Việc giải ngân cho đầu tư phát triển KHCN tại địa phương trong năm 2013 đã có những khởi sắc rõ rệt. Có nhiều địa phương sử dụng hiệu quả số kinh phí được phân bổ, đặc biệt đã huy động được các nguồn lực khác ngoài ngân sách Nhà nước cho việc phát triển KHCN địa phương.
Theo tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2013, tổng kinh phí sự nghiệp khoa học trung ương bố trí cho các địa phương trên 1.919 tỷ đồng. Điều đáng nói, đây là năm đầu tiên 63 tỉnh, thành phố phân bổ kinh phí sự nghiệp KHCN vượt ngân sách được giao, đạt 105,1%. Trong đó, có những tỉnh vượt rất cao như Cà Mau: 272%, Tuyên Quang: 159% và một số tỉnh thành vượt trên 100% như Vĩnh Long, Đồng Nai, Hà Nội, An, Giang…
Phần lớn kinh phí sự nghiệp KHCN được sử dụng dành cho hoạt động nghiên cứu triển khai và hoạt động quản lý nhà nước về KHCN. Các tỉnh thành phố đã và đang triển khai 1.324 nhiệm vụ, trong đó chiếm 36% cho khoa học nông nghiệp, 30% cho khoa học xã hội và nhân văn, 19% hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, 12% cho lĩnh vực y dược và 3% khoa học tự nhiên.
Đáng chú ý, trong việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN này, các tỉnh đã quan tâm mạnh đến vấn đề “đặt hàng” các nhiệm vụ, trung bình tỷ lệ “đặt hàng” của các địa phương chiếm từ 30% - 40% trên tổng số nhiệm vụ. Do đó, số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng vào cuộc sống được tăng lên rõ rệt, đạt khoảng 50-70% trên tổng số đề tài nghiên cứu.
Một số đề tài được đánh giá cao như Thái Bình đã tiến hành khảo nghiệm 201 giống lúa mới, kết quả đã xác định được một số giống có triển vọng như giống lúa BG6, RVT11, TBR27, HYT108.... năng suất có thể đạt từ 70-75 tạ/ha, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chất lượng gạo ngon. Tại Khánh Hoà đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống tu hài để Khánh Hoà là nơi cung cấp giống cho cả nước hơn 200 triệu con giống/năm. Tại Quảng Ngãi, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác mía trên đất gò, đồi theo hướng cơ giới hoá, quy mô 600ha, năng suất mía cây đạt từ 70-90 tấn/ha cao hơn nhiều so với những năm trước đây, đem lại thu nhập cao cho người nông dân…
Đặc biệt, trong việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN, ngoài ngân sách Nhà nước, nhiều địa phương đã xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn vốn khác. Thống kê cho thấy, các nhiệm vụ cấp tỉnh, ngoài 81% ngân sách Nhà nước, có đến 19% huy động từ các nguồn khác, các nhiệm vụ cấp huyện ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ 43%, còn lại huy động từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác. Ông Luật nhận định: “Đây là một nét mới, bắt đầu cho thấy chúng ta đã xã hội hóa tốt nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động KHCN địa phương.Ví dụ tại Thái Bình, Bình Định, ngân sách Nhà nước chỉ bỏ ra 30% kinh phí, các doanh nghiệp bỏ ra 70% để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đổi mới công nghệ”.
Bên cạnh những nét "khởi sắc" trong đầu tư KHCN địa phương, ông Luật cũng cho rằng, vẫn còn tình trạng một số địa phương tuy giải ngân được 100% nhưng lại sử dụng còn sai mục đích, sai đối tượng như Vĩnh Phúc đã sử dụng nguồn kinh phí dành cho KHCN đầu tư xây dựng công trình hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Nghệ An sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện các dịch vụ công về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức trên địa bàn.
Theo đánh giá chung của các Sở KHCN, đầu tư kinh phí cho hoạt động KHCN nhìn chung còn thấp, tính bình quân mỗi năm, mỗi tỉnh chỉ có khoảng trên 10 tỷ đồng kinh phí cho việc thực hiện các đề tài, dự án KHCN. Ông Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, cho hay, do khó khăn về kinh phí nên hoạt động KHCN của các tỉnh chưa quy tụ được các chuyên gia đầu ngành có trình độ cao, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức KHCN. Đó là chưa kể đến chế độ chi tiêu tài chính cho KHCN có nhiều bất cập, thủ tục thanh quyết toán rườm rà, nên không tạo được môi trường thuận lợi để thu hút và động viên các cơ quan KHCN và các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia tích cực hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN của địa phương./.