Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” bắt đầu được thực hiện trên cả nước từ năm 1998 nhằm góp phần cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, miền núi. Tỉnh Bình Định cũng có nhiều dự án thuộc chương trình này đang được triển khai rất hiệu quả.
Từ năm 1998 đến năm 2010, Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” (gọi tắt là Chương trình hỗ trợ nông thôn miền núi) đã kết thúc 2 giai đoạn. Mục tiêu chính trong cả hai giai đoạn là xây dựng mô hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường; cải thiện đời sống cộng đồng dân cư ở nông thôn, miền núi bằng các giải pháp KH-CN.
Trong giai đoạn 2004-2010, tại Bình Định, có 6 dự án được thực hiện, cụ thể là: Ứng dụng công nghệ vi sinh đa chủng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh polyfe phục vụ phát triển nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; mô hình sản xuất lúa an toàn chất lượng cao; mô hình nâng cao năng suất vườn điều cũ; mô hình phát triển kinh tế hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh; mô hình lò nung gạch liên tục kiểu đứng và mô hình sản xuất cây mai vàng chất lượng cao theo hướng chuyên canh hàng hóa tại xã Nhơn An, huyện An Nhơn. Kết quả các dự án đã có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tiến sĩ Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, cho biết: “Hầu hết các dự án đều được triển khai rất hiệu quả. Nhiều sản phẩm được thương mại hóa từ kết quả các dự án như: Phân hữu cơ vi sinh polyfe, gạo an toàn chất lượng cao Vạn Phước, gạch xây dựng Bình Phú… ngày càng phát triển trên thị trường. Bên cạnh đó, thông qua các dự án, cũng đã đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho hàng trăm lượt nông dân và cán bộ kỹ thuật địa phương về kỹ thuật canh tác nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, kỹ thuật chăn nuôi cho năng suất cao... Thành công của các dự án đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân; đồng thời, có tác động tích cực vào việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của hoạt động sản xuất nông nghiệp”.
Tiến sĩ Võ Ngọc Anh cho biết: “Vào tháng 3 hàng năm, Bộ KH-CN có thông báo hướng dẫn đề xuất các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi cho năm sau, thời hạn nộp hồ sơ kết thúc vào cuối tháng 4. Hồ sơ bao gồm: văn bản đề nghị của địa phương, thuyết minh dự án, tóm tắt hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức chuyển giao công nghệ, tóm tắt hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị chủ trì dự án, lý lịch khoa học của cá nhân chủ trì dự án và biên bản xét duyệt dự án của Hội đồng KH-CN cấp tỉnh. Nội dung đề xuất phải phù hợp với mục tiêu cụ thể của Chương trình đã được phê duyệt. Điều kiện ban đầu là phải chọn được công nghệ và cơ quan chuyển giao công nghệ phù hợp với mục tiêu chương trình, hoạt động sản xuất của đơn vị chủ trì thực hiện dự án. Các đơn vị trong tỉnh đáp ứng đủ điều kiện đều có thể đăng ký để được xét duyệt hỗ trợ”.
|
Phát huy kết quả đạt được của Chương trình trong các giai đoạn trước, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1831/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình hỗ trợ nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 1.200 tỉ đồng. Khác với giai đoạn trước, mục tiêu chính của chương trình giai đoạn 2011-2015 có các chỉ tiêu cụ thể: Chuyển giao và ứng dụng ít nhất 900 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất các loại nông sản; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến; khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mới (mặt trời, gió, khí sinh học); ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai thực hiện dự án cho ít nhất 1.000 lượt cán bộ quản lý ở địa phương. Đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 1.800 cán bộ kỹ thuật địa phương và 40.000 nông dân để có một mạng lưới cộng tác viên trực tiếp ở địa phương. Hỗ trợ hình thành ít nhất 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến ở khu vực nông thôn và miền núi; trong đó, có ít nhất 25 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong năm nay, trên địa bàn tỉnh ta đang thực hiện 2 dự án: Mô hình nhân nhanh giống mía mới bằng công nghệ nuôi cấy mô; mô hình sản xuất giống nuôi thương phẩm hàu và chế biến thực phẩm chức năng từ hàu. Hai dự án này bước đầu đã thành công nhất định.
Với mục tiêu của Chương trình, tỉnh ta đã đề xuất và chờ phê duyệt 2 dự án: Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp để quản lý rầy nâu hại lúa và chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma sp phòng bệnh “thối cổ rễ cho cây trồng cạn ở tỉnh Bình Định và ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng kiệu tại huyện Phù Mỹ. Nếu được phê duyệt, 2 dự án này sẽ được thực hiện vào năm 2012.