Sở hữu trí tuệ Thứ sáu, 26/04/2024 , 04:45 pm
Cập nhật : 24/03/2017 , 16:03(GMT +7)
Đổi mới sáng tạo sẽ có sự hiện diện trong mọi hoạt động nền kinh tế Việt Nam
Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry trả lời phỏng vấn báo chí (Ảnh: Ngũ Hiệp)
Sau 7 năm trở lại Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry rất ấn tượng với sự phát triển kinh tế cũng như các chính sách, tầm nhìn và quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ (KH&CN) của Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN diễn ra mới đây, Tổng Giám đốc WIPO đã chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.

PV: Xin cảm ơn ông đã có chuyến thăm và làm việc Việt Nam. Cảm nhận đầu tiên của ông khi trở lại Việt Nam kể từ năm 2010 là gì?

Ông Francis Gurry: Kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2010, lần này trở lại, tôi rất ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam được thể hiện thông qua những con số ấn tượng về tăng trưởng kinh tế. Chính phủ, nhà nước Việt Nam thể hiện tầm lãnh đạo mang tính chiến lược khi đặt KH&CN, đổi mới sáng tạo là trọng tâm để phát triển kinh tế.

Tôi cho rằng, khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển thì KH&CN, đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng hơn.

 PV: Ông đánh giá thế nào về năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới hiện nay?

- Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, châu Á đang trở thành nguồn cung cấp chính, chủ yếu cho hoạt động đổi mới sáng tạo và đổi mới KH&CN, trong đó Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng.

Tuy nhiên, công cuộc đổi mới sáng tạo là “trò chơi” mang tính lâu dài, đòi hỏi phải có chính sách, các thành phần nền kinh tế và xã hội tham gia.

Ở Việt Nam, tôi thấy rằng các chính sách trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo đã được ban hành. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển triển thì đổi mới sáng tạo sẽ giữ vai trò quan trọng hơn. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng đổi mới sáng tạo sẽ có sự hiện diện khắp nơi, trong mọi hoạt động của nền kinh tế Việt Nam.

PV: Vậy theo ông, làm thế nào để các nước như Việt Nam có thể tận dụng sở hữu trí tuệ như một “đòn bẩy” cho sự phát triển?

- Một trong những nhân tố có thể giúp Việt Nam thành công đó là gắn đổi mới sáng tạo KH&CN với các mục tiêu và hoàn cảnh kinh tế của mình. Ví dụ như tại Việt Nam, nông nghiệp là ngành quan trọng của nền kinh tế thì cần phải phát huy.  Trong bối cảnh tương lai khi dân số thế giới ngày càng tăng kèm theo các thách thức về biến đổi khí hậu thì đòi hỏi phải tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, nếu Việt Nam gắn được đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh của nền nông nghiệp thì khi đó các bạn sẽ có được tăng trưởng kinh tế.

PV: Được biết, trong nhiệm kỳ của mình ông rất quan tâm đến mối liên hệ giữa sở hữu trí tuệ với vấn đề toàn cầu như biến đổi khi hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nạn đói. Ông có khuyến nghị gì cho Việt Nam trong gắn các biện pháp về sở hữu trí tuệ để giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu hiện nay?

- Hiện nay, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, dân số tăng nhanh chóng. Khi dân số đô thị tăng nhanh dẫn đến dễ lây lan dịch bệnh, nếu chúng ta vẫn làm theo cách thức thông thường thì không có tác động nào đến thách thức đó được. Để giải quyết những thách thức này, chúng ta phải làm theo cách thức khác trước đây, thông qua phương thức đổi mới sáng tạo.

Theo tôi, để đối mặt với những thách thức toàn cầu, đòi hỏi phải có đổi mới sáng tạo. Ở đây, vai trò sở hữu trí tuệ được thể hiện rõ vì khi bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ là cách khuyến khích các hành vi của doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà sáng tạo hướng tới các hoạt động đưa ra các biện pháp đổi mới sáng tạo KH&CN nhằm đối phó với các vấn đề đang gặp phải.

Cần nâng cao  ý thức của người dân và doanh nghiệp về bảo hộ sở hữu trí tuệ

PV: Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa Bộ KH&CN, cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ với WIPO trong thời gian qua. Là nhà lãnh đạo cao nhất của WIPO ông sẽ làm gì để đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác này. Ông có khuyến nghị gì với Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ?

- Mối quan hệ gữa WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN, các cơ quan hữu quan của Việt Nam hiện đang tích cực và chúng tôi ấn tượng với cam kết của các cơ quan Việt Nam về việc sẽ tiếp tục tích cực đóng góp cho cộng đồng sở hữu trí tuệ thế giới. 

Chúng tôi cảm ơn Việt Nam luôn ủng hộ WIPO trong thời gian qua và vui mừng khi đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Việt Nam trong suốt chặng đường vừa qua.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi có dịp làm việc với Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Tôi hy vọng chuyến đi này sẽ giúp mở rộng mối quan hệ hợp tác vốn đang rất tốt đẹp giữa hai bên.

Tôi rất ngưỡng mộ chính sách, tầm nhìn, quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo KH&CN ở Việt Nam. Tuy nhiên, các quyết tâm chính sách là điều kiện cần chứ chưa đủ để phát triển được hệ sinh thái bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam mà cần thúc đẩy ý thức của người dân và doanh nghiệp về bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Bảo Chi – Nhật Huy

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner