Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) TP. Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định vai trò trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ quản lý cấp cơ sở thiếu về số lượng và kinh nghiệm, sự gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng chưa chặt chẽ,... đang còn là rào cản khiến hiệu quả hoạt động KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn hạn chế.
KH&CN giúp nâng giá trị sản phẩm hàng hóa
Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết hoạt động KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân Hà Nội giai đoạn 2008-2012 do UBND TP tổ chức mới đây, các chương trình KH&CN cấp Thành phố đã triển khai 540 đề tài, dự án nghiên cứu. Trong đó, có 89 đề tài trực tiếp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài khoảng 70%, dự án là 100%.
Từ kết quả nghiên cứu khoa học đã hình thành các quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới, một số giống cây ăn quả đặc sản, giống lúa lai năng suất cao cho vùng ngoại thành. Đồng thời triển khai thực nghiệm mô hình đồng bộ: sản xuất rau an toàn, phòng chống dịch bệnh tổng hợp trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa chất lượng, hiệu quả, an toàn dịch bệnh. Nhiều giải pháp về cơ chế chính sách được đề xuất đưa vào áp dụng cùng các giải pháp kỹ thuật, biện pháp kinh tế khác đã cho hiệu quả kinh tế - xã hội cao, giúp các nông hộ, trang trại, doanh nghiệp phát huy tiềm năng.
Bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao cho biết, thời gian qua được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN và Sở KH&CN Hà Nội, Công ty đã được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nguồn vốn sự nghiệp khoa học, tiếp nhận triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ các loại nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại TP. Hà Nội”. Thực hiện dự án này, Công ty đã hoàn thiện quy trình công nghệ và chuyển giao thành công công nghệ nuôi trồng nấm, bao tiêu sản phẩm cho 10 trang trại vệ tinh, tận dụng được các phụ phẩm ngành nông nghiệp như rơm, rạ, mùn cưa, lõi ngô,... Tổng sản lượng nấm khoảng 400 tấn/năm, trong đó nhiều sản phẩm được sấy khô, đóng gói xuất khẩu. Đồng thời hình thành mạng lưới tiêu thụ nấm tươi tại các thành phố, thị xã, thị trấn, khu đông dân cư, các nhà hàng khách sạn.
Cũng từ Chương trình nông thôn miền núi, Hợp tác xã (HTX) Hoa cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) đã được tiếp nhận và thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ tiến tiến trong sản xuất hoa tại xã Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội”. HTX đã được tiếp nhận những tiến bộ khoa học mới, tiên tiến nhất trong lĩnh vực sản xuất hoa, cây cảnh. Đồng thời xây dựng mô hình sản xuất hoa trong nhà lưới với quy mô từ 1.000 – 3.000m2, mô hình xử lý củ giống (loa kèn, lily) công suất 10.000 củ/1 lần xử lý. Ngay trong mùa thu hoạch đầu tiên, doanh thu đã đạt hơn 1,85 tỷ đồng, lợi nhuận 1,3 tỷ đồng, trong đó gần 750 triệu đồng chia cho xã viên theo tỷ lệ góp vốn, số tiền còn lại được đầu tư mở rộng sản xuất.
Phó Chủ nhiệm HTX Hoa cây cảnh Thụy Hương Nguyễn Thị Liên chia sẻ, trước kia chưa có khoa học kỹ thuật, người dân chỉ dám trồng một số loại hoa thông dụng nhưng nay bà con đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới và mua những giống hoa cao cấp về trồng thử nghiệm, thay đổi tập quán canh tác, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con xã viên rất phấn khởi khi tiền công lao động được trả từ 90.000 – 100.000 đồng/1 ngày công, hưởng các chế độ nghỉ lễ theo đúng Luật Lao động và lợi nhuận từ việc góp vốn, góp đất.
Tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng
Hoạt động KH&CN của Thành phố những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nhưng theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Xuân Rao, điểm yếu nhất trong ứng dụng KH&CN là việc gắn kết giữa nhà quản lý, nông dân với các tổ chức KH&CN. Hạn chế này khiến nhiệm vụ KH&CN do các tổ chức đề xuất thực hiện không phải xuất phát từ nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngược lại, người dân thiếu thông tin về những kết quả nghiên cứu của các tổ chức để có thể ứng dụng vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số quận, huyện chưa thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động KH&CN, kế hoạch ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế xã hội quận, huyện chưa được quan tâm xây dựng, triển khai. Hơn nữa, thiếu chủ động đề xuất, đặt hàng các vấn đề thực tiễn cần KH&CN giải quyết.
Thu hoạch lúa tại xã Thụy Hương. Ảnh: Hà Nội mới
Thời gian tới, Thành phố tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen để tạo ra một số giống cây lương thực chủ lực (ngô, lúa, đậu tương) với các đặc tính sinh học ưu việt; ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến trong chọn, tạo, nhân giống và điều khiển sinh trưởng ra hoa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; chọn tạo và đưa vào sản xuất các giống cây có múi bản địa không hạt, sạch bệnh (cam, quýt); nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cơ khí, tự động hoá, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, quy mô công nghiệp và trang trại, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế;...
Cùng với đó, chú trọng hoàn thiện giải pháp sinh học để làm sạch nước sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi, làng nghề, nông thôn và nhà máy chế biến thực phẩm. Nghiên cứu cơ sở khoa học đưa ra giải pháp, tiêu chí cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các giải pháp đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội và môi trường.
Để làm được điều đó, ông Lê Xuân Rao cho rằng, hàng năm, các quận, huyện cần xây dựng kế hoạch ứng dụng KH&CN cho phát triển kinh tế xã hội của quận, huyện mình bám vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN đưa ra những nhiệm vụ cụ thể để ứng dụng một cách hiệu quả thành tựu KH&CN cho địa phương mình.
Đồng thời gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng ngành và từng cấp; đưa kế hoạch ứng dụng, phát triển KH&CN trở thành một cấu phần không thể thiếu của quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, địa phương. Phát huy sức mạnh cộng đồng của đội ngũ các nhà quản lý, nghiên cứu và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu KH&CN. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, có kế hoạch nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hàng năm, 5 năm và đặt hàng với cơ quan quản lý, các nhà khoa học.
Nguyễn Hạnh