Bình luận khoa học Thứ sáu, 03/05/2024 , 04:07 pm
Cập nhật : 22/06/2012 , 08:06(GMT +7)
Không ai có thể đứng ngoài cuộc
Một khó khăn cần khắc phục là tình trạng thiếu chuyên gia giỏi về biến đổi khí hậu ở các tỉnh. Ảnh:
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong ba vùng đồng bằng trên thế giới sẽ chịu nhiều tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của gần 20 triệu cư dân đang sinh sống ở đây. Những giải pháp căn cơ để giảm thiểu những tác động ấy đang được đặt ra một cách cấp bách.

Bất ổn thiên nhiên kéo theo bất ổn xã hội

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động mạnh mẽ đến vùng đồng bằng đang đóng góp trên 50% lượng gạo, 65% lượng thuỷ sản và 75% lượng trái cây cho đất nước. Gạo xuất khẩu từ ĐBSCL đang đóng góp 20 – 25% khối lượng lúa gạo trao đổi trên thế giới. Hoàn toàn không cường điệu chút nào khi các chuyên gia của tổ chức Lương nông quốc tế xem việc sản xuất nông nghiệp của chúng ta đã góp phần vào an ninh lương thực không chỉ của Việt Nam, mà còn cho các nước thiếu nguồn lương thực và thực phẩm.

Kết quả của nhiều phân tích mô phỏng bức tranh khí hậu của vùng đồng bằng trong tương lai, dù theo kịch bản nào, đều cho thấy sự biến động có ý nghĩa về nhiệt độ và lượng mưa. Ngoài ra, còn có những bất thường về thiên tai và nguy cơ của sự dâng nước biển do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Khi có sự thay đổi của các thông số khí hậu và mức gia tăng diện tích bị ngập lụt do nước biển dâng ở các vùng đất trũng ven biển vùng đồng bằng, một chuỗi các hoạt động của cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền do hiệu ứng domino.

Tác động đáng lo nhất là sự thay đổi chế độ thuỷ văn của dòng chảy sông Mekong. Vấn đề thay đổi đặc điểm nguồn nước, cả về số lượng, chất lượng và động thái dòng chảy theo thời gian ở vùng ĐBSCL trở nên phức tạp hơn khi có sự tổ hợp những diễn biến khó đoán về sự thay đổi lưu lượng trên dòng chính, hiện tượng dâng lên của nước biển. Điều ấy còn kéo theo sự gia tăng cường độ và tần suất các trận bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, và những biện pháp kiểm soát tài nguyên nước các vùng đất mà sông Mekong đi qua. Tất cả các yếu tố này có thể gây nên nguy cơ mất an ninh nguồn nước ở khu vực. Tài nguyên nước ở vùng đồng bằng này không chỉ là nguồn sống, nguồn sản xuất cho hai ngành kinh tế trụ cột của vùng là nông nghiệp và thuỷ sản mà còn là nguồn duy trì hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên rất đặc trưng với tính đa dạng sinh học cao. Một khi diện tích canh tác và di trú bị thu hẹp, nguồn lương thực và thực phẩm bị giảm sút thì thu nhập của phần lớn cư dân ở đây (với trên 75% dân số là nông dân) cũng sẽ ít đi. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ đói nghèo và thất nghiệp khiến hiện tượng di dân và xâm phạm các nguồn tài nguyên thiên nhiên còn lại sẽ gia tăng. Các bất ổn về kinh tế sẽ kéo theo hệ quả bất ổn xã hội, nếu chúng ta không có các biện pháp hữu hiệu và bền vững để ứng phó.

Tất cả đều phải vào cuộc

Chính phủ Việt Nam đã công bố Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (ban hành ngày 2.12.2008). Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã công bố các kịch bản biến đổi khí hậu các vùng trong cả nước trong năm 2009 và cập nhật năm 2011. Các tỉnh ĐBSCL đã căn cứ vào chương trình này để thành lập các ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương mình và đến nay, nhiều tỉnh đã xây dựng được kế hoạch hành động trong vài thập niên tới. Hầu hết các tỉnh thành đều tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, hiểu biết và truyền thông về việc giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và người dân. Nhiều dự án thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu trong điều kiện sản xuất và sinh kế của địa phương có sự tài trợ kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia trong và ngoài nước đã được triển khai. Đó là những dự án dài hạn về trồng và khôi phục rừng, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng nguồn nước hợp lý, củng cố các công trình thuỷ lợi, cải tiến giống cây trồng và vật nuôi có khả năng thích nghi cao hơn với sự bất thường của thời tiết và nguồn nước…

Nghiên cứu để cho ra giống cây trồng, vật nuôi mới hay những giải pháp về thuỷ lợi, năng lượng sạch là tín hiệu tích cực của các nhà nghiên

Tuy nhiên, các nỗ lực trên vẫn chỉ là những hoạt động mang tính đối phó ở mức độ ngắn hạn và trung hạn. Hiện nay vẫn chưa có một phương pháp hay công cụ phân tích nào được xem là tốt nhất cho các địa phương áp dụng. Một khó khăn cần khắc phục là tình trạng thiếu hụt đội ngũ chuyên gia về biến đổi khí hậu ở các tỉnh. Một số cán bộ trẻ đã được tham gia các lớp tập huấn cơ bản nhưng cần được tăng cường đào tạo chuyên sâu hơn. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu dài hạn hơn và mang tính tổng thể cho toàn đồng bằng còn trong giai đoạn tập hợp nghiên cứu. Việc liên kết chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng hay cải tiến các mô hình hiện có và tăng cường năng lực lãnh đạo là việc cần duy trì liên tục. Các tỉnh thành phải có ngân sách đầu tư lâu dài cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai. Nhất thiết phải có sự lồng ghép biến đổi khí hậu vào các chương trình phát triển kinh tế và xã hội ở các ban ngành và địa phương. Ngoài ra, cần tranh thủ hơn nữa các tài trợ kinh phí, kỹ thuật và nhân lực của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ để cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu có cơ may hiệu quả hơn.

Chống mặn, ngăn lũ là những “cuộc chiến” đặc thù của con người với hoàn cảnh sống thực tại. Kế hoạch đã có, chương trình cũng đã triển khai, vấn đề cốt yếu là phải làm đồng bộ. Nghiên cứu để cho ra giống cây trồng, vật nuôi mới hay những giải pháp về thuỷ lợi, năng lượng sạch là tín hiệu tích cực của các nhà nghiên cứu và điều ấy rất cần tạo điều kiện để ứng dụng rộng rãi tới các địa phương, đến từng người dân.

TS Lê Anh Tuấn (viện Nghiên cứu
biến đổi khí hậu, đại học Cần Thơ)

 

Nguồn tin: sgtt

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner