Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ sáu, 01/11/2024 , 08:25 pm
Cập nhật : 07/01/2011 , 11:01(GMT +7)
Khoa học và công nghệ địa phương: Nhiều bài toán đang cần lời giải
Đánh giá chất lượng cây trồng nuôi trong ống nghiệm. Ảnh Đình Na
Có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa nhưng hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) ở các địa phương đang gặp nhiều thách thức khi nguồn vốn chưa nhiều nhưng không được giải ngân hết; ít có đề tài hay; nguồn nhân lực hạn chế...

 Những bài toán cũ

Theo Bộ KHCN, đến nay mới có khoảng 20/63 tỉnh, thành phố thành lập quỹ phát triển KHCN. Đây là một kênh đầu tư giúp các nhà khoa học an tâm làm công tác chuyên môn thay vì phải "bơi" trong việc giải trình thủ tục hành chính, nhất là quyết toán kinh phí vốn rất phức tạp nhưng chưa được tận dụng. Số quỹ thành lập ít nhưng kinh phí không sử dụng hết, cụ thể: Quỹ Phát triển KHCN TP Hồ Chí Minh sau 3 năm hoạt động mới hỗ trợ được 6 dự án với số tiền là 26/50 tỷ đồng được cấp cũng rất đáng suy nghĩ.

Ngoài ra, hằng năm Nhà nước dành khoảng 20% chi phí ngân sách KHCN cho hoạt động KHCN địa phương, nhưng bình quân giai đoạn 2006-2008, các địa phương chỉ giải ngân được 83,9% nguồn kinh phí này. Ngoài ra, số kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) thường phân bố nhỏ, lẻ và khá manh mún cho các sở, ngành dẫn đến nhiều đề tài chỉ dưới 10 triệu đồng/năm. Nhiệm vụ R&D hầu như ít được giao cho khối doanh nghiệp trong khi họ là đối tượng sẽ phải áp dụng thành tựu KHCN nhiều nhất. 

Đến nay, hệ thống nhân lực làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về KHCN địa phương có khoảng 4.100 người. Số nhân lực này được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo, thiếu người chuyên làm R&D và có sự phân bố nguồn lực quá chênh lệch. Khảo sát số lượng tiến sĩ và tiến sĩ khoa học tại 8 vùng kinh tế thì Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ đã chiếm tới 90%, trong đó quy tụ chủ yếu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sáu vùng còn lại, cùng cao nhất chưa đến 4%, thậm chí Tây Bắc và Tây Nguyên còn chưa đạt tới 1%.

Bộ KHCN còn cho biết, hiện mới có 3 tỉnh là Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Nghệ An cơ bản dành đủ 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KHCN theo đúng quy định của Luật KHCN. Các địa phương khác mới dành 1%, thậm chí chỉ là 0,2% tổng chi ngân sách cho công tác này. Rõ ràng, những con số nêu trên bộc lộ nhiều khoảng trống và chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Bao giờ hết rối?

TS Hồ Ngọc Luật (Bộ KHCN) cho biết: Tài chính cho hoạt động KHCN gồm nhiều nguồn, trong đó nguồn cơ bản nhất là từ ngân sách. Đến nay, ngoài phần đầu tư này, các địa phương hầu như chưa tổng hợp được thực trạng đầu tư, hỗ trợ của các nguồn tài chính khác cho hoạt động KHCN trên địa bàn. Trên bình diện chung, hoạt động KHCN vẫn chủ yếu trông chờ từ Nhà nước mà ít thu hút được sự tham gia của cộng đồng khoảng 400.000 doanh nghiệp hiện nay.

Theo GS-TS Hồ Sĩ Thoảng (Chuyên viên cao cấp Hội đồng Chính sách KHCN quốc gia), hiện cũng có những đề tài cấp Nhà nước được tập thể khoa học ở các trung tâm lớn thực hiện phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh xa. Tuy nhiên, số đề tài như vậy không nhiều và cán bộ KHCN địa phương rất ít có cơ hội tham gia hoặc có chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Thậm chí có đề tài được đăng ký với danh nghĩa địa phương nhưng người thực hiện lại là nhà khoa học ở trung ương. Đề tài không thực hiện tốt, địa phương chịu tiếng mà không sao kết thúc được...

Có một thực tế khác là hiện ở các địa phương đang có sự chồng chéo nhất định trong mô hình hoạt động của trung tâm khuyến nông, trung tâm khuyến công, trung tâm khuyến ngư và trung tâm ứng dụng KHCN. Ba mô hình nêu trên có đối tượng hướng đến lần lượt là: nông dân, kinh tế tập thể, ngư dân... Trong khi đó, trung tâm ứng dụng KHCN cũng hướng đến cả ba loại đối tượng nêu trên và thêm cả khối doanh nghiệp. Nhiều địa phương đã sớm nhận ra sự bất cập này và có nguyện vọng tập hợp tất cả các đầu mối này thành một cơ quan nhưng đó mới chỉ là ý tưởng vì việc này không nằm trong thẩm quyền của họ khi vấn đề cơ cấu bộ máy, đi kèm đó là ngân sách riêng từng ngành không dễ gì điều phối.

PGS-TS Bùi Chương (Hội đồng KHCN Thủ đô) chia sẻ: Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN địa phương nên tập trung vào thực tiễn có thể áp dụng ngay để cải tiến sản xuất trên địa bàn. Còn những vấn đề cao siêu như công nghệ vật liệu mới, cơ khí - tự động hóa, công nghệ sinh học... nên để dành cho nghiên cứu cấp trung ương... 

Nhiều nhà khoa học khác cho rằng, những bất cập nêu trên không phải là câu chuyện mới đối với sự phát triển của KHCN địa phương và các cấp quản lý cũng có nhiều động thái tìm hướng khắc phục. Rất có thể cái khó không phải là việc tìm giải pháp mà ở chỗ tính khả thi của giải pháp và quyết tâm trong việc thực hiện. "Tái cấu trúc" - một thuật ngữ rất quen thuộc hiện nay - công tác KHCN địa phương, song hành cùng đổi mới hoạt động KHCN cấp trung ương là hai câu chuyện phải chăng không thể tách rời?

Nguồn tin: Hà Nội mới

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner