Theo “Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ” của Chính phủ, trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cần đổi mới 6 cơ chế. Trong đó, đảm bảo tài chính cho KH&CN là nhóm cơ chế có tác động tích cực rõ nhất đến hoạt động KH&CN của các địa phương.
Trong phạm vi bài viết này, xin nói đến 2 Thông tư liên tịch (TT) của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN là TT 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN và TT 44/2006/TTLT/BTC-BKHCN.
Thông tư 93 – một số cơ chế có tính cách mạng
TT 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) được ban hành năm 2006. Nội dung quan trọng nhất của TT 93 là các khoản chi cho một nhiệm vụ KH&CN (NV KH&CN) được chia thành hai phần, một phần khoán cho các tổ chức và cá nhân chủ trì NV KH&CN; phần còn lại không được khoán. Phần chi được khoán (gồm tiền công cho các nhà khoa học và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện NV KH&CN, hỗ trợ đào tạo, bí quyết công nghệ, chuyển giao công nghệ,…) chiếm hầu hết chi phí của một NV KH&CN.
Với những NV KH&CN cấp tỉnh, về cơ bản, đại đa số kinh phí được khoán cho đơn vị, cá nhân chủ trì. Đây là một bước tiến lớn, một cuộc cách mạng trong việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án KH&CN. So với các văn bản liên quan trước đây, Thông tư 93 có nhiều điểm mới, tiến bộ.
Thứ nhất, trong phạm vi tổng dự toán kinh phí được giao khoán, chủ nhiệm đề tài, dự án căn cứ vào điều kiện thực tế, yêu cầu của công việc mà điều chỉnh dự toán kinh phí giữa các nội dung chi và quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức quy định của Nhà nước.
Thứ hai, TT 93 quy định nguyên tắc quyết toán kinh phí của các NV KH&CN theo năm tài chính. Các NV KH&CN được thực hiện trong nhiều năm phải quyết toán hàng năm đối với kinh phí thực nhận và thực chi. Số dư (cả dự toán và tạm ứng) cho phép được chuyển qua năm sau thực hiện tiếp.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, vì những lý do khác nhau, nhiều NV KH&CN được giao kinh phí thực hiện rất muộn theo năm tài chính, vì vậy các nhóm nghiên cứu chưa triển khai thực hiện được bao nhiêu đã phải lo thủ tục quyết toán theo niên độ. Việc này vẫn là một gánh nặng cho cả ba bên: Đơn vị chủ trì nhiệm vụ KH&CN: Sở KH&CN và Kho bạc Nhà nước
Thứ ba là quy định về sử dụng kinh phí tiết kiệm được của NV KH&CN sẽ được chi cho khen thưởng và trích lập các quỹ của tổ chức chủ trì NV KH&CN. Có ba mức thưởng là 70%, 60% và 50% số kinh phí tiết kiệm được tuỳ thuộc vào mức đánh giá nghiệm thu đạt loại A, B hay C.
Bốn là TT 93 quy định, các đơn vị chủ trì NV KH&CN có trách nhiệm công khai vấn đề tài chính, công khai NV KH&CN, công khai kết quả thực hiện, báo cáo quyết toán kinh phí sau khi nghiệm thu. Và cuối cùng là TT 93 đã có quy định chế tài xử lý đối với các NV KH&CN không hoàn thành. Điều này đã làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân chủ trì NV KH&CN.
Vì vậy,TT 93 được người quan tâm đón nhận một cách tích cực, các nhà khoa học nhờ đó đã có điều kiện tập trung thời gian và trí tuệ để nghiên cứu. Tuy nhiên, những cơ chế này còn cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để toàn diện hơn.
Thông tư 44 – lao động khoa học được đánh giá cao hơn
TT số 45/2001/TTLB/BTC-BKHCNMT về hướng dẫn một số chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ KH&CN (NV KH&CN) đã khiến nhiều nhà khoa học thấy bức xúc vì công lao động của họ chưa được đánh giá đúng. TT 44/2006/TTLT/BTC-BKHCN ra đời đã đưa ra những cơ chế “dễ chịu” hơn cho nhà khoa học.
So với TT 45, TT 44 có nhiều khoản trả công lao động tư vấn khoa học hơn như công xây dựng đề bài, thẩm định nội dung, phân tích, đánh giá, khảo nghiệm kết quả, sản phẩm của NV KH&CN trước khi nghiệm thu chính thức.
Gần đây, sở KH&CN Thừa Thiên Huế đã thuê chuyên gia tư vấn đặt đầu bài trên cơ sở các đề xuất được Hội đồng xác định NV KH&CN tỉnh lựa chọn đưa vào danh mục các NV KH&CN hàng năm. Định mức chi cho công đánh giá, nhận xét của uỷ viên phản biện trong các hội đồng tuyển chọn, xét chọn, nghiệm thu đã phù hợp hơn với đặc thù của lao động loại này.
Rất đáng mừng vì việc phụ cấp cho chủ nhiệm đề tài, dự án, theo chế độ mới, tăng gấp 10 lần so với trước đây. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn băn khoăn vì chưa thấy có biện pháp nào tránh được hiện tượng những người đứng đầu tổ chức KH&CN hoặc thủ trưởng cơ quan sẽ làm chủ nhiệm một cách danh nghĩa, hình thức.
Một điểm quan trọng của TT 44 là các định mức quy định tại văn bản này là định mức chi tối đa. Các địa phương sẽ căn cứ vào định mức khung đó và tình hình thực tiễn của mình để xây dựng định mức chi cụ thể cho các hoạt động liên quan đến NV KH&CN của tỉnh, thành phố trình HĐND tỉnh, thành phố ra quyết định ban hành. Được biết, các tỉnh, thành phố đều lấy 70 hoặc 80% định mức được quy định trong TT 44 là định mức chi cho các NV KH&CN cấp tỉnh. Việc định mức chi cho các NV KH&CN ở địa phương thấp hơn 20% - 30% so với các NV KH&CN cấp bộ, cấp nhà nước là một khó khăn khi thu hút các nhà khoa học từ trung ương về các địa phương tham gia thực hiện các NV KH&CN. Trong khi đó, nhân lực KH&CN là vấn đề địa phương nào cũng đang phải đối mặt và chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Đỗ Nam
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế