Nhiều năm nay, người dân tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nhờ sản xuất hoa công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn với mức thu nhập đạt từ 150 đến 300 triệu đồng/ha đối với mô hình trồng hoa ngoài tự nhiên và từ 300 đến 500 triệu đồng /ha đối với mô hình trồng hoa trong nhà lưới.
Xen giữa cây lúa, cây dưa bao tử xuất khẩu, cây ngô, khoai tây, những cánh đồng hoa, rau an toàn...đã tô điểm cho bức tranh nông nghiệp tại Hà Nam đang phát triển theo hướng hiện đại: đẩy mạnh triển khai các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đó tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Phát huy thế mạnh là một tỉnh nông nghiệp thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, có diện tích đất nông nghiệp 45.000 ha, những năm qua, Hà Nam luôn chú trọng nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KHKT để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và đầu tư sản xuất thử nghiệm chế biến nông sản thành hàng hóa chất lượng cao.
Hàng năm tỉnh đều xây dựng các kế hoạch KHCN cụ thể dựa trên định hướng các nhiệm vụ nghiên cứu của Bộ Chính trị, Bộ KHCN, Chỉ thị của Thủ tướng…;đồng thời chủ động đặt hàng với các viện, trường các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cần thiết đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Từ năm 2006 - 2011, Hà Nam đã thực hiện 113 đề tài, dự án cấp tỉnh, hơn 540 đề tài, dự án cấp cơ sở và trên 3.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất.
Đến xã Bình Nghĩa, Bình Lục hay xã Phù Vân, thị xã Phủ Lý, Hà Namkhông khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay của những đồng đất chiêm trũng nay đã được chuyển đổi thành những vùng đa canh, chuyên canh hoa. Những cánh đồng hoa cúc, ly ly , đồng tiền... không chỉ tô điểm cho làng quê mà còn giúp người nông dân mang về nguồn thu lớn, hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Một hộ trồng hoa lớn theo mô hình công nghiệp ở Phù Vân cho biết, trồng hoa muốn đem lại hiệu quả cao phải đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới sương mù, hệ thống điều chỉnh ánh sáng tự động, thiết bị bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để trồng hoa ly, đồng tiền, loa kèn.... do đó đã chủ động sản xuất hoa vào đúng các dịp lễ, tết đáp ứng sản phẩm cho người tiêu dùng, cây trồng phát triển quanh năm, tránh được mưa bão và côn trùng gây hại.
Trung bình với mô hình 2.800m 2 nhà lưới trồng hoa sẽ cho thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Còn nếu với 30.000 m 2 trồng hoa ngoài tự nhiên áp dụng công nghệ mới, cũng sẽ đạt thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, toàn xã Phù Vân đã có trên 40 ha hoa chuyên canh và luân canh, diện tích cao gấp 3 đến 4 lần so với trước năm 2000, trừ chi phí cũng lãi được 60% mỗi vụ. Tính chung, trong toàn tỉnh, hiện đã tổ chức sản xuất trên diện tích 97.000 m 2 hoa ngoài tự nhiên 7.504 m 2 hoa trong nhà lưới.
Bên cạnh phát triển các vùng chuyên canh hoa, ở nhiều địa phương của Hà Nam còn tiến hành dự án: “xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn – nấm dược liệu theo hướng công nghiệp”. Hiện đã hoàn thành việc xây dựng nhà nuôi trồng nấm tập trung: quy mô 2,500m 2 công suất đạt 500 tấn nguyên liệu/năm và đang khẩn trương triển khai thực hiện đề án 1.000 hộ nông dân trồng nấm trên địa bàn tỉnh.
Hay dự án, “xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thu rau an toàn tại Hà Nam”. Mô hình đã triển khai xây dựng nhà lưới với các dạng vòm che dùng lưới trắng, lưới đen, nilon với tổng diện tích là 6.000 m 2 . Hiệu quả sản xuất rau trong nhà lưới khá cao từ 420 triệu đồng - 550 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, dự án cũng hướng dẫn người dân sản xuất rau an toàn ngoài đồng ruộng sử dụng các giống và các công nghệ tiên tiến, cũng chothu nhập trên 83 triệu đồng/ha/năm.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết, trong giai đoạn 2012 – 2020, tỉnh vẫn đặt mục tiêu phát triển mạnh KHCN làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Tiếp tục, nhân rộng mô hình: trống nấm trong hộ gia đình tận dụng nguồn phế thải nông nghiệp, trồng hoa công nghệ cao, cụm chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi quy mô hộ gia đình...
Đồng thời, tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong sản xuất phân bón sinh học, các chế phẩm bảo vệ cây trồng có nguồn gốc thảo dược. Điểm đột phá ứng dụng công nghệ cao là giống cây, giống con có năng suất cao và chất lượng tốt.
Do đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển các Trung tâm nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây nông nghiệp, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh. Phấn đấu có từ 60 - 70% đề tài nghiên cứu ứng dụng đem lại hiệu quả cao vào thực tiễn sản xuất./