Bình luận khoa học Thứ sáu, 03/05/2024 , 11:03 am
Cập nhật : 23/10/2011 , 10:10(GMT +7)
Liên kết “ba nhà” để thúc đẩy truyền thông khoa học
Đoàn cán bộ thuộc Bộ KHCN VN thăm và làm việc với Học viện đào tạo Phát thanh Truyền hình Tân Bắc
Xác định rõ KH-CN là đòn bẩy đưa kinh tế - xã hội phát triển, Đài Loan đã chú trọng mối liên kết “ba nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học và nhà truyền thông để thông tin khoa học đến với đại chúng một cách hiệu quả hơn.

Từ năm 2007, Đài Loan đã xây dựng đề án truyền thông phổ cập KH&CN và giao cho Học viện đào tạo phát thanh truyền hình tại thành phố Tân Bắc (trực thuộc Đại học Thế Dân làm đầu mối). Đề án được chia làm hai giai đoạn. Hiện giai đoạn 1 (1997- 2010) đã hoàn thành và đang triển khai giai đoạn 2 (8/2011- 6/2015) với kinh phí 180 triệu đài tệ/năm (gần 126 tỷ đồng).

Tạo hứng thú cho người dân 

Theo đó, đề án có nhiệm vụ phổ cập kiến thức khoa học đến người dân ở mọi tầng lớp, để xã hội nhận thức rõ vai trò của KH&CN đối với  sự phát triển kinh tế xã hội nơi đây.

GS Shang Ren Kwan, người chủ trì đề án truyền thông phổ cập khoa học Đài Loan cho biết, hiện nay, nhân lực chủ chốt để triển khai đề án này gồm 6 GS, 7 chuyên gia về truyền thông khoa học.

Đội ngũ này thường xuyên ngồi lại với nhau để bàn bạc, trao đổi để xây dựng nội dung truyền thông. GS Kwan cho biết, cách truyền tải thông tin khoa học không cứng nhắc và sẽ rất linh hoạt để tạo sự hứng thú, quan tâm của người dân. Ví dụ, khi xảy ra động đất,  thì ngay lập tức, đội chuyên gia cũng giới truyền thông sẽ ngồi lại với nhau để đưa các thông tin có tính phân tích, cùng với đó là phổ biến kiến thức về động đất và cách phóng tránh.

Hay như nói về các loài bướm, GS Chi- Yuang Moh đã có hẳn một bộ đĩa CD để giới thiệu về đặc tính cũng như ảnh hưởng, vai trò của loài động vật này trong đời sống. GS Chi- Yang Moh tâm sự, bản thân ông lúc đầu không hề có khái niệm thế nào là truyền thông khoa học vì ông xuất thân là người chuyên nghiên cứu về sinh thái học.

Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận với giới truyền thông và học hỏi kinh nghiệm từ họ, cùng với kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn  trong mấy chục năm nghiên cứu về loài bướm, sách phổ cập của ông về loài vật này hiện bán rất chạy và được nhiều kênh truyền hình mua nội dung để phát sóng.

Kinh nghiệm của GS Chi- Yang Moh: kiến thức khoa học là khô cứng nhưng hãy làm mềm nó bằng chính những hoạt động tự nhiên quen thuộc gần gũi với chúng ta. Cụ thể, khi truyền tải kiến thức về loài bướm, ông đã nhân cách hoá chúng như một con người với những câu chuyện buồn, vui… rất hóm hỉnh.

Cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ

Trước băn khoăn của các nhà báo Việt Nam: Làm thế nào để thuyết phục các cơ quan báo chí quan tâm đến mảng KH-CN vì các tờ báo cần tin bài hấp dẫn và... bán báo trong khi tin tức khoa học thường khô khan, GS Shang Ren Kwan khẳng định, đây là vấn đề chung của rất nhiều nước trên thế giới. Ngay cả như Mỹ, Nhật, Anh… đều có sự hỗ trợ từ chính phủ để thúc đẩy thông tin khoa học ở các báo, đài và  Đài Loan cũng làm như vậy.

 

Các sản phẩm truyền thông KHCN được chuyển tải thành dạng đĩa VCD, sách ảnh, sách... do các nhà khoa học hàng đầu Đài Loan biên soạn.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, trước khi nhắm đến tờ báo nào, kênh truyền hình nào họ đều có điều tra rất rõ ràng về số lượng độc giả, độ tuổi, mức độ quan tâm đến khoa học của độc giả báo. Họ phát hiện, đến 80% người dân xem truyền hình, trong đó 63% người trẻ từ độ tuổi 12- 24 thường xuyên cập nhật tin tức trên mạng internet.

Bên cạnh đó, việc đào tạo về người làm công tác truyền thông khoa học cũng được chú trọng. Hằng năm, Học viện Đào tạo phát thanh truyền hình Tân Bắc đều có những chuyến đi đến các trường Đại học chuyên ngành khoa học tự nhiên để thuyết trình cho các sinh viên năm thứ 3, thứ 4 nhằm  truyền cho họ niềm đam mê truyền thôngkhoa học.

Khi được nghe về công việc này, hiểu và yêu nó, các sinh viên có khả năng sẽ được lựa chọn để đào tạo thêm về kiến thức làm báo, truyền hình chuyên về khoa học. Không chỉ bồi dưỡng lớp sinh viên, ngay cả những nhà khoa học, mà thậm chí là nhà khoa học có tên tuổi nếu yêu thích truyền thông khoa học cũng sẽ được Học viện bồi dưỡng. Đây sẽ là nguồn nhân lực tốt, có kiến thức chuyên sâu để truyền tải tốt nhất nội dung thông tin trong lĩnh vực KH-CN đến với công chúng.

 

Trong 6 ngày từ 9- 15/10/2011, Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (Bộ KH-CN) đã tổ chức đoàn công tác thăm quan học tập kinh nghiệm truyền thông khoa học tại Đài Loan. Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Đài truyền hình Min Shi, Tân Bắc; Đài truyền hình Dong Sen, hãng tin China News Agency, Báo kinh tế Nhật Báo…

Tại đây, các kinh nghiệm xây dựng chuyên mục, bản tin KH-CN cũng như mô hình tổ chức tin bài, cách tác nghiệp chuyên sâu về KH-CN cũng đã được trao đổi nhằm đưa thông tin KH-CN có hiệu quả nhất .

Ngoài ra, đoàn còn đến thăm khu công nghệ cao Tân Trúc- một trong những khu công nghệ tiêu biểu của Đài Loan.

Liên Cơ


Nguồn tin: Đất Việt

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner