Những năm trước đây, nghề nuôi ong của tỉnh Lào Cai chưa thực sự được chú trọng phát triển, hầu hết người dân nuôi ong tự phát, năng suất mật và hiệu quả kinh tế còn bị hạn chế, chưa được thương mại hóa mạnh.
Áp dụng KH&CN để nuôi ong
Đây chính là lý do năm 2011 Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ nuôi ong mật và khai thác, chế biến mật ong tại Lào Cai”. Dự án đầu tư nhằm mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng về trữ lượng cây nguồn mật, lao động, đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống và góp phần phát triển kinh tế và xã hội cho các vùng nông thôn miền núi.
Ông Phạm Thanh Xuân, Công ty TNHH phát triển Ong miền núi Thanh Xuân cho biết, trước khi thực hiện Dự án này Chủ đầu tư đã phải trải qua một quá trình hàng chục năm xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, thử nghiệm nuôi trồng nhiều loại cây, con nhưng không mang lại hiệu quả cao, cuộc sống gia đình vẫn hết sức khó khăn. Qua bao trăn trở, gia đình quyết định đầu tư cho nghề mới – nghề nuôi ong nhằm khai thác nguồn tài nguyên quý giá do thiên nhiên ban tặng đó là mật hoa. Những năm đầu cũng chỉ đầu tư ở quy mô nhỏ với 50 đàn ong nội rồi dần phát triển lên 100 đàn, mỗi năm cho thu hoạch từ 1,5 đến 2 tấn mật. Song giống ong nội thuộc loài dã sinh tính tụ đàn không cao, năng suất thấp, khó phát triển.
Qua nghiên cứu tìm hiểu cho thấy giống ong ngoại có nhiều điểm ưu việt, tính tụ đàn cao, thế đàn đông, năng suất mật vượt trội, ít dịch bệnh, thích nghi di chuyển, rất phù hợp để đầu tư phát triển trên quy mô lớn, vì thế những năm sau này được sự hỗ trợ một phần kinh phí của tỉnh, cùng sự động viên khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ của các ngành, các gia đình đã quyết định chuyển đổi từ ong nội sang nuôi ong ngoại, kết quả năm 2010, 100 đàn ong đã cho thu hoạch trên 4 tấn mật.
Ngay sau khi Dự án được phê duyệt, đơn vị đã tiến hành tuyển chọn đầu tư 800 đàn ong trong đó có 600 đàn ong ngoại và 200 đàn ong nội đưa chăn nuôi tại 04 mô hình. Xây dựng một xưởng tinh chế mật ong và các thiết bị, dụng cụ cần thiết với công suất 300 tấn/năm. Đào tạo 03 kỹ thuật viên về các kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, khai thác các sản phẩm của ong mật và 02 kỹ thuật viên sơ chế và tinh lọc mật ong. Tổ chức tập huấn 06 quy trình kỹ thuật nuôi ong cho 150 lượt người, bao gồm các hộ trực tiếp tham gia Dự án.
Mang lại hiệu quả kinh tế cao
Hiệu quả bước đầu Dự án mang lại rất khả quan, từ năm 2011 đến nay đã cho thu hoạch gần 30 tấn mật ong có chất lượng cao, trên 100 trăm kg sữa ong chúa, 7,5 tấn phấn hoa cho doanh thu trên 4 tỷ đồng, trừ mọi chi phí lãi gần một tỷ đồng. Các sản phẩm của Dự án đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng, hiện đã có mặt trên thị trường nhiều tỉnh trong nước.
Có được kết quả trên, đội ngũ cán bộ Công ty đã phải lăn lộn, trăn trở thường xuyên khảo sát tìm nguồn hoa ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Gia Lai… để chuyển đàn ong đến tận nơi để đàn ong tiện khai thác mật. Từ việc thực hiện Dự án Công ty đã tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kiến thức sâu, chắc chắn, có kinh nghiệm nuôi ong, biết xử lý những tình huống xảy ra trong quá trình nuôi. Công ty đã tham mưu cho địa phương thành lập được hai câu lạc bộ nuôi ong tại xã Bảo Nhai huyện Bắc Hà và xã Tả Phời thành phố Lào Cai. Ngoài ra Công ty đã hỗ trợ con giống và truyền đạt những kiến thức cơ bản về nuôi ong cho những hộ gia đình trong câu lạc bộ.
Dự án bước đầu hình thành tập quán chăn nuôi ong tiên tiến, đưa ngành ong phát triển bền vững và trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Kết quả đã góp phần thiết thực vào chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với định hướng đưa ngành chăn nuôi trở thành một ngành sản xuất hàng hoá, khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, đồng thời góp phần điều tiết lao động, tăng thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn, miền núi, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, an ninh xã hội cho địa phương.
H. Anh