Nhằm khắc phục những hạn chế trong nghiên cứu khoa học, từ nay đến cuối năm 2015, toàn bộ các tổ chức khoa học và công nghệ (KH và CN) công lập phải chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (TC, TCTN). Việc thực hiện chủ trương nói trên không phải để cắt giảm ngân sách nhà nước mà để sử dụng các nguồn lực cho KH và CN hiệu quả hơn. Ðể làm được điều đó, các cơ quan liên quan cần sớm tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH và CN công lập thực hiện đầy đủ cơ chế TC, TCTN.
Tự chủ để sử dụng nguồn lực hiệu quả
Ðến Viện Dầu khí Việt Nam (DKVN) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tìm hiểu về mô hình thành công nhờ việc chuyển đổi sang cơ chế TC, TCTN, chúng tôi ấn tượng bởi cơ sở vật chất và hoạt động nghiên cứu tại đây. Ðược biết, Viện DKVN đã thực hiện chuyển đổi sang cơ chế TC, TCTN và hoạt động theo Nghị định 115/2005/NÐ-CP (NÐ 115) kể từ 1-7-2008. Trong thời gian hai năm đầu sau khi chuyển đổi, Viện gặp nhiều khó khăn về tài chính nên được Tập đoàn hỗ trợ một lần để giảm bớt gánh nặng. Trải qua gần bảy năm hoạt động, đến nay, Viện đã có nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu, dịch vụ KH và CN, qua đó đã chủ động được về các chi phí khi thực hiện đề tài, nhiệm vụ và hợp đồng. Thông qua đó, Viện tiếp tục sử dụng vốn để đầu tư cơ bản, đối ứng các dự án... Trao đổi ý kiến với chúng tôi, TS Phan Ngọc Trung, Viện trưởng Viện DKVN cho biết: Hiện nay Viện đã hoàn toàn tự chủ về mọi hoạt động, từ nhiệm vụ, tổ chức, tài chính cho đến nhân lực và hợp tác quốc tế. Nhờ TC, TCTN, Viện xây dựng được chính sách, quy định để thu hút trực tiếp nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, qua đó tiến hành triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hằng năm và dài hạn. Cơ cấu nguồn nhân lực của Viện chuyển biến rõ rệt, năm 2010 chỉ có 29 tiến sĩ, 102 thạc sĩ, đến năm 2014 đã có 43 tiến sĩ, 204 thạc sĩ. Bên cạnh đó, các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành đã được hoàn thiện, đủ khả năng cung cấp dịch vụ KH và CN phù hợp với thực tiễn, có năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định thương hiệu. Một số phòng thí nghiệm đã và đang xây dựng thuộc loại hiện đại nhất Ðông - Nam Á về phân tích đất, đá và chất lưu dầu khí; nhiệt liệu sinh học; nghiên cứu chống ăn mòn... Với các đối tác nước ngoài, Viện được hoàn toàn chủ động trong việc thực hiện các dự án nghiên cứu chung, liên doanh, liên kết, dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu... Ðến nay, toàn bộ hoạt động của Viện không còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước (NSNN), tiền lương và tiền hoạt động đến từ các dịch vụ. Doanh thu trong năm 2014 đã lên đến 601,1 tỷ đồng, trong đó doanh thu đến từ dịch vụ KH và CN là 260,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân 22,7 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của Bộ KH và CN, trong số 488/642 tổ chức KH và CN công lập khi chuyển đổi sang cơ chế TC, TCTN, nhiều đơn vị đã thành công, từng bước khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường. Ðiều này đã được minh chứng bằng doanh thu năm 2014 từ các hợp đồng nghiên cứu triển khai và dịch vụ KH và CN của một số đơn vị TC, TCTN như: Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp đạt 712 tỷ đồng; Viện Nghiên cứu cơ khí 680 tỷ đồng; Viện KH và CN Mỏ - VINACOMIN 205 tỷ đồng. Khảo sát một số tổ chức KH và CN công lập sau khi chuyển sang cơ chế TC, TCTN, chúng tôi thấy: Thời gian đầu khi chuyển đổi, đơn vị còn gặp khó khăn, tuy nhiên khi đã đưa đơn vị "vận hành" theo đúng tinh thần của NÐ 115 thì mới thấy được lợi ích và hiệu quả đến từ việc được tự chủ.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Trên thực tế, hiện nay còn nhiều tổ chức KH và CN công lập vẫn hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả và chỉ trông chờ vào NSNN. Tại nhiều đơn vị vẫn còn những cán bộ làm việc theo kiểu "ghi danh", đối phó, nghiên cứu những đề tài thiếu tính thực tiễn... Ðây là thực trạng đáng lo ngại, cho thấy sự kém hiệu quả trong hoạt động và là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của KH và CN trong thời gian qua. Ðể giải quyết thực trạng này, NÐ 115 được ban hành, trao quyền tự chủ hoàn toàn về tài chính, tài sản, bộ máy và nhân lực cho các tổ chức KH và CN công lập... Tuy nhiên, sau mười năm triển khai NÐ 115, đến nay vẫn còn 154/642 tổ chức chưa chuyển đổi, hoặc chuyển đổi mang tính hình thức, đối phó. Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nói trên là do một số người đứng đầu các tổ chức, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa hiểu đúng về tinh thần của NÐ 115 và thiếu nghiêm túc khi triển khai... Nhà khoa học lo ngại, khi bước vào cơ chế thị trường, phải tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động sẽ không "trụ" được. Vẫn còn nhiều người lầm tưởng khi chuyển sang cơ chế TC, TCTN sẽ bị cắt nguồn NSNN, cắt giảm biên chế. Trên thực tế, NSNN vẫn được cấp, nhưng theo cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ, đề tài, dự án, sản phẩm thay vì giao theo biên chế.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, việc chuyển đổi các tổ chức KH và CN hoạt động theo cơ chế TC, TCTN là hoàn toàn chính xác, đây là xu thế tất yếu, phù hợp tình hình thực tế. Tuy nhiên việc các đơn vị vẫn "chần chừ" trong việc chuyển đổi một phần do NÐ 115 "xung đột" với một số văn bản pháp luật hiện hành... Do đó, cần hệ thống hóa lại các văn bản pháp luật đã ban hành trong mười năm qua, tìm ra những bất cập để sửa đổi; ban hành văn bản mới để các tổ chức KH và CN có cơ chế và tiềm năng hoạt động tốt. Cụ thể, NÐ 115 đang "xung đột" với một số quy định về Luật Thuế, Luật Cán bộ, công chức, Luật Ngân sách nhà nước... Hệ thống các văn bản hướng dẫn về định mức tài chính, nội dung khoán chi... đã không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được điều chỉnh. Nhất là hiện nay, nhiều đơn vị còn băn khoăn khi chưa có hướng dẫn về việc tổ chức KH và CN góp vốn bằng tiền, tài sản và giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ để thực hiện các hoạt động KH và CN, sản xuất, kinh doanh thế chấp và vay vốn ngân hàng. Ðề cập vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Trần Việt Hùng cho rằng, các tổ chức KH và CN công lập khi thực hiện các hợp đồng kinh tế đang bị thiệt so với doanh nghiệp KH và CN, không được hưởng các ưu đãi và không được sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn làm đề tài, dự án... Ðây là một trong những "rào cản" khiến nhiều đơn vị không thể thực hiện được các hợp đồng lớn. Chính những bất cập, hạn chế nói trên đã góp phần kìm hãm hoạt động của một số tổ chức KH và CN công lập trong quá trình tự chủ.
Giải quyết thế nào? Làm sao để khi chuyển đổi, đơn vị có thể tự chủ được? Ðây là băn khoăn đến từ những tổ chức KH và CN chưa chuyển đổi, thậm chí đã chuyển đổi. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, để việc tự chủ thành công, phụ thuộc rất lớn vào cách người đứng đầu tổ chức KH và CN "hóa thân" vào NÐ 115. Người lãnh đạo trực tiếp các tổ chức KH và CN cần thật sự tự chủ từ việc xác định, thực hiện nhiệm vụ; cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy hoạt động. Ngoài nhiệm vụ do Nhà nước giao, các đơn vị cần chủ động đề xuất nhiệm vụ, tham gia đấu thầu, nhận đặt hàng. Còn đối với việc kiểm soát nguồn NSNN khi cấp cho các đơn vị thực hiện đề tài, có thể thực hiện cơ chế "khoán, chi" cho sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cần có một hội đồng đánh giá, nghiệm thu độc lập, nếu đề tài, sản phẩm không đạt chất lượng thì đơn vị nhận đặt hàng phải hoàn trả lại toàn bộ tiền vào NSNN.
Tiến sĩ Trần Ðắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH và CN) cho rằng, để việc chuyển đổi thành công theo tinh thần NÐ 115, các cơ quan chủ quản cần giao quyền tự chủ thật sự cho tổ chức KH và CN công lập. Có như vậy thì các hoạt động KH và CN mới mang lại hiệu quả cao, các nghiên cứu được gắn liền với sản xuất và thực tiễn. Trong thời gian tới, Bộ KH và CN sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định có liên quan của pháp luật. Ðồng thời sẽ ra chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành NÐ 115; đề nghị sáp nhập, giải thể tổ chức KH và CN hoạt động không hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ không phải là giảm biên chế, cải cách tiền lương, giảm chi cho KH và CN mà là giảm đi việc sử dụng kinh phí lãng phí, giảm đi những người vào bộ máy KH và CN nhưng lại không làm về KH và CN. Cần sử dụng các nguồn lực đầu tư cho KH và CN hiệu quả, tạo động lực để các thành phần ngoài nhà nước đầu tư cho KH và CN, thúc đẩy phát triển kinh tế cho đất nước. |