KH&CN địa phương Thứ ba, 07/05/2024 , 03:18 am
Cập nhật : 16/11/2021 , 14:11(GMT +7)
Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong phát triển khoa học và công nghệ của thành phố
Nhằm phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ, động viên và khuyến khích đội ngũ này không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ (KH&CN) hiện đại. Cùng với sự phát triển của thành phố, đội ngũ nữ trí thức đã tăng cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào việc xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và từng bước nâng cao trình độ KH&CN của thành phố.

Theo dữ liệu năm 2020 của Sở KH&CN, đội ngũ nữ trí thức đang công tác tại các cơ sở giáo dục và cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn thành phố hiện có hơn 5.000 người, trong đó có khoảng 300 người có trình độ tiến sỹ và 40 người có học hàm giáo sư, phó giáo sư. Đội ngũ này luôn phát huy tốt vai trò trong tất cả các lĩnh vực công tác, đều có những “điểm nhấn” nổi bật, nhất là trong lĩnh vực KH&CN, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển chung của thành phố.

Đội ngũ nữ trí thức với hoạt động nghiên cứu khoa học

Đội ngũ nữ trí thức luôn được khuyến khích sáng tạo, đi sâu nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật và thúc đầy ứng dụng KH&CN không chỉ tập trung vào các ngành mũi nhọn, vào sản xuất, kinh doanh mà cả trong công tác quản lý. Việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH&CN của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã được đẩy mạnh.

Theo số liệu thống kê của Sở KH&CN, hầu như 100% nhiệm vụ KH&CN các cấp đều có sự tham gia thực hiện của đội ngũ nữ trí thức. Khoảng 25% số lượng đề tài, dự án nghiên cứu trong các năm 2011-2020 là do các nhà nghiên cứu nữ làm chủ nhiệm, trong đó giai đoạn 2016-2020 tăng 33% so với 2011-2015. Kết quả, đã chuyển giao được hơn 30 quy trình công nghệ và dự thảo được hơn 10 đề án, chính sách từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách của thành phố. Các nhiệm vụ KH&CN do nữ thực hiện trong thời gian qua đều tăng lên và đã bám sát nội dung của các Chương trình KH&CN trọng điểm và bám chặt vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, chú trọng vào tính ứng dụng kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu, cụ thể ở một số lĩnh vực như:

Nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân như đã nghiên cứu chọn lọc, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, giúp hình thành và phát triển các vùng sản xuất, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hiệu quả (điển hình như sản xuất các loại hoa, nấm ăn và nấm dược liệu, sản xuất rau theo hướng hữu cơ, kỹ thuật trồng bưởi da xanh ở Hòa Ninh,..). Qua những hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và xây dựng những mô hình sản xuất này, cơ cấu nông nghiệp của thành phố Đà Nẵng dần được chuyển đổi theo hướng hiệu quả và tích cực hơn, đời sống người dân ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn mới ngày càng được cải thiện.

Những đóng góp thầm lặng, hiệu quả của các nhà khoa học nữ không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà trong lĩnh vực y tế cũng rất lớn. Nhiều nghiên cứu của đội ngũ nữ trí thức đã và đang đóng góp vai trò quan trọng giải quyết những vấn đề thiết thực cấp bách cả trong tất cả lĩnh vực y tế như y tế dự phòng, chuẩn đoán, điều trị bệnh và cả trong y học hiện đại lẫn y học cổ truyền, nâng cao được chất lượng và hiệu quả các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công, tạo đột phá trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Nhiều quy trình sàng lọc, điều trị phù hợp và được đưa vào ứng dụng thực tế một cách thành công. Trong thời gian vừa qua, dù dịch bệnh gây ra rất nhiều khó khăn nhưng đội ngũ các nhà khoa học nữ đã không ngừng cố gắng, đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Ngành kỹ thuật cũng ghi nhận nhiều đóng góp của các nhà khoa học nữ. Các đề tài kỹ thuật được nghiên cứu thành công tại các trường, viện có thể kể như: thành lập bộ hướng dẫn thiết kế kháng chấn xây dựng nhà và công trình; sử dụng phế phẩm để sản xuất vật liệu composite và vật liệu nội thất; thử nghiệm phương pháp từ tính xử lý nước thải nhiễm kim loại nặng; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ nấm, tảo xoắn… đã được ứng dụng vào thực tiến, góp phần cải thiện môi trường.

Riêng lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có nhiều nghiên cứu của đội ngũ nữ trí thực nhằm phục vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, đào tạo nhân lực, an dân, an sinh xã hội và cải tiến quản lý nhà nước đã được triển khai thành công. Tiêu biểu là đề tài “Giải pháp xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Nghiên cứu này là cơ sở để Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24/4/2020 và tham mưu trình UBND thành phố Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”.

Bên cạnh đó, đội ngũ nữ trí thức có nhiều sáng kiến trong cải tiến kỹ thuật và công tác tham mưu, điều hành, cải cách hành chính... có tính khả thi và hiệu quả cao. Trong vòng 5 năm qua, có hàng ngàn sáng kiến cơ sở của đội ngũ nữ được áp dụng và đã mang lại hiệu quả rất lớn cho các cơ quan, đơn vị. Chỉ tính riêng các sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố thì của đội ngũ nữ chiếm 68% tổng số sáng kiến được UBND thành phố công nhận.

Phong trào lao động sáng tạo của nữ trí thức không ngừng phát triển, trong số 35 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn thành phố, thì tác giả văn bằng là nữ chiếm 23%. Những sáng kiến, sáng chế, giải pháp kỹ thuật này đã và đang được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng công việc.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đội ngũ nữ trí thức

Đóng góp vào kết quả của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố có vai trò rất ý nghĩa của phụ nữ khởi nghiệp nổi bật, điển hình như hoạt động của Hội liên hiệp phụ nữ thành phố đã phát hiện đào tạo và bồi dưỡng nhiều dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do chị em phụ nữ trực tiếp khởi nghiệp, lực lượng nữ đang hoạt động trong thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Qua các năm, số lượng phụ nữ khởi nghiệp đã tăng theo thời gian, trước đây hầu hết các dự án khởi nghiệp đều do nam giới sáng lập và dẫn dắt nhưng những năm gần đây tỷ lệ phụ nữ sáng lập các dự án khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp tăng lên rõ rệt.

Đặc biệt, trong năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã khảo sát, hỗ trợ và hiện thực hóa 58 ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp khả thi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nâng tổng số hỗ trợ ý tưởng từ năm 2017 đến nay là 686 ý tưởng. Từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố đã hỗ trợ 2/18 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do phụ nữ sáng lập và đồng sáng lập. Một số dự án khởi nghiệp phụ nữ đã dành được giải thưởng về khởi nghiệp cấp quốc gia như Dự án EM&AI giải nhì Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp quốc gia năm 2020 và Dự án Umbalena đạt dự án tiêu biểu và Giải Tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp quốc gia 2020 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu trong hoạt động KH&CN và tạo động lực liên tục cống hiến

Nhằm ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ nữ trí thức, tiêu chí chọn xét khen thưởng đối với các bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín do Sở KH&CN tổ chức xét hàng năm có cộng thêm điểm cho các công trình có tác giả là nữ. Giai đoạn 2016-2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND thành phố khen thưởng cho 568 công trình, giải pháp, sáng chế và bài báo khoa học, trong đó có 109 đề tài do nữ chủ trì.

Để đội ngũ nữ trí thức có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa cho hoạt động KH&CN nói riêng và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố nói chung, các cấp, các ngành cần tiếp tục tham mưu đề xuất với thành phố để tiếp tục có những chủ trương, chính sách phù hợp, hiệu quả để đồng hành cùng đội ngũ nữ trí thức, giúp họ khai thác tốt nhất năng lực, những lợi thế cũng như vượt qua được những rào cản riêng có của họ, ngoài những hỗ trợ chung đối với đội ngũ trí thức trong hoạt động KH&CN.

Ngoài ra, nhằm phát huy vai trò tốt hơn của phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian đến, thì vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong việc tuyên truyền phổ biến các chính sách của Đảng và nhà nước rất quan trọng để huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp. Tiếp tục khuyến khích thúc đẩy tinh thần phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Định hướng về khởi nghiệp cho phụ nữ trong các trường đại học, cao đẳng. Xóa bỏ các định kiến xã hội, giúp phụ nữ cân bằng giữa xã hội và gia đình. Cần có các chương trình ươm tạo, đào tạo riêng, đặc thù cho phụ nữ khởi nghiệp; thiết lập mạng lưới nữ doanh nhân khởi nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp, quỹ đầu tư... hỗ trợ cho các phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

TS. Vũ Thị Bích Hậu

(PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Đà Nẵng)

 

Nguồn tin: Cổng TTĐT TP Đà Nẵng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner