Bình luận khoa học Thứ hai, 29/04/2024 , 10:26 pm
Cập nhật : 13/08/2012 , 11:08(GMT +7)
Nhà khoa học, nhà nông chưa “mặn việc”
Các nhà khoa học, nhà quản lý lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tiếp tục lên tiếng về việc chậm áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn, thiếu các giải pháp tạo động lực để chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất… Vì sao liên kết 4 nhà, nhất là nhà khoa học và nhà nông, lại lỏng lẻo kém mặn mà đến vậy, khi kinh phí ngân sách dành cho nghiên cứu và ứng dụng ngày càng tăng?
Các nhà cùng ngồi lại

Hôm qua (10-8) tại Hậu Giang, Bộ KH&CN giao ban KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tập trung vào đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng nhân lực KH&CN. Về lý thuyết, cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN cần gọn nhẹ, thuận lợi trong hoạt động, các đề tài nghiên cứu phải có tính ứng dụng cao và được triển khai thực hiện rộng rãi sau khi công bố. Còn thực tế, tài chính đầu tư cho nghiên cứu khoa học mất quá nhiều thời gian quyết toán. Các tỉnh đề nghị lập quỹ KH&CN phục vụ nghiên cứu, nhất là ở các doanh nghiệp để đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cần khoán kinh phí theo nội dung nghiên cứu được Hội đồng tư vấn xét chọn. Cần mạnh dạn sử dụng, giao trọng trách và tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu thử thách sáng tạo, cống hiến hết mình.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh khẳng định hoạt động KH&CN vùng ĐBSCL đã tích cực tham gia vào việc nghiên cứu, cải tiến giống lúa chất lượng cao, chủ động ứng dụng KH&CN vào ngành thủy sản, nhất là việc thử nghiệm các mô hình mẫu áp dụng hệ thống quản lý vùng nuôi theo chương trình Global GAP đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, phát triển tài sản trí tuệ cũng đã được chú trọng. Tuy nhiên trao đổi bên lề hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN trong nông nghiệp còn quá bất cập.

Hai nhà chưa bắt tay, vì sao?

Tại một hội thảo trước đó 2 ngày, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan KH&CN công lập hiện nay không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất, mà chính là thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ. "Cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông không coi mình là chủ nhân của viện nghiên cứu, trạm kỹ thuật, không hăng say nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Và nguyên nhân chính của việc cán bộ không có động lực là do chính sách, thể chế quản lý khoa học bất hợp lý” - TS Đặng Kim Sơn chỉ rõ.

Hai nhà là nhà khoa học và nhà nông thiếu liên kết quá lâu nên đến nay năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam rất thấp. Đa phần nông dân vùng sâu, vùng xa rất thiếu thông tin về các giống mới, các quy trình công nghệ tiên tiến, về các nhu cầu đa dạng của thị trường… So với các nước trong khu vực, KH&CN nông nghiệp nước ta nhiều mặt tụt hậu.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng: để làm sôi động thị trường KH&CN chỉ có thể là Chính phủ, "nhưng nếu ứng dụng cơ chế "đấu thầu bản thuyết minh” như hiện nay, đấu thầu thông qua trung gian tham nhũng thì thị trường KH&CN còn khủng hoảng lâu dài”.

Cũng liên quan tới chủ đề này, ngày 9-8, tại hội thảo "KH&CN với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL” do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức, Thứ trưởng Trần Việt Thanh thừa nhận công nghệ sinh học, công nghệ chế biến và bảo quản đều chưa ứng dụng là bao, năng suất, chất lượng nông sản so với hàng hóa của các nước trong khu vực còn thấp.

Chỉ cần nhìn vào các sản phẩm rau sạch đạt chất lượng cũng còn rất hiếm trong khi nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng. Một số loại rau mang tính chất sản phẩm chỉ dẫn địa lý của một số vùng, một số loại rau đã có thương hiệu nhưng vẫn còn gặp khó khăn đầu ra (như ngò rí Bạc Liêu, măng tây) do các công ty lớn chưa có sự bao tiêu sản phẩm rõ ràng. TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón, môi trường phía Nam nhìn nhận: các chính sách chưa chú ý thúc đẩy sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, VSATTP. Theo TS Nguyễn Công Thành - Nghiên cứu viên chính Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật canh tác (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam) sở dĩ ngành sản xuất rau công nghệ cao chưa phát triển đúng tầm bởi hầu hết các vùng sản xuất rau chính ở các địa phương còn manh mún, nặng về phương thức truyền thống. Đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, nông dân không chủ động được giống, thiếu vốn sản xuất lẫn thông tin thị trường, chưa nhiều cán bộ khuyến nông chuyên về rau...

Thực trạng không chỉ 2 nhà mà cả 4 nhà đều liên kết lỏng lẻo. Lý do đã được chỉ ra ở quá nhiều hội thảo, hội nghị. Vấn đề còn lại là gỡ vướng và chừng nào, lợi ích cục bộ của mỗi nhà còn quá lớn cũng như vẫn thiếu "nhạc trưởng” đủ tâm, đủ sức kết nối hài hòa, chừng đó cả 4 nhà sẽ vẫn loay hoay manh mún "ao nhà” và sự lãng phí toàn cục là không thể đo đếm hết.

Nguồn tin: Đại đoàn kết

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner