Bình luận khoa học Thứ sáu, 03/05/2024 , 12:07 pm
Cập nhật : 03/10/2011 , 12:10(GMT +7)
Hành chính hóa hoạt động khoa học: Đã đến hồi kết?
Đổi mới cơ chế, chính sách đối với cán bộ khoa học trong nông nghiệp cần có những cải tiến mới. Ảnh:
(HNM) - Các chính sách hỗ trợ, phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) hiện nay rất khó đưa vào thực tế bởi rào cản của các văn bản pháp luật. Sẽ không thể có đột phá nếu như chúng ta vẫn máy móc áp dụng cơ chế cũ trong hoạt động KHCN là nhận định được đưa ra tại tọa đàm "Đổi mới cơ chế tài chính và chính sách đãi ngộ cán bộ khoa học trong nông nghiệp" do Tạp chí Tia sáng (Bộ KH&CN) tổ chức mới đây.

Đụng đâu vướng đó

Khá nhiều bất cập về cơ chế tài chính và chính sách liên quan đến KHCN đã được TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chỉ ra. Đơn cử, phần lớn hoạt động KHCN được giao theo hình thức đề tài hằng năm và quyết toán vào cuối năm. Trong thực tế, có nhiều nhiệm vụ KHCN, nhất là những nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, mục tiêu cuối cùng phải là hoàn thành sản phẩm KHCN (một giống mới, mẫu máy mới, quy trình canh tác mới…) nên thời gian hoàn thành nhiệm vụ tùy thuộc vào mùa vụ nông nghiệp, khó kết thúc đúng hạn theo năm tài chính.

Việc lập viện nghiên cứu liên kết cũng rất khó khăn, bởi theo các quy định hiện hành, muốn thành lập cơ quan nghiên cứu liên kết, trước hết phải thành lập công ty liên doanh, rồi đơn vị này mới xây dựng dự án đầu tư để thành lập cơ quan nghiên cứu. Nhưng khi thành lập công ty liên doanh lại vướng việc nhà khoa học (là công chức hoặc viên chức) sẽ không được mua cổ phần sáng lập và không được tham gia điều hành theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Luật Phòng chống tham nhũng.

Nhà nước đã trao quyền tự chủ cho cơ quan KHCN công lập, thậm chí cho phép thành lập các doanh nghiệp KHCN, nhưng những điều này rất chậm được triển khai trên thực tế. Rõ nhất là Nghị định 115 đã phải lùi thời hạn thực hiện từ năm 2009 tới năm 2013. Cơ quan quản lý nhà nước không muốn mất quyền, một số cán bộ làm công tác quản lý không muốn mất lợi, vì thế, hiện nay, cơ chế "xin - cho"  vẫn tồn tại.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong khẳng định, cơ chế tài chính cho khoa học là đặc thù, nếu áp đặt hành chính hóa thì khó có được đột phá. Đặc thù ở chỗ, KHCN có độ trễ nhất định nên nếu cứ cứng nhắc chỉ 1-2 năm không thấy kết quả nghiên cứu mà cắt tài trợ thì các nhà bác học làm sao có những phát minh.

Cần một mô hình điểm

Nhằm gỡ vướng cho hoạt động KHCN, giải pháp trước mắt được GS-TS Đỗ Trung Tá, Chủ tịch Hội đồng chính sách KHCN quốc gia kiến nghị, nên tập trung giải quyết ngay một vài điểm bất cập nhất. Còn về lâu dài, theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ, cần có sự chuyển động của cả hệ thống quản lý gồm các ngành kế hoạch - đầu tư, tài chính, ngân hàng và tổ chức cán bộ.

Kinh nghiệm cho thấy, không thể dàn hàng ngang cùng tiến mà cần tập trung nguồn lực để xây dựng mô hình điểm. Tín hiệu đáng mừng khi mới đây, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ  đề án thí điểm cơ chế tự chủ cho 8 tổ chức KHCN công lập thuộc bộ này với những chính sách đột phá và nếu thành công sẽ nhân rộng.

Cũng về mô hình hoạt động KHCN, ông Lê Huy Ngọ nhận xét, hiện nước ta đã có viện nghiên cứu tư nhân như Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An, FPT…; hay như các tập đoàn lớn của Việt Nam cũng đã hình thành các cơ quan nghiên cứu như Viettel, Dầu khí, Than khoáng sản… Đó là những tín hiệu đáng mừng nhưng chưa đủ. Thời gian tới, cần có chủ trương mở rộng các loại hình viện nghiên cứu, ví như  viện nghiên cứu liên doanh với nước ngoài, mời các nhà khoa học Việt kiều, nước ngoài có uy tín về làm chuyên môn…

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân khẳng định, Nhà nước sẽ dần bỏ cơ chế cấp kinh phí thường xuyên theo đầu người mà sẽ chuyển sang cấp theo nhiệm vụ nghiên cứu. Bộ đang cùng các bộ, ngành xây dựng mức chi thường xuyên cho các đề tài, dự án. Nếu không có gì thay đổi, từ năm 2014 trở đi, toàn bộ tiền chi thường xuyên sẽ nằm trong đề tài, dự án và trong nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các tổ chức KHCN. Khi đó, lãnh đạo đơn vị được toàn quyền điều hành quỹ tiền lương. Bên cạnh đó, cơ chế khoán cũng sẽ giúp các nhà khoa học được tự chủ hơn, không phải bó buộc bởi thủ tục hành chính quá cứng nhắc như hiện này do kinh phí từ ngân sách nên phải tuân thủ đúng Luật Ngân sách nhà nước.

Minh Châu 
Nguồn tin: Hà Nội mới

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner