Bình luận khoa học Thứ ba, 16/04/2024 , 10:49 pm
Cập nhật : 13/08/2014 , 10:08(GMT +7)
“Lò đốt rác phát điện”: Đừng biến người dân thành nạn nhân của truyền thông
Một phần của mô hình "sáng chế" còn lại trong vườn nhà ông Kiên
Cách đây ít lâu, xã hội ồn ào xung quanh câu chuyện sáng chế “lò đốt rác” của ông Bùi Khắc Kiên, tại xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, Thái Bình đã tốn không ít giấy mực của báo giới cũng như dư luận với nhiều thông tin đa chiều, kẻ khen hết lời, người chê cũng… hết lời.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, do thông tin được phản ánh chưa được đầy đủ, nhất là chưa tham khảo những ý kiến phản biện, phân tích, đánh giá từ các nhà khoa học chuyên ngành nên đã đẩy vấn đề một cách thiếu khách quan, khiến câu chuyện sáng chế của người nông dân ở xã thuần nông bỗng nhiên được đẩy thành vấn đề mang tính xã hội với những chỉ chích gây hiểu nhầm, tạo dư luận và hình ảnh không tốt đến giới khoa học cả nước. Để có những góc nhìn đa chiều, khách quan, chúng tôi xin cung cấp một thông tin để bạn đọc hiểu rõ bản chất của sự việc.

Bài 1: Câu chuyện được “bới” lại sau 2 năm “ngủ yên”

Các cơ quan chức năng như Sở KH&CN Thái Bình, Bộ KH&CN đã có kết luận chính thức về vụ việc này cách đây 2 năm và chính tác giả cũng đã tự nguyện tháo dỡ mô hình, nhưng không hiểu vì lý do gì, sự việc lại được “bới tung” sau 2 năm.

Cần khẳng định, trong tất cả các văn bản làm việc, các cơ quan chức năng cũng như các nhà khoa học trực tiếp khảo sát mô hình “lò đốt rác phát điện” của ông Bùi Khắc Kiên đều có một thái độ rất đồng cảm, chia sẻ với tác giả, một người nông dân ham mê, sáng tạo. Chỉ nhìn khối lượng thời gian theo đuổi 6 năm cùng nguồn kinh phí hoàn toàn do cá nhân ông Kiên bỏ ra cũng rất đáng để chúng ta trân trọng.  Chúng tôi xin thông tin lại toàn bộ diễn biến câu chuyện để bạn đọc thông tin đầy đủ về vụ việc trên.

Cảnh báo sự an toàn và ô nhiễm

Năm 2011, ông Bùi Khắc Kiên – một nông dân đã tự đầu tư kinh phí xây dựng mô hình lò đốt rác thải để sản xuất điện tại chợ Sặt, thuộc địa phận xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sau khi nắm được thông tin, Sở KH&CN Thái Bình, phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Thái Bình đã tiến hành khảo sát và đo kiểm các chỉ tiêu của mô hình nói trên. Kết luận cho thấy: không nên xây dựng và thử nghiệm mô hình tại khu tập trung đông dân cư vì mô hình của ông không đảm bảo an toàn,  gây ô nhiễm môi trường (khói, bụi) và đặc biệt, việc ông sử dụng nồi hơi tự chế tạo chưa kiểm định chất lượng và bản thân ông không được trang bị kiến thức về sử dụng, vận hành nồi hơi là rất nguy hiểm, có thể gây mất an toàn cho chính ông và những người xung quanh khi nồi hơi bị nổ.

Sau đó, ông Kiên tiếp tục thử nghiệm mô hình tại chợ Sặt như trước, đồng thời ông đã cung cấp thông tin cho một số phương tiện thông tin đại chúng là mô hình lò đốt rác thải để sản xuất điện của ông có thể cung cấp được điện cho 20 hộ gia đình sử dụng; để đảm bảo tính khách quan, trung thực trong việc đánh giá mô hình lò đốt rác để sản xuất điện của ông Kiên ngày 24/8/2011, Sở KH&CN đã chủ trì phối hợp với các ngành: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các Hội KH&KT, phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thái Thụy tiến hành kiểm tra, khảo sát, kiểm tra đánh giá mô hình.

Đoàn kiểm tra xem xét mô hình lò đốt rác phát điện của ông Kiên.

Đoàn kiểm tra kết luận: mô hình lò đốt rác của ông Kiên không đảm bảo an toàn, chưa có sự tính toán về mặt kỹ thuật cũng như hiệu quả của mô hình; kiến nghị không tiếp tục triển khai mô hình ở khu dân cư và khu tập trung đông người; Khuyến nghị ông Kiên, không nên tiếp tục thử nghiệm mô hình theo hướng sản xuất điện mà chỉ dừng ở mức nghiên cứu lò đốt rác thông thường không dẫn đến sự mất an toàn, hình thành khí độc hại. Đồng thời, Sở KH&CN sẽ tạo điều kiện để ông Kiên tiếp cận và tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà khoa học để tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm ở khu xa dân cư.

Ông Kiên đã tự tháo dỡ mô hình lò đốt rác từ năm 2012

Sau đó, ông Bùi Khắc Kiên đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất điện từ rác thải (mô hình 2) tại khuôn viên của gia đình. Mô hình mới về nguyên lý cơ bản như cũ nhưng được cải tiến như nồi hơi tự chế trước đây được thay bằng nồi hơi mua của công ty Cổ phần nồi hơi và thiết bị áp lực Đông Anh. Theo đề nghị của Sở KH&CN, ngày 3/5/2012, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với VTV2 tiến hành khảo sát mô hình này. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, do có sự trục trặc về kỹ thuật nên mô hình của ông Kiên không vận hành được.

Ngày 26/7/2012, Bộ KH&CN đã tổ chức đoàn công tác đánh giá gồm các chuyên gia của Đại học Bách khoa Hà Nội, Cục An toàn (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Chất lượng (Khu vực I), đại diện chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá mô hình lò đốt 2. Sau khi khảo sát, đoàn công tác đã có báo cáo tổng hợp do ông Phan Vinh Quang, phó Giám đốc Văn phòng chứng nhận Công nghệ cao và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, trưởng đoàn đánh giá ký tên với các ý kiến như sau:

“Bước đầu đã định hình được mô hình khép kín từ đốt đến tận thu nhiệt và xử lý khói bụi; Đã tận dụng được một số nguyên tắc thu hồi nhiệt khá hữu ích, có tính sáng tạo khi thu hồi nhiệt bằng cách hồi lưu các cục vật liệu nhiệt chịu lửa. Việc tích nhiệt này cho phép giữ trường nhiệt độ trong lò tương đối cao và ổn định, cho phép đốt được các vật liệu khó cháy”. Đây là sáng kiến của tác giả- một trong nhiều cách thu hồi nhiệt cho lò đốt.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, mô hình chưa có sự tính toán hợp lý và khoa học giữa công suất lò đốt rác với nồi hơi, tua bin và máy phát điện. Sự an toàn của mô hình này chưa được đảm bảo.

Do đó, đoàn công tác lúc đó đã đề nghị tác giả chỉ phát huy ứng dụng của phần lò đốt vào phục vụ cho đời sống kinh tế- xã hội, khi được các cơ quan chức năng về môi trường cho phép thực hiện. Tác giả không được tự ý vận dụng đốt rác, củi, than… để phát điện khi chưa có sự tư vấn, hướng dẫn của các cơ quan chức năng có liên quan; Nếu có tổ chức, cá nhân nào muốn vận dụng đốt rác, than, củi… để phát điện thì tác giả cần liên hệ với Bộ KH&CN và Trường đại học Bách khoa Hà Nội để các cơ quan này phối hợp với các cơ quan chức năng khác tư vấn, hướng dẫn thực hiện.

Bản kết luận cũng nhấn mạnh, đề nghị tác giả không được thí nghiệm đốt rác phát điện của mô hình nêu trên nữa vì không đảm bảo vệ sinh, an toàn cháy nổ và an toàn về điện cho gia đình tác giả và các gia đình xung quanh; Mặt khác đề nghị tác giả phải tháo dỡ mô hình đốt rác phát điện nêu trên, lấy vật liệu đi làm các việc khác.

Theo báo cáo mới nhất trình lãnh đạo Bộ KH&CN, Vụ Phát triển KH&CN địa phương cho biết, trên cơ sở các nhà khoa học phân tích, đánh giá và khuyến cáo, ông Bùi Khắc Kiên đã chấp nhận và từ cuối năm 2012,  ông Kiên đã tự tháo dỡ mô hình lò đốt rác, cũng như không có đề xuất gì về việc hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện mô hình với các cơ quan Nhà nước.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh các ý kiến của các nhà khoa học trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra cũng như các nhà khoa học chuyên ngành về vấn đề này để bạn đọc được hiểu rõ hơn về sự việc.

Nhóm PV







 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner