Chính sách KH&CN Thứ năm, 02/05/2024 , 04:51 am
Cập nhật : 19/06/2017 , 09:06(GMT +7)
Luật CGCN: Nhiều ưu đãi đối với ngành nông nghiệp
Ông Phạm Anh Tuấn
Luật CGCN sửa đổi có nhiều chính sách ưu đãi đối với công nghệ tiên tiến, công nghệ mới lần đầu tiên tạo ra tại Việt Nam hoặc lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam để chuyển giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ phát triển cao hơn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc biệt các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi xung quanh vấn đề này.

Được biết, đơn vị ông đã có nhiều thành tựu, kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và CGCN. Xin ông cho biết một số kết quả, thành tựu nổi bật thời gian qua?

Viện trưởng Phạm Anh Tuấn: Với đặc thù là Viện nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực công nghệ trong nông nghiệp và công nghệ bảo quản sau thu hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp, định hướng nghiên cứu và CGCN, chúng tôi tập trung vào 2 đối tượng là người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong 10 năm qua chúng tôi đã nghiên cứu và tiến hành chuyển giao nhiều kết quả ở quy mô hộ, liên hộ (đối tượng người nông dân, tổ HTX) các quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến nông sản (rau, củ, quả, hạt nông sản…); Các thiết bị đơn lẻ sơ chế, sấy và kho bảo quản quy mô hộ liên hộ; Các quy trình vận hành và bảo dưỡng máy nông nghiệp. Đào tạo bồi dưỡng tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân và các kỹ thuật viên trong hệ thống khuyến nông các tỉnh. Tuy giá trị CGCN với đối tượng này là không lớn nhưng có ý nghĩa tác động đến kinh tế - xã hội là rất lớn vì góp phần nâng cao trình độ, thay đổi tập quán canh tác, năng lực quản lý theo chuỗi giá trị của người nông dân.

Ở quy mô công nghiệp (đối tượng là các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp), nhiều dây chuyền thiết bị công nghệ đồng bộ có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực và thế giới từ kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án thuộc cấp Bộ và cấp Nhà nước đã được triển khai đưa vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả, với chi phí đầu tư thấp hơn, khoảng bằng 35 - 40% giá nhập khẩu.

Ví dụ như dây chuyền thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi hoàn toàn tự động, năng suất 2 - 10 tấn/giờ; Dây chuyền thiết bị chế biến hạt giống, năng suất 1 -2 tấn/giờ; Dây chuyền thiết bị chế biến nhựa thông, quy mô 5.000 - 10.000 tấn sản phẩm/năm; Các hệ thống thiết bị sấy nông sản quy mô công nghiệp;…Nhiều sản phẩm KH&CN nổi bật trên đã đạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế, góp phần đáng kể về tăng trưởng của ngành nông nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao như Tổng công ty cổ phần Thông Quảng Ninh sản lượng chế biến nhựa thông từ 2.700 tấn sản phẩm/năm (2007) đến nay đã đạt trên 30.000 tấn/năm gấp hơn 10 lần (doanh số tương ứng khoảng 1.300 tỷ đồng/năm), về chất lượng sản phẩm xuất khẩu trên sàn quốc tế từ thứ 4 (năm 2006) đến nay đứng top số 1 trong các nước xuất khẩu.

Ông có thể đánh giá tình hình CGCN trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam thời gian qua?

Viện trưởng Phạm Anh Tuấn: Nhìn chung, ngành Nông nghiệp nước ta đã có bước tăng trưởng với tốc độ khá cao, thu hút trên 50% lực lượng lao động, tạo ra khoảng 20% GDP và khoảng 19% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; nhiều mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới.

Hiện, Việt Nam thuộc vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo, sắn; về cao su đứng thứ tư, thủy - hải sản nói chung đứng thứ năm và chè đứng thứ bảy…

Để đạt được kết quả trên, đã có sự đóng góp tích cực của KHCN, cụ thể nhiều giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện cả nước đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống mới…

Về lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp cả nước đã có mức tăng trưởng khá cao. Nguồn động lực sử dụng trong nông nghiệp đạt 46 triệu mã lực (HP), tăng 1,45 lần so với năm 2006. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất một số loại cây trồng chính đạt cao như: Làm đất đạt 90% (tăng gần gấp đối so với năm 2000); thu hoạch lúa tăng từ 5% năm 2000 lên 42% năm 2014, cao nhất là vùng ĐBSCL đạt 76%; gieo cấy lúa đạt 30%; phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 60%; sấy lúa chủ động ở ĐBSCL đạt 46%. Bước đầu đã giảm được tổn thất sau thu hoạch, chỉ riêng việc ứng dụng máy gặt đập liên hợp, khâu tổn thất ở công đoạn thu hoạch đã giảm từ 5% (thu hoạch nhiều giai đoạn) xuống dưới 2% (thu hoạch liên hợp).

Chất lượng nông sản cũng được cải thiện đáng kể nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chế biến và bảo quản tiên tiến là kết quả từ các nhiệm vụ KH&CN: Các hệ thống thiết bị sấy thóc 2 giai đoạn (tầng sôi kết hợp sấy tháp) năng suất từ 100 - 500 tấn/ngày, các dây chuyền xay xát lúa gạo tiên tiến và các kho bảo quản quy mô lớn (tại ĐBSCL); Các dây chuyền thiết bị chế biến hạt giống được ứng rộng rãi tại các vùng sản xuất tập trung trên cả nước; Các dây chuyền thiết bị sơ chế bao gói bảo quản quả vải thiều (Lục Ngạn), nho táo (Ninh Thuận); Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến nhựa thông, quy mô 5000 - 10.000 tấn sản phẩm/năm (Quảng Ninh, Quảng Trị); Các dây chuyền thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi, năng suất 2 - 10 tấn/giờ được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn cả nước…

Có ý kiến cho rằng khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cho nông sản đang là khâu quan trọng nhưng lại là điểm yếu nhất của ngành chế biến nông sản Việt Nam.Theo ông cần làm gì để phát triển sản phẩm nông sản nội địa bằng các công nghệ mới và tiên tiến?

Viện trưởng Phạm Anh Tuấn: Tôi đồng ý với ý kiến này. Tuy vậy, tôi cho rằng, nguyên nhân của những yếu kém so với thế giới xuất phát từ sự đầu tư có tính hệ thống và đồng bộ theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khó có công nghệ nào đa năng vừa có chi phí thấp để phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, trong khi thiếu cơ sở hạ tầng, nhà sơ chế bảo quản, phương tiện vận chuyển, tổng kho tồn trữ và phân phối…

Về ví dụ cụ thể vải thiều Bắc Giang, hiện dây chuyền thiết bị công nghệ sơ chế, bao gói, bảo quản quy mô 1 tấn/giờ tại huyện Lục Ngạn là sản phẩm của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thuộc dự án chương trình KH&CN xây dựng nông thôn mới đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Về trình độ công nghệ bảo quản quả vải thiều từ 30 - 35 ngày tương đương với công nghệ tiên tiến trên thế giới, trong khi thời vụ thu hoạch ngắn, quy mô đầu tư có hạn, do vậy hiệu quả khai thác là không cao.

Luật CGCN mang đến nhiều kỳ vọng cho ngành nông nghiệp VN

Theo tôi, để đưa được công nghệ mới và tiên tiến là “điều kiện cần” tuy vậy còn thiếu “điều kiện đủ” là tính quy hoạch đồng bộ theo chuỗi sản xuất. Khi đáp ứng được điều cần và đủ chúng ta mới có thể đánh giá trình độ hiện tại so với thế giới.

Luật CGCN (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện khuyến khích CGCN nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, nhất là công nghệ cao như thế nào, thưa ông?

Viện trưởng Phạm Anh Tuấn: Tôi mong muốn và hy vọng sau khi Luật CGCN (sửa đổi) được ban hành sẽ tạo được động lực thúc đẩy các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nghiên cứu và CGCN có hiệu quả hơn, đặc biệt là các Viện nghiên cứu ứng dụng như Viện chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế tự chủ theo Nghị định 115/CP.

Cần có chính sách hỗ trợ phát triển cao hơn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc biệt các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác các chương trình KH&CN trong mỗi giai đoạn cần đưa ra cơ chế đặc thù cho những nhiệm vụ có tính đột phá về đổi mới công nghệ có tác động mạnh mẻ đến hiệu quả và chất lượng sản phẩm so với trình độ tiên tiến trên thế giới để khuyến khích các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu và CGCN. Các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ gia tăng, đặc biệt là DNVVN; Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sẽ tăng mạnh; Thị trường KH&CN được mở rộng và phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội tìm kiếm công nghệ cho các doanh nghiệp, mặt khác tạo điều kiện cho các nhà khoa học đưa được tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Tôi tin rằng, với những điều kiện cần và đủ, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới, đặc biệt xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, nuôi trồng và chế biến bảo quản sau thu hoạch.

Bài, ảnh: Hoàng Anh (Lược ghi)



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner