Giao lưu trực tuyến Thứ bảy, 20/04/2024 , 09:12 pm
Cập nhật : 15/03/2011 , 13:03(GMT +7)
Nội dung cuộc giao lưu: “Hướng tới nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam”.
Việt Nam đang trên lộ trình tiến đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Sự kiện lớn này của đất nước được nhiều người Việt Nam mong đợi và quan tâm.

 

Vào hồi 9g hôm nay, Báo Đất Việt phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (Bộ KH-CN) thực hiện buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Hướng tới nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam”.
Các vấn đề liên quan đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) với các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ được thẳng thắn trao đổi tại buổi giao lưu trực tuyến này.
Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm: Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến; PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử; TS KH-CN hạt nhân Trần Đại Phúc, chuyên gia phân tích an toàn nhà máy ĐHN.
Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu:
Thời điểm thích hợp
- Đây có phải thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển ĐHN không? - (Nguyễn Thị Ngọc Ánh, 37 tuổi, Nữ , Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội).
- Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Đây là thời điểm có thể nói là thích hợp để phát triển ĐHN của Việt Nam với các lý do sau:
Thứ nhất, các nguồn năng lượng hóa thạch cũng như thủy điện hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang cạn kiệt (than đá, dầu khí... trữ lượng khai thác giảm dần). Nguồn thủy điện ở nước ta cũng đã khai thác gần hết tiềm năng.
Thứ hai, nhu cầu năng lượng của Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai đang trong tình trạng thiếu năng lượng. Đặc biệt với sự phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam như hiện nay, nhu cầu năng lượng sẽ ngày càng tăng lên. 
Thứ ba, năng lượng hạt nhân hiện nay với việc hoàn thiện về mặt công nghệ đã đảm bảo tính an toàn rất cao và hiệu quả kinh tế cũng cao; giảm được khí thải nhà kính. Do vậy, có thể bảo vệ được môi trường, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay các nước trên thế giới đang cố gắng giảm khí phát thải.
Thứ tư, Việt Nam cũng đã có một quá trình chuẩn bị khá dài cho việc ứng dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Đặc biệt là trong lĩnh vực ĐHN.
Cụ thể, chúng ta trong nhiều năm đã xây dựng lực lượng trong ngành năng lượng nguyên tử: các viện nghiên cứu KH - CN trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam); các trường đại học cũng đã tham gia vào giảng dạy đào tạo một số chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; chúng ta đã xây dựng được cơ quan pháp quy về năng lượng hạt nhân (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân); cơ quan quản lý về ứng dụng và phát triển ĐHN (Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam).
Việt Nam cũng đã xây dựng và phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020; ban hành Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản hướng dẫn luật; tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Có thể nói những điều kiện nêu trên là cơ sở quan trọng và cần thiết cho phát triển hạt nhân của nước ta trong thời điểm này. 
Địa điểm xây dựng tối ưu
- Tôi thấy các dự án ĐHN luôn gặp phải một vấn đề quan trọng là sự chấp thuận của công chúng tại nơi được chọn địa điểm để xây dựng. Vậy, người dân ở Ninh Thuận có phản đối gì không? - (nguyenquangdong, 45 tuổi, nam,
dongamkey.vn@gmail.com)
- TS Hoàng Anh Tuấn: Tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành vận động, tuyên truyền, và tạo được sự đồng thuận của công chúng và người dân địa phương đối với dự án quan trọng này.
Chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ của nhân dân vùng dự án ĐHN Ninh Thuận và kế hoạch của địa phương trong việc di dời dân tới các khu tái định cư mới và ổn định đời sống của nhân dân. Trong tất cả các dự án xây dựng ĐHN trên thế giới, sự chấp nhận và ủng hộ của công chúng, đặc biệt là người dân địa phương là vô cùng quan trọng.
Chúng tôi được biết, đối với Nhà máy ĐHN Ninh thuận I, người dân địa phương đã sẵn sàng di dời tới khu tái định cư mới.
Tuy nhiên, đối với người dân ở dự án Ninh Thuận II, địa điểm tái định cư cũng như các giải pháp đáp ứng phát triển lâu đài của khu vực tái định cư đang được các địa phương và nhân dân cân nhắc thêm.
- Các nhà hoạch định xây dựng nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận có nghĩ tới địa điểm xây nhà máy quá gần bờ biển không. Liệu nước biển dâng lên 1 hoặc 2 mét thì sẽ làm thế nào? Còn an toàn không, chẳng lẽ phải di dời đi đâu với số lượng bê - tông, sắt thép khổng lồ đó và chưa kể phải xử lý thế nào với những thanh uranium đầy chất phóng xạ rất nguy hiểm? - (Truong Heng, Nam)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN là vấn đề quan trọng đảm bảo an toàn của nhà máy. Trong quá trình lựa chọn địa điểm, chúng ta căn cứ trên ba nhóm tiêu chí chính để đảm bảo độ an toàn của nhà máy.
Thứ nhất, những yếu tố tự nhiên có thể làm mất an toàn cho nhà máy, như động đất, núi lửa, sóng thần... cần được nghiên cứu cẩn thận. Có những số liệu phải được thu thập trong một thời gian rất dài.
Thứ hai, các yếu tố do con người gây ra có thể làm mất an toàn cho nhà máy. Ví dụ, các nhà máy hóa chất ở gần có thể gây cháy nổ, làm ảnh hưởng đến nhà máy ĐHN, nằm ở gần đường lên xuống của máy bay ở các sân bay có thể bị ảnh hưởng khi xảy ra sự cố tai nạn của máy bay hoặc những tai nạn giao thông ở gần...
Nói chung là những yếu tố do hoạt động của con người ở gần khu vực của nhà máy cũng cần phải đưọc tính đến.
Thứ ba, ảnh hưởng của nhà máy đối với cộng đồng dân cư trong trường hợp nhà máy hoạt động bình thường hoặc khi nhà máy xảy ra sự cố. Với ba tiêu chí về vấn đề an toàn này, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam nghiên cứu với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ các nước có kinh nghiệm trong vấn đề năng lượng nguyên tử như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga và Cơ quan năng lượng nguyên tử hạt nhân (IAEA) lựa chọn xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận.
Việc lựa chọn nhà máy gần bờ biển rất quan trọng bởi có thể sử dụng nước biển để làm mát nhà máy cũng như thuận tiện trong việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng để nhập khẩu các thiết bị về nhà máy. Ngoài ra, địa điểm Ninh Thuận cũng rất gần với các nơi tiêu thụ điện năng có nhu cầu cao là các khu kinh tế phía Nam.
Ý kiến mà độc giả nêu về nước biển dâng thì trong thiết kế xây dựng nhà máy thì yếu tố này đã được tính đến dựa trên kịch bản về biến đổi khí hậu về nước biển dâng lên.
- Ông có thể cho biết Tiêu chí chung để lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân của quốc tế? Với điều kiện riêng của Việt Nam có điểm gì cần lưu ý thêm không? (Triệu Quốc Đạt, 42, Nam)
-TS. Ngô Ðặng Nhân, Cục trưởng Cục an toàn bức xạ hạt nhân: Địa điểm nhà máy ĐHN có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả hoạt động và độ an toàn của nhà máy. Vì vậy, việc khảo sát, đánh giá, lựa chọn, chấp thuận địa điểm để xây dựng nhà máy ĐHN cần được thực hiện theo một quy trình rất thận trọng và nghiêm túc, theo những tiêu chuẩn chung của quốc tế và pháp luật quốc gia. Địa điểm được đánh giá là phù hợp để xây dựng NMĐHN phải đồng thời đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có khả năng đảm bảo an toàn cho việc vận hành NMĐHN, có tính tới các điều kiện tự nhiên và nhân tạo, bao gồm các quá trình, hiện tượng và yếu tố có liên quan;
- Dự báo được các sự cố có thể xảy ra tại địa điểm làm cơ sở cho thiết kế  nhằm đảm bảo an toàn cho con người và môi trường khỏi ảnh hưởng bức xạ trong điều kiện vận hành bình thường cũng như khi xảy ra sự cố đã dự báo;
- Hạn chế được tác hại đối với con người và môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố ngoài dự báo (sau đây gọi là sự cố ngoài thiết kế).
Một địa điểm cần phải được khảo sát kỹ lưỡng để có thể khẳng định được là đã thỏa mãn các tiêu chí và yêu cầu đặc biệt về: điều kiện địa chất, địa lý, nền móng, khí tượng, thủy văn,  môi trường, sinh thái, di sản lịch sử - văn hóa dân cư, cấp nước, … Luật pháp quy định các tiêu chí loại trừ mà nếu không đáp ứng được thì địa điểm dứt khoát sẽ bị loại. Còn các điều kiện bất lợi của địa điểm sẽ được xem xét rất thận trọng để loại trừ hoặc có giải pháp khắc phục.
Đối với địa điểm hiện nay, cần quan tâm đặc biệt đến các yếu tố địa chất (các đứt gãy), yếu tố khí tượng – thủy văn (biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão lụt mùa mưa và khô hạn mùa khô), yếu tố địa lý – dân cư (khoảng cách tới các đô thị đông dân) để có giải pháp khắc phục trong thiết kế nhà máy cũng như khi mà máy đi vào vận hành (trong điều kiện bình thường cũng như khi có sự cố).
Địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận thực tế là các địa điểm “thí sinh” do đối tác Nhật Bản giúp chúng ta lựa chọn sau khi khảo sát sơ bộ. Vào thời điểm này, theo Luật NLNT, Chủ đầu tư (EVN) cần phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá rất kỹ lưỡng địa điểm thí sinh đó để trình Thủ tướng phê duyệt chính thức. Đây là một quy trình theo chuẩn mực quốc tế và  phải tuân thủ rất nghặt nghèo.
Được Chính phủ phân công, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng dự thảo Thông tư “Quy định tiêu chí và yêu cầu an toàn hạt nhân đối với lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân”. Hiện nay Dự thảo đang được gửi đi xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương liên quan. Các bạn có thể truy cập các Website của Bộ Khoa học và Công nghệ (www.most.gov.vn) hoặc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (www.varans.vn) để tham khảo và góp ý cho Dự thảo này.
Hiện nay, Chính phủ mới quyết định xây dựng hai nhà máy tại Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận)
- Tôi được biết, hiện đa số người dân đồng tình với việc xây dựng nhà máy ĐHN và đã sẵn sàng di dời. Tuy nhiên, tôi muốn hỏi liệu con em những người dân sống ở khu vực xây dựng nhà máy có được ưu tiên làm việc tại nhà máy hay không? - (Nông dân Ninh Thuận, 48 tuổi, Nam, Ninh Thuận)
- TS Hoàng Anh Tuấn:
Tôi đánh giá rất cao sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân Ninh Thuận, sẵn sàng ủng hộ dự án và sẵn sàng di dời.
Tất nhiên, con em của người dân ở khu vực này sẽ được ưu tiên làm việc cho nhà máy. Tuy nhiên, những người làm việc cho nhà máy phải là những người được đào tạo rất kỹ. Đây cũng là vinh dự của những người được tuyển chọn cho dự án.
Vì vậy, tôi mong con em của nhân dân tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh khác sẽ lựa chọn những ngành học để sau này có thể phục vụ cho sự nghiệp phát triển ĐHN của đất nước.
- Tổng diện tích cho các dự án này và số lượng các hộ dân di dời có lớn không? Và công tác tái định cư cho họ đã được chuẩn bị như thế nào rồi? - (Bùi Kim Thoan, 28 tuổi, Nữ , Hồ Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội)
- TS Hoàng Anh Tuấn: Diện tích cho mỗi dự án xây dựng nhà máy ĐHN  là khoảng 500 ha. Số lượng các hộ dân di dời tùy thuộc vào điều kiện dân cư cụ thể ở từng khu vực dự án. Theo kế hoạch, số lượng hộ dân cần di dời cho dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận I là 156 hộ (khoảng 650 người), và dự án Ninh Thuận II là 611 hộ (trên 2.000 người).
Ban chỉ đạo Nhà nước ĐHN Ninh Thuận chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuẩn bị công tác di dân và giải phóng mặt bằng. Địa phương đã tiến hành vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhằm tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân về dự án quan trọng này.
Tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành quy hoạch hai khu tái định cư cho người dân trong vùng dự án. Công tác tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông cho dự án đang được tích cực chuẩn bị để đảm bảo tiến độ.
Công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn
-  Bản thân tôi và nhiều người khác vẫn còn lo ngại về tính an toàn của ĐHN? Liệu có trường hợp tương tự như vụ Chernobyl ở Nga hay không? - (Nguyễn Thị Hải, 48 tuổi, Nữ, haint@22gmail.com)
- TS Ngô Đặng Nhân: Tháng 4 năm nay đánh dấu 25 năm ngày xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA sẽ tổ chức một hội nghị lớn tại Cộng hòa Ukraine để ôn lại những bài học Chernobyl và tầm quan trọng của an toàn đối với tương lai của năng lượng nguyên tử.
Với công nghệ ĐHN hiện tại đã được cải tiến nhiều về an toàn sau khi phân tích sự cố Chernobyl, có thể khẳng định sẽ không thể xảy ra vụ việc tương tự như ở Ukraine.
Tuy nhiên, sự cố hạt nhân vẫn luôn luôn tiềm ẩn và đe dọa, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường, vì vậy, đảm bảo an toàn hạt nhân luôn là mối quan tâm số một của cộng đồng quốc tế nói chung và các nước đang thực hiện chương trình ĐHN nói riêng. Đối với những nước đang phát triển ĐHN, đầu tiên, chẳng hạn như Việt Nam, đảm bảo an toàn thực sự là một thách thức to lớn đối với các tổ chức đầu tư và vận hành cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Vậy an toàn hạt nhân là gì? Nói ngắn gọn có thể diễn tả như sau, đó là những điều kiện, những biện pháp cần thực hiện để ngăn chặn sự cố, tai nạn hạt nhân và trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn thì phải giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại đến mức tối đa.
Việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình có hai lĩnh vực: Thứ nhất, là sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong nền kinh tế quốc dân (công nghiệp, nông nghiệp, y tế, địa chất...), đó là phi năng lượng và thứ hai là vận hành nhà máy ĐHN, đó là quá trình chế ngự phản ứng phân hạch dây chuyền để đưa năng lượng phân hạch phục vụ con người.
Tôi muốn trao đổi cụ thể hơn một chút về đảm bảo an toàn cho việc vận hành nhà máy ĐHN. Trong lò phản ứng có nhiên liệu hạt nhân là nơi xảy ra phản ứng phân hạch và sẽ tỏa ra năng lượng, có hệ thống điều khiển để đảm bảo phản ứng dây chuyền điều khiển được; có hệ thống làm mát để tải nhiệt độ của thanh nhiên liệu.
Muốn đảm bảo giảm thiểu tai nạn, sự cố, trước hết cần phải lường trước mọi nguy cơ để sớm có giải pháp khắc phục ngay từ khâu thiết kế nhà máy và lựa chọn công nghệ lò phản ứng để chế tạo. Tiếp đó, trong quá trình vận hành nhà máy cần luôn luôn đảm bảo hoạt động tin cậy và trơn tru của hệ thống điều khiển và hệ thống làm mát. Để được như vậy, các thiết bị và cấu kiện của hai hệ thống này cần phải đảm bảo chất lượng khi chế tạo và lắp đặt, thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa, thay thế kịp thời.
Bên cạnh đó, cần phải đào tạo được một đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật có tính chuyên nghiệp cao; ban hành và tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống quy trình quy phạm, đặc biệt đối với vận hành và bảo dưỡng; xây dựng và tự giác thực hiện văn hóa an toàn đối với tổ chức cũng như từng cá nhân từ cấp quản lý đến nhân viên.
- Công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN Việt Nam cho dân chúng hiện nay như thế nào? - (Trần Tuấn Anh, 35 tuổi, Nam, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội)
- TS Hoàng Anh Tuấn: Công tác thông tin tuyên truyền về phát triển ĐHN ở Việt Nam đã được tiến hành từ hơn 10 năm nay. Trong đầu những năm 2000, Bộ KH - CN đã phối hợp với Bộ Công thương và các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền về phát triển ĐHN ở Việt Nam.
Trong các hoạt động đó đã được sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), diễn đàn công nghiệp nguyên tử Nhật Bản, và nhiều tổ chức về ĐHN của các nước. Liên tục trong các năm gần đây, bốn triển lãm về ĐHN được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các nước có nền công nghiệp ĐHN tiên tiến, như Nga, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền này, hàng chục ngàn người đã có dịp tham quan, trao đổi, tiếp cận với các mô hình nhà máy, tài liệu về ích lợi, ưu thế và những khả năng đảm bảo an toàn cho ĐHN của các nước tiên tiến. Ngoài ra, các cơ quan như Bộ KH-CN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức nhiều đợt tham quan cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt và nhà máy ĐHN ở Nhật Bản cho nhân dân, cán bộ của tỉnh Ninh Thuận.
Hiện nay, Ban chỉ đạo nhà nước dự án ĐHN Ninh Thuận đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng Trung tâm Quan hệ công chúng tại Ninh Thuận.
Cục Năng lượng nguyên tử được giao xây dựng đề án Thông tin tuyên truyền phát triển ĐHN tại Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban Chỉ đạo nhà nước dự án ĐHN Ninh Thuận sẽ thành lập một số tiểu ban chuyên trách, trong đó có Tiểu ban Đào tạo và Thông tin tuyên truyền để giúp Ban Chỉ đạo trong các mảng công tác. Tiểu ban Đào tạo và Thông tin tuyên truyền sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo:
- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho chương trình phát triển ĐHN;
- Tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền về ĐHN để nâng cao sự hiểu biết và tạo sự ủng hộ của công chúng cho chủ trương phát triển ĐHN của Nhà nước.
Có thể nói, chủ trương phát triển ĐHN ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế và công chúng Việt Nam ủng hộ cao. Sự ủng hộ này hết sức quan trọng và cần được duy trì trong suốt giai đoạn xây dựng nhà máy cũng như trong suốt quá trình vận hành, khai thác các nhà máy ĐHN sau này.
Do đó, công tác thông tin tuyên truyền ĐHN cần được sự quan tâm, phối hợp thường xuyên của các cấp, các ngành và địa phương cũng như cộng đồng quốc tế về ĐHN.
- Tôi muốn biết rõ hơn về công nghệ của Nga? Tại sao chúng ta không chọn công nghệ của nước khác? - (Trần Đại Nghĩa, 50 tuổi, nam, Hà Nội)
- Tiến sĩ Trần Đại Phúc: Nhà máy ĐHN đầu tiên chính phủ đã cập nhật của Liên bang Nga là một loại lò được đặt vào thế hệ 3 dựa trên các tiêu chí an toàn của các nước tiên tiến Âu - Mỹ và Cơ quan quốc tế IAEA.
Sau sự cố Chernobyl (Ukraine, 1986) nhà thiết kế Rosatom đã cập nhật tất cả những lời khuyên nhủ của các cơ quan an toàn Âu - Mỹ liên quan đến lĩnh vực an toàn của lò phản ứng hạt nhân trong quá trình thiết kế.
Hiện tại, công nghệ này so với các công nghệ tương tự của các nước tiên tiến (Âu - Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc) được các tổ chức quốc tế như IAEA đánh giá rất cao, không những trong lĩnh vực thiết kế mà còn trong cả lĩnh vực an toàn. 
- Tôi thấy rất nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề an toàn khi phát triển ĐHN vì thực tế đã có sự cố về ĐHN trên thế giới. Ý kiến của ông về việc chuẩn bị công nghệ, hành lang pháp lý cho vấn đề này của Việt Nam như thế nào? - ( Nguyễn Thị Thanh Hà, 46 tuổi, Nam , Gia Lai, Kon Tum)
- Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Tôi thấy rằng việc lo ngại về đảm bảo an toàn khi phát triển ĐHN của bạn là rất chính đáng, nhất là những nước mới bắt đầu phát triển ĐHN như Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta cũng có những thuận lợi nhất định.
Chúng ta bắt đầu phát triển ĐHN khi công nghệ về ĐHN trên thế giới đã được phát triển ở trình độ khá cao. Những yếu tố an toàn đã được đảm bảo bởi các công nghệ hiện đại và các quy định về an toàn, an ninh hạt nhân trên thế giới đã được chú trọng ở hầu hết các quốc gia.
Tôi hiểu rằng bạn đang băn khoăn sau sự cố Chernobyl ở Liên Xô trước đây và hiện nay Việt Nam lại chọn công nghệ của Nga cho nhà máy ĐHN đầu tiên. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ với bạn, sau sự cố này Nga đã liên tục cải tiến và hoàn thiện công nghệ để đảm bảo an toàn. Những công nghệ mới nhất của Nga hiện nay đã được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá là một trong những công nghệ hiện đại và an toàn nhất hiện nay.
Về công nghệ hạt nhân của Nhật Bản hiện nay được đánh giá là công nghệ hiện đại đã được kiểm chứng và an toàn. Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành và quản lý nhà máy ĐHN trong những điều kiện bất thuận lợi như: động đất, sóng thần ...
Vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay để đảm bảo an toàn an ninh hạt nhân là chúng ta phải lựa chọn được những công nghệ hiện đại và kiểm chứng đảm bảo an toàn và  tuân thủ các quy định của IAEA một cách nghiêm ngặt trong suốt quá trình chuẩn bị, xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN.
Để làm được việc này, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ là Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã và đang tích cực xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cụ thể, năm 2006, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020; năm 2008 Quốc hội đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử; nhiều văn bản hướng dẫn luật cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ ngành xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân vẫn đang được các cơ quan chức năng của Bộ như Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, xây dựng để đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển ĐHN.
Để đánh giá, lựa chọn được những công nghệ hiện đại đảm bảo an toàn hiện nay Bộ đang giao cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế đang tiến hành nghiên cứu các công nghệ ĐHN trên thế giới và đặc biệt là công nghệ của các đối tác là Nga và Nhật Bản để làm cơ sở cho việc thẩm định công nghệ trong thời gian tới.
- Xin hỏi TS Trần Đại Phúc: Vai trò và tầm quan trọng của lực lượng ứng phó sự cố môi trường công an, quân đội và của nhà máy ĐHN ninh thuận nói riêng và các nhà máy khác nói chung trong việc phối hợp với nhau trong diễn tập và khi có sự cố môi trường xảy ra? - (Nguyễn Truờng Khuê, 38 tuổi, Nam , Nguyễn Công Trứ Hai Bà Trưng Hà Nội)
-TS Trần Đại Phúc: Để ứng phó với sự cố trong nhà máy ĐHN có thể dẫn đến sự phát tán phóng xạ ra môi trường, nhà vận hành, cơ quan chính quyền trung ương và địa phương (công an, quân đội, y tế, giao thông, cơ quan an toàn địa phương) sẽ dựa trên kết quả tính toán trực tiếp (của nhà vận hành, nhà thiết kế và cơ quan an toàn) để phân tích tình huống dựa trên thông tin khí tượng trong thời gian xảy ra sự cố, để ra các phương an giải quyết tình huống và đảm bảo an toàn cho dân cư trong vùng (hạn chế sự lưu thông của dân cư ở vùng đó, hoặc di dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng).
Những cơ quan nêu trên sẽ phải phối hợp một cách chặt chẽ để trước hết thông tin một cách chính xác, trấn an dân cư và bảo vệ trật tự ở vùng đó về sự cố này.
- Tại sao chúng ta không mua khoán ĐHN của một công ty nào đó, giống như là Areva của Pháp, General Electric của Mỹ? Họ xây dựng rồi bán điện cho chúng ta, còn ta chỉ mua điện, không phải vận hành như thế sẽ đảm bảo an toàn? (Đỗ Thanh Tao, 32 tuổi, Nam , Biên Hòa - Đồng Nai)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Đấy cũng là một phưong án. Tuy nhiên, khi hoạch định chính sách phát triển ĐHN thì chúng ta muốn phát triển một ngành công nghiệp ĐHN Việt Nam như một số nưóc làm rất thành công  (Nhật Bản, Hàn Quốc).
Bởi vì, nếu phát triển ngành công nghiệp ĐHN thì nền công nghiệp chung của quốc gia cũng sẽ phát triển và trình độ công nghệ của quốc gia cũng được nâng cao.  Ngoài ra, theo quy định của pháp luật Việt Nam về năng lượng nguyên tử thì chúng ta không có quy định về việc cho phép nưóc ngoài vào xây dựng nhà máy ĐHN trên lãnh thổ Việt Nam.
Nếu chúng ta cho các công ty nước ngoài đến xây dựng và ta mua lại ĐHN của họ thì chúng ta vẫn bị phụ thuộc về giá cả và không có điều kiện phát triển về tiềm lực khoa học công nghệ cũng như tiềm lực quốc gia. Nếu với quan điểm như vậy, chúng ta có thể mua luôn của Trung Quốc vì Trung Quốc đang phát triển rất nhiều nhà máy ĐHN.
Tuy nhiên, nếu vậy chúng ta phụ thuộc về giá cả và an ninh trong vấn đề cung cấp không đưọc đảm bảo. Như vậy, không thể đảm bảo năng lưọng cho sự phát triển của kinh tế đất nưóc.
Do đó, chúng ta phải xây dựng, làm chủ và tiến tới phải phát triển nền công nghiệp hạt nhân bản địa của Việt Nam.
- Tổ máy ĐHN đầu tiên dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2014 và đã chọn Nga làm đối tác, Việt Nam sẽ tham gia vào khâu nào trong tiến trình xây dựng để đưa nhà máy đi vào hoạt động? - (Lai Thị Mỹ Vân, 22 tuổi, Nữ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Việt Nam chọn Nga làm đối tác xây dựng nhà máy ĐHN số 1 tại Ninh Thuận theo phưong thức hợp đồng chìa khoá trao tay, tức là, Nga sẽ là tổng thầu EPC, chịu trách nhiệm xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành, sau đó bàn giao cho Việt Nam.
Việt Nam có trách nhiệm thực hiện những công việc sau:
Trưóc hết, đối với vấn đề xây dựng và lắp đặt nhà máy, các công ty của Việt Nam sẽ thực hiện những hợp đồng phụ cho tổng thầu EPC của Nga về cung cấp một số vật tư như xi măng, sắt thép cũng như nguồn nhân lực trong vấn đề xây dựng và một số thiết bị vật tư phụ trợ.
Việc này đã đuợc đưa ra trong Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Nga về việc xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia một số khâu trong vấn đề xây dựng và lắp đặt nhà máy thì cần đáp ứng một số tiêu chuẩn theo quy định của tổng thầu Nga để đảm bảo an toàn cho công trình.
Hiện nay, Bộ Công thương cũng đã có đề án để khảo sát năng lực của một số doanh nghiệp trong nưóc để xem xét khả năng chúng ta có thể tham gia tối đa trong quá trình xây dựng và lắp đặt nhà máy ĐHN.
Tuy nhiên, an toàn vẫn phải là ưu tiên cao nhất trong việc xây dựng nhà máy ĐHN. Vì vậy, chỉ những doanh nghiệp nào đảm bảo tiêu chí an toàn mới có thể đưọc tham gia xây dựng nhà máy ĐHN.
Khía cạnh thứ 2 là các cơ quan quản lý và hỗ trợ kỹ thuật của VN cần thực hiện công tác thẩm định, thiết kế của nhà máy, phê duyệt địa điểm, cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy phép cho vận hành nhà máy sau khi xây dựng xong.
Để làm được những việc này, chúng ta cần xây dựng đầy đủ các khuôn khổ pháp lý, có đội ngũ cán bộ chuyên gia và các phương tiện kỹ thuật cần thiết để có thể thực hiện được các nhiệm vụ của  cơ quan quản lý nhà nưóc đối với dự án ĐHN Ninh Thuận.
Những nhiệm vụ này chủ yếu thuộc chức năng của Bộ KH - CN. Bộ KH - CN đang tích cực khẩn trương để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình đối với dự án ĐHN Ninh Thuận.
- Chúng ta sẽ xây dựng 2 nhà máy, 4 lò, tới năm 2020, 2022, 2023 đến 2025 sẽ đi vào vận hành. Xây đồng loạt như thế liệu có mạo hiểm hay không? - (Lê Thị Kiều Trang, 28 tuổi, Nữ, kieutrang28@gmail.com)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Hiện nay, Chính phủ mới quyết định xây dựng hai nhà máy tại Phước Dinh và Vĩnh Hải.
Mỗi nhà máy có 2 tổ máy. Đó là phương án tối ưu từ kinh nghiệm của một số nước đi trước. Sau khi hoàn thành hai tổ máy này, Chính phủ sẽ quyết định xây dưng các tổ máy tiếp theo trên cơ sở lộ trình đặt ra trong định hướng quy hoạch phát triển ĐHN đến năm 2030 mà Thủ tướng đã ban hành.
- Xin cho hỏi với công nghệ hiện nay thì chi phí xây dựng và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân có chênh lệch nhiều hay không và tuổi thọ tối đa là bao nhiêu? - (Lê Anh Khoa, 41 tuổi, Nam , Số 323 đường Điện Biên Phủ/ấp Ninh Hòa,xã Ninh Thạnh, thị xã  Tây Ninh )
-Tiến sĩ Trần Đại Phúc: Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến (Mỹ, Pháp...), chi phí xây dựng của một nhà máy ĐHN  với công suất 1000 MW, khoảng 3 đến 5 tỷ USD, tùy theo nhà thiết kế. Về chi phí tháo dỡ thì sẽ tốn khoảng 1,5 lần số tiền xây dựng kể trên (con số 1,5 lần này sẽ lên quan đến phương sách tháo gỡ ngay sau khi dập lò hay phải chờ 10-15 năm).
Về tuổi thọ tối đa của nhà máy ĐHN, đa số các nhà thiết kế đều có mục tiêu tuổi thọ là 50 - 60 năm. Hiện tại, phần lớn các nhà máy ĐHN trên thế giới đã vận hành được trung bình khoảng 35 năm (một số thiết kế trong thập niêm 70, 80 của thế kỷ trước chỉ có tuổi thọ 30 năm nhưng đã được các cơ quan an toàn của các nước tiên tiến, dựa trên kết quả kinh nghiệm vận hành và đo lường, kiểm tra chất lượng thép của thùng lò dưới sự phá hủy của nơtron, đã gia hạn thêm cho đến 40 năm).
- Theo ông, những yếu tố nào có thể giúp đảm bảo an toàn cao nhất cho việc vận hành nhà máy ĐHN? - (Hồ Thị Hà Thanh, 34 tuổi, Nữ , Điện Biên)
-TS Hoàng Anh Tuấn: Trước hết, việc đảm bảo an toàn cho nhà máy ĐHN là yếu tố con người (chất lượng nguồn nhân lực) và văn hóa an toàn (cam kết, trách nhiệm đảm bảo an toàn từ các cấp lãnh đạo cao nhất cho đến các kỹ sư, công nhân vận hành nhà máy).
Yếu tố tiếp theo là chất lượng của hệ thống quy định pháp lý, pháp quy về an toàn hạt nhân, trình độ quản lý.
Thứ ba, yếu tố công nghệ và thiết bị Việt Nam đã lựa chọn công nghệ hiện đại nhất của Nga cho nhà máy ĐHN đầu tiên.
Đây là công nghệ đã được kiểm chứng, và được sử dụng không chỉ ở Nga, mà còn được xuất khẩu sang các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ...
-Tại một bài phỏng vấn, Cục trưởng có cho biết Cục An toàn bức xạ hạt nhân (ATBXHN) đang vừa học, vừa làm, vừa tự khẳng định mình. Xin hãy cho biết cụ thể hơn? (27 tuổi, Nam, Lâm, Đồng)
- TS. Ngô Đăng Nhân: Tôi muốn trao đổi với bạn chi tiết hơn về trách nhiệm được giao, những công việc chúng tôi đang thực hiện và việc rèn luyện đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của mình qua công việc và các cơ hội học tập như thế nào.
Cục ATBXHN có chức năng nhiệm vụ được quy định tại điều 8 của Luật Năng lượng nguyên tử và trách nhiệm của cơ quan thường trực của Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia nên có thể nói vắn tắt là Cục được giao một trọng trách hết sức to lớn và đầy thách thức.
Đối với Cục, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên đã thực hiện nhiều năm qua là quả lý nhà nước trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử, khía cạnh đảm bảo an toàn, an ninh cho các hoạt động sử dụng nguồn phóng xạ trong nền kinh tế quốc dân. Trong thời điểm này phải tập trung nguồn lực để thực hiện quản lý an toàn, an ninh theo chuẩn mực quốc tế cho dự án nhà máy điện hạt nhân đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhiệm vụ hết sức nặng nề liên quan tới nhiệm vụ thứ hai là xây dựng trình ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn; thẩm định an toàn hạt nhân làm cơ sở cho công tác cấp phép, thanh tra kiểm tra đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn; thực hiện kiểm soát hạt nhân; tổ chức hợp  tác quốc tế; thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến hạt nhân. Vì vậy, Cục cần nhanh chóng xây dựng tiềm lực cho mình, đặc biệt là con người.
Trên thực tế, vấn đề con người có trình độ là thách thức lớn nhất của chúng tôi. Hiện nay, nhu cầu nhân lực của Cục là rất lớn, đặc biệt cán bộ chuyên môn am hiểu công nghệ phục vụ điện hạt nhân (nhiều ngành nghề như công nghệ hạt nhân, hóa phóng xạ, vật liệu, cơ khí, xây dựng, điện – điện tử, môi trường.. ) phục vụ cho công tác thẩm định an toàn hạt nhân đối với hồ sơ xin cấp phép địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Nếu như cách đây 5, 6 năm, quân số của Cục đếm trên đầu ngón tay, chừng 8 người thì hiện nay chúng tôi đã có hơn 80 người, trong năm nay đội ngũ của Cục có thể lên đến 120- 140 người, dự kiến năm 2014, con số phải đạt khoảng 300 người. Tuy nhiên, tôi thấy rất khó khăn đáp ứng con số yêu cầu đối với cơ quan An toàn bức xạ và hạt nhân như nêu trên (theo khuyến cáo của quốc tế). 
Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức một số buổi giao lưu với sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, liên hệ với các sinh viên đang học tập tại Liên bang Nga để giới thiệu về Cục, mời các bạn sinh viên đến thực tập và làm việc cho Cục nếu có nguyện vọng và đạt yêu cầu. Rất mong các bạn có ngành nghề liên quan tìm đến chúng tôi nếu có mong muốn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng những nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Tôi sẽ đưa ra một vài con số, sự kiện để minh chứng về những thành công mà Cục đã đạt được trong thời gian qua nhằm khẳng định mình; có thể lấy kết quả năm 2010 làm ví dụ:
- Đã trình ban hành được 10 văn bản (2 văn bản do Thủ tướng Chính phủ ký; 8 Thông tư của Bộ), đồng thời hoàn thanh dự thảo 3 thông tư khác, hiện nay đang xin ý kiến các đợn vị Bộ, ngành liên quan.
- Đã ký cấp 1036 giấy phép các loại, nâng tỷ lệ thẩm định trước cấp phép từ 25% năm 2009 lên 35% năm 2010.
- Đã thực hiện 23 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 118 đơn vị trong phạm vi cả nước.
- Đã chủ trì nghiên cứu và đề xuất nội dung Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ (đã ký 30/3/2010); tham gia công ước an toàn hạt nhân (3/2010); Xin chủ trương cho việc đàm phán Hiệp đinh 123; Chuẩn bị nội dung phục vụ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Oa-Sinh-Tơn tháng 4/2010; Xin chủ trương tham gia chương trình an ninh hạt nhân của IAEA.
- Đã tổ chức 15 Hội nghị, hội thảo quốc tế; đón tiếp 57 đoàn với 312 chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Cục; Làm thủ tục đi nước ngoài cho 130 lượt cán bộ, nhân viên cũng như các đối tác của Cục. Đã ký hợp tác về an toàn hạt nhân với các cơ quan pháp quy hạt nhân của các quốc gia Nga, Pháp, Nhật (năm 2008 đã ký với Hoa Kỳ). Đã chủ trì hoàn thành Khung chương trình quốc gia (Country Programme Framework – CPF) để việc ký kết giữa Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã diễn ra trong tháng 2/2011.
- Đã xây dựng một phòng thí nghiệm mô phỏng bằng nguồn vốn trong nước và quốc tế để nâng cao năng lực tính toán phục vụ thẩm định an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân cũng như một phòng thí nghiệm phông thấp phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn bức xạ.
Ngoài ra, Cục đã đã xây dựng được một thư viện, trong đó hơn 2.000 đầu sách chuyên ngành công ngghệ hạt nhân, do TS. Trần Đại Phúc tặng, phục vụ cho việc nghiên cứu và học tập không chỉ cho cán bộ, nhân viên của Cục.
Trong quá trình phát triển, chúng tôi luôn luôn nhận được sự giúp đỡ của IAEA, các tổ chức quốc tế và quốc gia khác. Gần đây nhất, sau khi đánh giá những kết quả mà Cục đã đạt được, Ủy ban châu (EC) đã tài trợ cho Cục một dự án trị giá 2 triệu Euro trong 3 năm nhằm nâng cao năng lực thẩm định an toàn hạt nhân.
Thật vậy, khẳng định mình phải thông qua kết quả đạt được mà trong đó chứa đựng sức lao động, tâm huyết và tính chuyên nghiệp của tập thể Cục, đặc biệt là khả năng của lớp trẻ từng bước đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Sự trưởng thành và những thành tích của Cục trong 5 năm qua đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen, cờ thi đua, đặc biệt năm 2009, Cục đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng III. Đối với quốc tế, Cục được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá là một cơ quan pháp quy hạt nhân tầm khu vực; các cơ quan pháp quy đồng nghiệp như Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Nhật … tôn trọng, đánh giá và ngày càng đẩy mạnh quan hệ hợp tác.
- Tôi nghĩ tại sao chúng ta không nghĩ về triển vọng sử dụng nhà máy điện gió, hay điện mặt trời mà nhất thiết phải sử dụng ĐHN? - (Trần Lê Nam, 43 tuổi, Nam, trannam43@gmail.com)
- TS Hoàng Anh Tuấn: Để đáp ứng việc đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia, các cơ quan chức năng và chuyên gia của Việt Nam đã khảo sát và đánh giá triển vọng sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời, đồng thời xem xét đến việc phát triển ĐHN ở Việt Nam.
Hiện nay, giá điện gió và điện mặt trời còn khá cao so với các loại hình phát điện khác, trong đó có ĐHN.
Mặt khác, sản lượng tiềm năng điện gió và điện mặt trời còn nhiều hạn chế vì không phải lúc nào cũng khai thác được gió, và năng lượng mặt trời chỉ thu được vào ban ngày.
Do đó, cùng với đóng góp của điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng truyền thống như nhiệt điện và thủy điện, ĐHN đã được đưa vào quy hoạch phát triển ngành điện.
Theo định hướng quy hoạch phát triển ĐHN đến năm 2030, tổng công suất ĐHN sẽ là 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện. Tỷ trọng đóng góp của ĐHN càng cao sẽ góp phần ổn định nguồn cung và giá thành điện năng, bảo vệ môi trường.
-Thưa TS. Vương Hữu Tấn, các nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực hạt nhân trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu đề ra trong chiến lược ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển ĐHN ở Việt Nam hay chưa? - (Nguyễn  Thị Mai, 24 tuổi, Nam , Vĩnh Linh, Gio Linh, Quảng Trị)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Chúng ta đã có các hoạt động về nghiên cứu liên quan đến phát triển ĐHN và ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực kinh tế xã hội trong hơn 30 năm qua.
Các nghiên cứu này đã tạo điều kiện thúc đẩy  ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trưòng và bưóc đầu đem lại hiệu quả tốt cho phát triển kinh tế và xã hội.
Đồng thời, nghiên cứu về ĐHN đã giúp cho Chính phủ hoạch định chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam trong đó có chương trình phát triển ĐHN.
Ngày 3/1/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình đến năm 2020. Trong thời gian vừa qua, các nghiên cứu về ĐHNchủ yếu phục vụ cho việc lựa chọn công nghệ, đào tạo cán bộ, xác định đối tác và các vấn đề liên quan đến an toàn trong phát triển ĐHN để tư vấn cho Chính phủ triển khai thực hiện chưong trình phát triển ĐHN.
Hiện nay, sau khi Chính phủ quyết định lựa chọn Nga và Nhật Bản là đối tác xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 của chúng ta năm 2010, các nghiên cứu về ĐHN  sẽ tập trung vào các vấn đề công nghệ, các thiết bị có liên quan đến lò phản ứng, nhiên liệu, chất thải phóng xạ của các đối tác Nga và Nhật Bản để tư vấn cho chủ đầu tư trong ký kết hợp đồng với đối tác.
- Tôi muốn hỏi là nếu không may, máy bay dân dụng đâm vào nhà máy ĐHN thì điều gì sẽ xảy ra? Chất phóng xạ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường xung quanh và dân cư quanh đó? - (Đổng Sỹ Thành, 26 tuổi, Nam , Quảng Bình)
- Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân: Đối với những thế hệ lò phản ứng mới hiện nay, các nhà thiết kế đã giải quyết vấn đề này. Cụ thể, trong thiết kế đã tính tới việc máy bay đâm vào cũng không để xảy ra sự phát tán phóng xạ ra môi trường.
- Sinh viên tốt nghiệp những ngành nào thì có thể vào làm ở nhà máy ĐHN? - (Thu Hằng, 30 tuổi, Nữ , Huế)
- TS Hoàng Anh Tuấn: Nhà máy ĐHN là một hệ thống công nghệ hiện đại, gồm nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau để duy trì phản ứng phân hạch dây chuyền có điều khiển, nhằm tạo ra điện năng an toàn và hiệu quả.
Các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật làm việc trong nhà máy ĐHN được đào tạo về công nghệ hạt nhân, và các lĩnh vực khác như cơ khí, hóa học, vật liệu, điện và nhiệt điện, điện tử, tin học, tự động hóa...
Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp những ngành nói trên có thể làm việc trong các nhà máy ĐHN. Tuy nhiên, họ cần được tuyển và gửi đi học những khóa đào tạo đặc biệt ở trong và ngoài nước để đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho các vị trí công tác tại các nhà máy ĐHN.
- Ngoài việc tăng ngân sách từ việc thu thuế, tỉnh Ninh Thuận sẽ được lợi gì khi xây dựng các nhà máy ĐHN này? - (Chiến Thắng, 37 tuổi, Nam , Ninh Thuân)
- TS Hoàng Anh Tuấn: Khi có ĐHN, người dân trong nước và các ngành công nghiệp được cung cấp thêm nguồn năng lượng không phục thuộc vào thời tiết và có công suất phát điện ổn định, hầu như không phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. Phát triển ĐHN, vì thế, đóng góp một phần quan trọng vào an ninh năng lượng của đất nước và khu vực Nam Trung bộ.
Đối với địa phương có nhà máy ĐHN, Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, và dân cư trên địa bàn như đã được nêu trong Luật Năng lượng nguyên tử.
Tỉnh Ninh Thuận sẽ là tỉnh đầu tiên của Việt Nam có nhà máy ĐHN, và Việt Nam hy vọng sẽ là nước đầu tiên trong khối ASEAN phát triển nhà máy ĐHN hiện đại. Con em của nhân dân Ninh Thuận sẽ được ưu tiên tham gia vào dự án này. Đây là cơ hội tốt để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo của địa phương.
- Hiện tại, chúng ta đang nhận sự hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực từ những quốc gia nào? Và tình hình đào tạo nguồn nhân lực tại Viện? - (Người yêu khoa học, 33 tuổi, Nữ , khoahoccongnghe.org.vn)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Hiện nay chúng ta có sự hợp tác quốc tế rộng rãi trong ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và phát triển ĐHN nói riêng. Hợp tác quốc tế lớn nhất hiện nay của chúng ta là với Cơ quan năng lưọng nguyên tử quốc tế IAEA.
Hàng năm, IAEA giúp chúng ta  gửi đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn khoảng 200 lượt người. Trong thời gian gần đây, các đối tác có khả năng về ĐHN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga đều đã có các hợp tác với Việt Nam trong vấn đề đào tạo cán bộ.
Viện đã xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ để đáp ứng nhu cầu của một cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển ĐHN. Viện đã thành lập Trung tâm đào tạo hạt nhân để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho Viện cũng như các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực ĐHN.
Bên cạnh đó, mỗi năm, Viện đều tổ chức các khoá đào tạo 9 tháng cho các cán bộ mới tuyển dụng vào làm việc ở Viện và hợp tác với IAEA cũng như các nước tổ chức các khoá đào tạo về công nghệ và an toàn ĐHN. Ngay khi Chính phủ quyết định hợp tác ĐHN với Nga, Viện đã tổ chức đào tạo khoá tiếng Nga đầu tiên cho gần 30 cán bộ để cử đi đào tạo ĐHN ở Nga vào cuối năm 2011.
- Xin hỏi có sự khác nhau nào về nguyên lý cơ bản hạt nhân giữa lò hạt nhân thứ 1 và thứ 2 không? Cảm ơn ! - (Thanh Nam, 32 tuổi, Nam ,  39 Bến Vân Đồn, TP.HCM)
- TS Trần Đại Phúc: Nhà máy ĐHN đầu tiên của nước ta với công nghệ của Liên bang Nga là một loại lò dùng nước làm lạnh và tải nhiệt dưới áp suất cao (155 Bar).
Loại lò này đã được xếp vào thế hệ 3 và đã đáp ứng tất cả những tiêu chí an toàn của Liên bang Nga (OPB/88/97), của IAEA (INSAG-75), các nước Âu - Mỹ và các nhà vận hành châu Âu (EU). Còn về loại nhà máy điện thứ 2, hiện tại Nhật Bản chào cho nước ta loại lò nào (lò phản ứng dưới áp suất hay lò nước sôi).
Nếu Nhật Bản chào loại lò dùng nước làm lạnh và tải nhiệt dưới áp suất cao cho nước ta, ngoài những tiêu chí an toàn, thì nó sẽ tương tự như công nghệ của Nga chỉ khác một số chi tiết trong những trang bị (bộ bình sinh hơi nằm đứng thay vì nằm ngang, ...).
Còn nếu họ chào loại lò dùng nước sôi, thì thiết kế sẽ khác với loại ở trên vì loại lò này từ khi phân hạch nhiên liệu trong tâm lò cho đến khi sản xuất điện chỉ có hai vòng (thay vì ba vòng như loại ở trên).
- Thưa PGS. TS Vương Hữu Tấn, liệu Việt Nam có kịp đào tạo đủ nhân lực có trình độ để làm việc trong nhà máy này hay không? - (Nguyễn Thị Hương, 22 tuổi, Nữ , ĐH SP HN)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Nhân lực để vận hành nhà máy ĐHN sẽ đưọc đào tạo thông qua hợp đồng với nhà thầu xây dựng nhà máy ĐHN của Việt Nam.
Thời gian đào tạo một cán bộ vận hành mất khoảng 5-7 năm. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, chúng ta hoàn toàn có đủ thời gian để chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực cho quản lý và vận hành nhà máy ĐHN.
Với vai trò là chủ đầu tư trong dự án nhà máy ĐHN đầu tiên, EVN trong những năm vừa qua đã bắt đầu triển khai các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực.
Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng đã tổ chức một số lớp đào tạo cơ bản ba tháng về ĐHN cho cán bộ của EVN trước khi cử đi đào tạo ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục hợp tác với EVN trong công tác đào tạo cán bộ.
- Kế hoạch ĐHN của Việt Nam đã đi được đến đâu rồi, thưa Thứ trưởng? Liệu chúng ta có hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra? - (Lê văn hòa, 40 tuổi, Nam , Buôn mê thuột, Đắc Lắc)
-Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Về kế hoạch thực hiện dự án ĐHN của Việt Nam, tôi đã trả lời một phần ở các câu hỏi trên.
Tôi có thể làm rõ thêm là hiện nay chúng ta đã ký hiệp định liên chính phủ về Dự án ĐHN Ninh Thuận 1 với Nga (cuối năm 2010) và đang đàm phán về những điều kiện cần thiết cho việc triển khai dự án như: tài chính, xây dựng nghiên cứu khả thi (FS)...
Đối với Nhật Bản, tháng 1.2011 chúng ta đã ký Hiệp định hợp tác cấp chính phủ về sử dụng và phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình. Hiện nay chúng ta đang đàm phán với Nhật Bản về dự án ĐHN Ninh Thuận 2.
Theo kế hoạch các bộ ngành và cơ quan trong nước đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng các nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014 và các năm tiếp sau bao gồm xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn; đào tạo nhân lực; chuẩn bị địa điểm...
Để đảm bảo kế hoạch đã đề ra, các cơ quan trong nước phải hết sức nỗ lực, khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ đã được giao theo đúng tiến độ đã được quy định. Tôi hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các cơ quan liên quan chúng ta có thể đảm bảo được tiến độ. Năng lượng nguyên tử nói chung và năng lượng hạt nhân nói riêng là một dạng năng lượng có sức mạnh đặc biệt. Tôi có thể lấy một ví dụ, để chạy một nhà máy nhiệt điện với công suất với công suất 1.000MW trong một năm phải tiêu tốn khoảng 1 triệu tấn than.
Nhưng đối với nhà máy ĐHN cùng công suất thì chỉ tiêu tốn một lượng nhiên liệu là 30 tấn nhiên liệu hạt nhân. Năng lượng hạt nhân có thể sử dụng vì mục đích hoà bình cho sự phát triển chung của thế giới, nhưng nó cũng là một mối hiểm họa nếu sử dụng vào mục đích chiến tranh bằng các vũ khí hủy diệt hoặc các sự cố hạt nhân xảy ra.
Một minh chứng cho điều này có thể chúng ta vẫn chưa quên Nhật Bản đã phải chịu đựng những hậu quả nặng nề từ 2 quả bom nguyên tử thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trong chiến tranh thế giới thứ hai. Chính vì vậy, trong lĩnh vực này, cộng đồng quốc tế đã thành lập Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) để hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát việc sử dụng năng lượng hạt nhân để đảm bảo an toàn và an ninh trên toàn thế giới.
Cơ quan này cũng như cộng đồng quốc tế đã xây dựng nhiều điều ước quốc tế quốc tế (các hiệp ước, công ước quốc tế) để các nước sử dụng năng lượng  nguyên tử là thành viên tham gia các điều ước này phải tuân thủ.
Việt Nam trong nhiều năm qua cùng với sự phát triển sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đã tham gia là thành viên của IAEA và Diễn đàn hợpp tác hạt nhân Châu Á (FNCA); nghiên cứu và tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Công ước thông báo nhanh sự cố hạt nhân, Công ước trợ giúp trong trường hợp sự cố hạt nhân hoặc nguy cơ phóng xạ, Hiệp định về thanh sát bổ sung (AP). Mới đây, tháng 4.2010, Việt Nam tham gia công ước về An toàn hạt nhân...).
Ðể phát triển Chương trình hạt nhân, hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu tham gia các điều ước quốc tế khác nhu: Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, Công ước chung về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Trong quá trình chuẩn bị cho việc xây dựng các nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam, Việt Nam luôn tuân thủ các hướng dẫn của IAEA về an toàn và an ninh để đảm bảo sử dụng năng lượng hạt nhân một cách an toàn và hiệu quả nhất. Có thể kể như: xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn; tăng cường năng lực của các cơ quan nghiên cứu để hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình chuẩn bị, xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN; tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý về an toàn và an ninh hạt nhân; xây dựng cơ sở hạ tầng cho chương trình phát triển ĐHN theo hướng dẫn của IAEA...
Sự chuẩn bị cho quá trình xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN, theo hướng dẫn của IAEA được thực hiện theo một số mốc quan trọng, trong đó phải có sự chuẩn bị các công việc cần thiết cho từng mốc này. Mốc thứ nhất là thời điểm đưa ra quyết định xây dựng nhà máy ĐHN ở Việt Nam. Mốc thứ hai là bắt đầu xây dựng nhà máy ĐHN. Mốc thứ ba là đưa nhà máy vào vận hành.
Hiện nay, chúng ta đã hoàn thành mốc thứ nhất và được IAEA thừa nhận Việt Nam đã đủ điều kiện chuyển sang sang mốc thứ hai. Hiện, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo nhà nước Dự án ĐHN Ninh Thuận và đang chỉ đạo các bộ, ngành ngành liên quan chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đến năm 2014 Việt Nam có thể xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên.
Trong suốt quá trình chuẩn bị cho quá trình xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN, các cơ quan có liên quan vẫn đang tích cực đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, đảm bảo an toàn và an ninh sử dụng năng lượng hạt nhân.  
-Khi tổ máy đầu tiên đi vào hoạt động, người Việt Nam cần bao nhiêu năm nữa để làm chủ công nghệ mà không phải cần đến chuyên gia nước ngoài? - (Chu Văn Xuân, 34 tuổi, Nam , Hà Giang)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Khi xây dựng lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, chuyên gia Liên Xô làm việc cùng chúng ta trong một năm, sau đó bàn giao hoàn toàn trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa cho Việt Nam.
Đối với nhà máy ĐHN, chúng ta chưa có kinh nghiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Trung Quốc, chuyên gia Pháp phải làm việc tại nhà máy 5 năm cùng Trung Quốc. Sau đó mới bàn giao hoàn toàn trách nhiệm cho phía Trung Quốc.
Vì vậy, sắp tới trong đàm phán hợp đồng xây dựng nhà máy ĐHN với Nga và Nhật Bản, chúng ta sẽ phải thảo luận cụ thể với các đối tác về vấn đề này để đưa vào các điều khoản trong hợp đồng xây dựng nhà máy.
- Những lợi ích có được khi xây dựng nhà máy ĐHN? Những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng nhà máy ĐHN ở VN? - (Hoàng Bích Hiền, 22 tuổi, Nữ , ĐH SP HN)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Lợi ích truớc tiên của việc phát triển ĐHN là góp phần đảm bảo về an ninh cung cấp điện năng cho đất nưóc, phục vụ quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Ngoài ra, khi xây dựng ĐHN thì tiềm lực về công nghiệp của quốc gia sẽ được phát triển và tiềm lực khoa học công nghệ sẽ đưọc nâng cao, tác phong làm việc công nghiệp sẽ được xây dựng ở Việt Nam.
Thuận lợi đầu tiên là chủ trương xây dựng nhà máy ĐHN nhận được sự đồng thuận cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ngoài ra, nhu cầu về năng lượng cũng đặt ra những yêu cầu về sự cần thiết phải phát triển ĐHN ở Việt Nam như một tất yếu khách quan.
Hơn nữa, việc phát triển ĐHN của chúng ta là phù hợp với xu thế chung của thế giới, đặc biệt là châu Á. Công nghệ ĐHN ngày càng được cải tiến và đảm bảo độ an toàn cao. Năng lực của các nhà cung cấp nhà máy ĐHN trên thế giới có thể đáp ứng được yêu cầu của chúng ta.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những khó khăn đối với Việt Nam. ĐHN là một công nghệ mới đối với chúng ta. Chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt những nhân lực có trình độ cao về ĐHN. 
Chúng ta còn thiếu những khuôn khổ pháp lý cần thiết mà hiện nay vẫn đang phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện. Ngoài ra, năng lực tài chính của chúng ta cũng hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư dự án ĐHN là rất lớn.
- Xin hỏi Tiến sỹ KH&CN hạt nhân Trần Đại Phúc, theo thông tin mà tôi được đọc trên báo chí thì khá mâu thuẫn, có những nước như Đức hiện đã không có xu hướng phát triển ĐHN và cũng lại có nhiều nước khác bắt đầu chủ trương phát triển ĐHN... Ông giải thích thế nào về hiện tượng này? - (Tùng Bách, 36 tuổi, Nam , Bách tv@yaoo.com)
- TS Trần Đại Phúc: Nước Đức ngừng kế hoạch phát triển nhà máy ĐHN không phải vì lý do kỹ thuật và an toàn. Nguyên nhân chính là bởi:
1. Những nhà máy ĐHN nằm ở các vùng khác nhau: Không may trong những vùng này người dân đa số thuộc đảng Xanh và đảng này không ủng hộ phát triển ĐHN.
2. Chính quyền địa phương có quyền hạn rất cao trong việc quyết định có phát triển nhà máy ĐHN hay không.
Ví dụ: Ở Phần Lan, cách đây 15 năm đảng Xanh đã buộc chính phủ nước này ngừng kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN nhưng sau 10 năm chính phủ Phần Lan đã tái khởi động kế hoạch này. Hiện tại một nhà máy ĐHN có công suất lớn nhất thế giới đang được xây dựng ở nước này (loại lò EPR 1650 MW).
- Tình trạng thiếu điện hiện nay của Việt Nam sẽ được khắc phục như thế nào khi chúng ta xây dựng nhà máy ĐHN? - (lã thị thanh thủy, 15 tuổi, Nữ , Ninh thuận)
- TS Hoàng Anh Tuấn: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy giá ĐHN có thể cạnh tranh và cạnh tranh tốt với các hình thức sản xuất điện khác, đặc biệt là các hình thức phải sử dụng nhiên liệu nhập như nhiệt điện than.
Theo "Định hướng quy hoạch phát triển ĐHN ở Việt Nam", đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy ĐHN là khoảng 8.000 MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất nguồn điện. Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy ĐHN sẽ là khoảng 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện.
Tỷ trọng ĐHN tăng lên sẽ giúp ổn định giá thành điện nói chung vì giá phát ĐHN ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá nhiên liệu. Vì thế, nhiều nước đã có tỷ trọng ĐHN lớn, như Pháp (78,8%); Nhật Bản (34%); Hàn Quốc (28,5%).
- Người dân vẫn còn nhớ thảm họa Chernobyl hơn 20 năm trước, nguyên nhân của tai nạn đó là gì thưa ông? Liệu thảm hoạ này có thể xảy ra lần thứ 2? - (Đoàn thảo nguyên, 43 tuổi, Nam , thaonguyen222@gmail.com)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Thảm hoạ xảy ra ở nhà điện Chernobyl có hai nguyên nhân. Thứ nhất là về thiết kế nhà máy có những vi phạm về nguyên tắc bảo đảm an toàn do công nghệ của lò Chernobyl được sử dụng không chỉ cho mục tiêu phát điện mà còn để sản xuất plutonium làm vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, thiết kế lò Chernobyl không có toà nhà bảo vệ kiên cố để không cho các chất thải phóng xạ có thể phát ra ngoài khi xảy ra sự cố. Nguyên nhân thứ 2 là do người vận hành đã vi phạm quy chế vận hành.
Hiện nay, thế hệ lò Chernobyl không được tiếp tục phát triển. Những lò còn đang tồn tại kiểu Chernobyl của Nga đã được gia cố để đảm bảo an toàn theo những tiêu chuẩn chung của quốc tế và được IAEA xác nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn.
Việt Nam mua lò của Nga cũng như lò của Nhật Bản theo công nghệ lò nước - nước, loại lò phổ biến hiện nay trên thế giới được nhiều nước sử dụng. Còn lò Chernobyl là lò nước - graphit đã không còn được phát triền ở Nga.
- Xin hỏi TS Trần Đại Phúc. Thép đặc biệt của lò phản ứng chịu được bao nhiêu độ? Khi chịu một lượng nhiệt cao, các thanh nhiên liệu có bị bốc cháy, sinh ra thảm họa hạt nhân? - (wap.quocchien.com, 42 tuổi, Nam , 7/39 ham tu quan)
-Tiến sĩ Trần Đại Phúc: Thép của vỏ thanh nhiên liệu hạt nhân phần lớn dùng trong loại lò phản ứng hạt nhân dưới áp suất cao hoặc thấp là loại hợp kim Zirconi (Zircaloy-4, Zircaloy + %Nb...), nhiệt độ vận hành của các thép này trong tâm lò chỉ chừng 320-350 độ C.
Còn trong trường hợp tai nạn trầm trọng, tiêu chí an toàn của loại thép này là 1204 độ C (nhiệt độ này để đảm bảo thép không bị phá hủy bởi sự oxy hóa...).
- Lò phản ứng hạt nhân sử dụng nhiên liệu gì? - (Trần Văn Khải, 34 tuổi, Nam , trankhai1234@yhoo.com.vn)
- TS Hoàng Anh Tuấn: Nhiên liệu được sử dụng trong lò phản ứng hạt nhân gọi là nhiên liệu hạt nhân. Các bó thanh nhiên liệu hạt nhân được thiết kế và chế tạo chuyên dụng cho từng loại lò phản ứng.
Đối với lò phản ứng nước nhẹ mà chúng ta sẽ nhập khẩu công nghệ từ Nga và Nhật Bản, nhiên liệu hạt nhân là các viên gốm Urani có độ làm giàu đồng vị U-235 khoảng 4%.
Mỗi kg Urani nhiên liệu có thể sản sinh 50.000 kW điện, trong khi đó, một kg than chỉ có thể sinh ra 3 - 4 kW điện.
Vì vậy, thể tích nhiên liệu dùng cho nhà máy ĐHN nhỏ trên một trăm nghìn lần so với thể tích nhiên liệu của nhà máy nhiệt điện than.
- Theo ông khi vận hành Nhà máy ĐHN cần lưu ý điều gì (vận hành bình thường và vận hành trong những trường hợp không bình thường)? Yếu tố nào đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình vận hành? - (Đoàn công vinh, 28 tuổi, Nam , KonTum).
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Khi vận hành nhà máy ĐHN chúng ta phải tuân thủ các quy phạm trong quá trình vận hành. Những quy phạm này do phía đối tác xây dựng giúp chúng ta.
Trong quy phạm vận hành cũng đã tiên lượng những tình huống có thể xảy ra và giải pháp ứng phó. Đây là những vấn đề quan trọng mà nhân viên vận hành cũng như các trưỏng kíp vận hành phải nắm giữ và phải thông qua những cuộc sát hạch để được cấp chứng chỉ vận hành nhà máy ĐHN. Hàng năm đều có các khoá đào tạo bổ túc cho nhân viên cũng như trưỏng kíp vận hành.
Tuy nhiên, trong thiết kế của nhà máy, những hiện tưọng sự cố có thể xảy ra đều đã được tiên lượng trong thiết kế và hệ thống thiết bị tự động xử lý không cần có sự can thiệp của con người. Ví dụ, công nghệ lò AP 1000 khi xảy ra sự cố, trong 72 tiếng sự cố, người vận hành không cần có bất cứ động tác nào bởi vì hệ thống công nghệ của nhà máy tự động xử lý theo một quy trình đã được xác lập trước.
- Với kinh nghiệm của mình GS có thể cho biết khi Việt Nam nhập công nghệ thì cần lưu ý những điểm gì? - (Lê Trần Dị Phúc, 45 tuổi, Nam , Đại học Bách Khoa Hà Nội).
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Hiện nay Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang tổ chức nghiên cứu về công nghệ lò phản ứng, các thiết bị trong đảo hạt nhân của nhà máy ĐHN, nhiên liệu hạt nhân, chất thải phóng xạ để có thể tư vấn cho chủ đầu tư trong lựa chọn các hệ thống công nghệ phù hợp cho nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam.
Ví dụ như hệ điều khiển của nhà máy  ĐHNcủa Nga, một số nước mua đã yêu cầu đối tác Nga đặt các hệ thống điều khiển đó từ các công ty của phương Tây, ví dụ như của Siemens của Đức vì các hệ thống linh kiện điện tử của Nga không tốt bằng của các nước phương Tây.
Ngoài ra, còn một số hệ thống công nghệ khác chúng ta cũng phải nghiên cứu để có những tư vấn xác đáng cho việc lựa chọn các hệ thống công nghệ thích hợp của nhà máy ĐHN.
- Tôi là người dân ở Ninh Thuận, tôi không biết nhiều về lĩnh vực này, chỉ muốn hỏi rằng liệu ĐHN có rẻ hơn điện hiện nay chúng ta đang dùng hay không? - (Lăng Thị Phượng, 26 tuổi, Nữ , Ninh Thuận)
- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Theo kinh nghiệm của một số nước phát triển ĐHN như Nhật Bản, Hàn Quốc thì ĐHN là rẻ nhất trong tất cả các dạng điện năng mà các nước này có được bởi vì Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải nhập khẩu năng lượng để phát điện.
Đối với Việt Nam, ĐHN sẽ rẻ hơn các dạng năng lượng như điện than nhập khẩu. Tất nhiên so với thuỷ điện và điện than nội địa thì ĐHN không cạnh tranh được.
Tuy nhiên, đến năm 2020, chúng ta cũng phải nhập than để phát điện và những thuỷ điện lớn về cơ bản cũng đã được khai thác hết.
Do đó, phát triển ĐHN sẽ kinh tế hơn so với các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu, chưa tính đến các vấn đề ô nhiêm môi trường do phát triển điện than.
- Nhà máy ĐHN chúng ta sắp xây dựng sẽ chịu được và giữ vững an toàn ở động đất bao nhiêu độ richter? - (Đinh Thắng, 35 tuổi, Nữ , Hòa Binh).
- Tiến sĩ Trần Đại Phúc: Trong những tiêu chí về thiết kế, các trang bị (bộ bó thanh nguyên liệu, máy bơm chính, bình áp suất, bình sinh hơi của hệ thống 1 và một số trang bị khác) của lò phản ứng hạt nhân được phân loại an toàn sẽ được các nhà thiết kế tính toán và kiểm chứng sự an toàn dưới mức độ động đất cao.
Thông thường, thiết kế của các nhà máy ĐHN trên thế giới sẽ chịu được động đất và an toàn ở khoảng 7 - 8 độ Richter.
- Tôi làm về  lĩnh vực môi trường nên xin hỏi TS.Ngô Đặng Nhân: từ giờ cho tới khi đi vào hoạt động thì Ban dự án nhà máy ĐHN đã có những kế hoạch đào tạo, diễn tập gì cho lực lượng ứng phó sự cố môi trường của nhà máy và sự phối hợp của họ với các lực lượng chuyên trách ứng phó sự cố bên ngoài như của Công an, Quân đội, địa phương khi có sự cố xảy ra và khắc phục sự cố? Cảm on Tiến sĩ - (Nguyễn Trường Khuê, 38 tuổi, Nam, Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
-TS Ngô Ðặng Nhân: Vấn đề ứng phó sự cố là vấn đề mang tính đặc thù của ngành hạt nhân và đã được quan tâm. Kế hoạch ứng phó sự cố quy định trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó sự cố; cách thức tổ chức và điều hành khi sự cố xảy ra.
Kế hoạch ứng phó sự cố là cơ sở để xây dựng các kế hoạch hành động, các quy trình ứng phó chung và riêng cho các kịch bản, tình huống sự cố có thể đã được lường trước trong thiết kế và các sự cố trầm trọng nằm ngoài thiết kế. Trong kế hoạch ứng phó còn đề cập tới đào tạo, huấn luyện về các vấn đề có liên quan khác.
Luật Năng lượng nguyên tử (Ðiều 83) quy định kế hoạch ứng phó sự cố gồm 3 cấp: cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở là kế hoạch ứng phó sự cố của từng nhà máy ĐHN, được xây dựng để kịp thời ứng phó đối với các sự cố xảy ra trong nhà máy ở mức độ không gây phát tán phóng xạ ra ngoài nhà máy. Ví dụ, các hỏng học của thiết bị, sự cố gây rò rỉ chất phóng xạ trong phạm vi nhà máy, các sự cố có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân viên và ô nhiễm môi trường trong phạm vi nhà máy ĐHN.
Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh là kế hoạch ứng phó của tỉnh nơi đặt nhà máy ĐHN và các tỉnh lân cận có thể bị ảnh hưởng khi có sự cố hạt nhân xảy ra. Nội dung chủ yếu của Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh bao gồm các công việc chuẩn bị ứng phó đối với các sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân gây ảnh hưởng đối với con người và môi trường ở phạm vi ngoài khu vực nhà máy ĐHN; hỗ trợ khi vượt quá khả năng tự ứng phó của nhà máy.
Ví dụ, khi sự cố xảy ra trong nhà máy, nhưng chất phóng xạ thoát ra môi trường vượt quá quy định làm ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe của công chúng và gây ô nhiễm môi trường ở khu vực xung quanh nhà máy; kế hoạch ứng phó bao gồm các biện pháp can thiệp tạm thời, sơ tán dân hoặc các biện pháp hạn chế sử dụng lương thực, thực phẩm tại khu vực xảy ra sự cố hạt nhân..v.v.
Kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia là kế hoạch ứng phó ở phạm vi quốc gia, trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân nghiêm trọng liên quan tới tình trạng phát tán chất phóng xạ ở phạm vi rất rộng do sự cố của nhà máy ĐHN gây ra hoặc có thể liên quan tới việc lan truyền chất phóng xạ vượt biên giới từ các sự cố tại nhà máy ĐHN của các nước láng giềng; Kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia còn nhằm hỗ trợ kế hoạch ứng phó cấp tỉnh và nhà máy ĐHN khi tình trạng khẩn cấp vượt quá khả năng điều hành của cấp tỉnh.
Ðối với nhà máy ĐHN Ninh Thuận, đã quy định trách nhiệm của các cơ quan như sau:
- Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng phó cấp cơ sở cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng phó cấp tỉnh cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận.
- Bộ KH-CN chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó cấp quốc gia cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận và hỗ trợ Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận xây dựng kế hoạch ứng phó cấp tỉnh.
Bộ KH-CN cũng đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.
Có thể thấy kế hoạch ứng phó sự cố là vấn đề xuyên suốt trong cả quá trình xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN. Ngay hiện nay, trong giai đoạn xây dựng thông tư về việc lựa chọn địa điểm đã phải đưa vào những yêu cầu đối với việc nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng đến ứng phó sự cố. Cụ thể như sau:
- Ðiều kiện, địa điểm thiết lập trung tâm ứng phó khẩn cấp bên ngoài nhà máy ĐHN;
- Hệ thống giao thông hiện có và khả năng phát triển thêm để bảo đảm thực hiện kế hoạch sơ tán;
- Khả năng cung cấp nơi trú ẩn, lương thực, thực phẩm trong trường hợp xảy ra sự cố trong thiết kế;
- Ước tính thời gian cần thiết để di dân khi có sự cố.
Ðối với việc đào tạo trong nước cũng như học tập kinh nghiệm của nước ngoài đang được thực hiện bởi Ủy ban tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn quốc gia phối hợp cùng với Bộ KH-CN. Một số đoàn công tác đã được tổ chức đi học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, chẳng hạn trong năm 2010 đã tổ chức đi thăm quan tại Malaysia.
Trong nước, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng phối hợp với tổ chức ANSTO của Australia đã tổ chức một số hội thảo, diễn tập về ứng phó sự cố tại TP. HCM và Ðà Lạt.
Ðây là vấn đề lớn mà chúng ta mới bắt đầu và sẽ phải tiếp tục.
- Tôi không biết khí thải của nhà máy ĐHN là gì và nó ảnh hưởng như thế nào, nếu chúng tôi cho con cái vào làm công nhân tại các nhà máy này thì ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Dân cư xung quanh có bị ảnh hưởng vì chất thải này giống như khói hoặc khí thải của một số nhà máy như nhà máy gạch, sản xuất lương thực thực phẩm,…? - (Trịnh Đức Đạt, 27 tuổi, Nam , Cam ranh, khánh hòa).

- PGS.TS Vương Hữu Tấn: Nhà máy ĐHN rong đièu kiện hoạt động bình thường không phát thải khí gây ô nhiễm môi trường và khí gây hiệu ứng nhà kính, còn các chất thải phóng xạ hạt nhân trong nhà máy ĐHN thì ít về số lượng và được quản lý rất chặt chẽ đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.
Có thể nói, so với các nhà máy nhiệt điện khác thì ĐHN là công nghệ mà chất thải phóng xạ được quản lý một cách chặt chẽ nhất, không làm ảnh hưởng đến con người và môi trường. Trong khi các nhà máy nhiệt điện bằng than, các sỉ than, bụi than phát ra trong đó chứa rất nhiều hạt nhân phóng xạ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người cao hơn hàng trăm lần so với nhà máy ĐHN.
Trong nhà máy ĐHN đều được có các phương tiện kiểm soát chặt chẽ về môi trường cũng như về phóng xạ đảm bảo cho công nhân của nhà máy không bị ảnh hưởng của phóng xạ. Tuy nhiên, các công nhân làm việc trong nhà máy đều được trang bị các thiết bị để theo dõi mức độ chiếu xạ mà họ phải chịu trong khi làm việc tại nhà máy. Số liệu này sẽ được định kỳ thông báo cho nhân viên biết để có các giải pháp xử lý kịp thời.
- Xin cảm ơn TSđã có rất nhiều hoạt động giúp đỡ các cán bộ Việt Nam trong thời gian gần đây. Vậy trong thời gian tới, TS sẽ tiếp sức gì cho việc phát triển ĐHN Việt Nam, nhất là khi thời điểm khởi công nhà máy đầu tiên đã gần kề? - (Đoãn đức thanh, 29 tuổi, Nam , ustralia, Úc)
- Tiến sĩ Trần Đại Phúc: Theo lời mời của Bộ trưởng Bộ KH - CN, tôi bắt đầu về làm việc với các chuyên gia của bộ này và đặc biệt với các chuyên viên của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) và Viện Công nghệ xạ hiếm từ tháng 11/2009 đến nay.
Trong thời gian đó, tôi không những truyền tải những kiến thức về công nghệ an toàn hạt nhân mà còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế thu thập được trong suốt 40 năm làm việc tại những nước có công nghiệp ĐHN phát triển cho các đồng nghiệp Việt Nam.
Sau 4 khóa đào tạo cho các cán bộ của Cục ATBXHN và nhiều cuộc hội thảo, những cán bộ của Cục đã có được một nền tảng kiến thức vững chắc để thực hiện trong tương lai, trước hết là công tác thẩm định hồ sơ an toàn và kiểm tra trong quá trình xây dựng và vận hành của hai nhà máy ĐHN đầu tiên của nước ta.
Tôi cũng đã tặng Cục ATBXHN một thư viện với hơn 2.000 đầu sách chuyên ngành công nghệ hạt nhân. Các chuyên gia, sinh viên và những người quan tâm có thể đến đọc và mượn sách ở thư viện này phục vụ cho công tác và học tập.
Từ 7 - 10/3 vừa qua, một chuyên gia cao cấp của Mỹ đã cùng tôi đào tạo hướng dẫn sử dụng một phần mềm mô phỏng (PC-TRAN) cho các cán bộ của phòng An toàn hạt nhân. Sau khi chuyên gia người Mỹ đặt câu hỏi và học viên trả lời, chuyên gia này đánh giá rất cao trình độ của các cán bộ Cục ATBXHN so với các chuyên gia những nước ông đã giảng dạy.
Trong thời gian tới, tôi sẽ bổ sung thêm chương trình dạy của chuyên gia Mỹ này bằng cách dùng phần mềm kể trên để mô phỏng những tình huống vận hành bình thường và sự cố của nhà máy ĐHN.
Mục tiêu chính của chương trình này là để các cán bộ Cục ATBXHN có đủ kiến thức về những hiện tượng (vật lý nơtron, thủy nhiệt học, cơ hoc, thủy động học...) quan trọng xảy ra trong quá trình vận hành nhà máy ĐHN khi bình thường cũng như lúc có sự cố.
- Chúng ta đã trang bị được những gì cho nhà máy ĐHN? - (Kiều Trang, 36 tuổi, Nữ , TP.HCM)
- TS Hoàng Anh Tuấn: Nghiên cứu phát triển ĐHN ở Việt Nam đã được Bộ KH - CN, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan triển khai từ rất sớm. Đặc biệt, từ năm 2000, quá trình nghiên cứu chuẩn bị phát triển ĐHN đã được sự giúp đỡ kỹ thuật của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và các nước có nền công nghiệp ĐHN tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga, Canada.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ sư thuộc nhiều lĩnh vực công nghệ phục vụ cho phát triển ĐHN như: công nghệ và an toàn lò phản ứng, công nghệ nhiên liệu hạt nhân, quản lý và xử lý chất thải phóng xạ, quan trắc phóng xạ môi trường, kỹ thuật kiểm tra và đánh giá không phá hủy (NDT)...
Tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt), lò phản ứng nghiên cứu do Liên Xô (cũ) khôi phục và mở rộng từ lò phản ứng TRIGA Mark II đã vận hành an toàn và khai thác hiệu quả từ năm 1983, góp phần quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ hạt nhân của Việt Nam.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có đội ngũ khoảng 70 cán bộ làm việc cho công tác chuẩn bị dự án, trong đó có một số cán bộ đào tạo chuyên về nhà máy ĐHN ở Nga. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân của Bộ KHCN đã xây dựng đội ngũ gồm 80 cán bộ, trong đó 50% có tốt nghiệp các chuyên ngành hạt nhân. Ngoài ra, một số viện nghiên cứu và trường đại học có nhiều cán bộ trình độ cao trong các lĩnh vực liên quan.
Để thực hiện dự án ĐHN đầu tiên cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các cơ sở hạ tầng ĐHN cần thiết. Theo hướng dẫn của IAEA, hệ thống các cơ sở hạ tầng ĐHN bao gồm 19 nội dung lớn (khuôn khổ pháp lý, pháp quy, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, an toàn hạt nhân, hệ thống quản lý, chuẩn bị địa điểm, hạ tầng lưới điện, tài chính cho dự án, thông tin tuyên truyền, mua sắm thiết bị...). Quá trình phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân gồm 3 giai đoạn cho đến khi nhà máy được đưa vào vận hành.
Tháng 12/2009, đoàn công tác của IAEA phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam đánh giá và đi đến kết luận là: Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn I trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Việt Nam và IAEA cùng các đối tác Nga và Nhật Bản đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng để đạt được Cột mốc số II vào năm 2013: Sẵn sàng ký hợp đồng xây dựng nhà máy ĐHN với đối tác.
Ban chỉ đạo Nhà nước dự án ĐHN Ninh Thuận được thành lập vào tháng 5/2010 đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai một loạt hoạt động phục vụ dự án. Trong đó Bộ KH - CN chịu trách nhiệm và phối hợp xây dựng hệ thống văn bản pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực KH - CN, thông tin tuyên truyền, xúc tiến xây dựng Trung tâm KH - CN hạt nhân mới...
- Theo ông, hiện trạng về nhân lực trong ngành năng lượng hạt nhân ở Việt Nam, đặc biệt nhân lực phục vụ cho dự án ĐHN đầu tiên ở Việt Nam ra sao? - (Nguyễn Thị Thủy, 41 tuổi, Nam , nguyenthuy79@yahoo.com.vn)
- TS Hoàng Anh Tuấn: Việt Nam có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ sư về năng lượng nguyên tử đang công tác, làm việc tại nhiều cơ sở nghiên cứu, cơ quan quản lý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, và một số trường đại học. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư chuyên về ĐHN ở Việt Nam còn rất thiếu vì đây là lĩnh vực mới.
Nhân lực cho dự án ĐHN (chỉ tính riêng nhân lực phục vụ việc vận hành nhà máy ĐHN sau này) sẽ cần khoảng 2.000 cán bộ kỹ thuật cho 2 nhà máy Ninh Thuận I và Ninh Thuận II, mỗi nhà máy có hai lò phản ứng.
Ngoài ra, Việt Nam cần một số lượng nhất định cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học của các chuyên ngành liên quan đến ĐHN để làm việc cho các cơ quan quản lý và hỗ trợ kỹ thuật cho dự án. Cán bộ kỹ thuật cho dự án có thể được tuyển chọn từ các kỹ sư mới tốt nghiệp hoặc đang công tác tại các cơ sở công nghiệp (nhà máy nhiệt điện, thủy điện..) thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau và được gửi đi đào tạo chuyên về ĐHN trong và ngoài nước. Việt Nam đã cử hàng trăm sinh viên, cán bộ đi học tập ở Nhật Bản và Nga để phục vụ các dự án ĐHN.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cho các dự án ĐHN ở Việt Nam, ngoài việc cử các sinh viên và cán bộ đi học ở nước ngoài, cần phải tổ chức đào tạo về công nghệ hạt nhân ở trong nước.
Để đảm bảo kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cho các cơ quan liên quan, Việt Nam sẽ có các chính sách khuyến khích đặc biệt đối với sinh viên, cán bộ, và chuyên gia trong lĩnh vực ĐHN. Đồng thơi, Việt Nam cũng đang khẩn trương đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với IAEA, các nước có nền công nghệ hạt nhân tiên tiến, đặc biệt là các nước sẽ xây dựng nhà máy ĐHN cho Việt Nam.
-Tôi xin hỏi ông Lê Đình Tiến và ông Ngô Đặng Nhân: Theo Luật Năng lượng nguyên tử của Việt Nam, Bộ Công thương chịu trách nhiệm cấp phép cho Nhà máy Điện hạt nhân chứ không phải là Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, điều này có nghĩa là Bộ Công thương vừa là người cấp phép, vừa là chủ đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân. Điều này dường như trái với thông lệ quốc tế. Đề nghị các ông giải thích. (Nguyễn Tuấn Anh, 50, Nam).
-TS. Ngô Ðặng Nhân: Xin cải chính lại một số chi tiết. Thứ nhất là theo Luật Năng lượng nguyên tử, Bộ Công Thương chỉ chịu trách nhiệm cấp phép vận hành cho nhà máy ĐHN sau khi đã được cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thẩm định và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia cho ý kiến, chứ không phải cấp tất cả các loại giấy phép cho nhà máy ĐHN. Thứ hai là chủ đầu tư nhà máy ĐHN là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – một doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt mà Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý và giám sát một số hoạt động chính (cơ quan chủ quản).
Khi xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử, do còn ít kinh nghiệm nên chúng ta bị ảnh hưởng của một số pháp luật nước ngoài (như Nhật Bản, Hàn Quốc) và tác động cúa yêu cầu thống nhất với pháp luật hiện hành trong nước (như điện lực, xây dựng, môi trường…).
Ở một vài nước, Bộ Công Thương cấp phép cho nhà máy ĐHN trong điều kiện chủ đầu tư thường thuộc sở hữu tư nhân, hoàn toàn độc lập với Bộ. Mặt khác, thẩm quyền cấp phép được tập trung giao cho một cơ quan quản lý thống nhất, như ở Hoa Kỳ là Ủy ban Pháp quy hạt nhân (US.NRC), ở Nga là Cơ quan pháp quy hạt nhân (Rostechnadzor); chứ không phân tán thẩm quyền như ở nước ta.
Điều này vừa không bảo đảm nguyên tắc thống nhất và độc lập của cơ quan quản lý rất đặc thù, vừa gây khó khăn cho công tác quản lý và quy trách nhiệm về sau này. Theo chúng tôi, cơ quan cấp phép cần phải được tập trung về một đầu mối và phải được trao đủ thẩm quyền, được đầu tư nguồn lực để có năng lực quản lý, đánh giá, thẩm định, giám sát.
Sau khi nghiên cứu, hiện nay Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ để xem xét kiến nghị với Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên (2008) để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Mặc dù còn rất nhiều câu hỏi của độc giả nhưng do thời lượng buổi giao lưu có hạn nên chúng tôi xin phép được trả lời vào một dịp khác. Mọi câu hỏi xin gửi về địa chỉ khoahoc@baodatviet.vnttkhcn@most.gov.vn
Rất mong được gặp lại độc giả của Báo Đất Việt trong những lần giao lưu sau. Xin cảm ơn!

 
 
 
 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner