Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo với chủ đề: “cơ chế tài chính và đầu tư cho phát triển KH&CN” nhằm đóng góp vào đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH và hội nhập quốc tế” trình Ban chấp hành Trung ương lần thứ XI vào tháng 10/2012.
Tại Hội thảo Thành ủy Thành phố Hà Nội đã đóng góp tham luận về “phương hướng, cơ chế tài chính và yêu cầu đầu tư cho KH&CN thực hiện mục tiêu CNH – HĐH Thành phố Hà Nội đến năm 2020”
Tiềm năng lớn
Hà Nội là nơi tập trung các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đông nhất hiện có 06 đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ . Bên cạnh đó trên địa bàn Hà Nội còn có khoảng 285 đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ được cấp phép hoạt động theo Nghị định 81/2002/NĐ-CP và Luật khoa học và công nghệ, bao gồm các viện, trung tâm và doanh nghiệp KH&CN. Đây là những đơn vị có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển KH&CN của Thủ đô.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó chủ tịch UBND Thành phố cho biết: Trong giai đoạn 2006 – 2010, chương trình KH&CN cấp Thành phố đã triển khai được 545 đề tài nghiên cứu và 36 dự án sản xuất thử nghiệm. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài khoảng 70% và dự án là 100%.
Nhiều kết quả nghiên cứu được áp dụng trực tiếp vào thực tiễn đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như dự án: Công trình nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì, Nhà máy xử lý nước tải Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư trên 300 triệu USD. Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác tại Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) theo công nghệ đốt không phát điện; Dự án nhà máy xử lý rác Nam Sơn công suất 2.000 tấn/ngày theo hình thức BOT; Xử lý hồ ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Hà Nội.
Hiện nay, các nhà khoa học đã cùng các doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đã nghiên cứu thành công và chuyển giao công nghệ ép định hình phôi các sản phẩm mỹ nghệ từ mùn cưa gỗ tre cho các hợp tác xã, các hộ sản xuất thủ công mỹ nghệ tại huyện Gia lâm, Sóc Sơn. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thấm các bon – nito bằng khí ga Việt Nam để chế tạo lõi thép neo cáp bê tông dự ứng lực và chuyển giao cho Công ty Cổ phần Dụng cụ số 1, Công ty Cơ khí Đông Anh để sản xuất lõi neo cáp cho bê tông dự ứng lực, phục vụ cho công nghiệp và xây dựng dân dụng, chất lượng cao, thay thế được hàng nhập ngoại. Nghiên cứu sinh tổng hợp enzim fructosyltranferaza (FTS) từ nấm mốc aspegillus và ứng dụng để sản xuất đường fructooligosacarit (FOS) từ nước mía tươi được chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm, bánh kẹo, đáp ứng nhu cầu của thị trường về loại thực phẩm chức năng. Đồng thời góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân các vùng ngoại thành của Hà Nội và các vùng lân cận khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng. Điều này cho thấy công tác thu hút các nguồn lực xã hội vào hoạt động KH&CN còn nhiều trở ngại.
Cần tầm nhìn chiến lược
Hiện nay đầu tư cho KH&CN của Thành phố đã ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho phát triển KH&CN với 2% tổng chi ngân sách hằng năm của Thành phố ( chiếm khoảng 0,5% GDP). TS Lê Xuân Rao – Giám đốc sở KH&CN Hà Nội cho biết: hiện Thành phố đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn 2030. Ngoài ra, dự thảo Luật Thủ đô cũng đang đặt vấn đề tạo cơ chế đặc biệt để thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước về cộng tác với Hà Nội.
Trong thời gian tới, Thành phố chủ trương tăng cường thu hút các nguồn vốn khác ngoài ngân sách cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao KH&CN. Việc đầu tư tập ngày càng tập trung nhằm đảm bảo hiệu quả và chất lượng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và triển khai KH&CN, đảm bảo tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN.
Với những tiềm năng lớn như vậy, rõ ràng Hà Nội chưa thể hài lòng với các kết quả mà mình đã đạt được trong hoạt động KH&CN. Thực tế hoạt động KH&CN vẫn chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế của Thủ đô phát triển. Việc xây dựng Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên, Trung tâm Nghiên cứu dịch vụ chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ, xã hội hóa hoạt động KH&CN, thu hút nhiều chuyên gia giỏi,… vẫn gặp trở ngại, đòi hỏi sắp tới phải có sự thay đổi cơ bản về chính sách, đào tạo đãi ngộ nhân tài để nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN.
Trong 5 năm (2006 – 2010), ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động KH&CN của Thành phố đạt khoảng 1.739 tỷ đồng. Đầu tư từ ngân sách đã tăng từ 174,780 tỷ đồng vào năm 2006 lên 646,227 tỷ đồng vào năm 2010 tăng gấp 3,7 lần. Trong đó chi cho đầu tư phát triển là 1.090 tỷ đồng, chiếm 61% tổng kinh phí đầu tư cho KH&CN, vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chi sự nghiệp KH&CN là 684 tỷ đồng. |
Đăng Minh