Sở hữu trí tuệ Thứ sáu, 26/04/2024 , 02:44 pm
Cập nhật : 12/11/2018 , 14:11(GMT +7)
Nâng tầm thương hiệu Việt bằng chỉ dẫn
Lễ ký kết phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.
Chỉ dẫn địa lý giúp gia tăng giá trị nông sản Việt, giúp doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh với các nông sản trên thế giới. Tuy nhiên, sự thiếu vắng của một chính sách tổng thể của Nhà nước về chỉ dẫn địa lý dẫn đến nhiều khó khăn, các nội dung cơ bản về quản lý chỉ dẫn địa lý chưa được định hình, đặc biệt là các vấn đề như: quy hoạch, tài chính, hỗ trợ pháp lý, kỹ thuật, đào tạo, thông tin và sự phối hợp của các cơ quan liên quan.

Gia tăng giá trị bảo hộ

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, định hướng phát triển nền kinh tế trong bối cảnh mới, đặc biệt là yêu cầu trong cấu trúc lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản trở thành một yêu cầu cấp bách và được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương xác định là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy và nâng cao khả năng hội nhập của nông sản Việt. 
 
Gắn liền với quá trình xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường là giải pháp về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nông sản, trong đó chỉ dẫn địa lý là một đối tượng được bảo hộ gắn với những lợi thế về điều kiện sản xuất, đặc trưng về chất lượng và lịch sử, danh tiếng của sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý trở thành một công cụ đặc biệt được ưu tiên hỗ trợ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu, châu Mỹ hay các nước trong khu vực như: Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc…
 
Thực tế cho thấy, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý là một xu hướng phù hợp nhằm phát huy lợi thế của một nước nông nghiệp, sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, dân tộc và văn hóa của Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian qua nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lýđã được xây dựng và đưa vào triển khai trên thực tế. Kết quả là sau hơn 15 năm số lượng chỉ dẫn địa lý được Việt Nam bảo hộ đã tăng nhanh, tính đến 31/7/2018 Việt Nam đã bảo hộ được 68 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 62chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Đến nay 38 tỉnh/thành phố đã có chỉ dẫn địa lý, 14 tỉnh/thành phố đã có nhiều hơn 2 chỉ dẫn địa lý như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La, Lạng Sơn, Bình Thuận… Cùng với đó là rất nhiều loại sản phẩm đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý, từ các sản phẩm tươi sống như: trái cây, thủy sản, gạo…, sản phẩm chế biến như nước mắm, mắm tôm, đến các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như nón lá Huế, cói Nga Sơn, trúc sào Cao Bằng…Chỉ dẫn địa lý đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.
 
Nhiều rào cản
 
Chỉ dẫn địa lý là một đối tượng sở hữu công nghiệp, các khái niệm, điều kiện bảo hộ và thủ tục đăng ký đối tượng này được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, và cụ thể trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Cho đến nay, hệ thống văn bản luật pháp của Việt Nam về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý là khá đầy đủ, tuy nhiên quá trình thực thi pháp luật về chỉ dẫn địa lý đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, cụ thể việc xây dựng và đăng ký chỉ dẫn địa lý là một quá trình liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các vấn đề về lịch sử, xã hội, giống, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, thương mại và thị trường, nó không đơn thuần chỉ là một đối tượng sở hữu công nghiệp thuần túy. 
 
 
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều
 
Về mặt thực tiễn, khía cạnh về ở chính sách Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành, có thẩm quyền về quy hoạch và quản lý sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, hỗ trợ nông dân trong tổ chức sản xuất (hợp tác xã, hiệp hội), quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận thị trường, khuyến nông...Ngoài ra, khi đưa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ra thị trường, cần có sự tham gia của Bộ Công Thương nhằm quảng bá, chống lại sự xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Như vậy, xét về khía cạnh quản lý chỉ dẫn địa lý, các nội dung quản lý đều thuộc các lĩnh vực của 2 Bộ chuyên ngành (Nông nghiệp và PTNT, Công Thương). Mặc dù mối quan hệ giữa các Bộ ngành quan trọng như vậy nhưng các hoạt động của các Bộ chưa có sự phối hợp nhằm xây dựng những định hướng và nội dung thống nhất để lồng ghép các nguồn lực, phân công lĩnh vực hỗ trợ để nâng cao hiệu quả, đồng thời tạo sự thống nhất về các chính sách và giải pháp hỗ trợ cho các chỉ dẫn địa lý.
 
Với sự thiếu vắng của một chính sách tổng thể của Nhà nước về chỉ dẫn địa lý dẫn đến nhiều khó khăn, các nội dung cơ bản về quản lý chỉ dẫn địa lý chưa được định hình, đặc biệt là các vấn đề như: quy hoạch, tài chính, hỗ trợ pháp lý, kỹ thuật, đào tạo, thông tin và sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Quá trình thực thi quyền cũng gặp nhiều rào cản, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ không có ý nghĩa nếu các chỉ dẫn địa lý không được bảo vệ có hiệu quả, chống lại các hành vi xâm phạm quyền, chỉ dẫn sai lệch và cạnh tranh không lành mạnh. Mặc dù đã có các quy định về biện pháp xử lý và chế tài phù hợp, nhưng qua thực tiễn xử lý các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho thấy các cơ quan thực thi quyền chưa chủ động, thiếu sự hợp tác, đặc biêt là năng lực và kiến thức chuyên môn để đánh giá các hành vi xâm phạm. Khó khăn này có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 
 
Các địa phương cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng chức, năng nhiệm vụ, quan hệ giữa các cơ quan để quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý vì thiếu một khung phối hợp thống nhất từ cấp Trung ương.
 
Hiện nay, theo quy định tại Khoản 4. Điều 121 Luật SHTT, Nhà nước trao quyền quản lý CDĐL cho UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài quy định trên, nội dung về quản lý CDĐL chưa được quy định tại các văn bản pháp lý (Luật, Nghị định, Thông tư). Do vậy, thiếu một khung chính sách chung về quản lý dẫn đến sự đa dạng về mô hình và lúng túng trong quản lý chỉ dẫn địa lý ở địa phương. Các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý của các địa phương cho thấy sự thiếu thống nhất, dẫn đến xung đột, không phù hợp về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chức năng, nhiệm vụ trong quản lý chỉ dẫn địa lý của các tổ chức được giao nhiệm vụ. Cùng với đó là khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào. Sự đa dạng về mô hình tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý còn cho thấy sự thiếu đồng nhất về cách tiếp cận, phương pháp và năng lực của hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý của các địa phương. 
 
Ngoài ra, mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý vẫn chưa kết nối với những đặc điểm về tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và thương mại sản phẩm. Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ngành KH&CN, nông nghiệp và công thương ở một số địa phương đã làm cho quá trình tổ chức mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý như một trách nhiệm của riêng ngành KH&CN. Bản chất của quá trình quản lý chỉ dẫn địa lý xây dựng cơ chế để kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong toàn bộ quá trình từ sản xuất đến thương mại nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đặc thù và có nguồn gốc xuất xứ và đáp ứng nhu cầu của thị trường về số lượng.
 
3 bộ chung tay tháo gỡ khó khăn
 
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, đồng thời thúc đẩy chỉ dẫn địa lý phát triển, mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương  đã ký kết quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL). 
 
Sự phối hợp giữa ba Bộ sẽ phát huy được ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng Bộ, đồng thời tạo ra sự thống nhất, bổ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa ba Bộ ở cấp Trung ương cũng là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành của địa phương mình trong xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý.
 
Đặc biệt, quy chế này nhằm bảo đảm sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa 3 bộ trong công tác xây dựng và quản lý CDĐL của Việt Nam; phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của bảo hộ CDĐL, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang CDĐL… 
 
Đây cũng là thông tin được doanh nghiệp và người dân quan tâm. Bởi việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đang là yêu cầu cấp bách hiện nay. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp bảo đảm phát triển thị trường bền vững cho nông sản là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với CDĐL. Từ kết quả bước đầu trên, sự phối hợp giữa 3 bộ sẽ phát huy được ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng bộ, đồng thời tạo ra sự thống nhất, bổ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL.
Và việc phối hợp xây dựng và quản lý CDĐL có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt. Thực tế hiện nay, ngay đối với thị trường trong nước và thế giới đều đặt vấn đề về truy xuất nguồn gốc, nên việc đảm bảo yêu cầu chất lượng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp rất quan trọng.
 
 
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí phát biểu tại buổi Lễ ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý ngày 08/8/2018 giữa Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.
 
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Việc phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng và là vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chuẩn hóa trên 2.000 sản phẩm nông nghiệp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Vì thế, nếu làm tốt việc xây dựng và quản lý CDĐL sẽ mang lại giá trị gia tăng cho giá trị hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu; đồng thời góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới. 
 
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, không chỉ ngành công thương mà các ngành khác nếu làm tốt việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại giá trị gia tăng cho giá trị hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới. 
Tuy nhiên, vấn đề quyết định trong tất cả các việc hôm nay, kể cả việc CDĐL đó là sự tham gia tích cực và có tính chủ động của các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp, chúng ta không thể làm thay mà chỉ hỗ trợ, đồng hành để các đối tượng đó làm tốt công việc và xây dựng CDĐL đúng định hướng. Có vậy, CDĐL mới phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm, hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản Việt Nam.
 
Để làm được công việc này, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các Bộ, ngành, các Sở...rất cần có sự vào cuộc của Doanh nghiệp, đặc biệt là các Hiệp hội nghề nghiệp, bởi lẽ CDĐL khi vươn ra với thị trường thế giới chắc chắc sẽ gặp phải những cạnh tranh, khiếu kiện....các cơ quan quản lý nhà nước khó có thể tham gia một số việc, cho nên rất cần có sự tham gia của các cơ quan truyền thông tới toàn xã hội, người dân, doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là vai trò của các Hiệp hội.
 
Bài, ảnh: Nhật Minh

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner