Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà nhiều mô hình trong nông nghiệp tại Thái Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như xây dựng một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nhiều trang trại quy mô lớn, đat hiệu quả cao, năng suất lúa đạt trên 13 tấn/ha/năm; sản lượng lương thực đat gần 1,1 triệu tấn; sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt trên 142.800 tấn; sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt 220.500 tấn.
Với những kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là công ty giống cây trồng Thái Bình (TSC) - doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh nhờ áp dụng KH&CN đã đem lại doanh thu lớn đạt 356 tỷ (năm 2013).
Theo ông Trần Mạnh Báo - TGĐ Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình cho biết: TSC đã nghiên cứu, lai tạo hàng ngàn cặp lai mới, thu thập và bảo tồn hàng ngàn vật liệu quý, khảo nghiệm hàng ngàn giống cây trồng mới từ khắp nơi trên thế giới và trong nước gửi đến. Đặc biệt đã được công nhận 9 giống cây trồng quốc gia, đó là các giống lúa TBR-1, TBR 36, TBR45, TBR 225, BC15, Dưu 527, CNR36, Thái Xuyên 111 và giống lạc TB25...
Những giống lúa mới mà TSC nghiên cứu và ứng dụng đã góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể như tại xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, liên tiếp trong 5 năm gần đây đã gieo cấy 98% giống lúa BC15 của TSC với diện tích 517ha, năng xuất cả năm là 15 tấn/ha. Với những kết quả đã đạt được trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, phát triển sản xuất kinh doanh, Công ty đã trở thành đơn vị giống cây trồng hàng đầu của Việt Nam, có tầm ảnh hưởng lớn trong nước và uy tín trong thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp
Để đẩy mạnh việc các doanh nghiệp ứng dụng KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh Thái Bình đã có một số chính sách như: ban hành Quyết định 25/2006/QĐ-UBND. Theo Quyết định này, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải các chất ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, tỉnh đã giao trực tiếp cho một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thực hiện các đề tài, dự án cấp tỉnh hằng năm, trong đó tập trung vào sản xuất giống cây trồng, giống con mới có năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất. Đặc biệt, tỉnh Thái Bình đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để thực hiện các dự án áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lịch – PGĐ Sở KH&CN Thái Bình: hiện nay số lượng doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN vẫn còn thấp. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có giá trị xuất khẩu lớn như sản xuất, chế biến thủy sản vẫn chủ yếu là gia công, sử dụng nhiều lao động, hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn thấp, chưa có mô hình doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, vùng ứng dụng công nghệ cao.
Để thu hút các doanh nghiệp ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp nhà nước cần hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, nhà nước cần hoàn thiện chính sách phát huy liên kết 4 nhà để thúc đẩy đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh. Cần chỉnh sửa chính sách liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng, trong đó xây dựng các chính sách liên kết đủ mạnh để giải quyết vấn đề phá vỡ hợp đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp không mặn mà và không dám đầu tư lâu dài vào lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Lịch nhấn mạnh như vậy.
Tăng trưởng của nền nông nghiệp trong thời gian qua, chủ yếu là nhờ vào đổi mới chính sách, tăng cường đầu tư, và phát triển KH&CN. Trong thời gian tới, tăng trưởng nông nghiệp sẽ phải dựa vào phát triển Doanh nghiệp và KH&CN, trong đó phát triển doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong gia tăng chuỗi giá trị nói chung. Tuy nhiên, để có sự tăng trưởng một cách ổn định và hiệu quả, những giải pháp trên cần được thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trên cuộc hành trình nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản.
Ánh Tuyết