Bình luận khoa học Chủ nhật, 05/05/2024 , 09:52 pm
Cập nhật : 10/05/2012 , 08:05(GMT +7)
Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng
Tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia; Xây dựng hệ thống hạ tầng khoa học và công nghệ đồng bộ, hiện đại là điều kiện nền tảng để có một nền khoa học và công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH đất nước.

Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã được nâng cấp và cải thiện một cách đáng kể. Ðầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ mặc dù còn hạn hẹp nhưng từ năm 2000 đã được duy trì ở mức 2% tổng chi ngân sách hằng năm và khoảng 40% đến 43% trong số đó được dành cho đầu tư phát triển, chủ yếu là xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ.

Trong những năm gần đây, một cơ chế mang tính đột phá, mang lại những kết quả bước đầu đó là, chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hơn nữa là hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp (doanh nghiệp khoa học và công nghệ) thông qua việc triển khai thực hiện Nghị định 115/2005/NÐ-CP và Nghị định 80/2007/NÐ-CP. Ðến nay, cả nước đã có khoảng hai nghìn doanh nghiệp đủ điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nhiều công ty như Dolsoft, Bkis, Sóc bay, Q-mobile, Viettel, Tosy, Trung tâm thiết kế và đào tạo vi mạch Ðại học quốc gia TP Hồ Chí Minh... đã hình thành tập thể các nhà khoa học và công nghệ mạnh; có các sản phẩm được thương mại hóa thành công.

Cả nước có ba khu công nghệ cao quốc gia ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng. Các khu công nghệ cao đã có những tiến bộ cơ bản  trong việc xây dựng hạ tầng, thu hút được các dự án công nghệ cao của một số công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới như Intel, NIDEC, V-CAPS..., bước đầu đã có các sản phẩm triển vọng. 15 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đã đi vào hoạt động. Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập hội đồng các phòng thí nghiệm trọng điểm để định hướng hoạt động theo quy chế phòng thí nghiệm trọng điểm. Hằng năm, bộ đã hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cũng như giao các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, bảo đảm duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm.

Mạng Nghiên cứu và Ðào tạo Việt Nam (VinaREN) đã phục vụ có hiệu quả cho hoạt động đào tạo từ xa, tính toán lưới, hội nghị truyền hình chất lượng cao, truy cập thư viện điện tử, khám, chữa bệnh từ xa. VinaREN còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dự báo thời tiết, cảnh báo lũ lụt ở nước ta. Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các sàn giao dịch công nghệ (thực và ảo) được tổ chức và phát huy vai trò cầu nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, góp phần hình thành và phát triển thị trường công nghệ ở nước ta.

Tuy đạt được một số kết quả đáng khích lệ nói trên, hạ tầng khoa học và công nghệ nước ta nhìn chung vẫn còn kém phát triển, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Ngành khoa học và công nghệ chưa có quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống hạ tầng khoa học và công nghệ hiện đại, đồng bộ. Việc xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ chủ yếu vẫn do ngân sách nhà nước đầu tư, chưa có cơ chế huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ. Nhiều địa phương sử dụng kinh phí đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ không đúng mục đích. Công tác phân bổ ngân sách khoa học và công nghệ vẫn mang tính bao cấp, chia theo tỷ lệ, tiền lệ của năm trước mà chưa thật sự căn cứ theo hiệu quả hoạt động, năng lực và nhu cầu thực tế. Tuy Bộ Khoa học và Công nghệ có vai trò là cơ quan quản lý nhà nước ngành và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, nhưng việc phân bổ và sử dụng ngân sách, nhất là ngân sách đầu tư phát triển khoa học và công nghệ lại không phải do Bộ quyết định.

Năm 2011, một trong những sự kiện đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của các nhà khoa học và công nghệ trong nước đó là, hạ thủy thành công giàn khoan tự nâng 90 m nước. Ðây không chỉ là công trình do các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam tự thiết kế chi tiết và làm chủ công nghệ hạ thủy giàn khoan mà còn là kết quả của việc đầu tư tập trung của ngành khoa học và công nghệ cho những sản phẩm trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia. Từ thực tế này, để thực hiện thành công những nội dung đề ra trong Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư, theo chúng tôi, ngành khoa học và công nghệ cần tiếp tục đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao từ các ngành có liên quan để thực hiện "các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia, các giải pháp khoa học và công nghệ cho các sản phẩm chủ lực mũi nhọn"; không đầu tư dàn trải và cào bằng như các năm trước

Trong thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, theo hướng quy tụ được các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ cho việc phát triển khoa học và công nghệ trong nước. Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia không phải là tài sản riêng của một đơn vị nào. Xác định rõ vai trò của khoa học và công nghệ trong việc phát triển sản xuất, mang lại lợi nhuận cao, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu trong đơn vị mình. Ðây là một hướng đi cần được khuyến khích phát triển để xã hội hóa việc đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Tiếp tục huy động các nguồn lực của xã hội, từ các quỹ liên quan khoa học và công nghệ để đầu tư phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các vườn ươm công nghệ thuộc các khu công nghệ cao. Ðây là những doanh nghiệp hứa hẹn có nhiều đột phá trong việc tạo ra những ngành, nghề, sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao. Bộ Khoa học và Công nghệ, các cấp bộ, ngành có liên quan cần hoàn chỉnh và ban hành cơ chế môi giới công nghệ và các cơ chế có liên quan để phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Thực hiện có hiệu quả những nội dung cụ thể nêu trong Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư là biện pháp tích cực để khoa học và công nghệ ngày càng trở thành động lực trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. 


Nguồn tin: Nhân Dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner