KH&CN địa phương Thứ sáu, 26/04/2024 , 07:51 am
Cập nhật : 25/09/2014 , 17:09(GMT +7)
Đẩy mạnh phát triển KH&CN địa phương
Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học ở xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, Hà Nam
Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại địa phương đã có bước phát triển và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội. Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này cần định hướng các nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) để các địa phương cùng hợp tác đầu tư, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN.

Quản lý KH&CN cấp địa phương

Mặc dù lực lượng cán bộ KH&CN còn mỏng nhưng những năm gần đây, việc ứng dụng KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn rất được chú trọng. Các địa phương đã chủ động tìm hiểu, phối hợp với các tổ chức KH&CN của Trung ương và thành phố tổ chức đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất.

Nhiều biện pháp và mô hình canh tác tiên tiến, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN hiệu quả cao (ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, mô hình nuôi phù hợp đạt hiệu quả cao bằng việc ứng dụng công nghệ sinh học, mở rộng diện tích cây ăn quả, hoa, cây cảnh, sản xuất rau an toàn; mô hình nuôi tôm sú, cua biển, tôm càng xanh, tôm rảo, nuôi các loài thuỷ sản kinh tế nước ngọt, mô hình nuôi thủy sản kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái,…) được áp dụng rộng rãi đã góp phần phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sản xuất hàng hoá.

Cùng với đó, việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng môi trường nông thôn trong sạch cũng là một trong những hoạt động khoa học cấp huyện được quan tâm. Nhiều địa phương đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh nghiên cứu xây dựng các mô hình sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý nước thải chăn nuôi, xử lý rác thải, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp để trồng nấm và sản xuất phân mùn hữu cơ,… nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững, tận thu phế phụ phẩm nông nghiệp đưa vào sử dụng trong sản xuất.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được thực hiện theo đặt hàng nhằm giải quyết các vấn đề xuất phát từ nhu cầu thực tế. Một số kết quả đã được ứng dụng thành công tại một số địa phương như: ứng dụng hệ thống chụp mạch kỹ thuật số trong chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Thanh Hóa; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sinh sản giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Vược tại Nghệ An; xây dựng mô hình trồng cỏ nuôi bò lai Sind ở thôn Bắc Bình xã Cam Tuyền tỉnh Quảng Trị; nghiên cứu giá trị của các kỹ thuật nội soi tiêu hóa can thiệp mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa Trường Đại học Y Dược Huế,...

Hiện nhiều địa phương đã triển khai giao nhiệm vụ quản lý hoạt động KH&CN cho phòng chuyên môn. Để thông tin KH&CN được phổ biến rộng khắp, đến được với quần chúng nhân dân, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các hội nghị, hội thảo, tập huấn kỹ thuật, phổ biến kỹ thuật để chia sẻ những tiến bộ KH&CN, kinh nghiệm ứng dụng KH&CN hiệu quả trong sản xuất. Hệ thống truyền thanh của các xã, huyện, thị trấn cũng được tận dụng triệt để. Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực nghiên cứu, đề xuất luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chủ trương, quyết sách, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; triển khai các hoạt động thông tin, phổ biến KH&CN như: tổ chức các tập huấn kỹ thuật; phổ biến kỹ thuật, tri thức KH&CN trên hệ thống truyền thanh của các xã, thị trấn,…

Tuy nhiên, việc quản lý KH&CN tại địa phương cũng còn nhiều khó khăn như cơ cấu tổ chức, nhân lực,… Để đấy mạnh các hoạt động KH&CN cấp huyện, tỉnh cũng còn nhiều khó khăn như chưa đa dạng hóa được các hoạt động và nguồn vốn; nhân lực hoạt động KH&CN mỏng và yếu; lúng túng trong khâu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; đề tài, dự án cấp huyện chưa được đầu tư nhiều; các hoạt động như sở hữu công nghiệp, sáng kiến, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, thanh tra… chưa được quan tâm đúng mức.

Hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển KH&CN địa phương

Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch (TTLT) 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên, để phù hợp với Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản mới ban hành có liên quan, Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ phối hợp xây dựng và đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư liên tịch thay thế TTLT 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, và TTLT số 14/2009/TTLT-BKHCN-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) thuộc Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Xử lý phế thải nông nghiệp bằng công nghệ vi sinh vật tạo phân bón hữu cơ.

Theo ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, về cơ bản dự thảo TTLT mới đã kế thừa các nội dung còn phù hợp của TTLT 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV và TTLT 14/2009/ TTLT-BKHCN-BNV. Đồng thời dự thảo Thông tư có sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới theo tinh thần của Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Dự thảo thông tư gồm 3 điểm mới quan trọng. Một là, xác định rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở KH&CN để phù hợp với quy định của Luật KH&CN năm 2013 và Nghị định 24/2014/NĐ-CP. Dự thảo Thông tư cũng bổ sung một khoản riêng về thông tin và thống kê KH&CN để phù hợp với quy định của Nghị định 11/2014/NĐ-CP về hoạt động thông tin KH&CN. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ về quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở KH&CN để phù hợp với quy định tại Nghị định 24.

Trong dự thảo Thông tư còn sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ cụ thể về quản lý hoạt động KH&CN để phù hợp với quy định của Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng phù hợp với Quyết định số 27/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục TĐC và các văn bản pháp luật liên quan; sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ về công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng để phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và Luật tiếp công dân năm 2013.
 
Hai là, xác định rõ cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở gồm: Văn phòng, Thanh tra, 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục TĐC của các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở. Thành lập tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN theo hướng dẫn của Bộ KH&CN và các tổ chức sự nghiệp khác.

Ba là, Thông tư quy định rõ cơ cấu tổ chức của Chi cục TĐC theo hướng bảo đảm tính thống nhất với các phòng chuyên môn nghiệp vụ. 

Không chỉ cập nhật những điểm mới so với các văn bản liên quan trước đó, dự thảo Thông tư còn được xây dựng dựa trên tình hình khảo sát thực tế nhằm khắc phục tối đa những khó khăn, vướng mắc của các địa phương để hoạt động KH&CN của các tỉnh, huyện ngày càng được đẩy mạnh, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ đang triển khai lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư để sớm hoàn thiện và ứng dụng trong thực tiễn.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên – Phương Nga


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner