua bán công nghệ, chuyển giao công nghệ, áp dụng công nghệ vào sản xuất, thì chúng ta còn phải có kinh phí để khuyến khích nhập công nghệ mới, thích nghi công nghệ mới đó cho phù hợp với Việt Nam, vì thực tiễn không ai chờ đợi kết quả nghiên cứu dài như vậy để phát triển sản xuất. Nguồn kinh phí này vừa qua chưa được sự ủng hộ, nguồn này phải đưa thẳng vào doanh nghiệp. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, nếu nhập công nghệ mới vào, công nghệ cao, thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí 40% cho năm đầu tiên của chính sách và giảm dần hiện nay là 30%. Ở Hàn Quốc, hỗ trợ công nghiệp hóa nông thôn cho máy móc, Nhà nước hỗ trợ 30%. Việt Nam có Nghị định 119, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ, để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng. Gần đây, để đối phó với khủng hoảng kinh tế, Việt Nam đã dành 17.000 tỷ đồng để trợ giúp các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi 4%. Đến nay cũng đã hết thời hạn. Chúng tôi cho rằng, muốn để Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế cao trong dài hạn, thì phải có quan điểm đầu tư kinh phí mạnh  hơn cho KHCN mạnh hơn ngay từ bây giờ.

Về sử dụng hiệu quả kinh phí, phải đổi mới về phương thức quản lý để các nhà KH được chủ động chi tiêu theo đề cương nghiên cứu được đề ra. Có một tỷ lệ kinh phí nghiên cứu mạnh dạn đưa thẳng đến các doanh nghiệp để KH đi thẳng vào sản xuất, rút ngắn thời gian thử nghiệm, thì hiệu quả đầu tư cho KH sẽ cao hơn.

Ngày 14/5/2009, Hội nghị trực tuyến phổ biến triển khai Luật Công nghệ cao (CNC) được Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức tại 6 điểm: Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các trường ĐH: Vinh, Đà Nẵng, Khoa học Tự nhiên TP HCM, Cần Thơ. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các Khu công nghệ cao ở nước ta trong thời gian qua? Luật CNC được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009 sẽ tạo điều kiện như thế nào để trong thực tế, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ nhanh chóng nắm bắt các công nghệ tiên tiến, ứng dụng CNC vào phát triển kinh tế, phục vụ đời sống? - (Nguyễn Hà Anh, 22 tuổi, Nữ , Mai Động, Hà Nội).

GS Nguyễn Đăng Vang: Luật Công nghệ cao đã được QH thông qua tháng 11/2008 và có hiệu lực từ 1/7/2009, đến nay mới được nửa năm, chưa kịp để được thử thách, cũng như chưa có cuộc giám sát nào đối với Luật này.

Tuy nhiên, khi tiến hành thẩm tra dự án Luật để trình QH thông qua, chúng tôi có đến các khu công nghệ cao như khu Phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao Thủ Đức (TP HCM), Khu KCN Tân Tạo (TP HCM), Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Bình Dương để thăm các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao của Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore... Thực tế, doanh nghiệp công nghệ cao không chỉ kinh doanh tại các Khu công nghệ cao, mà còn kinh doanh ở các khu không thuộc khu công nghệ cao.

Kinh nghiệm của nước Mỹ, của CHLB Đức...,  tất cả doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ cao thì mới có thể cạnh tranh về mặt chất lượng cũng như giá cả trên thế giới. Các Khu công nghệ cao của chúng ta tuy có quyết định thành lập từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh như mong muốn.Theo tôi, kỳ vọng tất cả công nghệ cao phải nằm trong khu công nghệ cao là không nên bắt buộc. Năm 2008, chúng ta xuất khẩu 2.638 triệu USD hàng điện tử, máy tính, gấp trên 3 lần so với 5 năm trước (năm 2003 là 854 triệu USD). Năm 2009, tuy xuất khẩu của nước ta nói chung giảm khoảng 10% nhưng xuất khẩu hàng điện tử, máy tính vẫn tăng trên 5%, đạt 2.774 triệu USD. Sản phẩm này, không phải từ các Khu công nghệ cao.

Một vấn đề được dư luận quan tâm là vấn đề sở hữu trí tuệ... Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 của Nhà nước Việt Nam đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm hình thành từng bước vững chắc thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học, công nghệ và các thị trường khác của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Việc hoàn thiện pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xem xét, nghiên cứu, giải quyết như thế nào về mặt luật pháp? - (Phạm Tuấn Anh, 32 tuổi, Nam , Ninh Bình)

- GS. Nguyễn Đăng Vang: Khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì một trong những yêu cầu mạnh của các thành viên Tổ chức này mà Việt Nam phải thương thảo lúc đó là phải có Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT). Lần đầu tiên chúng ta có Luật đó, cho nên, Chính phủ đã rất công phu để soạn thảo Dự án Luật này. Ủy ban KHCN Môi trường cũng đã khảo sát ở một số nước, trong đó, có Mỹ để hoàn thiện dự án này. Ủy ban KHCN Môi trường của QH mới phối hợp với ban soạn thảo của Chính phủ thẩm tra, sửa đổi và hoàn thiện Dự án Luật. Ngày 29 tháng 6 năm 2009, Luật SHTT đã được sửa đổi và bổ sung một số điều để phù hợp với thực tế. 

Có thể nói, từ khi có Luật SHTT, chúng ta có những bước tiến bộ đáng kể đối với thị trường KHCN, số giải pháp hữu ích độc quyền được cấp trong 4 năm gần đây tăng gấp hơn 2 lần 4 năm trước đó (179 so với 76). Năm 2007, đơn yêu cầu bảo hộ bằng sáng chế và giải pháp hữu ích tại Cục SHTT của nước ta là 339, đứng thứ 3 sau Mỹ, Nhật Bản (Mỹ: 738, Nhật: 425, Đài Loan:247, Hàn Quốc: 174...). Số lượng bằng sáng chế 4 năm gần đây gấp 3 lần 4 năm trước đó (127 so với 43).

Mỗi năm, các licence của Việt Nam bán cho Việt Nam và Việt Nam bán cho nước ngoài là 127 licence, của nước ngoài bán cho nước ngoài tại Việt Nam là 8 (gấp 15 lần). Cho nên có thể nói, Luật SHTT đã đóng góp cho thị trường KHCN trong bảo hộ bằng sáng chế và giải pháp hữu ích có hành lang pháp lý.

“Hiện nay, để tạo ra 1.000 USD GDP, Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 600 kg dầu quy đổi, con số này đang cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan và gần gấp hai lần so với mức bình quân chung của thế giới. Ngành điện Việt Nam mỗi năm phải tăng trưởng 15 - 17% mới đáp ứng được yêu cầu tăng 6 - 8% GDP, trong khi bình quân thế giới để tăng 1% GDP thì cũng chỉ tăng 1,2 - 1,5% năng lượng tiêu thụ...” . Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Ông có thể cho biết rõ hơn quá trình tham gia của Ủy ban vào việc chuẩn bị và hình thành Luật trên?, (Nguyễn Hoàng Cảnh, 29 tuổi, Nam , Quảng Ninh).

- GS Nguyễn Đăng Vang: Từ tháng 7/2009, Ủy ban KHCN Môi trường của được giao thẩm tra Dự án Luật tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Quá trình thẩm tra cho thấy, đây là một Dự án rất quan trọng.

Từ 30 năm trước, Nhật Bản có Luật tiết kiệm năng lượng (tra lại) và nhờ vào chính sách dài hạn về tiết kiệm năng lượng do Đạo Luật này ban hành, mà vào thời điểm giá dầu lửa cao trên 100 USD/thùng (2008), thì ưu thế thiết bị tiêu hao năng lượng của Nhật Bản đã có lợi thế chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Đối với Việt Nam, các vị đại biểu QH đã cho ý kiến lần đầu sau khi có Dự thảo Luật thì cơ bản được đồng tình. Tuy nhiên, giải pháp khuyến khích sáng tạo và sử dụng các thiết bị tiêu hao ít năng lượng được các vị đại biểu đòi hỏi phải được thể hiện rõ hơn trong Dự án Luật. Ngoài ra, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời...), vấn đề tiết kiệm năng lượng khoáng sản (dầu và than đá), cũng được nhiều đại biểu đề cập nên bổ sung vào Dự án Luật. 

Trong Kỳ họp thứ 7 QH Khóa XII được tiến hành vào cuối tháng 5 và tháng 6, Dự án luật sẽ được QH thảo luận và thông qua. Hiện nay trong quá trình thẩm tra, chỉnh sửa và hoàn thiện. Chúng tôi hy vọng, sau khi được ban hành, những chính sách do Dự thảo Luật này đưa ra sẽ tạo hành lang pháp lý để giúp sử dụng năng lượng của nước ta có hiệu quả.

Thưa ông Châu Văn Minh, tôi đi một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... hay Đức, Phắp, Mỹ... đều có Viện Bảo tàng khoa học nhằm giáo dục lòng say mê khoa học cho công chúng. Tôi nghe nói ở ta đang lập Viện Bảo tàng thiên nhiên nhưng gặp khó khăn vì xin đất mà không được. Thực chất, do ta chưa ý thức được tầm quan trọng của Viện bảo tàng hay còn vì lý do nào khác? Hay ta thiếu chuyên gia trong lĩnh vực này? Tôi có những tìm hiểu nhất định trong lĩnh vực này và muốn có vài ý kiến cho Viện, ông có sẵn sàng lắng nghe và hồi âm không? Tôi có thể liên hệ với Viện qua địa chỉ email nào? (Trần Thanh Hoài, 60 tuổi, Nam , Cảnh Viên 2, Phú Mỹ Hưng, Q.7 - TP HCM)

 - GS Châu Văn Minh: Câu hỏi của ông liên quan đến bảo tàng thiên nhiên, tôi vừa trả lời một bạn đọc khác. Xin mời ông tham khảo. Nếu ông có những ý kiến hay trong việc xây dựng bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng lắng nghe. Ông có thể gửi trực tiếp ý kiến đóng góp cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (thuộc Viện khoa học công nghệ Việt  Nam) theo địa chỉ 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội hoặc liên hệ qua địa chỉ email cho đồng chí Giám đốc - Phó GS,TS Phạm Văn Lực: lucvp@vast.ac.vn. Xin cám ơn sự quan tâm của ông.

Chào GS Châu Văn Minh, đọc trên website của Viện KHCN VIệt Nam, tôi có thấy thống kê số liệu về các nhà khoa học của Viện... Nhưng tôi không thấy thống kê về số lượng nhà khoa học nữ. Thoi gian qua, tôi đọc trên báo và được biết có không ít những nhà khoa học nữ đạt được những thành tích nghiên cứu xuất sắc... Ông có thể cho biết về tình hình các nhà khoa học nữ ở Viện: số lượng (nếu có thống kê). Họ đã có những đóng góp như thế nào đối với sự phát triển của Khoa học nước nhà trong những năm gần đấy? Xin cảm ơn ông nếu ông có thể cho ý kiến trả lời về việc này - (Nguyen Thị Trâm Anh, 43 tuổi, Nữ , Mỹ Đình, Hà Nội)

- GS Châu Văn Minh:  Xin cám ơn câu hỏi của bạn Trâm Anh. Hiện nay, cán bộ nữ của Viện KHCNVN chiếm 30,5% tổng số cán bộ trong biên chế. Tỷ lệ cán bộ nữ có trình độ cao của Viện KHCNVN như sau: GS,PGS chiếm 18,75% tổng số GS,PGS của Viện, TS và TSKH chiếm hơn 20%.

Các nhà khoa học nữ của Viện KHCNVN đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của Viện. Nhiều cán bộ nữ là lãnh đạo cấp Viện và các phòng chuyên môn, một số chị em là chuyên gia đầu ngành. Nhiều cán bộ nữ đã đạt được các giải thưởng khoa học công nghệ trong nước và quốc tế.

Tôi được biết VIện KHCN VIệt Nam có nhiều nghiên cứu mang tính thực tế cao, có thể ứng dụng vào sản xuất, nhưng điều tôi quan tâm là việc chuyển giao công nghệ. Trong thực tế, doanh nghiệp khi cần công nghệ phục vụ cho sản xuất ở đơn vị mình, họ cũng phải đôn đáo chạy khắp nơi tìm kiếm những nơi có công nghệ mà mình đang cần... dường như doanh nghiệp và nhà khoa học vẫn còn khó gặp nhau lắm... theo ông, nguyên nhân là do đâu? Viện có nghĩ đến phương cách nào thích hợp để tiếp thị công nghệ do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu đến với doanh nghiệp? - (Quách Thành Thuận, 35 tuổi, Nam , Bình Dương)

- GS Châu Văn Minh: Công tác ứng dụng và triển khai công nghệ vào thực tế là một trong những hoạt động được Viện KHCNVN đặc biệt quan tâm, nhất là trong những năm gần đây. Viện đã triển khai nhiều chương trình hợp tác với các doanh nghiệp, các địa phương trong cả nước. Ví dụ, năm 2009, các đơn vị của Viện đã thực hiện khoảng 700 hợp đồng với các doanh nghiệp, địa phương trong cả nước với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng. Nhiều chương trình phối hợp với địa phương và doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao. Ví dụ, Viện đã và đang phối hợp với công ty cổ phần Rạng Đông trong việc tối ưu hóa quy trình công nghệ chế tạo đèn huỳnh quang hiệu năng cao. Viện đã nghiên cứu hai phương pháp đo nhiệt độ tóc đèn là phương pháp quang phổ  và phương pháp đo điện trở nóng. Ngoài ra, viện còn đang thử nghiệm những giải pháp phù hợp với dây chuyền công nghệ của đèn huỳnh quang Rạng Đông. Viện cũng tiến hành hai phương pháp xác định hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang. Viện cũng sử dụng phương pháp này để xác định nguyên nhân dẫn đến tuổi thọ ngắn của đèn huỳnh quang. Kết quả đã được chuyển giao cho công ty Rạng Đông, kéo dài tuổi thọ của bóng đèn huỳnh quang từ 1.000 giờ lên 5.000 giờ. Ngoài ra, Viện đã tư vấn cho công ty Rạng Đông một chủng loại đèn mới phát sáng nhanh. Năm 2009, công ty lần đầu tiên, sử dụng công nghệ của Viên KHCNVN, sản xuất và xuất khẩu 6 triệu bóng đèn sang thị trường Brazil.

Đó chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều công  nghệ Viện đã chuyển giao thành công trên các lĩnh vực như thủy sản, nông  nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới...Tuy nhiên, việc chuyển giao kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học đến doanh nghiệp vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên  nhân. Thứ nhất, các nhà quản lý, các nhà khoa học của Viện chưa thực sự năng động. Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư để phát triển công nghệ cho doanh nghiệp mình. Thứ ba, đôi khi cũng có những trường hợp nhà khoa học và doanh nghiệp gặp  nhau, song do thiếu cơ chế phù hợp để thúc đẩy nên việc chuyển giao còn nhiều khó khăn.

Tôi xin đơn cử ví dụ, năm 2009, Viện KHCNVN có bằng sáng chế về vật liệu nano được một doanh nghiệp thỏa thuận hợp tác để thành lập một liên doanh công nghệ cao. Mặc dù Viện đã nhận được sự ủng hộ rất cao của Bộ KHCN, song việc xác định giá trị của sáng chế còn phức tạp và mất nhiều thời gian vì chưa có tiền lệ. Trong khi đó, đối với lĩnh vực công nghệ cao, vấn đề thời gian đóng vai trò quan trọng.

 

 

 

GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam.

Đội ngũ khoa học, nhà chuyên môn ở Viện khá hùng hậu. Ông có thể cho biết thêm về tình hình nguồn nhân lực KH - CN hiện nay? Ông có trăn trở gì về việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trẻ đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển KH của đất nước trong thời gian tới?

 - GS. Châu Văn Minh: Viện KHCNVN là một cơ quan NCKH hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản  và phát triển công nghệ. Viện có đội ngũ cán bộ khoa học với 2.500 cán bộ trong biên chế, trong đó, có 48 GS, 193 PGS, gần 700 TSKH và TS. Đây là một nguồn nhân lực có trình độ cao rất đáng tự hào của Viện. Đội ngũ này đã đóng vai trò đầu tàu của Viện trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công tác đào tạo sau ĐH và triển khai công nghệ không những trong Viện mà còn ở nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong khắp cả nước. Đặc biệt trong nghiên cứu cơ bản, Viện có số lượng công trình công bố dẫn đầu cả nước, cụ thể:

- Từ 2004 đến 2008: Viện công bố 3.985 công trình trên các tạp chí quốc tế và quốc gia, trong đó có 1206 bài báo quốc tế với 725 bài nằm trong danh mục SCI và SCI-E, chiếm gần 50% tổng số công bố quốc tế của cả nước trong nghiên cứu cơ bản.

-  Năm 2009, số công bố tăng trên 20%, trong đó tạp chí quốc tế tăng trên 50%, so với năm 2008. 

Vừa qua, công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản chương trình Langland” của giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, Viện Toán học đã được tạp chí danh tiếng Time (Mỹ) bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu năm 2009. Hiện nay, Viện có 18 cơ sở đào tạo sau đại học và đã đào tạo được 636 TS và 1216 Ths. Trong đó, 10 năm đầu (1986-1996) đã đào tạo được 173 TS, 21 Ths; 12 năm trở lại đây (1997-2008) đã đào tạo được 463 TS, 1195 Ths. Đây cũng là một đóng góp không nhỏ vào việc đào tạo cán bộ khoa học trẻ cho đất nước.

Tuy nhiên, số cán bộ có trình độ cao tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM và nếu xét về độ tuổi, lực lượng cán bộ trẻ, kế cận chiếm tỷ lệ thấp. Số cán bộ có trình độ cao (GS, PGS, TSKH) của Viện KHCNVN ở độ tuổi dưới 50 chỉ chiếm 13,1%, trong khi đó lực lượng này ở độ tuổi trên 50 chiếm tới 86,9%. Điều này cho thấy yêu cầu đào tại cán bộ trẻ càng trở nên cần thiết.

Hiện nay, Viện KHCNVN có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ khoa học trẻ, như: chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ có những ưu tiên cụ thể. Các cán bộ trẻ có học vị tiến sỹ được ưu tiên xét tuyển vào biên chế, được tham gia tích cực vào các đề tài nghiên cứu khoa học, được ưu tiên trao đổi hợp tác quốc tế.

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới phát triển vô cùng nhanh chóng, nếu chúng ta không chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có trình độ cao đủ mạnh thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hội nhập với thế giới và khu vực về khoa học và công nghệ. Viện đã có chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, không những bằng cách đào tạo trong nước mà chủ động đào tạo ở nước ngoài thông qua các dự án, đề tài hợp tác quốc tế. Tôi hy vọng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bằng những chính sách tích cực, đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao ngày càng phát triển và từng bước đáp ứng được cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Trong giai đoạn 2001-2006, Viện được Nhà nước đầu tư một số phòng thí nghiệm trọng điểm. Ông có thể cho biết hiệu quả hoạt động của những phòng thí nghiệm trọng điểm này? - (Hoàng Tuấn Ngọc, 32 tuổi, Nam , Thanh Xuân, Hà Nội)

 - GS. Châu Văn Minh: Với tiềm lực của mình và sự quan tâm của Bộ KHCN, Viện KHCNVN được đầu tư bốn Phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) trong tổng số 18 PTNTĐ được đầu tư trong toàn quốc. Đó là các PTN trọng điểm về: Công nghệ gen, công nghệ mạng và đa phương tiện, vật liệu và linh kiện điện tử, công nghệ tế bào thực vật. Đây là chủ trương đúng của Nhà nước và Bộ KH&CN trong việc tăng cường đầu tư tiềm lực khoa học công nghệ, nhằm từng bước theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

Có thể nói cả bốn PTNTĐ của viện đã được đầu tư theo đúng quy định của nhà nước và đã có đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu cơ bản trình độ cao cho Viện, đặc biệt là PTNTĐ về Công nghệ gen và PTNTĐ về vật liệu và linh kiện điện tử.  Với trang bị của PTNTĐ, các công trình khoa học công bố đạt tiêu chuẩn quốc tế trong những năm gần đây đã được tăng cường mạnh mẽ. Chẳng hạn năm 2009, Viện có 1300 công bố, trong đó có trên 250 công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, tăng hơn 50% so với năm trước. Công tác hợp tác quốc tế trao đổi khoa học của các đơn vị có PTNTĐ được tằng cường. PTNTĐ về công nghệ Gen đã có kết quả, đóng góp rất tốt cho công tác giám định gen cho hài cốt liệt sỹ. PTNTĐ vật liệu và linh kiện điện tử đã kết quả tốt về vật liệu nano đã được cấp bằng sáng chế phát minh và đã được công ty bên ngoài hợp tác thành lập doanh nghiệp công nghệ cao. Đây là khởi điểm tốt cho việc đưa các kết quả nghiên cứu về công nghệ cao, sản phẩm của PTNTĐ vào cuộc sống.

Viện đang tập trung nghiên cứu lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Đây là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Xin ông cho biết một số nhiệm vụ lớn Viện đang triển khai trong lĩnh vực này? Ta đang có những hợp tác quốc tế nào trong lĩnh vực này?, (Nguyễn Hồng Hải, 56 tuổi, Nam, Hà Nam)

- Ông Châu Văn Minh: Khoa học Công nghệ Vũ trụ là ngành quan trọng, mang tính công nghệ cao và đa ngành. Việt Nam không thể không quan tâm đến lĩnh vực này. Là cơ sở KHCN lớn nhất cả nước, Viện KHCNVN tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong chiến lược nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là: triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng và phóng vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và môi trường, với các nội dung chính: thiết kế, chế tạo, phóng vệ tinh VNREDSAT-1; đào tạo cán bộ để thực hiện chuyển giao công nghệ; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở mặt đất của vệ tinh gồm: trạm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh (tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc), Trung tâm Điều hành và lưu trữ dữ liệu dự phòng tại 18 Hoàng Quốc Việt, Nâng cấp Trạm thu và Trung tâm xử lý ảnh thuộc Trung tâm Viễn thám Quốc gia (xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) và hệ thống thông tin liên lạc kết nối ba cơ sở này với nhau. Viện quyết tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch dự kiến phóng thành công vệ tinh vào năm 2012. Ngoài ra, Viện sẽ thực hiện việc Chủ trì và triển khai thực hiện các đề tài KHCN cấp Nhà nước về Công nghệ vũ trụ; hoàn chỉnh, trình Bộ KHCN khung chương trình KHCN vũ trụ cho giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020.

Viện đã và đang thiết lập các quan hệ quốc tế về lĩnh vực này, đó là hợp tác với Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Bỉ và một số tổ chức khoa học công nghệ khác trên thế giới. Đặc biệt, ngày 12/11/2009, Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ký Nghị định thư tài chính tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp, trong đó, Pháp sẽ cấp vốn ODA để thực hiện dự án Thiết kế, chế tạo, phóng vệ tinh VNREDSaT-1.

 

 

Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học từng đề xuất xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam... nhưng nghe nói gặp nhiều trở ngại, trong khi đây lại là một hướng tốt nhằm giáo dục lòng yêu khoa học, thiên nhiên ở người VN? Ông có ý kiến gì về việc này?

GS. Châu Văn Minh: Đây là một hoạt động khoa học công nghệ và giáo dục mới mẻ ở nước ta và là một hoạt động quan trọng và truyền thống ở các nước phát triển. Bảo tàng thiên nhiên vừa để bảo tồn, nghiên cứu thiên nhiên Việt Nam và thế giới, vừa để đào tạo giáo dục cho nhân dân và thế hệ trẻ về lòng yêu thiên nhiên đất nước, ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường, thiên nhiên của đất nước. Chính phủ đã thống nhất chủ trương này và đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Viện KHCNVN đã thành lập Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, thực hiện quy hoạch mạng lưới bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và từng bước xây dựng hệ thống bảo tàng thiên nhiên của Việt nam.

Rất tiếc là trong quá trình thực hiện, một số địa phương và cơ quan vẫn chưa có sự quan tâm đầy đủ để phối hợp với Viện triển khai kịp thời và đúng tiến độ các nhiệm vụ quan trọng đưọc đề ra trong quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong khi chưa có điều kiện để xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam quy mô lớn theo quy hoạch, Viện KHCN VN đã có kế hoạch đầu tư dự án xây dựng phòng trưng bày mẫu của Bảo tàng Thiên nhiên VN ở cơ sở của Viện, 18 Hoàng Quốc Việt – Hà Nội. Viện sẽ tiếp tục rà soát, nâng cấp hệ thống các bảo tàng thuộc Viện KHCN VN nhằm từng bước  triển khai thực hiện Đề án “Quy hoạch hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ giao Viện KHCNVN. Triển khai thực hiện Dự án xây dựng Bộ sưu tập mẫu quốc gia, hoàn thiện và triển khai Dự án Biên soạn và xuất bản bộ sách “Các giá trị độc đáo của thiên nhiên Việt Nam”. Viện đã tư vấn xây dựng 2 dự án Đầu tư xây dựng Bảo tàng Lâm nghiệp Việt Nam và Bảo tàng Thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung tại Huế; tổ chức hội thảo Xây dựng cơ chế phối hợp, mạng lưới cung cấp mẫu vật cho các bảo tàng và xây dựng cơ chế hợp tác giữa Bảo tàng Thiên nhiên VN với các vườn quốc gia, khu bảo tồn.

Hiện nay, Viện đang tích cực làm việc với Thành phố Hà Nội để xin cấp đất xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam theo quy hoạch đã được duyệt. Tuy nhiên, Viện KHCNVN vẫn đang gặp khó khăn trong việc xin đất. Tôi hy vọng rằng, với sự quan tâm của Chính phủ và các địa phương, đề án sẽ sớm được thực hiện. 

Viện KH - CN VN đang thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến 2010, tầm nhìn đến 2020: Điều tra khảo sát trên Biển Đông, hợp tác quốc tế trong điều tra khảo sát Biển Đông... Ông có thể cho biết đôi nét về chương trình nghiên cứu này? - (Tiến Minh, 33 tuổi, Nam , Đà Nẵng).

- GS. Châu Văn Minh: Nước ta có bờ biển dài, vùng biển rộng, các nghiên cứu về biển vì thế có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng. Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến 2010, tầm nhìn đến 2020 (Quyết định 47/2006/QĐ-TTg ngày 1/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, Viện KHCNVN được giao chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ.

Viện đã phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai các thủ tục về đầu tư con tàu điều tra tổng hợp nghiên cứu KHCN Biển. Viện hoàn thành và bàn giao kết quả về cơ sở khoa học cho việc thiết kế, tính năng kỹ thuật, cấu hình con tàu điều tra tổng hợp nghiên cứu KHCN Biển, đo vẽ bản đồ biển và HTQT về biển cho Bộ Quốc phòng (10/9/2009).

Viện đã phối hợp các Bộ, ngành tổ chức xây dựng kế hoạch của giai đoạn hợp tác tiếp theo với định hướng mở rộng – đa phương hoá chương trình khảo sát điều tra phối hợp giữa các nước trên Biển Đông. Dự án đã được phê duyệt thực hiện.

Viện hoàn thành dự án Điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên vị thế kỳ quan sinh thái địa chất vùng biển và các đảo VN, đã chuyển giao một phần hồ sơ các kỳ quan sinh thái, kỳ quan địa chất và tài nguyên vị thế cho Văn phòng Trung tâm thông tin dữ liệu Biển và Hải đảo. Khảo sát tổng quan các vùng biển và đảo Nam Trung Bộ. Tổ chức khảo sát chi tiết trọng điểm Phú Quốc, đảo Cù Lao Chàm, quần đảo Trường Sa,  khu vực Hòn Khoai, khu vực Côn đảo. Đánh giá hiện trạng tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và địa chất vùng biển và các đảo Việt Nam, phục vụ quy hoạch sử dụng hợp lý các dạng tài nguyên vùng biển và đảo VN.

Viện đã phối hợp thành công và có đóng góp quan trọng cùng Bộ ngoại giao và các bộ ngành khác trong việc đàm phán với Malaysia, Phillipin, Trung Quốc trong việc phân định ranh giới ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, qua đó thực thi chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, tăng cường sự tin cậy, hiểu biết và mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Trong thời gian tới, Viện phối hợp Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng tàu điều tra tổng hợp, nghiên cứu KHCN biển” hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình hợp tác quốc tế, điều tra, tài nguyên - môi trường Biển Đông giữa Việt Nam và các nước. Tiếp tục triển khai dự án điều tra đánh giá nguồn tài nguyên vị thế trên vùng biển Việt Nam và các dự án khác trong đề án tổng thể về đầu tư cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển.

Theo ông, đang còn những bất cập, trở ngại nào trong hoạt động phát triển KH - CN ở VN? - (Tiến Lợi, 35 tuổi, Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu)

GS. Châu Văn Minh: Đảng và Nhà nước ta đánh giá khoa học và công nghệ là then chốt, là động lực quan trọng để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bằng nhiều chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với khoa học và công nghệ. Bất cập và trở ngại lớn vẫn là nước ta có nền kinh tế chưa phát triển, nền khoa học kỹ thuật của nước ta vẫn còn khoảng cách khá xa so với những nước tiên tiến. Trong khi đó, yêu cầu đầu tư cho khoa học và công nghệ để đẩy nhanh bắt kịp với khoa học của các nước trong khu vực và thế giới là rất cao. Điều này trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến điều kiện trang thiết bị phục vụ nghiên cứu cũng như thu nhập của cán bộ nghiên cứu. Một số cán bộ khoa học có trình độ cao chuyển khỏi các Viện nghiên cứu để sang làm việc cho các đơn vị có thu nhập cao hơn cũng xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải đổi mới phương thức và tiêu chí đánh giá cán bộ, không cào bằng, đặc biệt chú trọng đến kết quả thực tế. Từ kết quả đánh giá này sẽ quyết định đến lương, thưởng và các chế độ khác. Ở quy mô Viện KHCNVN, Viện sẽ cố gắng đưa ra những điều kiện phù hợp hơn cũng như tạo ra một môi trường khoa học hấp dẫn hơn để thu hút đông đảo các cán bộ khoa học có trình độ cao ở cả trong và ngoài nước phục vụ đất nước. 

Trong thực tế, là cơ quan quản lý cao nhất về KHCN, Bộ KHCN đã làm gì để tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN nước nhà? - (Phạm Thị Nguyệt, 29 tuổi, Nữ , Kiên Giang)

 - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động KHCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&CN thực hiện trong những năm qua. Năm 2003, Bộ xây dựng và được Chính phủ phê duyệt đề án mang tiêu đề như trên, gồm 6 nội dung:

- Đổi mới phương thức tổ chức và quản lý các nhiệm vụ khoa học (chương trình, đề tài, dự án), cụ thể là: tiếp cận trình độ KHCN quốc tế thông qua các kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới; số lượng và chất lượng các sáng chế được đăng ký, bảo hộ trong nước và nước ngoài. Nói một cách ngắn gọn, KHCN VN giải quyết các vấn đề VN (có thể cả vấn đề của thế giới) ở trình độ quốc tế.

- Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức KHCN tập trung vào hình thành các tổ chức KHCN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (kể cả theo cơ chế doanh nghiệp) và các doanh nghiệp KHCN. Đây chính là động thái "cởi trói" nhằm giải phóng sức sáng tạo của các tổ chức KHCN.

- Xây dựng và phát triển thị trường công nghệ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, mua bán công nghệ, đưa nhanh kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Đồng thời tạo động lực cho các tổ chức KH, các nhà KH thông qua lợi ích mà họ thu được.

- Đổi mới cơ chế và chính sách tài chính cho KHCN với nội dung chủ yếu là chuyển cơ chế, chính sách tài chính hành chính hiện nay sang cơ chế tài chính cho tổ chức sự nghiệp phù hợp với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN.

- Đổi mới chính sách sử dụng cán bộ khoa học và trọng dụng tài năng. Trên kết quả đạt được từ nội dung thứ hai và thứ tư của đề án thì các tổ chức KH có quyền mời, tuyển chọn, kết thúc hợp đồng với các nhà KH phù hợp với sự phát triển của tổ chức mình; đồng thời có quyền trả lương theo hiệu quả công việc với các mức lương cạnh tranh.

- Đổi mới và hoàn thiện các thể chế pháp luật cho hoạt động KHCN với mục tiêu tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho các tổ chức, các nhà KH cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu KH, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.

Đổi mới là một quá trình nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi một quyết tâm, phối hợp của nhiều Bộ ngành, tổ chức và sự đồng tâm, nhất trí của cộng đồng các nhà KH. Hy vọng chúng ta sớm đạt được những mục tiêu của đề án và đây cũng là mong muốn của cộng đồng KH và Nhà nước.

Thay mặt khách mời tham gia buổi trực tuyến hôm nay, tôi trân trọng cảm ơn độc giả Báo Đất Việt đã quan tâm và đóng góp ý kiến cho sự phát triển KHCN nước nhà. Rất mong gặp lại quý độc giả trong chương trình giao lưu gần nhất.

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner