Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Chủ nhật, 22/12/2024 , 01:24 pm
Cập nhật : 19/03/2024 , 11:03(GMT +7)
Bắc Giang: KH,CN&ĐMST là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng
Trong quá trình phát triển và hội nhập, Bắc Giang xác định khoa học, công nghệ (KH,CN&ĐMST) là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa. Thực tiễn ở Bắc Giang cho thấy, KH&CN thực sự là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bên lề Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2024 do Bộ KH&CN tổ chức mới đây, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang xoay quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xin ông cho biết vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh trong thời gian qua như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang đạt 13,45%, dẫn đầu cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng gần 17,3%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,63%; dịch vụ tăng 6,56%; thuế sản phẩm tăng 7,14%.
 
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những khó khăn về vốn, thị trường, lưu thông hàng hóa, thủ tục hành chính… Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 20,2%.
 
Ngành KH&CN đã có những đóng góp tích cực vào phát triển KTXH, thể hiện rõ nét nhất là kết quả công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2023 tỉnh Bắc Giang đứng thứ 11 trong cả nước. Những địa phương có thứ hạng cao đều là các địa phương có công nghiệp phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. 
 
KH&CN đã góp phần đưa nhanh những thành tựu tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống. Chất lượng các dự án thu hút mới ngày càng được cải thiện, có nhiều dự án quy mô lớn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp. 
 
 
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn và Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thanh Bình kiểm tra tiến độ một số nhiệm vụ KH&CN.
 
Nhờ coi trọng ứng dụng KH,CN&ĐMST, những năm gần đây, tình hình KTXH của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ. Để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, tỉnh Bắc Giang xác định phải đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới sáng tạo, không ngừng ứng dụng KH&CN vào đời sống KTXH.  
 
KH&CN đóng góp tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, sản phẩm, nhất là “chắp cánh” cho nông sản Bắc Giang thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Hầu hết các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh (gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, rau Yên Dũng, ba kích Sơn Động, na dai Lục Nam, dứa Lạng Giang, vú sữa Tân Yên)... đều có đóng góp quan trọng của KH&CN; giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài, ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới, đặc biệt là chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 
 
PV: Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Giang đã xác định phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST. Vậy Sở KH&CN sẽ phải tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND những phương án gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Thanh Bình: Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định: "Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST, đưa KHCN, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng".
 
Giải pháp đề xuất của Sở KH&CN để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển KTXH và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, Bắc Giang xác định: Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, khoa học công nghệ; Xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ mới; Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN vào đời sống; Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Xây dựng và phát triển thương hiệu, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh gắn với xây dựng theo chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Xây dựng định hướng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng theo chuyên đề, bám sát Quy hoạch của tỉnh, Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong đề xuất nhiệm vụ KH&CN đảm bảo chất lượng, hiệu quả; Tích cực tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
 
 
Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thanh Bình kiểm tra mô hình trồng thông Caribe tại huyện Yên Dũng.
 
PV: Tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc lần này, Sở KH&CN Bắc Giang sẽ đề xuất giải pháp gì để phát triển KH,CN&ĐMST tại địa phương cho giai đoạn tiếp theo, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Thanh Bình: Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2021-2030 khẳng định KH,CN&ĐMST là một trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng. Vì vậy, để phát triển nhanh và bền vững đất nước cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển KH,CN&ĐMST đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Cụ thể tập trung vào một số lĩnh vực sau:
 
Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH,CN&ĐMST.
 
Đẩy mạnh chuyển đổi số tại các địa phương, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST.
 
Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, nhiều sản phẩm mới được tạo ra với công nghệ tiết kiệm nguyên liệu... sẽ tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
 
Tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho KH,CN&ĐMST nhất là từ doanh nghiệp; chú trọng phát triển khoa học xã hội và nhân văn; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước; tiếp tục đầu tư để phát triển, hiện đại hóa hạ tầng và tiềm lực KH,CN&ĐMST.
 
Phát triển nhân lực KH&CN: Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng cá nhân hoạt động KH,CN&ĐMST, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam.
 
Phát triển tổ chức KH&CN công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động KH,CN&ĐMST. 
Bên cạnh đó, thúc đẩy sử dụng dữ liệu dùng chung, chia sẻ, mở theo hướng đa ngành, liên ngành và xuyên ngành để nâng hiệu quả đầu ra của các hoạt động nghiên cứu và phát triển; Bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phù hợp với các hiệp định thương mại mới; Phát triển thị trường KH&CN và hợp tác quốc tế theo hướng lựa chọn đối tác chiến lược trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác về KH,CN&ĐMST với hợp tác về kinh tế, quốc phòng, chú trọng chuyển giao công nghệ phù hợp phục vụ các mục tiêu phát triển quốc gia, ngành, vùng, địa phương.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
Diệu Huyền (thực hiện)
 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner