Bình luận khoa học Thứ sáu, 19/04/2024 , 08:08 am
Cập nhật : 28/06/2021 , 15:06(GMT +7)
Học toán vì điều gì?
Giáo sư Toán học Vũ Hà Văn
Những năm gần đây, chúng ta rất hay đối mặt với câu hỏi: Học toán để làm gì?

Viện Hàn lâm khoa học Na Uy mới công bố trao tặng giải thưởng Abel 2021 dành cho hai nhà toán học xuất chúng: Giáo sư László Lovász của Viện Toán học Alfréd Rényi và Đại học Eötvös Loránd, Hungary và Giáo sư Avi Wigderson của Viện Nghiên cứu cao cấp tại Princeton, Mỹ.

Abel là một trong những giải thưởng danh giá nhất tôn vinh những toán học gia xuất sắc. Không có giải Nobel dành cho toán học. Abel có lẽ là giải thưởng toán học gần với Nobel nhất theo các tiêu chí khoa học và cả cách thức tổ chức.

Giải thưởng năm nay được trao trên nền tảng các đóng góp của hai nhà toán học trong lĩnh vực toán rời rạc và khoa học máy tính, đặc biệt các công trình quan trọng kết nối hai lĩnh vực trên.

Tôi biết Giáo sư Lovász gần 30 năm nay. Vợ chồng ông là người dẫn dắt và giúp đỡ tôi vào con đường toán học khi còn là sinh viên khoa điện tử ở Budapest. Ông là thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi ở Đại học Yale, là đồng nghiệp ở Microsoft, và bạn của gia đình tôi trong thời gian rất dài.

Tôi và cả gia đình rất vui khi ông nhận được giải thưởng danh giá này, nhưng điều đó không làm tôi ngạc nhiên chút nào. Với những đóng góp và mức độ ảnh hưởng to lớn của ông trong toán học, rất nhiều giải thưởng danh giá trước đó và gần 65 nghìn trích dẫn trên Google scholar - con số gần như không tưởng với những người làm toán - điều đó sớm muộn phải tới.

Lovász nổi tiếng là thần đồng của khoa học Hungary từ rất sớm. Dù là một nước chỉ có chừng 10 triệu dân, Hungary có truyền thống sản sinh ra các khoa học gia rất xuất sắc.

Một câu chuyện lưu truyền trong giới khoa học, trong một số cuộc họp của dự án Mahattan - dự án bom nguyên tử đầu tiên - tiếng Hung được nói nhiều hơn tiếng Anh. Trong hơn 20 nhà toán học được giải thưởng Abel có ba người Hung.

Lovász có bốn huy chương thi toán quốc tế, ba vàng và một bạc, viết luận án tiến sĩ song song với luận án tốt nghiệp đại học, và trở thành viện sĩ hàn lâm trẻ nhất của Hungary khi chưa 30 tuổi.

Một số thầy giáo cũ của tôi ở Budapest kể, trong hội thảo nọ, một giáo sư đến từ phương Tây nói tới vấn đề hóc búa vừa được một nhà toán học Hungary là Lovász giải quyết. Khi ban tổ chức nói ông Lovász cũng có mặt ở đây, giáo sư lễ phép xin gặp giáo sư Lovász để trao đổi.

Ban tổ chức im lặng một cách khó hiểu, sao đó bẽn lẽn thông báo, ông Lovász chưa phải là giáo sư. "Ồ, thế thì gặp tiến sĩ Lovász vậy", vị khách nói. Ban tổ chức im lặng lâu hơn, và một cách bẽn lẽn hơn, thông báo tiếp, ông Lovász cũng chẳng phải tiến sĩ. Hiện "ông" đâu đó 19 tuổi và đang đá bóng ở ngoài sân.

Hướng nghiên cứu của tôi khác Lovász nên không có dịp viết bài chung với ông nhiều. Nhưng như một người thầy, ảnh hưởng của ông rất sâu sắc. Lovász có kiến thức rất rộng về toán học và khoa học nói chung. Nhờ đó, ông nhìn thấy những mối quan hệ ẩn giữa các lĩnh vực khác nhau, và có những lời giải rất đặc biệt cho một số bài toán khó, dùng những công cụ ít ai ngờ tới.

Các bài giảng của ông đều cuốn hút, và dù người nghe không thuộc lĩnh vực hẹp của ông cũng có thể học được điều mới mẻ. Một phần nhờ tư duy ông rất mạch lạc, có khả năng diễn giải một cách dễ hiểu các vấn đề phức tạp. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, ông chuẩn bị rất kỹ lưỡng và coi các bài giảng như một đóng góp cho cộng đồng.

Lovász viết rất nhiều sách, trong đó có quyển Combinatorial problems and exercises từ cuối những năm 70, cho đến nay vẫn là sách gối đầu giường của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Việc Lovász nghiên cứu khoa học máy tính không chỉ là vì nó là ngành khá gần với toán tổ hợp, mà có lẽ vì ông là người rất thực tế, thích tìm tòi. Ông đã lập trình trên những chiếc máy tính hiếm hoi có được ở Đông Âu trong thời chiến tranh lạnh. Ông là một trong số rất ít nhà toán học tôi biết có thể chữa được gần hết các loại máy móc vật dụng quanh nhà, đôi khi cả ô tô. Phần lớn các nhà toán học khác chỉ biết chúng tồn tại, hoặc chứng minh được chúng tồn tại. Ông nhìn thấy khả năng và tầm quan trọng của máy tính từ rất sớm, rất xa trước khi máy tính đóng vai trò mấu chốt trong cuộc sống như hiện nay.

Phần lớn nhà nghiên cứu đều muốn dành hết thời gian vào các dự án của mình, thậm chí tìm mọi cách giảm giờ lên lớp để viết bài. Nhưng Lovász dành rất nhiều thời gian vào việc quản lý, điều hành, đào tạo thế hệ trẻ. Rất nhiều nhà toán học nổi tiếng của Hungary là học trò trực tiếp hay gián tiếp của ông.

Ông là trưởng khoa hình học ở Đại học Szeged, Hungary khi chưa đến 30 tuổi. Từ đầu 2007 đến cuối 2010, ông là chủ tịch Hội Toán học thế giới. Khi đang làm việc tại bộ phận nghiên cứu của Microsoft năm 2007, vợ chồng ông chuẩn bị rời Mỹ về Hungary, tôi hỏi ông sao lại về. Ông trả lời đại ý muốn gây dựng lại các truyền thống toán học cũ của Hungary, vì sau khi bức tường Berlin sụp đổ, hầu hết các giáo sư giỏi nhất đều sang Mỹ hay Tây Âu.

Năm 2014, ông đảm nhận vị trí Chủ tịch Viện Hàn lâm Hungary, một vị trí rất trang trọng. Nhưng trong bối cảnh chính trị của Hungary từ đó đến nay, ông gánh trọng trách rất lớn và nhiều áp lực.

Học toán để làm gì? Cuộc sống và sự nghiệp của László Lovász phảng phất như một câu trả lời.

Nguồn tin: VnExpress

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner