Mới đây, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) đã thử nghiệm thành công ngán sinh sản nhân tạo. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung cho ngán sinh sản nhân tạo thành công.
Hiện nay giống Ngán mới chỉ được thu gom ngoài tự nhiên cung cấp cho người nuôi. Do Ngán đang được thị trường ưa chuộng nên bị khai thác cạn kiệt. Vì vậy việc nuôi Ngán mang lại giá trị kinh tế cao nhưng không chủ động sản xuất được giống nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Ngán thương phẩm. Trước đây, chưa có nơi nào sản xuất được giống ngán.
Trên cơ sở đó, đề tài khoa học cho ngán sinh sản nhân tạo do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Hưng được thực hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 11- 2010 (nghiệm thu đề tài) tại huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Ngán bố mẹ được tuyển chọn tại Yên Hưng. Với phương pháp cho Ngán sinh sản trong điều kiện nhân tạo bằng phương pháp kích thích khô, thu được khoảng 25 triệu trứng thụ tinh. Qua các giai đoạn đến ấu trùng đỉnh vỏ, đến ấu trùng có điểm mắt và ra chân là khoảng 14 triệu cá thể được ương nuôi và theo dõi.
Kết quả, sau thời gian ương từ 130 - 150 ngày (thời điểm nghiệm thu) có khoảng 90.000 con giống "Ngán bột" kích cỡ bình quân 0,5 - 2,0 mm có thể đưa ra nuôi ở môi trường tự nhiên.
Quảng Ninh với tiềm năng và lợi thế về nuôi trồng thủy sản, nhất là các loài nhuyễn thể rất phù hợp đặc biệt nuôi Ngán thương phẩm. Việc ương nuôi thử nghiệm thành công Ngán sinh sản nhân tạo ở Yên Hưng đã mở ra một triển vọng mới- hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Ninh. Đây cũng là tiền đề để các địa phương vùng ven biển chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo thêm điều kiện cho người nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất đang sinh sống.
Tuy nhiên đây mới chỉ là thành công bước đầu của đề tài. Những công đoạn tiếp theo gồm: Đưa con giống "Ngán bột" ra ương nuôi thành "ngán giống"; đưa con "Ngán giống" nhân tạo ra nuôi thành Ngán thương phẩm; nghiên cứu các loại chất đáy và môi trường phù hợp... cần có thời gian, thời vụ nghiên cứu và cần khối lượng kinh phí khá lớn để thực hiện. Thiết nghĩ các ngành, các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để nhân rộng việc nuôi ngán thương phẩm ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
(Theo quangninh.gov.vn)