Tiềm lực KH&CN Thứ tư, 08/05/2024 , 07:35 am
Cập nhật : 10/06/2016 , 19:06(GMT +7)
Định hướng tốt để tối ưu hóa đầu tư công nghệ cho doanh nghiệp
Ông Tạ Việt Dũng (Ảnh: MH)
Bên cạnh việc điều tra cơ bản để xác định trình độ công nghệ hiện hành và tìm được những thông tin đầy đủ từ phía doanh nghiệp thì chúng ta phải tập trung nguồn lực từ nhà nước và xã hội. Nguồn lực bao gồm cả nhân lực vật lực và cơ sở tài chính.

Đồng thời, chúng ta phải có một số tổ chức trong thị trường công nghệ làm công việc này, tức là những đơn vị làm dịch vụ, thu thập dữ liệu, số liệu thống kế, tư vấn cho doanh nghiệp để đánh giá cùng với các cơ quan nhà nước, đánh giá trình độ công nghệ của nền kinh tế. Sau đó xây dựng báo cáo quốc gia về trình độ công nghệ cũng như  dựng bản đồ quốc gia về công nghệ. Khi đó chúng ta sẽ có một hệ thống tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ.

Ông Tạ Việt Dũng Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ đã có buổi trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Hoàn thành việc xây dựng khuôn mẫu

-Được biết Việt Nam đang xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ, vậy ông có thể nói về tầm quan trọng của việc xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ?

Ông Tạ Việt Dũng Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ: Bản đồ công nghệ được xây dựng với mục đích thể hiện rõ nét về hiện trạng công nghệ  ở Việt Nam gắn liền với thị trường và sản phẩm. Bản đồ công nghệ sẽ giúp chỉ ra Việt Nam đang sở hữu những công nghệ nào, ở đâu?, khoảng cách của chúng ta so với thế giới ra sao? Chúng ta có thể sản xuất được sản phẩm nào ở trong phân khúc thị trường nào? Năng lực vận hành, năng lực nghiên cứu ở Việt Nam đến đâu và đáp ứng như thế nào đối với yêu cầu phát triển công nghệ, sản phẩm.

Trên cơ sở bức tranh rõ nét như vậy, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ sẽ được xây dựng nhằm trả lời câu hỏi chúng ta sẽ hướng đến phân khúc thị trường nào trong tương lai? trong thị trường đó cần tập trung phát triển sản phẩm gì với đặc tính kỹ thuật như thế nào? sẽ cần phải phát triển những công nghệ gì để sản xuất ra sản phẩm đó. Và cuối cùng, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, cần tập trung triển khai những hoạt động cụ thể nào như đề tài, chuyển giao công nghệ, khai thác bằng sáng chế v.v..

Ông có thể nói rõ hơn về thực trạng cũng như lộ trình thực hiện hiện nay như thế nào?

Thứ nhất chúng tôi đang hoàn thiện phương pháp luận về xây dựng bộ sách tài liệu hướng dẫn xây dựng Bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ

Thứ hai xây dựng thí điểm trên các lĩnh vực tập trung cho việc xây dựng khuôn mẫu, đến thời điểm này việc xây dựng bản đồ công nghệ trong lĩnh vực khuôn mẫu đã hoàn chỉnh. Chúng tôi đã tiến hành tổng hợp, phân tích số liệu của hàng  trăm doanh nghiệp  Việt Nam và FDI  trong ngành xây dựng khuôn mẫu, tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng một số doanh nghiệp tiêu biểu cùng với những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh để xây dựng bản đồ và đưa ra được các nội dung về thị trường, sản phẩm, hiện trạng công nghệ và khoảng cách công nghệ sản xuất khuôn mẫu của Việt Nam so với thế giới cũng như chỉ ra khoảng cách công nghệ, trình độ công nghệ của từng DN, tỉnh thành.

Hiện tại ở Việt Nam bản đồ công nghệ xây dựng ở mức độ hoàn thành được việc đánh giá hiện trạng cũng như là việc chỉ ra được khoảng cách công nghệ, và những công nghệ đó được phân bố ở những khu vực nào từ đó định hướng đầu tư nghiên cứu những công nghệ mà chúng ta đang thiếu.

Hạn chế thiếu sót về năng lực công nghệ của ngành

Thưa ông, vậy thì đối với doanh nghiệp, đối tượng trung tâm trong chiến lược phát triển KH&CN hiện nay, bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ sẽ có vai trò gì đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ?

Doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ. Hơn ai hết, họ hiểu rõ rằng mình có thể sản xuất ra sản phẩm gì với đặc tính kỹ thuật như thế nào. Tuy nhiên, để có thể đổi mới công nghệ một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ của mình với những mục tiêu rõ ràng, cụ thể về sản phẩm và công nghệ để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của mình trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là khi tiến hành đầu tư công nghệ đa thế hệ.

Thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể tự mình đầu tư đổi mới công nghệ nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, hỗ trợ thông qua hệ thống KH&CN đóng vai trò quan trọng. Bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ ngành giúp chỉ ra những thiếu sót về năng lực công nghệ của ngành, trên cơ sở đó, nhà nước sẽ định hướng đầu tư vào các công nghệ cơ bản đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành, lĩnh vực. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và là căn cứ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng lộ trình và đổi mới công nghệ mang lại hiệu quả cao.

Được biết nội dung xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ là một nội dung mới và lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình triển khai?

Một trong những khó khăn của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ là xây dựng được quy trình, phương pháp lập bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ. Mặc dù trên thế giới đã có nhiều phương pháp được công bố nhưng do vị thế là nước theo sau với trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp đang cố bám đuổi và thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, Việt nam cần hình thành được phương pháp lập bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ theo cách tiếp cận phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của Việt Nam và có được sự đồng thuận từ các Bộ, ngành và doanh nghiệp, những người trực tiếp sử dụng kết quả bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, một khó khăn lớn nhất của chúng tôi là huy động lực lượng chuyên gia và hệ thống số liệu, dữ liệu về công nghệ, đặc biệt là công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp hiện còn tản mát và chưa được thống kế, theo dõi thường xuyên. Chính vì vậy mà công tác điều tra, khảo sát để thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng bản đồ công nghệ gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian, kinh phí thực hiện.
Tuy nhiên, tôi tin rằng khi bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ được các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng, quá trình này sẽ trở nên thuận lợi hơn với sự tham gia nhiều hơn cả về nhân lực và tài chính .

-Vẫn biết việc đi tắt đón đầu cũng như việc định hướng công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho DN, tuy nhiên DN Việt Nam đa số là nhỏ và siêu nhỏ, vậy việc thực hiện có khả thi không?

Đối với DN vừa và nhỏ lại có điều kiện thuận lợi hơn khi sử dụng bản đồ công nghệ này với lí do bản đồ công nghệ là bức tranh tổng quát cấp cho một ngành hoặc lĩnh vực. DN vừa và nhỏ vấn đề tiếp cận thông tin KH&CN hạn chế, qua bản đồ công nghệ sẽ cung cấp cho họ bức tranh về các công nghệ, cũng như là các công nghệ trong tương lai, qua đó họ có thế chọn lựa mua được các công nghệ sản phẩm phù hợp với họ, theo yêu cầu của họ.

Tránh trùng lặp, tránh lãng phí

-Ông có nói việc xây dựng lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ giúp cho công việc nghiên cứu tránh trùng lặp, tránh lãng phí, ông có thể giải thích thêm về vấn đề này?

Ở Việt Nam hiện nay, với chủ trương phát triển công nghệ ứng dụng phục vụ sản xuất và lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ, hiệu quả ứng dụng của các hoạt động R&D là một vấn đề quan trọng và cần thu hút trí tuệ quản lý từ các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương. Áp dụng phương pháp luận lập bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ là một hoạt động mang ý nghĩa thực tiễn cao và có hiệu quả lớn hỗ trợ cho việc định hướng các nghiên cứu, xác định rõ các mục tiêu và hiệu quả mang lại của các nhiệm vụ nghiên cứu, tránh được việc nghiên cứu trùng lặp và lãng phí.

"Đổi mới công nghệ là điều kiện sống còn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường" (Trong ảnh: Sản xuất thép tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng - Bảo Thắng - Lào Cai. MH).

Ví dụ như đối với việc quản lý các dự án nghiên cứu của Nhật Bản, Cơ quan phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới (NEDO) đã áp dụng rất hiệu quả lộ trình công nghệ để quản lý và phân bổ tài chính cho các dự án R&D. Các dự án R&D được triển khai dựa trên định hướng trong lộ trình công nghệ, được xem xét phân bổ ngân sách và sẽ được giám sát, đánh giá hiệu quả các dự án hàng năm. Trên cơ sở đó, lộ trình công nghệ được cập nhật hàng năm để hiệu chỉnh, bổ sung các công nghệ mới cũng như kết quả của các dự án R&D đã thực hiện. Quá trình cập nhật lộ trình công nghệ và điều chỉnh chính sách, kế hoạch phân bổ ngân sách được đồng bộ hóa. Kết quả là từ khi xây dựng và áp dụng lộ trình công nghệ  (2005), tỷ lệ các dự án R&D đạt kết quả tốt đã tăng từ 50% lên đến 80% (2009). Lộ trình công nghệ cũng giúp điều chỉnh khoảng 20% số lượng dự án R&D chưa tốt hoặc chưa phù hợp với định hướng R&D của Chính phủ

-Những lĩnh vực nào,  việc nào sẽ Bộ KH&CN tập trung chú trọng xây dựng bản đồ công nghệ?

Thứ nhất vào công nghệ cao, thứ 2 tập trung vào 1 số sản phẩm quốc gia ví dụ như lúa gạo, vắc xin là những lĩnh vực chúng ta có thế mạnh. Chúng tôi cũng đang tập trung đánh giá thực trạng trong 7 lĩnh vực. Riêng trong lĩnh vực cơ khí  đang xây dựng thử trong lĩnh vực khuôn mẫu và sắp tới sẽ tiến hành xây dựng toàn bộ ngành cơ khí

-Với những khó khăn như ông vừa nêu, đâu là giải pháp thiết thực nhất, hữu hiệu nhất để giải quyết được tình trạng này cũng như là việc xây dựng được bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ đúng tiến độ và lộ trình đề ra?

Có nhiều giải pháp, Tôi cho rằng một trong giải pháp để nâng  cao việc xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia là phối hợp với các Viện, Trường trong và ngoài nước sử dụng cơ sở dữ liệu chung để tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc xây dựng bản đồ công nghệ Quốc gia.

Hi vọng rằng với hệ thống bản đồ công nghệ quốc gia sớm được hoàn thiện, các chính sách phát triển KH&CN sẽ có thêm cơ sở, căn cứ xác đáng để có hiệu quả tác động hơn nữa đến quá trình đổi mới công nghệ hiện nay ở Việt Nam.

Để thúc đẩy nhanh và tối ưu hóa quá trình đổi mới công nghệ, góp phần làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường,  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 677/QĐ-TTg năm 2011 về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, trong đó nội dung đầu tiên được đề cập đến là xây dựng và triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, dựa trên cơ sở nền tảng là hệ thống bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ.

 

Mai Hà



 




Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner