Không giống như các vùng kinh tế khác được thiên nhiên ưu đãi, vùng Bắc Trung Bộ luôn chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, bão lụt hạn hán xảy ra thường xuyên.
Kinh tế vùng chậm phát triển, cơ cấu chuyển dịch chưa đáng kể, công nghiệp, dịch vụ kém, năng lực cạnh tranh về kinh tế không cao.
Để các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ phát triển theo kịp các vùng miền khác trong cả nước, việc áp dụng khoa học công nghệ phù hợp với từng địa phương là việc làm cấp thiết để tạo bước đột phá phát triển kinh tế xã hội tỉnh.
Phát triển khoa học và công nghệ liên vùng
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã khẳng định, việc ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã được các tỉnh thực hiện nhưng để tạo ra bước đột phá phát triển kinh tế xã hội tỉnh nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung cần phải phát triển khoa học công nghệ liên vùng.
Để việc phát triển khoa học công nghệ liên vùng phát huy được thế mạnh, nâng cao hiệu quả trên cơ sở khai thác lợi thế, thế mạnh riêng của từng vùng, từng địa phương, trước tiên cần xây dựng cho mỗi tỉnh hoặc vùng những Trung tâm ứng dụng công nghệ cấp vùng về giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, bảo quản và chế biến nông lâm, thủy sản, dịch vụ khoa học công nghệ…
Cùng với việc xây dựng các Trung tâm ứng dụng công nghệ cấp vùng, các sở khoa học và công nghệ cần phải làm tốt vai trò tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới ứng dụng chuyển giao công nghệ công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa… để địa phương vươn lên phát triển bền vững bằng khoa học và công nghệ.
Việc phát triển khoa học công nghệ liên vùng sẽ tạo thị trường sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng cao phục vụ địa bàn kinh tế trọng điểm miền Trung gắn với hành lang kinh tế Đông-Tây.
Do tính đặc thù, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đang tập trung ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; đầu tư cho các doanh nghiệp trong đó ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung cải tiến, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng khuyến khích và ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tạo ra những sản phẩm hàng hóa có khả năng thương mại, đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng các kết quả nghiên cứu; chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất để từng bước tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Nhiệm vụ trọng tâm được các tỉnh ưu tiên là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học như ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu; mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô và giâm hom cây lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ sản xuất giống hoa và hoa thương phẩm chất lượng cao…
Xã hội hóa đầu tư khoa học và công nghệ
Kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ của Trung ương cân đối qua ngân sách địa phương tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ ngày càng tăng với tỷ lệ trung bình năm sau cao hơn năm trước khoảng 10%.
Năm 2008, số vốn đầu tư từ ngân sách là 75,403 tỷ đồng thì năm 2009 con số này là trên 80.000 tỷ đồng và năm 2010 mức kinh phí đầu tư đã tăng lên tới 95,937 tỷ đồng, nâng tỷ lệ đầu tư cho khoa học và công nghệ tới gần 20%.
Tại hội nghị giao ban các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ lần thứ IX diễn ra tại Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, ngoài việc gắn các hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của địa phương cần từng bước hình thành và phát triển thị trường khoa học công nghệ, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ.
Theo Thứ trưởng, để việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư khoa học công nghệ thành công và thực sự mang lại hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ bước đầu trong việc xã hội hóa để hoạt động khoa học công nghệ tự huy động được nguồn lực phát triển. Đồng thời, việc xã hội hóa góp phần khơi dậy sức sáng tạo của người dân trong sản xuất, kinh doanh…/.