Bình luận khoa học Thứ hai, 13/05/2024 , 04:08 am
Cập nhật : 11/04/2011 , 16:04(GMT +7)
Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD mở rộng và cải thiện các thể chế nghiên cứu ưu tú
Trung Quốc đang trên đà vượt Mỹ về số lượng các công trình khoa học, có thể vào năm 2013
Giới lãnh đạo các trường đại học ở Mỹ phải đau đầu vì các nước khác đang đuổi kịp họ trên thị trường sinh viên quốc tế, nơi mà Mỹ từ lâu là nam châm lớn nhất thế giới.

Phần 1: "Giới trẻ Mỹ đang bị bỏ lại đằng sau"

"Mỹ không còn hấp dẫn những người giỏi nhất và thông minh nhất"

Sai. Trong khi người Mỹ lo lắng về các kết quả giáo dục phổ thông và đại học của mình từ nhiều thập kỷ qua, họ được an ủi với suy nghĩ rằng ít nhất hệ thống giáo dục đại học của mình cũng chẳng kém ai. Nhưng ngày nay, giới lãnh đạo các trường đại học ở Mỹ phải đau đầu vì các nước khác đang đuổi kịp họ trên thị trường sinh viên quốc tế, nơi mà Mỹ từ lâu là nam châm lớn nhất thế giới. Các số liệu dường như cho thấy rõ điều này. Theo con số thống kê mới nhất, thị phần sinh viên nước ngoài ở Mỹ giảm từ 24% trong năm 2000 xuống còn 19% năm 2008. Trong khi đó, nhiều nước như Australia, Canada và Nhật Bản lại được hưởng một phần tăng trong cùng thời gian dù con số này của họ vẫn còn kém xa so với của Mỹ.

Sự phân bố quốc tế của các lưu học sinh rõ ràng đang thay đổi, phản ánh một cuộc cạnh tranh toàn cầu gay gắt hơn bao giờ hết trên thị trường giáo dục đại học. Nhưng sinh viên nước ngoài ở Mỹ hiện nay nhiều hơn nhiều so với cách đây một thập kỷ - tăng 31% trong thời gian từ năm 2000 - 2008, thêm 149.000 sinh viên. Điều đã diễn ra đơn giản là ngày càng nhiều sinh viên muốn ra nước ngoài học. Từ con số khoảng 800.000 sinh viên học ở nước ngoài vào năm 1975, đến năm 2000 đã có tới 2 triệu sinh viên, và năm 2008 là 3,3 triệu. Nói cách khác, Mỹ có phần bánh nhỏ hơn, nhưng cả cái bánh lại đang lớn hơn nhiều.

Và ngay cả khi thị phần giảm, Mỹ vẫn vượt 9 điểm trên thị trường này so với nước cạnh tranh gần nhất là Anh. Đối với nghiên cứu sinh viên tốt nghiệp quốc tế, các trường đại học Mỹ có một sức hút mạnh đặc biệt trong những lĩnh vực có thể tác động trực tiếp đến khả năng cạnh tranh trong tương lai của một nền kinh tế: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ

Trong những môn như khoa học máy tính hay kỹ sư phần mềm, hơn 6/10 nghiên cứu sinh tiến sỹ ở Mỹ đến từ nước ngoài. Nhưng điều đó không có gì đáng lo ngại. Dù số sinh viên quốc tế đăng ký học tại các trường của Mỹ đã tăng sau khi bị giảm hồi hậu 11/9, nhưng số người nước ngoài được cấp bằng tiến sỹ khoa học và kỹ thuật tại các trường đại học Mỹ mới đây lại giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua.

Các trường của Mỹ đang phải đối mặt với sưj cạnh tranh từ các trường đại học ở các nước khác, và chính sách thị thực không còn hiếu khách như trước của Mỹ có thể khiến các sinh viên nước ngoài đi tìm một nơi khác để theo học. Đây là một tổn thất cho nước Mỹ, nếu tính lợi ích của cả các trường đại học và toàn bộ nền kinh tế khi thu hút được những người giỏi nhất và thông minh nhất trên toàn thế giới.

"Các trường đại học Mỹ sẽ bị đuổi kịp"

Không nhanh như thế. Chắc chắn là những tham vọng nghiên cứu ngày càng lớn của các quốc gia mới nổi làm giảm vai trò chế ngự từ lâu của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Theo một báo cáo của UNESCO năm 2010, phần chi tiêu mà châu Á cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trên toàn thế giới đã tăng từ 27% lên 32% từ năm 2002 đến 2007, đứng đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Các lãnh đạo nghiên cứu truyền thống đã giảm trong cùng thời gian này. Từ năm 2002-2008, tỷ lệ phát minh của Mỹ trong Danh mục Trích dẫn Khoa học (Science Citation Index) của Thomson Reuters - cơ sở dữ liệu chính thức về các phát minh công bố - đã giảm nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, từ 30,9% xuống còn 27,7%. Trong khi đó, số phát minh của Trung Quốc trong  danh mục này tăng hơn gấp đôi, tương tự như của Brazil   - một quốc gia mà các thể chế nghiên cứu của họ cách đây 20 năm còn chưa từng được ai để ý tới.

Sự thay đổi về địa lý trong việc sản xuất tri thức này chắc chắn đáng ghi nhận, nhưng cũng như trên thị trường nghiên cứu quốc tế, đơn giản là Mỹ chiếm một phần nhỏ hơn trong một chiếc bánh đang nở ra rất to. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trên toàn thế giới đã tăng trong thập kỷ qua, từ 790 tỷ USD lên 1.100 tỷ, tăng 45%. Và thực tế phần chi tiêu cho nghiên cứu toàn cầu của Mỹ giảm cũng vẫn cho thấy một sự gia tăng mạnh về lượng tiền cố định, từ 277 tỷ USD năm 2002 lên 373 tỷ USD năm 2007. Tỷ phần chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Mỹ trên GDP trong cùng thời gian này không thay đổi và cao hơn nhiều các tiêu chuẩn toàn cầu. Đầu tư cho R&D của Mỹ nhiều hơn tổng mức đầu tư cho lĩnh vực này của toàn bộ các quốc gia châu Á.

Tương tự, theo quan điểm của người Mỹ, việc số phát minh được công bố của Mỹ giảm có thể là một tin xấu. Nhưng tổng số phát minh được nêu trong Danh mục của Thomson Reuters tăng hơn 1/3 trong những năm 2002 -2008. Dù Mỹ giảm bớt vai trò dẫn đầu thế giới, số phát minh khoa học của các nhà nghiên cứu của Mỹ công bố năm 2008 nhiều hơn 46.000 phát minh so với con số công bố 6 năm trước đó.

Trong mọi trường hợp, các khám phá nghiên cứu không ở trong biên giới của các quốc gia khi chúng xuất hiện - tri thức là điều tốt của mọi người, ít liên quan đến ranh giới quốc gia. Các khám phá trong các thể chế nghiên cứu của một quốc gia có thể trở nên có ích nhờ các nhà phát minh của nước khác. Các nước không nên hờ hững với sự gia tăng phần đóng góp của mình trong nghiên cứu - những đột phá lớn có thể có hiệu quả tích cực về kinh tế và giáo dục - nhưng họ cũng không nên lo ngại trước sự gia tăng số khám phá nổi bật ở nơi khác.

"Thế giới sẽ đuổi kịp"

Có thể, nhưng đừng mong điều đó xảy ra sớm. Và đừng tính đến chuyện điều đó sẽ có ý nghĩa gì. Thị trường giáo dục toàn cầu chắc chắn đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt hơn trước. Nhiều nước, từ Trung Quốc, Hàn Quốc tới Arập Xêút đã ưu tiên hàng đầu cho việc thành lập các trường đại học đẳng cấp thế giới hoặc phục hồi thời hoàng kim đã qua của các thể chế lớn ngày xưa. Và họ đầu tư rất nhiều tiền cho việc này: Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD mở rộng và cải thiện các thể chế nghiên cứu ưu tú của mình, trong khi Quốc Vương Arập Xêút Abdullah rót 10 tỷ USD vào Đại học Khoa học Công nghệ King Abdullah mới được thành lập.

Nhưng Mỹ không chỉ có một vài trường đại học uy tín, cũng như hầu hết các nước có vẻ là đối thủ cạnh tranh, Mỹ còn có một loạt các thể chế nổi tiếng. Một báo cáo của Rand Corp.  năm 2008 cho thấy gần 2/3 phát minh được đề cao nhất trong khoa học và công nghệ đến từ Mỹ, và 7 trong số 10 người đoạt giải Nobel đang làm việc trong các trường đại học của Mỹ. Và Mỹ chi khoảng 2,9% GDP của mình cho giáo dục sau đại học, gấp đôi con số của Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong năm 2006.

Nhưng trong khi vị trí trung tâm của các thể chế ưu tú của Mỹ trước nay không bị đảo ngược, nó sẽ dần dần bị đuổi kịp trong những thập kỷ tới. Nhất là các quốc gia châu Á đang đạt nhiều tiến bộ đáng kể và có thể thành lập một số trường đại học lớn trong nửa thế kỷ tới, nếu không muốn nói là sớm hơn. Chẳng hạn tại Trung Quốc, các thể chế như các trường Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh nổi tiếng tại Bắc Kinh và Phúc Kiến, và trường đại học Giao thông Thượng Hải ở Thượng Hải có thể thực sự nổi bật trên trường quốc tế.

Nhưng về lâu dài, việc xắp xếp vị trí của các nước trong thang bậc đại học sẽ ngày càng không có nhiều ý nghĩa, khi mà Mỹ dần thay đổi suy nghĩ đâu là "chúng ta" và đâu là "họ". Thực vậy, hiện tượng dịch chuyển sinh viên và cơ sở giáo dục quốc tế ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử đã trở thành một đặc điểm xác định giáo dục đại học toàn cầu. Hợp tác khoa học xuyên biên giới, được đo bằng số phát minh đồng tác giả từ nhiều quốc gia khác nhau, đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Các nước như Singapore và Arập Xêút đã khởi động một chương trình trau dồi cho giáo sư xuất sắc tại các trường đại học bằng việc lập các quan hệ đối tác với các thể chế ưu tú phương Tây như Duke, MIT, Stanford và Yale.

Khái niệm về việc một trường đại học kết nối nhiều như thế nào với một nơi đặc biệt cũng đang được xem lại. Các trường đại học phương Tây, từ Texas A&M đến Sorbonne, đã thu hút nhiều sự chú ý bằng việc thành lập khoảng 160 trường thành viên tại châu Á và Trung Đông, nhiều trong số này được thành lập trong thập kỷ vừa qua. Đại học New York gần đây còn vượt trước một bước khi mở một trường nghệ thuật tự do chính thức tại Abu Dhabi, một phần của cái mà Hiệu trưởng trường này John Sexton gọi là "một mạng lưới đại học toàn cầu", giống như các tập đoàn đa quốc gia.

Trong kỷ nguyên giáo dục toàn cần hóa sắp tới, không có nhiều chỗ cho những cảnh báo Sputnik kiểu thời Chiến tranh Lạnh. Cuộc đua giáo dục quốc tế là cuộc đua phát triển các khả năng trí tuệ mà mọi người ở bất cứ đâu trên thế giới đều cần để đối phó với các thách thức lớn của thế kỷ 21, và ai đến đích trước không quan trọng như chúng ta từng nghĩ./.

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner