Bình luận khoa học Thứ sáu, 10/05/2024 , 04:46 am
Cập nhật : 03/12/2010 , 12:12(GMT +7)
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ: “Sân chơi” bỏ ngỏ?
Một trong những câu hỏi hóc búa làm đau đầu các nhà quản lý và nhà khoa học là làm sao đưa được kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Đây được cho là hạn chế lớn khiến khoa học và công nghệ (KHCN) nước ta chưa thực sự trở thành động lực phát triển sản xuất những năm qua. Doanh nghiệp (DN) KHCN ra đời hứa hẹn giải quyết triệt để tình trạng trên.

Doanh nghiệp "quên" luật

 


Đào tạo công nghệ cho các học viên tại Trung tâm An ninh mạng Bkis (ĐH Bách khoa Hà Nội). Ảnh: Đình Na
Theo Bộ KHCN, hiện nước ta có khoảng 300 DN hoạt động dưới mô hình DN KHCN, trong đó nhiều đơn vị xuất phát từ các cơ quan nghiên cứu. Tiêu biểu trong số này là Trung tâm An ninh mạng BKIS (ĐH Bách khoa Hà Nội). BKIS hình thành từ một nhóm nghiên cứu 6 người, nay đã có hơn 500 người, tự trang trải kinh phí với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Trung tâm Thiết kế vi mạch (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phát triển từ nhóm nghiên cứu 5 người, nay đã có gần 100 người, có thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, Công ty cổ phần TOSY Robotics - DN sản xuất robot đầu tiên của Việt Nam, hoạt động từ năm 2002, TOSY tham vọng trở thành một trong những thương hiệu robot hàng đầu thế giới và đang tập trung nghiên cứu, phát triển bốn dòng sản phẩm: đồ chơi công nghệ cao, robot đồ chơi, robot công nghiệp, robot dịch vụ. DN này hiện có 1.000 công nhân, hàng hóa xuất khẩu tới 20 nước với giá trị hàng chục triệu USD/năm, riêng thị trường Mỹ là 10 triệu USD/năm. Tuy nhiên, so với khoảng 400.000 DN cả nước hiện nay, những DN phát triển nhờ ứng dụng thành tựu KHCN ở Việt Nam là quá khiêm tốn.

Theo Bộ KHCN, Luật Thuế thu nhập DN đã có quy định DN được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KHCN nhưng hầu hết không thực hiện. Rất ít đơn vị có bộ phận nghiên cứu, triển khai và có quỹ phát triển KHCN. Các tập đoàn kinh tế lớn, các tổng công ty 90, 91 của Nhà nước cũng ít quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay đang tồn tại nghịch lý là một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty trước đây được giao quản lý các viện nghiên cứu chuyên ngành mạnh nay lại chuyển trả các tổ chức này về bộ chủ quản.

Thạc sỹ Hoàng Thu Hiền (Trường Quản lý KHCN) cho biết: DN Việt Nam đầu tư cho KHCN chỉ chiếm khoảng 20-30% phần Nhà nước đầu tư, bằng 1/3 so với các nước phát triển. 80% DN không có chiến lược đầu tư cho KHCN. DN nước ta cũng chỉ dành 0,2-0,3% doanh thu cho đầu tư đổi mới công nghệ, trong khi chỉ số này ở Ấn Độ, Hàn Quốc lần lượt là 5% và 10%... Vì thế, dù có nhiều ưu đãi hơn so với DN thông thường nhưng mô hình DN KHCN đến nay gần như vẫn là "sân chơi" bỏ ngỏ.

Hướng đến 10.000 DN KHCN


Cách đây hơn 3 năm, Chính phủ đã có Nghị định 80/2007/NĐ-CP về vấn đề DN KHCN. Đây là những tư tưởng đột phá về việc hình thành DN KHCN ở nước ta. Mới đây, ngày 20-9-2010, Chính phủ tiếp tục dành thêm nhiều ưu đãi hơn nữa cho DN KHCN thông qua việc ban hành Nghị định 96/2010/NĐ-CP, tiến tới hình thành mạng lưới khoảng 10.000 DN KHCN vào năm 2010.

Ông Trần Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KHCN) cho biết:

Điểm mới của Nghị định 96/2010/NĐ-CP so với Nghị định 80/2007/NĐ-CP là DN KHCN có bổ sung quy định về chính sách đối với cán bộ, viên chức từ tổ chức KHCN chuyển sang làm việc tại DN KHCN. Cụ thể: cán bộ, viên chức được bảo lưu hệ số lương trong thời gian tối đa là 18 tháng nếu mức lương tại DN thấp hơn so với trước đây. Tại Nghị định 96, Chính phủ cũng đồng ý cho phép các DN KHCN được ưu đãi lựa chọn việc sử dụng đất như sau: Ngoài các hình thức khác về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật, DN KHCN được ưu đãi lựa chọn việc sử dụng đất theo một trong hai hình thức sau - cho thuê đất và miễn tiền thuê đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất.

Mặt khác, để khuyến khích các DN tích cực đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ, Nghị định 96 bổ sung đối tượng DN thành lập trước ngày Nghị định 80 có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận DN KHCN và được hưởng các ưu đãi đối với DN KHCN.

Sự phát triển của DN KHCN sẽ là một nhân tố quan trọng nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam. Điều này có cơ sở chứng minh phát triển DN KHCN rất có ích cho sự phát triển kinh tế, đất nước, mà ví dụ điển hình là Trung Quốc với 300.000 DN dạng này đã đóng góp 15% GDP những năm gần đây.
 

Hiện nay, để thành lập DN KHCN mới thì việc đăng ký vẫn theo Luật DN, việc đăng ký công nhận DN KHCN thực hiện tại Sở KHCN. Với các tổ chức KHCN chuyển đổi thành DN KHCN thì cần xây dựng đề án thành lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền rồi mới đăng ký thành lập và công nhận DN KHCN. Để được công nhận và hưởng chính sách ưu đãi, DN phải hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả nghiên cứu KHCN thuộc các lĩnh vực công nghệ, trong đó có những lĩnh vực được ưu tiên như: sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, bảo vệ môi trường, năng lượng mới, công nghệ vũ trụ và một số công nghệ khác do Bộ KHCN quy định. DN có thể chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo và làm chủ. Đây chính là điểm khác biệt giữa DN KHCN và các loại hình DN khác.

 

Trà My 



 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner