Đến nay, Hà Nội là một trong số không nhiều địa phương bố trí đủ nhân lực chuyên trách cho công tác khoa học, công nghệ (KHCN) ở cấp quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, để lực lượng này hoạt động hiệu quả là thử thách không nhỏ.
Chuyển biến tích cực
Ông Vũ Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết: 29/29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã có cán bộ chuyên trách KHCN và hầu hết đã thành lập được hội đồng KHCN địa phương. Kinh phí hoạt động được đầu tư cho cấp này trong năm 2012 là 5,3 tỷ đồng. Đến nay, hoạt động KHCN cấp cơ sở bước đầu đi vào nền nếp và đạt một số thành quả quan trọng. Đáng lưu ý nhất là hoạt động nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học có nhiều tiến bộ thông qua tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng một số loài hoa, cây ăn quả, chăn nuôi sạch, đăng ký nhãn hiệu tập thể… được đẩy mạnh. Hoạt động KHCN cũng góp phần đáng kể vào việc giải quyết một số vấn đề bức xúc trên địa bàn về sản xuất giống cây sạch bệnh, môi trường làng nghề…
Ông Lê Văn Soái, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, huyện đã cộng tác chặt chẽ với Phòng Quản lý KHCN cơ sở, Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Phòng An toàn bức xạ (Sở KHCN)... làm tốt công tác kiểm tra an toàn bức xạ tại các cơ sở y tế, kinh doanh vàng bạc, áp dụng ISO 9001:2008 cho các đơn vị trên địa bàn.
Tại huyện Hoài Đức, để đẩy mạnh hoạt động KHCN, UBND huyện đã tổ chức hội nghị ứng dụng KHCN vào các mô hình trồng cây ăn quả tại địa phương; thành lập hội đồng khoa học sáng kiến, kinh nghiệm để đánh giá 4 đề tài về quản lý nhà nước trên địa bàn... "Ngoài ra, Hoài Đức đã triển khai áp dụng tiến bộ khoa học vào mô hình sản xuất rau an toàn tại các xã Song Phương, Tiền Yên. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất đã thu hút được sự quan tâm của nông dân, đem lại hiệu quả và năng suất cao trong trồng trọt" - ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức nhấn mạnh.
Để có "dấu ấn" riêng
Tuy nhiên, như ông Vũ Như Hạnh đánh giá, đội ngũ cán bộ KHCN cấp cơ sở có trình độ cao hiện vẫn thiếu, các địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa thành phố và cơ sở trong giải quyết nhiệm vụ; việc chỉ đạo triển khai các cơ chế chính sách đã ban hành còn chậm và chưa quyết liệt. Các đề tài, dự án của cấp này chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số đề tài, dự án được Sở KHCN thực hiện hàng năm.
Thực tế cho thấy, hoạt động KHCN cấp quận, huyện, thị xã mới được triển khai từ 3 năm qua nên còn không ít khó khăn. Ngay khi bố trí cán bộ chuyên trách KHCN, nhiều ý kiến băn khoăn rằng lực lượng này sẽ làm gì khi các huyện đã có các trung tâm khuyến nông nên nếu phân cấp không tốt sẽ dẫn đến tình trạng "giẫm chân" nhau, gây lãng phí, hiệu quả thấp. Tuy nhiên, cần thấy rằng, hoạt động KHCN địa phương có đặc thù riêng. Đó là KHCN cấp cơ sở sẽ nghiêng về quản lý các lĩnh vực như an toàn bức xạ (với nhiều bệnh viện, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có trang thiết bị liên quan đến nguồn phóng xạ), quản lý sở hữu trí tuệ (quy định về nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn), quản lý đo lường chất lượng (phối hợp với các ban, ngành quy định chất lượng hàng hóa sản xuất và xuất khẩu trên địa bàn; phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng). Đồng thời, bộ phận này sẽ có nhiệm vụ tư vấn cho các doanh nghiệp, các cơ sở có hoạt động KHCN trên địa bàn khi họ gặp các vấn đề tranh chấp. Nhờ sự gần gũi về địa lý và thông hiểu địa bàn, các cán bộ chuyên trách sẽ dễ nắm bắt được nhu cầu ứng dụng KHCN của các doanh nghiệp, các tổ chức và người dân tại đây, trên cơ sở đó, hướng dẫn, hỗ trợ họ triển khai có hiệu quả các hoạt động KHCN. Nếu bám sát các định hướng này, KHCN cấp quận, huyện, thị xã sẽ có "dấu ấn" riêng.
Mặt khác, theo nhiều nhà khoa học, trong khoảng 20 năm nữa, Hà Nội vẫn là địa bàn tập trung rất đông lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, với đặc thù của Thủ đô, Hà Nội cần xác định rõ ngay từ bây giờ là nền nông nghiệp phát triển theo hướng nào, từ đó lựa chọn các tiến bộ KHCN phù hợp. Đây cũng là định hướng mà ngành KHCN phải đi trước một bước. Về hướng đi của nông nghiệp Thủ đô, GS-TS Trần Đình Long, Chủ nhiệm Chương trình phát triển nông nghiệp 01C-05 cho rằng, Hà Nội nên tập trung vào một số lĩnh vực như nông nghiệp đô thị sinh thái; du lịch nông nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao; kinh tế xanh... Từ đó, xác định các công nghệ mới cần là các mô hình: chăn nuôi không chất thải; chế phẩm trừ sâu sinh học; các loại cây ăn quả, hoa, ngô, đỗ tương... năng suất cao, chất lượng tốt. "Muốn vậy, Hà Nội phải khắc phục được điểm yếu là các kỹ thuật canh tác, giống mới phải "đi vòng" qua các địa phương khác rồi mới quay trở lại Thủ đô. Rất nhiều nhà khoa học "kêu" rằng việc ứng dụng kỹ thuật mới vào Hà Nội khó khăn vì thiếu sự cộng tác cần thiết từ bộ máy quản lý cơ sở" - GS Trần Đình Long cho biết.