Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân mua máy móc vật tư nông nghiệp nhằm thúc đẩy việc ứng dụng cơ giới hóa (CGH) trong nông nghiệp. Trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển đồng bộ CGH nông nghiệp Thủ đô để tiến tới nền sản xuất hàng hóa.
Hiệu quả cao
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình liên kết giữa nhà quản lí – nhà khoa học – hợp tác xã (HTX) và bà con nông dân thông qua thực hiện mô hình CGH, đưa máy móc vào đồng ruộng từ khâu làm đất, gieo thẳng lúa đến khâu thu hoạch. Để mô hình này thực sự hoạt động có hiệu quả cần đẩy mạnh việc phát triển đồng bộ trong các khâu liên kết sản xuất.
CGH tập trung giúp cho các khâu từ gieo thẳng lúa, chăm sóc và thu hoạch lúa được tiến hành nhanh, đúng khung thời vụ, giảm đáng kể chi phí sản xuất, sức lao động, khâu thu hoạch đồng bộ, nhanh, gọn. Việc thực hiện CGH, đưa máy móc vào sản xuất lúa cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp, phát huy những ưu điểm của mô hình kinh tế tập thể. Nhiều nông dân ở xã Đa Tốn (Gia Lâm – Hà Nội) lần đầu được tiếp cận với kĩ thuật gieo sạ bằng máy đã phấn khởi cho biết: nếu cấy bằng phương pháp thủ công truyền thống như hiện nay thì giá rất thấp dao động từ 150 – 200.000 đồng/sào và cũng rất khó thuê nhân công cấy cho kịp khung thời vụ. Dùng máy gieo sạ chi phí chỉ hết khoảng 40.000 đồng/sào. Các khâu dịch vụ kĩ thuật từ ngâm ủ giống, gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ đến tưới tiêu và thu hoạch đều được đảm nhiệm kịp thời.
CGH đã được triển khai tại nhiều vùng ở Hà Nội nhưng đến thời điểm hiện nay thì CGH mới được tiến hành tập trung, đồng bộ đưa nông nghiệp phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại tiến tới sản xuất hàng hóa và liên kết dịch vụ trong sản xuất. Ông Nguyễn Văn Chí, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: thực hiện CGH đồng bộ trong sản xuất lúa tại Hà Nội là việc làm hết sức cần thiết, góp phần xây dựng nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng tiên tiến hiện đại tiến tới sản xuất hàng hóa và liên kết dịch vụ trong sản xuất lúa. Dự kiến năm 2011, chúng tôi sẽ triển khai thí điểm mô hình CGH đồng bộ và liên kết, dịch vụ trong sản xuất lúa tại 5 điểm thuộc 5 huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Việc đẩy mạnh CGH trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua từ khâu làm đất, gieo, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu lao động, giảm chi phí sản xuất, khắc phục hạn chế của việc dồn điển đổi thửa và đảm bảo tính thời vụ khẩn trương, tăng năng suất, chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Tạo bước đi đột phá
Theo Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đến năm 2020 nước ta phấn đấu đạt 100% diện tích trồng lúa ở ĐBSH và ĐBSCL được CGH bằng các thiết bị hiện đại, hiệu quả cao. Để đạt được điều này theo TS Chu Văn Thiện – Phó Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thì việc cấp bách đầu tiên là có cơ chế chính sách thích hợp nhằm xây dựng công trình thủy lợi, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư chế tạo máy móc nông nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ CGH sản xuất góp phần thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.
Bà Trần Thị Miêng – Phó cục trưởng Cục chế biến, thương mại, nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: Bên cạnh việc Chính phủ đưa ra các cơ chế, chính sách thì đỏi hỏi các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ. Quan trọng nhất là các nhà khoa học, nhà sản xuất phải nhanh chóng nghiên cứu để đáp ứng được nhu cầu nhà nông. Đến năm 2020, cả nước phải đạt 50% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hiệp có tính năng kĩ thuật cao.
Để đẩy mạnh CGH trong nông nghiệp, tiến tới nền sản xuất hàng hóa thì cần có bước đi đột phá hơn. Chúng ta tiến hành chuyển giao công nghệ, cải tiến máy móc của nước ngoài cho phù hợp với điều kiện thực tế trong nước để giảm thời gian và chí phí nghiên cứu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn cho nông dân về kĩ năng sử dụng máy móc, đào tạo các ngành nghề cơ khí nông nghiệp. Dự kiến đến năm 2015, CGH khâu làm đất đạt 90% và đến năm 2020 phải đạt 100%, CGH khâu gieo cấy đạt từ 25 – 50%, thu hoạch từ 50 – 80%. Với khâu CGH phục vụ chăn nuôi cần hình thành cơ sở giết mổ, chế biến thịt gắn với vùng nhiều sản phẩm, trang thiết bị hiện đại đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ là biểu hiện tích cực cho việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thành phố cần được chú trọng hơn nữa trong thời gian tới.
Ánh Tuyết