Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có vị trí đặc biệt quan trọng, được xác định là một trong bảy vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Nơi đây cần có sự hợp tác, liên kết trong vùng và với các địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó liên kết phát triển khoa học và công nghệ (KH và CN) có ý nghĩa quan trọng.
Nhờ ứng dụng những thành tựu KH và CN các tỉnh, thành phố trong khu vực ÐBSCL đã phát triển mạnh những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: gạo, cây ăn quả, sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản. Nhiều tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng đã được áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các nhà khoa học nghiên cứu thành công công nghệ thiết kế, thi công cừ bản nhựa, đập sà-lan di động dùng trong công trình thủy lợi, ứng dụng vào thiết kế và thi công các đập ngăn nước theo thời vụ. Kết quả nghiên cứu đã giúp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giảm 60 đến 80% giá thành so với cống đập thủy lợi được xây dựng theo công nghệ cũ. Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH và CN đã đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp vùng ÐBSCL. Các nhà khoa học đã lai tạo được nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt, thích nghi với những vùng đất có điều kiện canh tác ba vụ/năm, có khả năng chịu phèn, thích ứng đất nhiễm mặn, đưa năng suất lúa hiện nay đạt hơn 52 tạ/ha. Với 69 giống lúa mới được gieo trồng trên diện tích 1,63 triệu ha đất canh tác ở vùng ÐBSCL cho năng suất tăng hơn các giống cũ 10% (bình quân đạt 4,8 tấn/ha trở lên), làm lợi cho nông dân hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, tổng đầu tư để nghiên cứu lai tạo các loại giống cây lương thực chỉ khoảng 30 tỷ đồng. Từ năm 2006 đến nay, sản lượng lúa ÐBSCL luôn đạt hơn 19 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng vào việc xuất khẩu gạo hàng năm của cả nước.
Hiện nay, mặc dù tiềm năng kinh tế vùng ÐBSCL chưa được khai thác đầy đủ, nhưng đã đóng góp cho cả nước khoảng 36% giá trị xuất khẩu nông sản, hơn 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 65% sản lượng thủy sản và 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Ðể phục vụ có hiệu quả hơn cho sự phát triển vùng ÐBSCL, trong kế hoạch năm năm (2011-2015), hoạt động KH và CN của các tỉnh, thành phố trong vùng cần tập trung vào các nhiệm vụ chính sau:
Một là, liên kết trong quy hoạch và đầu tư phát triển tiềm lực KH và CN: Quy hoạch và đầu tư phát triển tiềm lực KH và CN cho các địa phương, nhất là nguồn lực cho các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN, trung tâm phân tích thử nghiệm, trung tâm thông tin KH và CN thuộc các sở KH và CN;... Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao theo tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nhu cầu của thị trường với độ ổn định cao. Hai là, liên kết và phối hợp trong hoạt động R&D: Ðề xuất, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình KH và CN cấp Nhà nước phục vụ nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành kinh tế chủ lực và phát triển bền vững vùng ÐBSCL.
Ðề xuất xây dựng quy chế phối hợp giữa Trung ương và các địa phương trong hoạt động R&D: Chương trình KH và CN cấp nhà nước có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề ưu tiên chung của toàn vùng do Bộ KH và CN quản lý; kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH và CN Trung ương. Các sở KH và CN phối hợp điều phối và quản lý chương trình, các nhiệm vụ KH và CN. Bộ KH và CN giao cho đơn vị chức năng của bộ làm đầu mối quản lý và thành lập ban chỉ đạo, ban chủ nhiệm chương trình để điều hành và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở nội dung và nhiệm vụ của chương trình này, tùy theo yêu cầu thực tế của mỗi địa phương, các tỉnh cần xây dựng các nhiệm vụ R&D (đề tài, dự án) cấp tỉnh để kết nối, mang tính chất kế thừa và ứng dụng, mở rộng quy mô áp dụng kết quả nghiên cứu của chương trình cấp nhà nước vào địa phương mình. Kinh phí lấy từ kinh phí sự nghiệp KH và CN địa phương do các sở KH và CN cấp phát, quản lý và thanh quyết toán theo cơ chế đề tài, dự án cấp tỉnh.
Ðối với các đề tài, dự án KH và CN cấp bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế...) triển khai trên địa bàn các địa phương trong vùng, các địa phương cần phối hợp các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai các đề tài, dự án. Ðồng thời trên cơ sở đó có thể xây dựng các đề tài, dự án cấp tỉnh mang tính chất kết nối để phối hợp nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ba là, các tỉnh, thành phố phối hợp Bộ KH và CN triển khai thực hiện các chương trình quốc gia về KH và CN như: Chương trình Ðổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015, Chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lương sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020,... và các đề tài, dự án hợp tác quốc tế triển khai trên địa bàn.
Bốn là, các sở KH và CN cần phối hợp các ngành, nhất là nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, tài nguyên và môi trường để xây dựng kế hoạch phối hợp trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực và triển khai thực hiện kế hoạch.
Năm là, các sở KH và CN cần hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị tư vấn để tư vấn cho các doanh nghiệp hình thành các tổ chức R&D, xây dựng quỹ phát triển KH và CN và triển khai các hoạt động KH và CN trong doanh nghiệp (R&D, quản trị công nghệ, sở hữu trí tuệ,...) để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong vùng.
Sáu là, các tỉnh, thành phố cần phối hợp để quản lý các hoạt động KH và CN có liên quan toàn vùng, như: Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; sở hữu trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu...); chuyển giao công nghệ và quản lý công nghệ... Làm tốt các nhiệm vụ chính nói trên, KH và CN vùng ÐBSCL sẽ phát huy tích cực vai trò là động lực trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội của vùng.