Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Bình luận khoa học Thứ tư, 22/01/2025 , 01:37 pm
Cập nhật : 19/08/2021 , 10:08(GMT +7)
Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Việt Nam cần xác định rõ vai trò của nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong phát triển kinh
Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ được coi là một trong những căn cứ quan trọng nhất đánh giá các nền tảng khoa học và công nghệ, là chỉ tiêu hàng đầu trong mục tiêu các chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở các nước. Tuy nhiên, huy động và thu hút kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học thường gặp nhiều khó khăn. Trong bài viết này, tác giả nghiên cứu chính sách của một số quốc gia trong việc thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, từ đó rút ra những kinh nghiệm áp dụng phù hợp cho Việt Nam.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

Hoa Kỳ

Nhằm khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, Hoa Kỳ cũng thực hiện mạnh mẽ chính sách ưu đãi thuế.

Theo số liệu của Viện Thống kê UNESCO (UNESCO Institute of Statistics) năm 2018, Hoa Kỳ đầu tư 476,5 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tương đương khoảng 2,7% GDP và chiếm khoảng 25% R&D toàn cầu. Hoa Kỳ xác định, đầu tư vào công nghệ là đầu tư vào tương lai. Để khuyến khích đổi mới, chương trình công nghệ của Hoa Kỳ đã tăng ngân sách R&D liên bang. Bên cạnh đó, Chính phủ còn tăng ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ thông qua các cơ quan, như: Quỹ Khoa học quốc gia, Cục Bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng phân bổ kinh phí dành cho từng loại nghiên cứu, trong đó ưu tiên cho R&D.

Nhằm khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, Hoa Kỳ cũng thực hiện mạnh mẽ chính sách ưu đãi thuế. Chính phủ miễn, giảm thuế trên phần lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp thu được từ hoạt động ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Ngoài ra, các bộ phận nghiên cứu và thử nghiệm đều được hưởng chính sách miễn, giảm thuế này. Hoa Kỳ đã cho phép các doanh nghiệp được phép để lại 25% chi phí vượt quá mức chi tiêu trung bình cho hoạt động R&D của ba năm liền kề với năm tính thuế, nhưng không nhiều hơn 50% tổng chi phí cho R&D của năm trước thuế (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2018).

Bên cạnh chính sách thuế, Hoa Kỳ còn tiến hành tài trợ trực tiếp cho các hoạt động nghiên cứu của doanh nghiệp nhỏ thông qua Chương trình nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhỏ (SBIR). Các doanh nghiệp đề xuất các ý tưởng sáng tạo phù hợp với nhu cầu R&D do liên bang đề ra và sẽ nhận được tài trợ khi đạt được các tiêu chí nhất định: Doanh nghiệp hoạt động độc lập và vì mục tiêu lợi nhuận; Có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, quy mô dưới 500 người. Chương trình SBIR của Hoa Kỳ tài trợ cho doanh nghiệp thực hiện R&D theo 3 giai đoạn chính:

- Giai đoạn 1: Mức tài trợ có thể lên đến 100 nghìn USD với thời gian 6 tháng. Trong giai đoạn này, nguồn vốn hỗ trợ giúp doanh nghiệp có thể khai thông ý tưởng công nghệ mới hoặc khẳng định tính khả thi của ý tưởng công nghệ.

- Giai đoạn 2: Mức tài trợ có thể lên đến 750 nghìn USD với thời gian 2 năm. Giai đoạn này đầu tư cho các hoạt động R&D, xem xét tiềm năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

- Giai đoạn 3: Trong giai đoạn này, Chính phủ không tài trợ kinh phí, mà tự mỗi doanh nghiệp phải tự chi trả. Đây là giai đoạn chuyển từ quy mô phòng thí nghiệm sang quy mô sản xuất.

Ngoài ra, Chính phủ còn dành kinh phí hàng năm để đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, các phòng thí nghiệm quốc gia để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới.

Cộng hòa liên bang Đức

Chính phủ Đức cũng coi nhân lực khoa học và công nghệ là yếu tố quan trọng, nên đã dành ra ngân sách nhất định để tiến hành đào tạo và xác định hướng nghiên cứu ưu tiên.

Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Chính phủ Đức đã sử dụng những chính sách về kinh tế, chính sách tạo môi trường thể chế và chính sách về thông tin. Đức chú trọng áp dụng mô hình gắn kết giữa hoạt động R&D với hoạt động sản xuất ở doanh nghiệp, kết hợp với mô hình hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Chính phủ Đức đã hình thành nhiều quỹ phát triển khoa học và công nghệ với chính sách cho vay linh động đối với các hoạt động R&D trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ tiên tiến có độ rủi ro cao.

Giải pháp hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp đã được Cộng hòa Liên bang Đức triển khai dưới dạng các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho đổi mới doanh nghiệp. Chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ (Pro-Inno) bao gồm các chương trình thành phần đặc trưng, như: Chương trình nghiên cứu chung giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp; Chương trình nghiên cứu ủy thác giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp; Chương trình hỗ trợ phát triển nhân lực khoa học và công nghệ giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Các chương trình này đều chú ý và đặc biệt nhấn mạnh đến việc ưu đãi đối với doanh nghiệp ở khu vực Đông Đức và Đông Berlin, nơi có nhiều chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Các chương trình này được giao cho Hiệp hội Nghiên cứu của các ngành công nghiệp Đức (AiF) chủ trì thực hiện với vai trò tổ chức tuyển chọn và theo dõi thực hiện (một dạng của ban quản lý chương trình).

Bên cạnh đó, thông qua Bộ Kinh tế và Công nghiệp, Chính phủ tài trợ một phần không hoàn lại cho các hoạt động R&D của các doanh nghiệp thực hiện các dự án trong danh mục quy định, đặc biệt là các dự án R&D để tạo ra các công nghệ có hàm lượng chất xám cao. Đồng thời, Chính phủ tài trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao trong việc thâm nhập thị trường. Chính phủ còn sử dụng chính sách tài trợ không hoàn lại tới 70% cho các dự án R&D của các viện nghiên cứu công lập ngoài doanh nghiệp, tới 45% cho các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu nhằm tạo ra công nghệ mới, nhưng không quá 375.000 Euro/dự án (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2018).

Chính phủ Đức cũng coi nhân lực khoa học và công nghệ là yếu tố quan trọng, nên đã dành ra ngân sách nhất định để tiến hành đào tạo và xác định hướng nghiên cứu ưu tiên trong tương lai dựa trên hoạt động dự báo công nghệ.

Trung Quốc

Tại Trung Quốc, việc tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học được tiến hành bởi hệ thống các quỹ tài trợ từ ngân sách nhà nước và hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.

Trong những năm trở lại đây, Trung Quốc được đánh giá là một trong những nước có sự cải cách mạnh mẽ hệ thống khoa học và công nghệ. Theo số liệu của UNESCO Institute of Statistics (2018), năm 2018, Trung Quốc chi 370,6 tỷ USD cho R&D. Từ năm 2016 đến năm 2018, đầu tư R&D của Trung Quốc liên tục ở mức 2% GDP, chiếm khoảng 22% R&D toàn cầu (Nguyễn Việt Lâm, 2020).

Tại Trung Quốc, việc tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, áp dụng thành quả khoa học và công nghệ, xây dựng ngành nghề mới từ kết quả nghiên cứu (công nghiệp hoá thành quả khoa học và công nghệ)... được tiến hành bởi hai phương thức: (i) hệ thống các quỹ tài trợ từ ngân sách nhà nước và (ii) hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.

Trong đó, hệ thống các quỹ tài trợ từ ngân sách nhà nước của Trung Quốc bao gồm: Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia (tương tự Quỹ Khoa học quốc gia ở Hoa Kỳ); Quỹ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ đầu tư mạo hiểm (đây không phải chỉ là một quỹ đầu tư mạo hiểm duy nhất, mà là một hệ thống nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động theo phương thức doanh nghiệp).

Hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia bao trùm các giai đoạn của R&D đến khi đưa kết quả vào sản xuất, cụ thể là từ nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, R&D công nghệ cao, chuyển hóa và nhân rộng thành quả, hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, các nghiên cứu phục vụ an sinh công cộng, ra các quyết định khoa học và công nghệ (Chương trình khoa học mềm), xây dựng khu công nghệ cao (Chương trình Bó đuốc), xây dựng công nghiệp nông thôn (Chương trình Đốm lửa).

Đối với các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Chính phủ đã hỗ trợ về chính sách tài chính và kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm định hướng và tăng cường thu hút đầu tư của xã hội, thúc đẩy đổi mới công nghệ nhằm tăng cường năng lực đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường của doanh nghiệp.

Nhật Bản

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ từ rất sớm, Chính phủ Nhật Bản đã có rất nhiều các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp như ưu đãi về tín dụng, thuế và tài trợ trực tiếp. Trong năm 2018, Nhật Bản đã dành khoản kinh phí 170,5 tỷ USD để đầu tư vào R&D, chỉ sau hai quốc gia là Hoa Kỳ và Trung Quốc và tương đương khoảng 3,4% GDP của quốc gia này (UNESCO Institute of Statistics, 2018). Chính phủ Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ bằng chính sách ưu đãi thuế đối với phần chi phí tăng thêm cho nghiên cứu ở doanh nghiệp. Số ưu đãi thuế bằng 20% giá trị của phần chi phí tăng thêm so với tổng chi phí cho hoạt động R&D của năm cao nhất trong 3 năm liền kề với năm tính toán, nhưng tổng giá trị phần tín dụng này không được phép vượt quá 10% tổng giá trị của thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là những doanh nghiệp có tổng vốn nhỏ hơn 100 triệu Yên, hoặc có số lao động ít hơn 1.000 người, nếu doanh nghiệp không có vốn cố định, Chính phủ cho phép để lại 6% thu nhập thuế để chi cho hoạt động R&D, khuyến khích hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức R&D với doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức này không vượt quá 15% tổng giá trị thuế thu nhập của doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2018).

Trong chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Nhật Bản còn dành nguồn ngân sách lớn hàng năm để hỗ trợ cho các dự án công nghệ cao của doanh nghiệp. Chính phủ thực hiện việc tài trợ tài chính và hỗ trợ mua các công nghệ của nước ngoài và bảo vệ thị trường trong nước cho tới khi các doanh nghiệp này có thể cạnh tranh với bên ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chú trọng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ bằng cách mở các khóa đào tạo tại các trường đại học, có sự tham gia của các chuyên gia nhằm đưa tri thức, thông tin đến gần với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp vận dụng để nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ được hiệu quả.

Thụy Sĩ

Thụy Sĩ cũng có những chương trình đào tạo khởi nghiệp nhắm đến các nhà phát minh không có nền tảng quản trị kinh doanh; biến họ trở thành một sáng lập viên, đưa sản phẩm ra thị trường.

Thụy Sĩ được mệnh danh là quốc gia sáng tạo nhất thế giới trong 9 năm liên tiếp dựa trên xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index). Trong cuộc đua chuyển đổi số và tạo ra xu hướng công nghệ, Thụy Sĩ đang dẫn đầu khi vượt trước Israel và Mỹ. Thống kê cho thấy, Thụy Sĩ có nhiều bằng sáng chế ứng dụng so với quy mô dân số ở bất cứ quốc gia nào tại châu Âu. Cứ một triệu dân sẽ có 956 bằng sáng chế. Con số này giúp Thụy Sĩ bỏ xa Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch với trung bình 400 bằng sáng chế trên một triệu dân (Tuấn Vũ, 2020).

Kết quả trên là nhờ Chính phủ Thụy Sĩ đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ tiên tiến và lĩnh vực khởi nghiệp, những chương trình đào tạo khởi nghiệp chuyên sâu, giúp các nhà phát minh không có nền tảng quản trị kinh doanh có thể trở thành một sáng lập viên, đưa sản phẩm ra thị trường và ước lượng được rủi ro, thất bại. Năm 2018, Chính phủ đã bỏ ra 13,7 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP cho hoạt động R&D (UNESCO Institute of Statistics, 2018).

Bên cạnh đó, các sự kiện, triển lãm được tổ chức quy mô thường niên trên toàn quốc nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền đầu tư, đồng thời kết nối sản phẩm mới với nhiều đối tác tiềm năng.

Giáo dục là nền tảng để tạo ra những kỳ tích trong đổi mới sáng tạo tại Thụy Sĩ. Quốc gia này có các trường đại học hàng đầu thế giới, như: ETH Zurich và EPFL. Trong đó, ETH Zurich là học viện khoa học máy tính tốt thứ hai trên toàn cầu. Thông qua tài trợ của Chính phủ, các kiến thức dễ dàng chuyển giao giữa trường đại học và các công ty công nghệ.

Chính phủ Thụy Sĩ cũng có những chương trình đào tạo khởi nghiệp chuyên sâu nhắm đến các nhà phát minh không có nền tảng quản trị kinh doanh; biến họ trở thành một sáng lập viên, đưa sản phẩm ra thị trường và lường trước các rủi ro thất bại. Các chương trình giảng dạy được thực hiện bởi nhiều chuyên gia, cựu sáng lập viên, điều hành doanh nghiệp, đưa kiến thức thực tiễn vào từng bài giảng.

BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Tiêu biểu như Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, trong đó đặt mục tiêu đổi mới sáng tạo, đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới…

Với sự quan tâm từ phía Nhà nước, năng lực nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ của Việt Nam đã có những kết quả ấn tượng. Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế, là nước đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia). Trong số 29 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam có chỉ số đổi mới sáng tạo dẫn đầu.

Mặc dù vậy, hiện nay, triển khai R&D, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trên 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thiếu những doanh nghiệp lớn dẫn dắt thúc đẩy phát triển hoạt động R&D. Hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu được đầu tư từ ngân sách nhà nước (Tường Vi, 2021). Nguyên nhân là do Việt Nam vẫn còn tồn tại một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước mới dừng lại ở giai đoạn tạo ra kết quả khoa học và công nghệ, mà chưa tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường cho sản phẩm mới đó; trong khi giai đoạn thương mại hóa tiềm ẩn nhiều rủi ro không kém giai đoạn R&D. Chi phí cho hoạt động R&D của Việt Nam chỉ vào khoảng 1,8 tỷ USD (UNESCO Institute of Statistics, 2018), rất thấp so với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Qua phân tích kinh nghiệm của những quốc gia đi đầu về nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trên thế giới, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Việt Nam như sau:

Một là, xác định rõ ràng vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước cần có những chính sách kinh tế, như: thuế, tín dụng... hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Để các chính sách này hiệu quả, Nhà nước phải xây dựng và tạo ra thể chế thuận lợi, đồng thời có những chế tài đối với những doanh nghiệp có hệ thống dây chuyền sản xuất lạc hậu.

Các chính sách kinh tế là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến quá trình nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, để quá trình này được toàn diện và hiệu quả, Nhà nước phải kết hợp với những chính sách khác, như: tạo môi trường thể chế hay chính sách đãi ngộ, thu hút chuyên gia và nhà khoa học...

Hai là, xây dựng chương trình đào tạo hướng đến cải thiện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Để có một chương trình đào tạo hiệu quả, Chính phủ cần hợp tác với các chuyên gia hàng đầu, các cá nhân thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp. Cần ươm tạo ra thế hệ sáng lập viên có kiến thức nền tảng đủ bao quát, tạo bước đệm cho một chặng đường dài. Ngoài ra, Việt Nam cần có phương thức tìm ra nhân tài để đào tạo đặc biệt thay vì áp dụng rộng rãi nhằm giảm đi chi phí đầu tư không cần thiết. Đầu tư nâng cao nguồn nhân lực thông qua các khóa đào tạo tại các nước phát triển hơn để học hỏi kinh nghiệm.

Ba là, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ đang là vấn đề rất được quan tâm để thúc đẩy đổi mới công nghệ. Vì vậy, Nhà nước nên khuyến khích thành lập, phát triển những tổ chức trung gian về tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ bằng những hình thức ưu đãi thuế hay tín dụng.

Bốn là, cần xác định rõ ràng thứ tự ưu tiên đối với từng ngành nghề cụ thể tương ứng với những giai đoạn phát triển để có định hướng phát triển khoa học và công nghệ trọng điểm. Khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, cải tiến và nghiên cứu công nghệ mới./.

 

Nguồn tin: Tạp chí Kinh tế & Dự báo

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner