Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ ba, 10/09/2024 , 02:36 pm
Cập nhật : 24/07/2024 , 10:07(GMT +7)
Phục hồi và phát triển nguồn gen đặc sản Cam Xã Đoài
Vườn lưu giữ cây cam mẹ đầu dòng sạch bệnh.
Sau gần 4 năm thực hiện (2019-2023) Dự án “Sản xuất thử giống Cam Xã Đoài tại Nghệ An” (mã số NVQG-2019/DA.08), Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã hoàn thiện công nghệ nhân giống sạch bệnh và quy trình kỹ thuật mới Cam Xã Đoài nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân tại Nghệ An.

Tạo giống cam nguyên gốc sạch bệnh

Cam Xã Đoài là cây đặc sản của tỉnh Nghệ An có chất lượng thơm ngon trở thành thương hiệu nổi tiếng, đem lại giá trị cao, làm giàu cho người nông dân tại địa phương. Cam Xã Đoài có nguồn gốc từ xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hiện nay, Cam Xã Đoài đã được trồng ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Nghệ An, nhưng cam được trồng ở vùng Xã Đoài có vị ngọt và thơm hơn với giá cao hơn các vùng khác từ 7-10 lần.
 
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, diện tích Cam Xã Đoài trồng tại Nghi Lộc lên tới 400 ha. Trước tốc độ đô thị hóa, đến nay diện tích Cam Xã Đoài giảm chỉ khoảng 5-6 ha, chủ yếu người dân trồng trong vườn nhà. Hiện nay, nhiều vườn Cam Xã Đoài có hiện tượng bị thoái hóa, năng suất và chất lượng giảm. Nguyên nhân do đã qua nhiều thế hệ, cây được trồng từ các biện pháp nhân giống khác nhau, do lai tạp sinh học giữa các giống cam, thoái hóa do nhiễm sâu bệnh đặc biệt là bệnh Greening, Tristeza… Tuy nhiên, vẫn còn một số gia đình có những cây Cam Xã Đoài trên 15 năm tuổi cho 250-350 quả. 
 
 
Mô hình trồng Cam Xã Đoài tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ.
 
Do đặc tính quý về phẩm chất, hiện nay Cam Xã Đoài đang được các cấp, các ngành và người sản xuất quan tâm và phát triển, nhằm tạo vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa cao và xây dựng thương hiệu cho giống Cam Xã Đoài có uy tín trên thị trường. Đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu phát triển diện tích cam vào năm 2025 là 6.100 ha, đến năm 2030 đạt 8.645 ha. Đây là định hướng quan trọng nhằm phát triển kinh tế Nghệ An trong những năm tiếp theo. 
 
Thực trạng suy thoái cây cam tại Nghệ An đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trong những năm gần đây, chất lượng vườn cây, năng suất, giá trị sản phẩm ngày càng giảm sút. Một trong những nguyên nhân đó là kỹ thuật sản xuất giống cây ăn quả có múi nói chung và cây giống Cam Xã Đoài nói riêng tại Nghệ An trong những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Việc kiểm soát các nguồn bệnh từ giống cam rất khó, nhất là bệnh Greening và Tristeza, vì hiện nay việc sản xuất cây giống đang được lấy từ các cây mẹ trồng không được cách ly bằng nhà lưới, giống ban đầu chưa được quản lý chặt, người dân tự lấy mắt ghép để nhân giống trong sản xuất, sau một thời gian trồng cây bắt đầu có hiện tượng vàng lá, thối rễ… Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác vẫn chưa được đưa vào áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc, dẫn đến sâu bệnh hại phát triển mạnh trên cây cam…
 
Trước yêu cầu của thực tiễn, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã đề xuất Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) thực hiện dự án “Sản xuất thử giống Cam Xã Đoài tại Nghệ An” nhằm tạo ra những cây cam nguyên gốc sạch bệnh cho bảo tồn lâu dài cũng như cung cấp các nguyên liệu mắt ghép sạch bệnh cho nhân giống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống. 
 
Đem lại hiệu quả kinh tế cao đáp ứng yêu cầu của thị trường
 
Dự án đã điều tra tuyển chọn và được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An công nhận 15 cây đầu dòng sạch bệnh; tạo 10 cây mẹ S0 Cam Xã Đoài sạch bệnh bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng và tạo ra được 100 cây S1 sạch bệnh. Các cây mẹ S0, S1 Cam Xã Đoài sạch bệnh có sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh và đặc biệt không bị nhiễm với hai bệnh Greening và Tristeza, hiện đang tiếp tục được lưu giữ và chăm sóc tại nhà lưới chống côn trùng quy mô 500 m2 tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ.
 
Dự án đã cải tạo vườn sản xuất cây giống, quy mô 1.000 m2, công suất 30.000 cây giống/năm. Trong 2 năm 2020-2021, Dự án đã sản xuất được 60.040 cây giống Cam Xã Đoài đủ tiêu chuẩn phục vụ các nội dung của dự án và hỗ trợ mở rộng trong sản xuất.
 
Đồng thời, Dự án đã hoàn thiện quy trình nhân giống Cam Xã Đoài sạch bệnh trong nhà lưới và quy trình trồng mới và chăm sóc Cam Xã Đoài, hạn chế khả năng tái nhiễm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, phù hợp với điều kiện tại tỉnh Nghệ An. 
 
Tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, mô hình trồng mới 30 ha trong đó: i) mô hình 20 ha thâm canh tổng hợp trên Cam Xã Đoài sau hai năm triển khai, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại; ii) mô hình 10 ha ứng dụng công nghệ cao bằng quản lý độ ẩm tưới nhỏ giọt, bón phân tự động (chủ động tưới nước qua hệ thống nhỏ giọt, điều chỉnh bón phân qua hệ thống tưới...) cho thấy cây cam sinh trưởng tốt. Khối lượng quả từ 227,51 g đến 251,40 g, số quả/cây 29,60-34,67 quả/cây, năng suất năm thứ 3 đạt 3,44-3,94 tấn/ha. Với giá bán Cam Xã Đoài tại thời điểm 40.000 đồng/kg thu được 137.600.000 đồng/ha - 157.600.000 đồng/ha. 
 
Đánh giá về kết quả đạt được của Dự án, ông Lê Văn Trường, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Chủ nhiệm Dự án cho biết, cơ bản Dự án đã tạo ra những cây mẹ đầu dòng, những cây giống gốc sạch bệnh để nhân giống cho người nông dân. Viện đã xây dựng được quy trình nhân giống sạch bệnh và trồng mới chống tái nhiễm. Đối với vùng giống gốc nguyên sản Cam Xã Đoài có giá 100.000 đồng/quả, đối với vùng trồng mở rộng giá thấp nhất 50.000 đồng/kg, đối với vùng cam chín muộn vào dịp Tết có giá 60.000 đồng/kg.
 
Dự án đã thực hiện đào tạo 20 cán bộ kỹ thuật, 80 kỹ thuật viên và hàng trăm lượt nông dân nắm được các quy trình kỹ thuật trong sản xuất cam. Cùng với đó, Dự án đã thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ khoa học, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo động lực cho người dân thực hiện thâm canh chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm và hình thành vùng sản xuất cam tập trung, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Đồng thời tạo được phong trào sản xuất cây có múi sạch bệnh làm hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và tham gia sản xuất cây ăn quả có múi hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. 
 
Dự án bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế đối với mô hình trồng thâm canh ứng dụng công nghệ cao quản lý độ ẩm bằng tưới nhỏ giọt và bón phân tự động đã cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha. Trong giai đoạn 2 năm đầu của Dự án, với mật độ trồng 500 cây/ha, các hộ dân đã trồng xen các loại cây ngắn ngày như dứa, đậu, lạc lấy ngắn nuôi dài mang lại hiệu quả kinh tế, giúp che phủ giữ ẩm cho đất và che phủ cỏ dại giảm công chăm sóc làm cỏ. Trong 3 năm, người dân đã có thể tự trang trải trên mô hình của mình. Từ năm thứ 4 trở đi, Cam Xã Đoài sẽ cho thu hoạch quả, ước tính mỗi cây cho thu bình quân khoảng 20 kg quả, giá bán dao động từ 35.000-45.000 đồng/kg. Năng suất trung bình đạt 8 tấn/ha có thể cho người dân doanh thu bình quân từ 275 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Tổng hợp năng suất của các mô hình và hộ sản xuất Cam Xã Đoài tại địa phương, năng suất dự kiến 8 tấn/ha, như vậy năm thứ 4 người dân đã bắt đầu lãi ròng trên 50 triệu đồng/ha sau khi đã trừ toàn bộ chi phí. Sản lượng và doanh thu, lợi nhuận các vườn cam sẽ tăng dần ở những năm tiếp theo.
 
Ông Nguyễn Văn Cường, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết, gia đình có diện tích trồng cam 1.400m2 với 40 gốc cam, trong đó có 7 cây giống gốc 37 năm tuổi. Nhờ chú trọng chăm sóc, ứng dụng KH&CN trong nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập của gia đình đã cải thiện tốt hơn trước. Một cây tốt cho khoảng 300 quả với giá 100.000 đồng/quả.
 
Ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ về lợi ích kinh tế từ cây cam giống gốc đem lại.
 
Cam Xã Đoài ngày càng được quan tâm phát triển, nhằm tạo vùng sản xuất chuyên canh cũng như xây dựng thương hiệu trên thị trường. Thông qua thực hiện Dự án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Việc triển khai thành công Dự án đã thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ KH&CN, quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao dân trí, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập ổn định đời sống và phát triển kinh tế nông hộ, giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương. 

Bài, ảnh: Lê Hà

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner