Tiềm lực KH&CN Thứ sáu, 26/04/2024 , 10:28 am
Cập nhật : 30/04/2018 , 15:04(GMT +7)
Chấp nhận đánh đổi để nghiên cứu khoa học
TS. Đỗ Quốc Tuấn
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn, Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Công trình "Higher dimensional nonlinear massive gravity" (lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng) của anh là một trong hai đề cử giải trẻ Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. Giải thưởng sẽ được trao vào 18/5 tới.

Tác giả duy nhất của bài báo trên tạp chí Vật lý hàng đầu khi ở tuổi 31

PV: Anh có thể giới thiệu cho độc giả biết về công trình nghiên cứu "Higher dimensional nonlinear massive gravity"?

- TS. Đỗ Quốc Tuấn: Trong lý thuyết hạt cơ bản phổ biến hiện nay, hạt graviton (hạt truyền tương tác lực hấp dẫn) được cho là có khối lượng bằng không. Nhưng trong lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng (nonlinear massive gravity), hạt graviton được giả định có khối lượng khác không.

Nếu hạt graviton được chứng minh thật sự có khối lượng thì đó sẽ là cuộc cách mạng trong vật lý hạt cơ bản. Không những thế, nó có thể trả lời nhiều vấn đề mà con người tìm kiếm bấy lâu trong vũ trụ học như bản chất của năng lượng tối (liên quan tới hằng số vũ trụ) là gì. Trong vũ trụ học, năng lượng tối được cho rằng là nguyên nhân gây ra sự giãn nở tăng tốc của vũ trụ. 

Đây cũng là lý do thúc đẩy tôi nghiên cứu lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng trong không gian nhiều nhiều. Công trình được thực hiện gần hai năm (từ 2014 đến đầu 2016) với ý tưởng được khởi tạo khi tôi còn là nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý, Đại học Quốc gia Chiao Tung, Đài Loan. 

Sau gần hai năm nghiên cứu, tôi đã đúc kết lại thành hai bài báo với mỗi bài 21 trang đăng trên tạp chí Physical Review D – một trong những tạp chí uy tín bậc nhất trong giới Vật lý lý thuyết.

PV: Các nhà khoa học thế giới phản biện gì về bài viết của anh gửi đăng tạp chí, thưa anh?

- Trước khi nộp bài cho tạp chí để phản biện, tôi đã đăng bài báo lên trang web của cộng đồng khoa học (arXiv.org). Ngay lập tức, ngày hôm sau tôi đã nhận được phản hồi tích cực của một số nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực này. 

Tính ra là sau khoảng hơn 1 tháng kể từ thời điểm nộp cho tạp chí tôi nhận được phản biện rất tích cực. Chuyên gia phản biện đã ghi nhận các kết quả và đề nghị tạp chí đăng luôn không cần chỉnh sửa. Từ lúc đăng đến lúc công bố khoảng 2 tháng. Đây là một tín hiệu giúp tôi tự tin tiếp tục công bố bài còn lại. Bài báo đầu tiên của tôi là bài báo tôi đăng ký tham gia Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.

PV: Vậy khoảng thời gian 2 tháng bài viết được đăng có nói lên điều gì?

- Ít có bài báo Vật lý nào viết dài, lại viết một mình từ một nhà khoa học đến từ đất nước không được xếp hạng cao trong thứ hạng về khoa học như Việt Nam. Với một bài báo Vật lý thông thường dài khoảng từ 6 đến 10 trang. Trước đó, có những bài báo của tôi mất từ 4 đến 6 tháng hoặc thậm chí gần một năm mới được công bố. 

Với bài báo về công trình lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng, tôi viết dày 21 trang và công bố trong vòng 2 tháng. Mức độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào kết quả mới hay không, chủ đề có “hot” hay không?

Toàn tâm cho nghiên cứu

PV: Anh có thể chia sẻ về hướng nghiên cứu của mình?

- Tháng 9/2008 tôi đến Đài Loan và chọn giáo sư hướng dẫn có hướng nghiên cứu mà tôi theo đuổi thời đại học. Tuy nhiên, khi sang Đài Loan tôi thấy giáo sư đã chuyển sang hướng nghiên cứu khác, đó là vũ trụ học. Là người thích đương đầu với thử thách, tôi sẵn sàng chấp nhận tiếp cận với lĩnh vực hoàn toàn mới này. 

Tôi bắt đầu tìm kiếm tài liệu và các bài báo liên quan tới hướng nghiên cứu của giáo sư hướng dẫn để học hỏi kỹ thuật tính toán và xây dựng mô hình riêng cho nghiên cứu của mình. Tôi luôn tâm niệm rằng thử thách càng khó thì vinh quang càng cao.

PV: Có khi nào trong quá trình nghiên cứu, anh cảm thấy nản?

- Đôi lúc tôi cảm thấy chán nản chỉ vì nghiên cứu mãi chưa có kết quả. Nhưng với tình yêu khoa học cùng sự kiên trì đã giúp tôi vượt qua. Từ lúc lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành bài báo tôi phải sửa đi sửa lại nhiều lần, có lúc đến 40 lần mới được thầy chấp nhận.

Khi ở Đài Loan, gần như toàn bộ thời gian trong ngày tôi đều ở phòng nghiên cứu. Tôi thường làm việc từ 12h trưa đến 4-5h hôm sau mới về ký túc xá nghỉ ngơi. Với nghiên cứu, tôi thấy cần phải toàn tâm toàn ý, nỗ lực quyết tâm thì mới có kết quả tốt. Trong nghiên cứu cơ bản, không phải cứ ngồi 1-2 tiếng là có thể nghĩ ra ý tưởng, đôi khi phải hết ngày này qua ngày khác. 

TS. Đỗ Quốc Tuấn giảng dạy trên giảng đường (Ảnh nhân vật cung cấp)

Mong Việt Nam có nhiều công bố quốc tế

PV: Với môi trường nghiên cứu tại Đài Loan tốt như vậy, điều gì khiến anh không tiếp tục mà lại muốn trở về Việt Nam?

- Trước khi đi học tại Đài Loan tôi có tâm niệm trở về Việt Nam để góp phần thúc đẩy phát triển nền khoa học Việt Nam. Nếu một mình nghiên cứu trong một vài năm thì có thể tạo ra vài bài báo nhưng nếu như tôi về Việt Nam sẽ đào tạo ra được các thế hệ tiếp theo, vô hình chung số lượng công bố sẽ được tăng lên theo cấp số nhân chứ không phải là cấp số cộng. Để làm được điều đó tôi chấp nhận hi sinh thời điểm khó khăn ban đầu.

Năm 2015 tôi trở về Việt Nam và xin giảng dạy ở bộ môn Tin học Vật lý, Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi tôi từng làm việc.

Khi về Việt Nam, mặc dù chuyện cơm áo gạo tiền khiến tôi lo lắng và áp lực nhưng với tôi tình yêu khoa học lớn hơn nhiều, đôi khi đến rất ngây thơ. Khó mà lý giải thứ tình yêu đó, đôi khi chỉ cần nhìn một thí nghiệm nào đó hay đọc một câu chuyện về phát minh nổi tiếng là đã yêu khoa học rồi, và khi yêu thì tôi sẵn sàng đánh đổi. 

Về nước, tôi đã mạnh dạn đăng ký đề tài xin tài trợ từ Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) giai đoạn từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2019 và được Nafosted đồng ý hỗ trợ. Một phần nội dung của đề tài liên quan đến mô hình tôi nghiên cứu. Trong vòng hai năm tới tôi sẽ tiếp tục khảo sát tiếp một số tính chất của lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng từ 4 chiều lên nhiều chiều. 

PV: Anh nhận thấy môi trường khoa học của Việt Nam hiện nay ra sao? 

- Một trong những vấn đề của đại học Việt Nam hiện nay là các thầy cô dạy quá nhiều. Nếu so sánh ngay với Đài Loan, thời gian của các thầy cô lên lớp tương đối ít. Nếu như ở Đài Loan một kỳ các thầy, cô kỳ chỉ dạy 1, 2 môn là cùng và có cả trợ lý. Phần lớn thời gian còn lại phục vụ cho nghiên cứu và hướng dẫn cao học và nghiên cứu sinh. Đây là điều mà các đại học nghiên cứu thường làm. 

Điều đó là dễ hiểu vì muốn nghiên cứu vấn đề gì tốt thì cần dành nhiều thời gian cho việc đó. Khi công việc giảng dạy quá nhiều mang tính chất lặp đi lặp lại làm cho các nhà khoa học mất thời gian nhiều, có sức ỳ trong suy nghĩ, thiếu động lực nghĩ ra những cái gì mới. Những nghiên cứu chuyên sâu đỉnh cao thì không thể nào giảng dạy trên lớp thông thường được mà thường mang tính chất “nội bộ” của nhà khoa học. Để làm được, tôi nghĩ các nhà khoa học và nhà nghiên cứu cần giảm thời gian giảng dạy, thêm vào đó là có nguồn đầu tư cho các đề tài dồi dào để các nhà khoa học yên tâm làm việc và không bị chi phối. Như vậy sẽ đạt kết quả đỉnh cao.

Theo tôi, Việt Nam đang trên đường cải thiện môi trường làm việc cho các nhà khoa học. Hi vọng trong tương lai gần khi được sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, môi trường làm việc của giảng viên sẽ được tăng lên, công trình có chất lượng tốt sẽ nhiều hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn!

Bảo Chi 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner