Đó là câu nói của một chuyên gia tại cuộc hội thảo về công tác truyền thông khoa học và công nghệ được tổ chức cách đây chưa lâu. Câu nói đó như một lời nhắn nhủ đến các nhà khoa học nước ta rằng, thay vì cứ lặng lẽ nghiên cứu, ứng dụng thì nên quảng bá sâu rộng hơn, để từ đó những thành quả nghiên cứu của mình được nhiều người biết đến và ứng dụng trong thực tiễn…
Vai trò tiên phong của báo chí
Là người luôn dành sự quan tâm lớn cho công tác truyền thông khoa học và công nghệ (KHCN), Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân đã rất nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò to lớn của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN. Các cơ quan thông tấn báo chí đã thường xuyên thông tin một cách kịp thời các chủ trương, chính sách lớn về KHCN đến với cộng đồng, xã hội và có hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, nhiều kết quả hoạt động KHCN được ứng dụng thành công trong sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng đã được các cơ quan báo chí chú trọng tuyên truyền… Năm 2012 là năm đầu tiên Bộ KH-CN tổ chức Giải thưởng Báo chí về KH-CN. Đây được coi là “cú hích” quan trọng, không chỉ qua đó vinh danh những nhà báo có tinh thần khoa học, những nhà báo có đóng góp cho sự phát triển KHCN nước nhà mà là một thông điệp nhấn mạnh đến vai trò của báo chí trong hoạt động truyền thông KHCN.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông KH-CN (CESTC), Bộ KH-CN Nguyễn Xuân Toàn: trong những năm gần đây, CESTC đã phối hợp với hàng chục cơ quan báo, đài thực hiện hàng trăm phóng sự, tọa đàm, truyền hình trực tiếp, giao lưu trực tuyến, tổ chức sự kiện về hoạt động KH-CN... Trước mỗi sự kiện của Bộ KH-CN, CESTC đã xây dựng chương trình và kế hoạch truyền thông, sau đó tổ chức đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì hoạt động truyền thông KHCN ở nước ta chưa ngang tầm với yêu cầu tăng cường quản lý và hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KHCN. Công tác tuyên truyền chưa đồng bộ, rộng khắp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, không ít nội dung và cách thức truyền thông chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được người xem, người đọc...
Hoạt động khoa học có những đặc thù riêng, vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự chung tay và hợp tác tích cực hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí trong đẩy mạnh công tác truyền thông KHCN nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của xã hội về vai trò của KHCN, góp phần thúc đẩy nền KHCN nước nhà phát triển.
Cần lắm những nhà khoa học viết báo
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến công tác truyền thông KHCN chưa thực sự được như mong muốn; các bài báo KHCN trên các phương tiện thông tin đại chúng còn nghèo nàn, thiếu tính hấp dẫn là do còn quá ít các nhà khoa học viết báo. Theo đánh giá chung, đội ngũ các nhà khoa học chưa thực sự coi trọng công tác tuyên truyền KHCN nên hoạt động này vẫn chưa mở rộng được thông tin KHCN theo hướng xã hội thông tin trong quá trình hội nhập và phát triển; nhiều nghiên cứu ứng dụng và những kiến thức mới chưa được phổ biến sâu rộng và kịp thời.
Bên cạnh đó, các viện, trường đại học mặc dù được coi là nguồn cung cấp thông tin KHCN quan trọng nhất, quyết định đến cấu trúc hệ thống và chất lượng thông tin, nhưng chưa thực sự quan tâm nhiều đến phổ biến kiến thức, tuyên truyền thành quả nghiên cứu. Vì thế, nhiều đề tài nghiên cứu, thành tựu của chính các viện, trường đại học không ai được biết đến và không đến được nông dân, doanh nghiệp.
“Nhà khoa học phải có tinh thần báo chí” - câu nói đó như một lời nhắn nhủ đến các nhà khoa học nước ta rằng, thay vì cứ lặng lẽ nghiên cứu, ứng dụng thì nên quảng bá sâu rộng hơn những gì đã làm được, để từ đó những thành quả nghiên cứu, ứng dụng hữu hiệu hơn trong thực tiễn. Mặt khác, công tác tuyên truyền KH-CN, không chỉ là ý thức của mỗi nhà khoa học mà còn là trách nhiệm của tổ chức KH-CN. Các tổ chức KHCN phải quan tâm, nhận thức cao về vai trò của công tác tuyên truyền KHCN, tăng cường tiếp xúc với cơ quan báo chí, để từ đó, cơ quan truyền thông đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và hiệu quả nhất về KHCN.
Được biết, Bộ KH-CN dự kiến sẽ xây dựng đề án về đẩy mạnh hoạt động truyền thông KHCN; theo đó thể chế hóa các quy định về hoạt động thông tin tuyên truyền KHCN; đưa dự toán kinh phí dành cho tuyên truyền KHCN vào trong các đề tài, dự án… đây sẽ là tiền đề, cơ sở để công tác truyền thông KHCN có những chuyển biến tích cực và hiệu quả, theo đó các chính sách về KHCN; những kết quả nghiên cứu, ứng dụng KHCN sẽ ngày càng được phổ biến sâu rộng và kịp thời.