Thái Bình là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc (năm 1966) đạt năng suất lúa 5 tấn/ha/năm. Từ đó đến nay, việc sản xuất lúa gạo có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thái Bình đã và đang xác định sẽ tập trung phát triển sản phẩm chủ lực lúa gạo, trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) tiếp tục là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng.
Ứng dụng hiệu quả KH&CN vào sản xuất lúa gạo
Tỉnh Thái Bình có diện tích tự nhiên 1.546 km2, dân số 1,78 triệu người, trong đó, 90,1% sống ở khu vực nông thôn. Đây là một trong những tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, có địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đồng thời là nơi hội tụ cư dân từ nhiều nơi về lập nghiệp, hình thành vùng nông thôn rộng lớn, trù phú với nền văn minh lúa nước sông Hồng.
Năm 1966 đánh dấu Thái Bình là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ha/năm và tăng liên tục lên 8 – 10 tấn/ha/năm, nhiều năm qua giữ ở mức 12,5 – 13 tấn/ha/năm. Đây cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong việc đưa nhanh các giống mới vào sản xuất và thâm canh tăng năng suất lúa.
Tổng diện tích đất lúa hiện nay của tỉnh gần 84.660 ha. Cơ cấu giống lúa và thời vụ gieo cấy đã có chuyển biến rõ rệt, toàn tỉnh cơ bản gieo cấy các giống lúa ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng gạo tốt. Để phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, Thái Bình đã chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống sản xuất giống, hệ thống thủy lợi, đê điều, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt ứng dụng mạnh mẽ, có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất lúa gạo.
Tỉnh đã tăng cường hợp tác với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước để khảo nghiệm, tuyển chọn, đưa vào sản xuất những giống lúa mới ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh. Đặc biệt, có một số giống lúa được chọn lọc, nhân giống tại Thái Bình như: CNR36, TBR1, BC15, TBR36, TBR45 Thái Xuyên 111 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống Quốc gia.
Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng nhanh chóng, có hiệu quả các quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình gieo thẳng bằng công cụ xạ hàng cải tiến, quy trình sản xuất sạch, các loại phân NPK chuyên dụng và phân sinh học,…
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN, bước đầu tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất tập trung với quy mô vài chục đến hàng trăm ha có hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu hoạch lúa đạt 80 – 90 triệu đồng/ha/năm.
Một số giống lúa, trong đó có giống TX 111 - Thái Xuyên 111 đã được công nhận là giống Quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Hạnh)
Vì lẽ đó, những năm qua dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh và diện tích đất lúa giảm nhưng năng suất lúa của tỉnh luôn đạt từ 125 – 130 tạ/ha/năm, tổng sản lượng lúa đạt ổn định trên một triệu tấn/năm, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực cho cả vùng và quốc gia. Hằng năm Thái Bình dư thừa khoảng 400 nghìn tấn lúa phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tổng giá trị sản xuất lúa của tỉnh chiếm tỷ trọng khoảng 7% GDP của tỉnh.
Việc phát triển sản phẩm nông nghiệp trong đó có lúa gạo đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII đã xác định: Giai đoạn 2011 – 2015, đảm bảo năng suất lúa đạt 130 tạ/ha/năm trở lên, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 8,5%/năm, giá trị sản xuất thủy sản tăng 9%/năm trở lên; đến năm 2015 diện tích lúa chất lượng cao chiếm 40% diện tích canh tác trở lên, diện tích cây vụ đông chiếm 50% diện tích canh tác trở lên, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 46% giá trị sản xuất nông nghiệp.
Các giải pháp chủ yếu phát triển sản phẩm chủ lực lúa gạo
Để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh xác định, tiếp tục phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, bền vững. Trong đó, tập trung “Phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng, hiệu quả cao giai đoạn 2012 - 2015” với mục tiêu tổng quát là xây dựng, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng, hiệu quả cao làm hàng hoá mang thương hiệu Thái Bình, phát triển thương hiệu sản phẩm gạo Nhật sản xuất tại Thái Bình; “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn” để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao.
Với việc phát triển sản phẩm chủ lực lúa gạo, Thái Bình sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch; cơ chế, chính sách; thông tin tin, tuyên truyền và đặc biệt là KH&CN. Trong đó, KH&CN được coi là giải pháp đột phá. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN, công nghệ cao để chọn lọc, tạo và nhân nhanh các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái. Quan tâm đến các giống được tạo ra bằng ưu thế lai, công nghệ gen, các giống lúa chịu mặn…; ứng dụng các tiến bộ KH&CN, nhất là công nghệ sinh học để phòng trừ dịch bệnh hại lúa; tiếp thu, ứng dụng quy trình công nghệ tổng hợp, tự động hoá quá trình trồng trọt, thu hoạch các loại cây trồng, quy trình công nghệ thâm canh, quản lý cây trồng tổng hợp, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…; ứng dụng các tiến bộ KH&CN về cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các khâu làm đất, gieo hạt, thu hoạch và sau thu hoạch.
Cùng với đó, nghiên cứu các giải pháp KH&CN nhằm bảo vệ các vùng đất ngập mặn, vùng cửa sông ven biển; bảo vệ sinh thái, đa dạng sinh học tại các vùng biển, rừng ngập mặn…; nghiên cứu, đánh giá dinh dưỡng, chất lượng đất nông nghiệp phục vụ cho việc quy hoạch, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu,... hợp lý; nghiên cứu các giải pháp KH&CN nhằm nâng cao hiệu quả các hệ thống thuỷ lợi lớn; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, các công nghệ xử lý, chế biến rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ - vi sinh... Ưu tiên đầu tư ứng dụng các công nghệ chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng, bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thu etylen và công nghệ sinh học trong bảo quản và chế biến nông sản. Nghiên cứu xây dựng, điều hành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống lúa Nhật và các giống chất lượng khác.
Tỉnh sẽ hình thành và công nhận một số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng, khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở phối kết hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch thủy lợi, giao thông và vùng sản xuất lúa hàng hoá. Đây cũng sẽ là nơi hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm, trình diễn công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất lúa thương phẩm ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các loại sản phẩm lúa chất lượng cao mang thương hiệu Thái Bình.
Nguyễn Văn Lịch (Phó Giám đốc Sở KH&CN Thái Bình).