Sở hữu trí tuệ Chủ nhật, 28/04/2024 , 08:25 pm
Cập nhật : 12/05/2022 , 15:05(GMT +7)
Bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam
Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá sản phẩm đã giúp giá trị và uy tín gia tăng đáng kể như: Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng giá gần gấp đôi, nước mắm Phú Quốc tăng giá 30-50%, bưởi Phúc Trạch tăng 30-35%, cam Vinh tăng hơn 50%....

Hiện có 52/63 tỉnh, thành phố có chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được bảo hộ. Yên Bái là tỉnh có nhiều CDĐL được bảo hộ nhất cả nước (08 CDĐL)

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), tính đến hết tháng 5/2022, số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ được cấp cho các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp như sau: Nhãn hiệu tập thể: tổng số đơn nộp: 2.086, trong đó tổng số Văn bằng bảo hộ được cấp là 1.665; Nhãn hiệu chứng nhận: tổng số đơn nộp: 693, trong đó tổng số Văn bằng bảo hộ được cấp là 565; Chỉ dẫn địa lý: tổng số đơn nộp: 139, trong đó tổng số Văn bằng bảo hộ được cấp là 115 (trong đó: 106 CDĐL của Việt Nam, 09 CDĐL của nước ngoài). Việc Việt Nam ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng mang lại cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được bảo hộ tự động tại Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu vô cùng quan trọng với 28 quốc gia thành viên. Việc này không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho nông sản của ta vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu, như: Nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột… mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các đặc sản khác như: Chè Mộc Châu, vải thiều Thanh Hà, cam Cao Phong, chuối Đại Hoàng….

Với những nỗ lực trong  thúc đẩy đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận lần lượt trở thành những sản phẩm đầu tiên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản. Trong mùa vải năm 2021, tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản đạt khoảng 1000 tấn.  Mặc dù số lượng chưa nhiều, song sự chấp thuận của những thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản đã góp phần khẳng định chất lượng và mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, hướng đến mục tiêu đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm. 

Bộ KH&CN đã xây dựng và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016) và Chương trình giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020), trong đó, một trong những nội dung, giải pháp quan trọng là hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể là Chương trình sẽ tập trung triển khai nội dung “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị”. 

Bên cạnh đó, để tiếp tục phát huy những kết quả này, Bộ KH&CN và Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam vào cuối năm 2021. Kế hoạch đã nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến từ các bộ/ngành liên quan, một số địa phương có nhiều sản phẩm xuất khẩu tiềm năng, cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Tính đến hết tháng 5/2022, đã có 84 nhiệm vụ thuộc Chương trình được phê duyệt cho thực hiện với các nội dung hướng tới hoạt động tuyên truyền, đào tạo; hỗ trợ bảo hộ cho các sản phẩm nông nghiệp và ứng dụng KH&CN để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.  Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam đã được hỗ trợ bảo hộ như thanh long Bình Thuận, hoa Đà Lạt, cà phê Buôn Ma Thuột, vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong …, qua đó, sở hữu trí tuệ đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, ứng dụng công nghệ trong công tác kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được bảo hộ.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí, việc sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới chỉ là bước đầu, vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới là cách thức, giải pháp để duy trì, phát huy giá trị các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam để phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con.

“ Trong thời gian tới, bên cạnh việc gia tăng số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, các hoạt động liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần đi vào chiều sâu theo hướng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý sau bảo hộ, đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Có như vậy thì nông sản Việt Nam mới giữ vững được chất lượng, uy tín ở thị trường trong nước, dần dần vươn ra và có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài”, ông Đinh Hữu Phí cho biết thêm.

BL

 


 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner