Bình luận khoa học Thứ hai, 13/05/2024 , 04:34 pm
Cập nhật : 19/04/2011 , 17:04(GMT +7)
19/ 4: Sẽ có quyết định cuối cùng về việc xây dựng đập Xayaburi
Đập Xayabury sẽ là mối đe dọa cho hệ sinh thái sông Mê kong
Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết, ngày 19/4 bốn nước thành viên Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam sẽ nhóm họp Vientiane (Lào) để đưa ra quyết định chính thức về việc nên dừng lại hay tiến hành xây dựng đập Xayaburi trên lãnh thổ nước này hay không..

Sông Mekong từ lâu nổi tiếng với những dòng chảy xiết và là nguồn sống của nhiều thế hệ con người, đang có nguy cơ phải đối mặt với một thảm họa sinh thái nếu dự án xây đập Xayaburi ở Lào trị giá 3,5 tỉ USD được thực hiện. Theo các chuyên gia và các nhà địa lý, nếu MRC thuận cho xây đập thì quyết định đó sẽ gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái ở khu vực hạ lưu sông Mekong. Việc xây dựng đập Xayaburi đã gây nhiều tranh cãi trên giữa các nước có sông Mekong chảy qua và dư luận quốc tế.

Tại cuộc tọa đàm do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức ngày 18/4, Ông Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch thường trực Vusta, nói rằng, việc xây dựng đập Xayaburi sẽ khiến đồng bằng sông Cửu Long gặp nguy hại. Khu vực này hiện có gần 20 triệu dân, cung cấp khoảng 50% lượng lúa gạo, hơn 70% thủy sản và khoảng 70% trái cây cho Việt Nam. Do đó, nếu xây dựng đập sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân và các thế hệ tương lai, đe dọa tới an ninh lương thực quốc gia và khu vực.

Cũng trong cuộc tọa đàm, ông Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), khẳng định: “Nếu đập Xayabouri được xây dựng thì sẽ là phát đại bác khai hỏa cho việc xây dựng toàn bộ các đập khác trên dòng chính hạ lưu sông Mekong”.

Còn bà,  P’Eang, đồng giám đốc Quỹ phục hồi sinh thái Terra Thái Lan, cho biết, nhiều tổ chức và nhà khoa học cùng người dân Thái Lan lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc xây dựng thủy điện Xayaburi. Trong sáng qua, 100 người Thái sống dọc trung lưu sông Mekong đã đứng trước cửa sứ quán Lào phản đối công trình xây dựng này.

Bà Ame, cán bộ vận động chính sách vùng Mekong, tổ chức sông ngòi quốc tế cho rằng, các báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) chỉ ra rằng, Lào chưa cần cấp thiết xây dựng thủy điện Xayaburi, vì nó đe dọa tới lượng thủy sản sống trên dòng sông, từ đó đe dọa nguồn thực phẩm của hàng chục triệu người.

Trong một cuộc họp khác, ông Trương Hồng Tiến - chuyên viên văn phòng thường trực, Ủy ban sông Mekong Việt Nam - cho biết trong các quốc gia trong Ủy hội sông Mekong (MRC) thì Lào có lợi nhất từ đập Xayabury. Trong khi đó, lượng thủy sản của Việt Nam sẽ giảm từ 200.000 - 400.000 tấn/năm. Ngay sau khi có thông tin đầy đủ sẽ có báo cáo lên Chính phủ để đề nghị Lào trì hoãn quyết định xây dựng đập Xayaburi"

Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đề xuất hoãn xây đập thủy điện Xayaburi. WWF cho biết tổ chức này ủng hộ việc hoãn xây dựng các đập, trong đó có đập Xayaburi, trên dòng chính hạ lưu sông Mekong trong vòng 10 năm tới nhằm đảm bảo tất cả các tác động của việc xây dựng và vận hành đập được đánh giá một cách toàn diện.

Theo WWF, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đập Xayaburi được thực hiện từ tháng 8-2010 đã bỏ qua những nghiên cứu đã được xuất bản và chỉ dựa vào một chuyến khảo sát thực địa ngắn ngủi nên không đánh giá được hết tính đa dạng sinh học của con sông này.

Cụ thể, theo WWF, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chỉ nêu tên năm loài cá di cư theo một danh sách từ năm 1994, trong khi những nghiên cứu hiện nay cho thấy có đến 70 loài cá di cư trong tổng số 229 loài cá coi khu vực thượng lưu Mekong là nơi sinh sản hoặc lánh nạn vào mùa khô.

Theo đại diện WWF tại Việt Nam cho biết, từ năm 1995 các nước thành viên thuộc Ủy ban sông Mekong đã thông qua một quyết định, trong đó các nước có những hoạt động trên sông Mekong như xây đập thủy điện thì phải tính toán đến những thiệt hại, lợi ích của những nước khác. Tuy nhiên, có một điều  khoản khác lại quy định là một nước có toàn quyền quyết định những hoạt động trên sông Mekong thuộc lãnh thổ của mình. Theo đó, Lào có thể xây dựng đập thủy điện Xayaburi cho dù Ủy ban sông Mekong kịch liệt phản đối. Nếu trong trường hợp xấu nhất là đập Xayabury được xây dựng thì ai sẽ là người phạt Lào? Đây là câu hỏi chưa có câu trả lời vào lúc này.

WWF cũng đưa ra một giải pháp là nên xây đập thủy điện trên các nhánh phụ của sông Mekong thay vì xây đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông nhưng vẫn có thể cho lượng điện năng tương đương.

Con đập gây tranh cãi này có được xây dựng hay hoãn “vô thời hạn” sẽ có phán quyết cuối cùng vào cuối ngày 19/4.

Thông tin này sẽ được công bố trên Website của  Ủy ban sông Mê Kông.

PGS-TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch VUSTA, khẳng định, nguồn tài nguyên nước sông Mekong là không thể thay thế và quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững và thịnh vượng của đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, việc xây đập Xayaburi và 11 bậc thang khác trên dòng chính hạ lưu vực sông Mekong sẽ không mang lại bất cứ một lợi ích nào cho ĐBSCL mà còn đe dọa trực tiếp tới đời sống của gần 20 triệu dân ĐBSCL hiện nay và các thế hệ tương lai cũng như đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia và khu vực.

VUSTA cũng như mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đề xuất 5 vấn đề

1. Hiện đã có nhiều giải pháp năng lượng thay thế bền vững có thể đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và năng lượng trong hạ lưu vực Mekong thay vì phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Chính phủ Việt Nam có thể kêu gọi các đối tác phát triển quốc tế cùng giúp Lào thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và tìm các giải pháp năng lượng thay thế. 
2. Lào có nhiều tiềm năng thủy điện trên các chi lưu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia ít gây tác động môi trường xuyên biên giới thay cho phát triển thủy điện trên dòng chính. Việt Nam hiện đang tham gia xây dựng nhiều thủy điện trên dòng nhánh Mekong ở Lào, việc tăng cường hỗ trợ và viện trợ bạn nghiên cứu và xây dựng các thủy điện khác trên dòng nhánh có thể được xem như giải pháp “đền bù” hoặc giải pháp “cùng có lợi”. 
3. Việc kiên quyết trì hoãn việc xây dựng đập Xayaburi để có thể tiến hành các nghiên cứu bổ sung theo khuyến nghị của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Ủy hội sông Mekong (SEA) và đây là điều kiện tiên quyết để tránh hậu quả lớn lao sau này. 
4. Chính phủ Việt Nam nên giao các cơ quan chức năng tiến hành ngay nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện của hệ thống 12 công trình đập thủy điện đối với ĐBSCL. Xem xét phân tích lợi ích đa chiều vấn đề nhập khẩu điện từ các công trình dòng chính sông Mekong trong chiến lược năng lượng để có điều chỉnh phù hợp nhất, có xem xét đầy đủ lợi ích và thiệt hại của quốc gia. 
5. Đề nghị phổ biến rộng rãi và nâng cao nhận thức công chúng về vấn đề thủy điện dòng chính sông Mekong để tranh thủ và vận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ trong vấn đề.

Hoàng Anh (Tổng hợp)



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner