Giao lưu trực tuyến Thứ năm, 25/04/2024 , 02:15 pm
Cập nhật : 03/11/2010 , 11:11(GMT +7)
Trực tuyến: Nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia
Ảnh Chinhphu.vn
Sáng 3/11, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến về khoa học công nghệ- vấn đề được xem như động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Trong quá trình đổi mới đất nước, hoạt động khoa học công nghệ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và tạo ra hướng phát triển mới cho lĩnh vực này.

Tuy nhiên, do điều kiện đất nước ta còn nghèo, cơ sở vật chất và đầu tư kinh phí cho khoa học công nghệ còn hạn hẹp, nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện khi cơ chế quản lý kinh tế đang trong quá trình đổi mới và nhất là trước sức ép cạnh tranh trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế, hoạt động khoa học công nghệ còn đứng trước những thách thức.      

Làm thế nào để khắc phục những khó khăn thách thức, nhanh chóng nâng cao hơn nữa tiềm lực KHCN, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước như Dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 -2020” đã đề ra?

Nhằm phân tích rõ hơn những vấn đề này, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Toạ đàm trực tuyến “Nâng cao tiềm lực Khoa học và Công nghệ Việt Nam để phát triển nhanh và bền vững”.

Tọa đàm có sự tham dự của Tiến sĩ Nguyễn Quân - Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương; ông Ngô Khánh Lân, Phó Giám đốc Sở KH&CN Vĩnh Phúc.

Buổi tọa đàm theo 3 nhóm chủ đề chính.

Thứ nhất, những thành tựu khoa học và công nghệ nổi bật trong 5 năm từ 2006 – 2010 đóng góp vào các mục tiêu phát triển – kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ hai, những giải pháp nhằm nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia trong giai đoạn 2010 -2015.

Thứ ba, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chủ trì và của các Bộ, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

MC: Thưa Thứ trưởng Nguyễn Quân, trong Dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 -2020” sẽ trình Đại hội Đảng lần thứ XI, khoa học và công nghệ Việt Nam được coi là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Xin ông phân tích về định hướng này và cho biết các mục tiêu được đưa ra trong Dự thảo có phù hợp với yêu cầu của đất nước ta trong 10 năm tới?

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Trong thập kỷ 60, khoa học công nghệ được coi là then chốt trong 3 cuộc cách mạng của giai đoạn đó, gồm cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về tư tưởng văn hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật. Đến những năm 80, Đảng và Nhà nước xác định khoa học công nghệ là động lực, là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội lần VIII của Đảng năm 1996 xác định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, cùng giáo dục đào tạo.

Dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 -2020” tiếp tục coi khoa học công nghệ là động lực, là then chốt. Chúng tôi cho rằng cần tiếp tục khẳng định lại vai trò quốc sách hàng đầu của khoa học công nghệ, bởi đây là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kinh nghiệm thế giới và khu vực cho thấy trong giai đoạn tăng tốc, khoa học chiếm vị trí cao nhất trong các yếu tố phát triển kinh tế xã hội một quốc gia. Do đó, các mục tiêu trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 -2020” về cơ bản là phù hợp, và chúng tôi cho rằng chúng ta có đủ điều kiện cần thiết để đưa khoa học công nghệ đất nước phát triển.

Thưa Thứ trưởng, năm nay, Bộ KHCN sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2010, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN giai đoạn 5 năm 2006 – 2010. Xin Ông cho biết, 5 năm qua, hoạt động KHCN đã có những đóng góp đáng kể gì vào việc nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đấy đổi mới công nghệ và ứng dụng những thành tựu khoa học trong phát triển kinh tế?

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Thành tựu quan trọng đầu tiên mà chúng tôi đánh giá có thể kế đến là trong 5 năm qua đã xây dựng được cơ bản nền tảng khung pháp lý cho KHCN. Điều mà suốt mấy chục năm qua chưa thực hiện được.

Bộ đã xây dựng và trình Quốc hội  được 7 đạo luật  quan trọng mà trong đó có những Luật mà không có nó thì chúng ta khó có thể gia nhập vào WTO và  nền kinh tế quốc tế. Ví dụ như Luật Sở hữu  trí tuệ (2005), Luật chuyển g iao công nghệ, Luật tiêu chuẩn kỹ thuật (2006) , Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa (2007), Luật đo lường vào năm nay.

Thứ trưởng Nguyễn Quân - Ảnh Chinhphu.vn

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao các luật của VN. Cụ thể, Hoa Kỳ  đã đánh giá Luật sở hữu trí tuệ của VN có tính tương thích cao so với luật quốc tế.

Bộ đã phối hợp ban hành trên 80 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của TTg và các thông tư hướng dẫn các luật này.

Cho đến giờ này chúng tôi đánh giá đã xây dựng được nền tảng pháp lý  tương đối hoàn thiện. Trong 5 năm qua các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đã phát triển và có thành tựu đáng ghi nhận.

Như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đã góp phần thay đổi bức tranh về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Chúng ta đã hỗ trợ các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác trong đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và được các nước khác đánh giá rất cao.

Về tiêu chuẩn chất lượng, chúng ta ban hành trên 20 ngàn tiêu chuẩn VN và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong đó gần 30% hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Chính vì thế mà hàng hóa VN đã có vị trí  trên trường quốc tế và ngược lại chúng ta cũng xây dựng được hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn nhập siêu những hàng hóa không cần thiết.

Trong lĩnh vực cơ khí, chúng ta đã thiết kế và chế tạo những hệ thống cần trục siêu trường, siêu trục để phục vụ cho các thủy điện. Chúng ta cũng chế tạo được các vaccine trình độ cao, trong lĩnh vực y tế, chúng ta thành công ghép tạng, ghép tim và làm chủ các công nghệ mạnh, cao để sản xuất các mặt hàng phục vụ cho nền kinh tế.

Chúng ta đã đạt các mục tiêu chiến lược KHCN đến năm 2010.

MC: Một trong những mục tiêu hàng đầu mà Quyết định 272/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đặt ra là vấn đề nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2010. Hiện nay khoa học công nghệ của Việt Nam đứng ở vị trí thứ bao nhiêu trong khu vực? Để tạo ra bước đột phá trong hoạt động khoa học và công nghệ, chúng ta cần tháo gỡ những rào cản nào?

Ông Nguyễn Huy Hoàn: Nếu để đánh giá KHCN Việt Nam đứng thứ bao nhiêu thì rất khó, do không có hệ thống đánh giá. Tuy nhiên, cũng như Thứ trưởng Quân vừa nói, KHCN của Việt Nam chúng ta trong giai đoạn qua đạt được nhiều thành tựu. Và để đạt được điều đó, phải nói tới tiềm lực KHCN là con người và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động KHCN.

Những năm qua, trong chiến lược đến 2010 đặt ra 1 trong những nhiệm vụ là nâng cao tiềm lực đó.

Đối với Bộ Công Thương, có 23 viện nghiên cứu, hoạt động KHCN của Bộ nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược đặt ra. Một trong những nhiệm vụ đó là đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, tổ chức thực hiện  nghiên cứu phát triển.

Trước khi CP ban hành NĐ 115 và 80, Bộ cũng đã có 2 đơn vị là Viện nghiên cứu máy và dụng cụ nông nghiệp và Viện KTKT thuốc lá được thí điểm mô hình doanh nghiệp KHCN. Tiếp theo, sau khi NĐ 115 ra đời, Viện cũng đã chuyển đổi mục đích hoạt động theo mô hình mới, nâng cao tính tự chủ trong hoạt động. Các hoạt động sau chuyển đổi của Viện nghiên cứu đã có bước phát triển với những thành tựu khá hơn. Các hoạt động nghiên cứu bám sát thị trường, yêu cầu của sản xuất.

Tới đây, để nâng cao tiềm lực KHCN, đóng góp tích cực hơn cho phát triển KTXH và đóng góp cho ngành Công Thương nói riêng, vẫn phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nhà nước, cơ chế hoạt động.. Theo tôi, một  mặt Nhà nước cần tiếp tục đầu tư tăng cường nâng cao tiềm lực con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất,  mặt khác các tổ chức cũng cần huy động các nguồn khác nhau. Bởi mỗi hoạt động nghiên cứu có tốt hay không thì yếu tố con người và cơ sở vật chất rất quan trọng.

MC: Theo điều 4 của Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KHCN phải chuyển đổi thành tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp KHCN. Khi triển khai thực hiện Nghị định 115, được coi là “khoán 10” trong khoa học, chúng ta gặp khó khăn và thuận lợi gì?

Ông Nguyễn Huy Hoàn - Ảnh Chinhphu.vn

Ông Nguyễn Huy Hoàn: Những thuận lợi và khó khăn của các tổ chức KHCN nói chung trong cả nước thì có lẽ lát nữa Thứ trưởng Nguyễn Quân sẽ trả lời. Còn riêng trong lĩnh vực Công Thương, trước khi có Nghị định 115, về cơ bản, có 2/3 số viện trong ngành Công Thương trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty, không được hưởng quỹ lương mà phải tự hoạt động gần như theo cơ chế của Nghị định 115, chỉ có 1/3 trực thuộc Bộ được hưởng quỹ lương hoạt động bộ máy.

Thứ hai, các viện trong Bộ Công Thương là các viện nghiên cứu, phát triển, tức là phục vụ cho một thị trường, trực tiếp là các hoạt động  của ngành Công Thương, cho nên cũng không khó khăn lắm trong quá trình chuyển đổi.

Sau khi chuyển đổi, theo cơ chế tự chủ, rõ ràng các viện nghiên cứu có thuận lợi như tăng quyền tự chủ, tự quyết nhiều hơn, được huy động các nguồn lực khác nhau để phát triển. Cụ thể, có thể cả viện không chuyển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ nhưng thành lập các công ty trong viện, có bộ phận chuyên về nghiên cứu cũng có bộ phận hoạt động theo mô hình doanh nghiệp có điều kiện phát triển hơn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Dĩ nhiên, việc thực hiện chính sách lớn này cũng sẽ có những khó khăn nhất định, ví dụ cơ chế vay vốn cho các doanh nghiệp hoạt động cũng có những khó khăn nhưng về cơ bản là thuận lợi nhiều hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Bộ Công Thương là Bộ đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ giao quyền tự chủ cho các đơn vị khoa học công nghệ, tiến tới thành lập các doanh nghiệp KHCN từ các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu. Nghị định 115 và Nghị định 80 có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thay đổi cơ chế quản lý các đơn vị KHCN của Nhà nước. Trong quá khứ, các tổ chức này đều được bao cấp toàn bộ về quỹ lương và chi phí hoạt động bộ máy, còn trong cơ chế mới thì kinh phí không được cấp theo đầu biên chế mà được giao kèm với nhiệm vụ, theo những đơn đặt hàng của Nhà nước với các tổ chức KHCN.

Chúng tôi cho rằng có hai khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện cơ chế mới. Thứ nhất là tâm lý lãnh đạo các đơn vị có e ngại nhất định bởi đã quen với bao cấp trong mấy chục năm qua, khi chuyển sang mô hình tự chủ, người lãnh đạo đơn vị sự nghiệp phải điều hành đơn vị của mình như một doanh nghiệp.

Khó khăn thứ hai là sự thiếu đồng bộ của hệ thống các cơ chế chính sách. Chính phủ cho phép các đơn vị được sản xuất kinh doanh, tự chủ về biên chế, tài chính, tự chủ xác định nhiệm vụ nhưng các văn bản khác lại chưa đồng bộ.

Ví dụ, chúng ta chưa có cơ chế để giao tài sản cho một đơn vị sự nghiệp để họ dùng tài sản đó phục vụ sản xuất kinh doanh. Việc cấp phép sản xuất kinh doanh của các địa phương cho các đơn vị cũng còn trục trặc.

Các doanh nghiệp KHCN được miễn giảm thuế nhưng cục thuế các địa phương thường chưa có kinh nghiệm hoặc chưa dám mạnh dạn cho phép các DN được hưởng theo đúng Nghị định 115. Hoặc cơ chế tuyển dụng, nâng lương cũng chưa có phối hợp đồng bộ, nên khi một lãnh đạo muốn nâng lương cho một cán bộ có thành tích xuất sắc, hoặc muốn tuyển dụng người tài vào làm việc vẫn vướng mắc với những quy trình, thủ tục cũ mà chúng ta chưa kịp đổi mới.

Tuy nhiên, trong mấy năm qua, Bộ KHCN và các bộ, ngành đã hết sức cố gắng. Cho đến nay, về cơ bản các tổ chức KHCN đã chuyển đổi thành công sang cơ chế mới, rất nhiều tổ chức đã hoạt động theo cơ chế tự chủ và đạt kết quả rất tốt. Trong số đó, có những đơn vị của Bộ Công Thương như Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu thuốc lá…

Hiện trong cả nước đã có hơn 400 tổ chức KHCN chuyển đổi thành công, đã ra đời hơn 300 doanh nghiệp KHCN, đem lại sức sống mới cho KHCN và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

MC: Một trong những mục tiêu hàng đầu mà Quyết định 272/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đặt ra là vấn đề nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2010. Hiện nay khoa học công nghệ của Việt Nam đứng ở vị trí thứ bao nhiêu trong khu vực? Để tạo ra bước đột phá trong hoạt động khoa học và công nghệ, chúng ta cần tháo gỡ những rào cản nào?

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Việc đánh giá chúng ta đứng thứ bao nhiêu chưa có tiêu chí chung. Về mặt kinh tế, ta đứng 170 trên thế giới, đứng thứ 7 trong khu vực tính theo GDP bình quân đầu người. Thứ hạng về KHCN của chúng ta nhìn chung cao hơn thứ hạng về kinh tế.

Ví dụ, chúng tôi có tham gia Ủy ban KHCN ASEAN. Các nước trong khu vực đều đánh giá cao năng lực KHCN cũng như đóng góp của VN. Họ cũng không xếp hạng VN đứng thứ bao nhiêu nhưng  thường mời VN tham gia các phiên họp của các nước hàng đầu trong khu vực.

Tương tự như các lĩnh vực khác, so với vị trí về mặt kinh tế, thu nhập, vị trí KHCN đứng cao hơn, đặc biệt trong một số ngành lĩnh vực, vị trí KHCN còn được đánh giá cao hơn nữa.

Chẳng hạn, trong ngành toán, với sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields, chúng ta đứng ở vị trí 60-70 trên thế giới về toán học.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng ta nằm trong tốp nửa đầu của thế giới. Với tiềm lực kinh tế, trình độ phát triển còn thấp, KHCN vẫn có vị trí cao như thế, cho thấy, chúng ta quan tâm nhiều cho KHCN và các nhà khoa học VN đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế.

MC: Làm thế nào để có thể phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức KHCN chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN trọng điểm như mục tiêu phát triển KHCN mà Dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 -2020” đã đưa ra?

Ông Ngô Khánh Lân - Ảnh Chinhphu.vn

Ông Ngô Khánh Lân: Xuất phát từ thực tế KHCN tỉnh Vĩnh Phúc, muốn KHCN đóng góp nhiều vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh, Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa đầu tư cho  KHCN, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

MC: Thưa ông Nguyễn Huy Hoàn, trong những năm qua, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá tăng cường khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Về góc độ Bộ Công Thương, ông đáng giá như thế nào về sự quan tâm của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý trong quá trình đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong nhiều ngành kinh tế quốc dân hiện nay?

Ông Nguyễn Huy Hoàn: Về mức độ quan tâm đầu tư cho KHCN của các doanh nghiệp, có thể chia làm 2 nhóm doanh nghiệp.

Thứ nhất, DN mới thành lập hoặc có vốn đầu tư lớn, bản thân họ có tiềm năng kinh tế tài chính lớn nên có công nghệ hiện đậi do đó có tiềm lực đầu tư cho KHCN.

 Nhóm thứ 2 là nhóm công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp nhỏ và vừa  dẫn tới hiệu quả sản xuất kém, kéo theo mức thu nhập kém. Nên mặc dầu DN biết cần đổi mới, đầu tư cho KHCN nhưng nguồn lực cho KHCN gặp nhiều khó khăn hơn.

Thực ra, về phía nhà nước, trong những năm qua, Chính phủ đã có Nghị định 119 ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới KHCN. Tuy nhiên, các DN được hưởng các cơ chế hỗ trợ còn hạn chế.

Gần đây, theo tôi được biết, Bộ KHCN phối hợp với Hội đồng chính sách KHCN quốc gia đang có chủ trương rà soát đánh giá lại NĐ 119 để có điều chỉnh hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn đổi mới KHCN.

Tôi hy vọng, sau đó, sự hỗ trợ của nhà nước sẽ thuận lợi hơn, nhiều đơn vị sẽ tham gia đổi mới KHCN. Tất nhiên, việc đổi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh các đơn v,ị doanh nghiệp đều biết, tuy nhiên nhiều khi trong những điều kiện cụ thể, “cái khó bó cái khôn”, nên mặc dù muốn vẫn chưa làm được.

MC: Thưa Thứ trưởng Nguyễn Quân, ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Chúng tôi cho rằng, đổi mới công nghệ cho DN Việt Nam là vấn đề sống còn. Bởi chúng ta đang có hệ thống DN với công nghệ sản xuất lạc hậu so với trung bình thế giới từ 2-3 thế hệ.

Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ thì đúng như anh Hoàn nói, đòi hỏi nguồn đầu tư trong khi hầu hết DN của chúng ta là nhỏ và siêu nhỏ, nguồn đầu tư cho KHCN hạn chế.

Chúng tôi phải nói một con số đáng buồn, một tiêu chí chúng ta chưa đạt được trong chiến lược phát triển KHCN  là đầu tư xã hội cho KHCN. Lẽ ra năm 2010 chúng ta phải đạt được mức 1,5% GDP cho KHCN, nhưng tới giờ chưa đạt được tới 1%.

Trong khi đó, ở các nước khác, kể cả các nước lân cận như Trung Quốc đã vượt qua 2%. Cá biệt, Hàn Quốc đã đầu tư gần 5% GDP. Nhưng đây chủ yếu là nguồn đầu tư của xã hội trong đó chủ yếu là doanh nghiệp.

 Còn đầu tư từ ngân sách, có thể nói Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Chúng ta hàng năm dành khoảng 2% tổng chi ngân sách tương đương 0,5% GDP. Theo tôi, đây là con số đáng khâm phục, bởi ngay như các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ thì tỷ lệ chi ngân sách cho KHCN cũng chỉ khoảng 0,3-0,4% GDP.

Tuy nhiên, họ huy động tốt các nguồn đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp. Vấn đề này hiện chúng ta làm chưa tốt. Một phần do cái khó bó cái khôn, các DN của chúng ta có tiềm lực yếu, nguồn vốn, doanh thu nhỏ nên chưa thể dành nguồn đầu tư lớn cho KHCN.

Chính vì thế, năm vừa rồi, Bộ KHCN xây dựng trình Chính phủ Đề án chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Trong đó có giải pháp đặc biệt quan trọng là Nhà nước hỗ trợ DN, khuyến khích đồng thời có chế tài ràng buộc phải đầu tư cho KHCN.

Một biểu hiện gần đây nhất, trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được Quốc hội thông qua, yêu cầu DN trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho quỹ phát triển KHCN của DN. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, bộ, ngành thành lập quỹ phát triển KHCN. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ có nguồn lực lớn hơn, có thể lớn gấp đôi mức đầu tư từ ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần của chiến lược năm 2010.

Chúng tôi hy vọng chúng ta có thể thực hiện mục tiêu đó chậm một chút so với chiến lược. Có thể tới 2013-2014 chúng ta đạt mức tổng đầu tư của xã hội là 1,5% GDP.

MC: Thưa Thứ trưởng Nguyễn Quân, ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 712/QĐ-TTg, phê duyệt chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Xin Thứ trưởng cho biết về mục tiêu tổng quát của Chương trình này và bước đầu triển khai Chương trình đang được tiến hành ra sao?

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Chương trình quốc gia nói trên có ý nghĩa rất quan trọng, hai mục tiêu tổng quát mà chúng tôi đặt ra là, thứ nhất, xây dựng và ứng dụng hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, mô hình, phương thức quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa… Thứ hai là tạo sự đột phá, thay đổi rất mạnh về chất lượng hàng hóa VN để đủ sức cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn trên thương trường quốc tế.

Sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 172, chúng tôi đã thực hiện một số công việc đặt nền móng cho chương trình.

Việc đầu tiên là thành lập BCĐ Quốc gia chỉ dạo chương trình này do Bộ trưởng Bộ KHCN làm Chủ tịch.

Chúng tôi cũng đã giao Tổng cục Tiêu chuẩn và Chất lượng từ nay đến 2015 phải ban hành trên 4.000 tiêu chuẩn quốc gia để hàng hóa VN đạt chất lượng tương đồng, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.

Chúng tôi cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tư vấn về hàng rào kỹ thuật thương mại, thành lập các điểm giải đáp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các bộ ngành, địa phương, bởi DN rất thiếu thông tin.

Chúng tôi cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực quản lý thông qua việc ban hành rất nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa cũng như các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến các sản phẩm hàng hóa nhóm A, tức những hàng hóa gây ô nhiễm hoặc có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Có thể thấy trong thời gian, các sản phẩm như đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm xe máy đã được quản lý chất lượng tương đối gắt gao. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, bộ ngành để thực hiện hai mục tiêu tổng quát của chương trình quốc gia.

Ảnh Chinhphu.vn

MC: Thưa ông Ngô Khánh Lân, chúng ta vừa nghe Thứ trưởng Nguyễn Quân nói về Luật Sở hữu trí tuệ. Theo tôi biết, tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có gần 4000 doanh nghiệp, vấn đề đăng ký và bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng, nhiều khi nó là sự sống còn của doanh nghiệp. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KHCN, Sở KHCN Vĩnh Phúc đã giúp đỡ cho các hoạt động của DN này như thế nào?

Ông Ngô Khánh Lân: Xuất phát từ quan điểm sở hữu trí tuệ của các DN là quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp,trong các năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở ban hành các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trong dự án này mà chúng tôi gọi là dự án năng suất chất lượng, bao gồm nhiều phần như hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống chất lượng tiên tiến theo chất lượng quốc tế và hỗ trợ các DN đổi mới công nghê về tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra chúng tôi còn hỗ trợ các DN đăng kí kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa. Sau khi có nhãn hiệu mà được cơ quan có thẩm quyền cấp thì chúng tôi đều hỗ trợ về kinh phí.

Về góc độ của Sở, chúng tôi phối hợp ngành Công an, Công Thương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh có vi phạm sở hữu trí tuệ, qua đó ngăn chặn được rất nhiều hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

MC: Thưa ông Nguyễn Huy Hoàn, từ khi Việt Nam ra nhập WTO, các doanh nghiệp phải thực hiện quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng có liên quan đến hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Được biết là chúng ta đã có một Ban chỉ đạo liên ngành về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại để tạo điều kiện hội nhập cho các doanh nghiệp hội nhập. Xin Ông cho biết rõ hơn về hoạt động của Ban này trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Huy Hoàn: BCĐ liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại do Bộ KHCN chủ trì, Bộ Công Thương chỉ đóng vai trò tham gia.

Tuy nhiên, để triển khai các hoạt động trong lĩnh vực hoạt động kỹ thuật trong thương mại, Bộ Công Thương cũng đã có những hoạt động như vừa ban hành danh mục hàng hóa (nhóm 2), hay ban hành Thông tư 32 quản lý chất tồn dư formandehyd trên vải, các sản phẩm dệt may, tiến hành xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm quy định trong danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2.

Liên quan tới chương trình Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 712 về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, Bộ Công Thương cũng được giao 1 dự án. Thực ra, chương trình này cũng mới được phê duyệt tháng 5. Hiện Bộ đang triển khai xây dựng dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện. Trong đó có mấy hoạt động như Thứ trưởng Quân đã nói.

Hiện nay Bộ đang chỉ đạo rà soát lại danh mục tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn trước đây là tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam, bây giờ rà soát lại toàn bộ tiêu chuẩn ngành thuộc lĩnh vực của Bộ Công Thương phải chuyển đổi. Những tiêu chuẩn không thuộc loại bắt buộc áp dụng, chuyển đổi thành TCVN theo hướng tự. Những tiêu chuẩn bắt buộc thì  phải chuyển đổi thành quy chuẩn Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng đang xây dựng danh mục, rà soát đánh giá triển khai hoạt động đó.

Một hoạt động nữa trong nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh là Bộ Công Thương xây dựng các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, để nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm công nghiệp.

Như chúng ta biết, một số sản phẩm trong lĩnh vực dệt may, da giầy, xuất khẩu đạt doanh thu cao nhưng giá trị gia tăng trong đó lại chưa nhiều, chủ yếu do công nghiệp hỗ trợ yếu.

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định cơ chế khuyến khích  thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cũng như phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ…

MC: Thưa Thứ trưởng Quân, chúng tôi vẫn rất muốn biết về hoạt động của BCĐ liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) để tạo điều kiện cho DN hội nhập WTO?

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, BCĐ liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) do Bộ KHCN chủ trì, trước đây đồng chí Thứ trưởng KHCN Trần Quốc Thắng là trưởng ban. Hiện nay, do thay đổi về nhân sự, chúng tôi sẽ tiếp quản công việc của đồng chí Trần Quốc Thắng.

Tham gia vào BCĐ có đại diện nhiều bộ, ngành. Thời gian vừa qua, Chính phủ yêu cầu làm sao để hàng rào kỹ thuật trong thương mại phải giúp Chính phủ hạn chế nhập siêu, cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.

Trong mấy tháng qua, Bộ Công Thương, KHCN phối hợp chặt chẽ trong xây dựng hàng rào kỹ thuật, phi kỹ thuật. Các bạn có thể thấy, bức tranh nhập siêu đã tươi sáng hơn nhiều. Tỷ lệ nhập siêu cũng như con số tuyệt đối nhập siêu giảm hơn các tháng đầu năm. Một phần đó là do sự phối hợp từ các bộ, ngành.

Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác để làm việc với 10 Bộ quản lý sản phẩm hàng hóa có doanh số nhập siêu lớn, trong đó có Bộ Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng…

Cả 10 Bộ đã thống nhất các giải pháp trong khuôn khổ hàng rào kỹ thuật trong thương mại để hạn chế nhập siêu, như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc áp dụng và các giải pháp khác về quản lý xuất nhập khẩu qua biên giới, đặc biệt qua giao dịch biên mậu biên giới trên đất liền với các nước lân cận.

Chúng tôi cũng thường xuyên dự các buổi giao ban xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương tổ chức.

Đại diện của BCĐ TBT cũng như các cơ quan liên quan cũng tư vấn cho các DN, Hiệp hội trong các giao ban, hội nghị xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho họ, đồng thời giúp họ hiểu để cùng Chính phủ hạn chế nhập siêu. Có thể nói, hoạt động của BCĐ TBT trong mấy nằm vừa rồi đạt được nhiều kết quả tốt.

Đẩy mạnh phát triển KHCN để phục vụ phát tiển kinh tế - Ảnh nhà máy lọc dầu Dung Quất

MC: Thưa các vị khách, có ý kiến thừa nhận làm khoa học trong điều kiện đất nước còn nghèo là điều không dễ, để phát triển nhanh, không có cách nào khác là đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, nền khoa học tiên tiến. Quan điểm của các ông về vấn đề này như thế nào?

 

Ông Ngô Khánh Lân: Có một thực tế là làm KHCN rất khó, thậm chí có ý kiến nói là đầu tư cho KHCN nhiều như thế nhưng hiệu quả chưa thấy gì.

Nhiều đồng chí lãnh đạo nói với tôi là nhiều đề tài khoa học thực hiện xong rồi chỉ cho vào ngăn kéo. Đây cũng là một thực tế nhưng để đánh giá hiệu quả KHCN thì chưa có kết quả nghiên cứu nào đánh giá.

Tôi xin lấy một ví dụ rất sinh động với Vĩnh Phúc, nơi công nghiệp phát triển chiếm tới 60% GDP của tỉnh.

Cách đây 10 năm năng suất lúa chỉ khoảng 5,6 tấn/ha, nhưng nay do áp dụng các công nghệ mới về gen, giống, các tiến bộ về canh tác, năng suất lúa tăng rất mạnh. Vì thế, mặc dù diện tích lúa giảm, an ninh lương thực vẫn đảm bảo.

Tôi đánh giá đấy là một đóng góp rất lớn của KHCN đối với phát triển kinh tế, bởi ở Vĩnh Phúc, mặc dù công nghiệp phát triển mạnh, vẫn có tới 80% người dân làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi xác định KHCN có vai trò rất quan trọng với lĩnh vực này.

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Trong hoàn cảnh chúng ta còn nghèo, việc đầu tư cho KHCN là khó khăn. Nhưng kinh nghiệm các nước cho thấy, càng nghèo càng phải đầu tư cho KHCN. Bởi nếu không thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho KHCN thì chúng ta mãi mãi không thoát khỏi cảnh nghèo. Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia đều đồng quan điểm như vậy.

Tôi cho rằng cần phải làm ba việc để phát triển KHCN của đất nước.

Thứ nhất, cần huy động đầu tư  từ xã hội gấp đôi, ba đầu tư từ ngân sách. Để làm được điều này, bên cạnh việc tuyên truyền, phải có chế tài rõ ràng để buộc các tổ chức, cá nhân phải quan tâm đến việc đầu tư vào KHCN..

Thứ hai, với kinh phí ít ỏi, chúng ta nên đầu tư cho những lĩnh vực trọng điểm, giải quyết những bức xúc nhất của nền kinh tế. Ví dụ trong nông nghiệp thì đầu tư vào giống, phòng trừ dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu.

Trong công nghiệp, cần đầu tư vào những lĩnh vực chúng ta có thế mạnh như cơ khí, tự động hóa và nhất là công nghệ thông tin, lĩnh vực chúng ta có tiềm năng lớn để vươn ra thế giới. Ví dụ phần mềm diệt virus BKIS của ĐH Bách Khoa đã được sử dụng trên 106 quốc gia và có lẽ là sản phẩm nổi tiếng nhất của Việt Nam đối với thế giới.

Vấn đề thứ ba, phải đầu tư cho nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Hiện chúng ta có đội ngũ cán bộ làm khoa học tương đối đông đảo, nhưng hầu hết chưa được cập nhật những kiến thức mới nhất về KHCN.

Số cán bộ được đào tạo ở nước ngoài chưa nhiều, số trở về nước còn ít hơn. Cho nên, cần phải tập trung nguồn ngân sách để đào tạo, thu hút nguồn đội ngũ nhân lực KHCN trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành đặc biệt là các tổng công trình sư để làm các công trình lớn như các hệ máy móc, một con tàu lớn,  một cảng biến lớn.

Hiện chúng ta rất thiếu đội ngũ các tổng công trình sư có thể chỉ huy việc nghiên cứu, phát triển, thi công, chế tạo các sản phẩm có giá trị lớn trong nền kinh tế.

Nếu đầu tư theo ba hướng trên, chúng tôi hi vọng KHCN VN có thể phát triển nhanh hơn.

MC: Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham dự tọa đàm hôm nay.

Thưa quý vị và các bạn, như Thứ trưởng Nguyễn Quân vừa chia sẻ, chúng ta càng nghèo thì càng phải đầu tư vào nghiên cứu KHCN.

Việt Nam cần có những quyết sách đột phá về đổi mới thể chế kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý KHCN, có những biện pháp tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia thì mới có thể tránh được nguy cơ bị tụt hậu về KHCN và tình trạng lệ thuộc vào nguồn công nghệ nhập khẩu.

Xin trân trọng cảm ơn.

Cổng TTĐT Chính phủ


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner