KH&CN địa phương Thứ bảy, 27/04/2024 , 04:38 am
Cập nhật : 16/12/2010 , 14:12(GMT +7)
Hiện đại hoá nông nghiệp từ sản xuất nấm
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm ở Nam Định
Tính đến nay đã có 9/10 huyện, thành phố ở Nam Định trồng nấm. Đó là giải pháp tốt giúp nông dân tận dụng những phế liệu của nông nghiệp để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là kết quả thực hiện dự án “Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hóa trên quy mô diện rộng tại Nam Định” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ thực hiện.

Mở rộng quy mô

Trong chiến lược của Chính phủ, xây dựng chương trình phát triển rau, hoa, quả thì nấm được coi là một trong những loại rau cao cấp có triển vọng phát triển, đặc biệt là nấm rơm, nấm mỡ, mộc nhĩ có thể sản xuất trên phạm vi cả nước để xuất khẩu. Đến nay, tổng sản lượng nấm của cả nước đã đạt trên 150.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 60 triệu USD/năm.

Năm 2007, Bộ KH&CN đã hỗ trợ tỉnh Nam Định triển khai thực hiện dự án “Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hoá trên quy mô diện rộng” với mục tiêu ứng dụng KH&CN thích hợp vào sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản và chế biến các sản phẩm nấm, tạo công ăn việc làm và nâng cao mức sống người nông dân, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nam Định là đơn vị chủ trì thực hiện dự án.

Ông Trần Đức Vượng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết, nghề trồng nấm bắt đầu tại Nghĩa Hưng từ năm 2005 bằng việc sản xuất nấm mỡ. Năm 2006, nghề trồng nấm được nhân rộng ra 13/25 xã, thị trấn với 21 hợp tác xã nông nghiệp. Quy mô sản xuất nấm theo hướng trang trại và gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Theo quy mô trang trại sản lượng đạt 100 tấn nấm/năm, gia trại đạt 10 – 20 tấn nấm/chu kỳ sản xuất nấm. 

Chị Nguyễn Thị Vy - Tổ trưởng bộ môn Công nghệ sinh học Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng cho biết, hiện nay, Trung tâm đào tạo 8 ngành nghề trong đó nghề nấm chiếm tỷ lệ học viên theo học trên 50%. Trên cơ sở hỗ trợ của dự án, Trung tâm đã chuyển giao toàn bộ thiết bị để sản xuất giống nấm tại chỗ, thiết lập kho lạnh để sản xuất giống nấm cao cấp. Do đó, đã sản xuất thành công nhiều loại nấm như nấm sò, nấm rơm, nấm mọc nhĩ, nấm mèo, nấm linh chi, nấm ngọc châm, nấm sò đùi gà, nấm kim châm và hàng loạt các loại nấm khác.

Thông qua dự án, đã có 10 chuyên gia kỹ thuật về nuôi trồng nấm được đào tạo, họ chính là hạt nhân nhân rộng và tuyên truyền phổ biến nghề nuôi trồng nấm tại các địa phương. Đến nay, hơn 6.017 lượt người tham gia tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng nấm thương phẩm.

Chủ động nguồn giống

Mỗi năm, lượng rơm rạ thải ra sau thu hoạch tại tỉnh rất lớn, trước đây, bà con nông dân dùng làm phân chuồng, hoặc đốt để lấy tro bón ruộng gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh cũng đã nhập công nghệ sản xuất nấm từ đầu những năm 2000, tuy nhiên vẫn không chủ động được nguồn giống, không có cơ sở chế biến nấm thương phẩm, thị trường tiêu thụ không ổn định nên sản xuất nấm không phát triển.

Năm 2009, Sở KH&CN Nam Định triển khai dự án “Xây dựng các mô hình nuôi trồng và sơ chế nấm tại 4 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc” với mục tiêu phát triển cây nấm trên 100% các huyện, thành phố trong tỉnh.

Kết quả của dự án đã tác động tích cực đến sản xuất nấm của tỉnh chủ động được nguồn giống, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân. Các mô hình nuôi trồng và sơ chế nấm trở thành điểm tin cậy để nông dân tham quan, học tập. Đến nay đã có hàng trăm hộ gia đình  đầu tư phát triển trang trại trồng nấm với quy mô lớn, hàng nghìn hộ đã tham gia sản xuất nấm, đưa sản lượng nấm của Nam Định tăng gấp 3 lần so với trước đây, giúp tỉnh giải quyết được hàng trăm nghìn công lao động nông nhàn/ năm, hàng chục nghìn tấn rơm rạ được đưa vào sản xuất nấm.

Các sản phẩm nấm của Nam Định đã có chỗ đứng trên thị trường. Nhiều đơn vị đã tìm về Nam Định thu mua nấm như Nhà máy chế biến nấm xuất khẩu Nam Tiến - Hải Dương đã ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm nấm với số lượng lớn. Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là đơn vị chuyển giao công nghệ của dự án cũng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nấm của Nam Định,… Ngoài ra nhiều đơn vị thu mua tư nhân thường xuyên đến từng hộ thu mua nấm tươi phục vụ nhà hàng khách sạn ở các thành phố lớn.

Nghề trồng nấm tại Nam Định đã trở thành nghề có thu nhập cao, tạo công ăn việc làm ổn định cho phần đông nông dân Nam Định, thiết thực hoá chương trình “Tam nông” của Chính phủ và chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2006-2010”.

Bài và ảnh: Phương Nga - Nguyễn Hạnh


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner