Tại Triễn lãm khoa học sáng tạo của sinh viên và cán bộ trẻ năm 2013 vừa được tổ chức tại Thành phố Huế, Thiết bị ứng dụng máy bay RC – Quadrotor (Thiết bị) của Ths- KTS. Nguyễn Quang Huy thuộc Trung tâm CCAG và khoa Kiến trúc, Đại học khoa học (Đại học Huế) là một trong những sản phẩm thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ và khách tham quan…
Với những tính năng như: Quản lý quy hoạch và thiết kế kiến trúc; Phát hiện cháy rừng; Kiểm tra thủy triều dâng,…. Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với tác giả của Thiết bị nhằm làm rõ hơn các tính năng và hiệu quả ứng dụng trong đời sống xã hội.
Động lực nào đã thôi thúc anh triển khai sản phẩm ứng dụng máy bay RC – Quadrotor?
Đối với tôi, ý tưởng phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, đặc thù nghề nghiệp của tôi là vừa nghiên cứu và giảng dạy, hơn nữa tôi được giao phụ trách mảng tư vấn của Trung tâm CCAG và khoa Kiến trúc (Đại học Khoa học Huế) cộng với niềm đam mê khi tham gia Câu lạc bộ máy bay mô hình Huế (Câu lạc bộ). Đặc biệt, những lần khảo sát Quy hoạch vùng và thiết kế khách sạn cao tầng, bản thân tôi đã không thành công khi xác định ranh giới và điểm nhấn trên những địa hình phức tạp (GPS cầm tay chỉ cho các tuyến tracking ảnh chụp lại hạn chế tầm nhìn bởi cây lớn). Do vậy tôi mong muốn có một thiết bị hỗ trợ tôi trong việc quản lý thông tin khảo sát cũng như nâng cao năng lực cá nhân trong công việc.
Vậy anh có thể giới thiệu những tính năng cơ bản của thiết bị bay RC – Quadrotor cũng như những lợi ích mang lại của thiết bị này đối với thực tiễn hiện nay?
Thiết bị có tầm kiểm soát 1,5km bằng sóng 2,4GHZ; Bộ phát và nhận tín hiệu FPV (giúp người điều khiển dễ dàng kiểm soát khi tầm bay quá tầm mắt nhìn và cung cấp hướng nhìn của máy bay); Hệ thống GYRO giữ máy bay trạng thái cân bằng; Hệ thống GPS tích hợp sẵn định hướng đường bay về khi mất tín hiệu và dấu hiệu hết pin; Camera hỗ trợ sóng wifi (802.11) kết nối với thiết bị cầm tay (máy tính bảng hoặc Smart phone).
Đối với Quy Hoạch Đô thị, Thiết bị lấy không ảnh đối tượng nghiên cứu theo trục chiếu 900 và 450 (hoặc theo yêu cầu góc nhìn) kèm theo định vị GPS; Sử dụng phần mềm ghép ảnh bản đồ và đánh dấu định vị tọa độ; Kết hợp với phần mềm CAD hoặc GIS để ứng dụng thiết kế và đánh giá hiện trạng vùng nghiên cứu.
Tuy nhiên, khi sử dụng Thiết bị trong thiết kế kiến trúc cần phân ra hai trường hợp. Trường hợp 1 sử dụng cho công trình thiết kế mới. Thiết bị sẽ lấy không ảnh đối tượng nghiên cứu theo yêu cầu và kèm theo định vị GPS; Phân tích điểm nhìn giả định của công trình để đánh giá góc nhìn nội thất thuận lợi để có phương án mở tối ưu; Phân tích các điểm nhìn ngoại thất đến vị trí khu đất,…
Trường hợp 2 đối với Công trình thiết kế cải tạo. Thiết bị sẽ lấy không ảnh đối tượng nghiên cứu theo yêu cầu tại những điểm yếu cần khắc phục (Điểm thấm mái; Hư hỏng ban công,…) khi tầm quan sát mắt người không thể thực hiện được. Qua đó có thể đánh giá được hiện trạng và đề xuất giải pháp tháo dỡ hoặc cải tạo tối ưu.
Khách hàng tham quan tại gian hàng trưng bày Thiết bị ứng dụng máy bay RC – Quadrotor
Đồng thời Thiết bị còn có thể dùng cho việc bảo tồn Di sản và Cảnh quan khu vực thông qua không ảnh đối tượng nghiên cứu theo yêu cầu và kèm theo định vị GPS; Xác định và kiểm tra các điểm cây xanh trục cảnh quan và Di tích; Cung cấp thực trạng tổng thể cảnh quan và ảnh hưởng của môi trường vùng đệm (dân cư trái phép, thảm thực vật bất lợi...) đến di tích. Từ đó, có thể đưa ra những phương án khắc phục cũng như đề xuất các biện pháp cảnh báo cho khu Di tích. Đặc biệt, Thiết bị còn có thể phục vụ cho việc quan quan sát phòng chống cháy rừng, thủy triều dâng,… thông qua không ảnh thu được.
Hiện nay đã xuất hiện một số thiết bị cùng loại trên thị trường, vậy anh có thể cho biết những ưu điểm nổi bật của thiết bị so với những sản phẩm cùng loại?
Xét tổng thể thì mỗi thiết bị bay đều có ưu điểm và nhược điểm riêng của nó, điều này phụ thuộc ứng dụng Thiết bị vào công việc phù hợp. Tương tự như xe máy tại thị trường Việt Nam, đa dạng về chủng loại, tùy theo mục đích sử dụng của mỗi người.
Sau một thời gian dài sử dụng Thiết bị, cá nhân tôi đánh giá, so với các thiết bị bay có sức nâng tương tự trên thị trường hiện nay. Thiết bị do được trang bị công nghệ tích hợp sẵn GPS nên vận hành khá ổn định và giảm thiểu thiệt hại khi được tự động hóa đường bay về điểm định sẵn. Ngoài ra, Camera thứ 2 lấy ảnh sử dụng sóng phát Wifi (802.11) có thể kết nối với thiết bị cầm tay (tablet, smartphone..) nên nhiều người dễ dàng tiếp cận và chia sẻ hình ảnh trực tiếp.
Nếu nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan, ban, ngành có liên quan, anh sẽ phát triển Thiết bị này như thế nào trong thời gian tới?
Nếu có được sự ủng hộ, tôi sẽ phát triển Thiết bị theo 4 hướng ưu tiên theo các phương án như: Sử dụng ứng dụng sản phẩm để thực hiện các đề tài phục vụ Quy hoạch cấp Tỉnh và lấy số liệu thông tin đầu vào cho các nghiên cứu của cá nhân đang thực hiện cấp Đại học như: Thông tin đầu vào cho mô hình dự báo phát triển đô thị Huế và Phòng chống thiên tai đối với vùng di tích; Tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hệ thống định vị gián tiếp GPS qua không ảnh (ứng dụng: khi xác định một đối tượng từ không ảnh ta có thể ước định nhanh tọa độ của đối tượng, từ đó các phương tiện tiếp cận trực tiếp trên mặt đất sẽ có phương án tiếp cận hợp lý nhất) đây là một ứng dụng rất cần trong việc phòng cháy rừng; Tiếp tục đăng ký tham gia CAADRIA (Association for Computer-Aided Architectural Design Research in Asia) để nắm bắt và học hỏi công nghệ của các chuyên gia trong khu vực, từ đó có thể phát triển ứng dụng sản phẩm của mình một cách tối ưu và đón đầu xu thế và cuối cùng là Nghiên cứu đưa tỉ lệ nội địa hóa dòng thiết bị bay này với khả năng có thể.
Xin trân trọng cám ơn!