Năm 2012, phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đăng ký chủ trì và thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng nấm rơm trái vụ (vụ đông) trực tiếp trên đồng ruộng tại thị xã Nghĩa Lộ”.
Qua kiểm tra kết quả thực hiện cho thấy, sau hơn 2 tháng triển khai dự án đã xây dựng được 8 mô hình trồng nấm rơm trái vụ trực tiếp trên đồng ruộng tại 8 hộ gia đình (quy mô 01 tấn rơm khô làm nguyên liệu nuôi trồng nấm/mô hình), nấm rơm tại các mô hình đều sinh trưởng phát triển rất tốt, quả thể nấm ra đều và rất nhiều ở tất cả các vị trí của mô rơm, dự kiến năng suất đạt khoảng từ 100 - 120 kg nấm rơm tươi/1 tấn rơm khô làm nguyên liệu nuôi trồng nấm, với giá bán hiện nay là 70.000 đồng/1 kg nấm rơm tươi thì tổng thu 01 tấn rơm khô làm nguyên liệu nuôi trồng nấm rơm sau 01 tháng sẽ thu được 7,0 - 8,4 triệu, trừ các chi phí vật tư cần thiết như: giống nấm, ni lon che và các vật tư khác là 500.000 đồng, mỗi một tấn rơm khô làm nguyên liệu nuôi trồng nấm rơm sẽ lãi khoảng từ 6,5 - 7,9 triệu.
Theo tính toán của các nhà khoa học, trong sản xuất lúa nước tương ứng 1 tấn thóc thu được sẽ thải ra môi trường1 tấn rơm rạ, với diện tích sản xuất lúa nước 2 vụ hiện nay của thị xã Nghĩa Lộ vào khoảng 750 ha, năng suất đạt bình quân 12 - 13 tấn thóc/ha, thì mỗi nămở thị xã Nghĩa Lộsẽ có trên 100.000 tấn rơm rạ thải ra môi trường khoảng, nếu số rơm rạ này đượcsử dụng vào nuôi trồng nấm rơm thì sẽ tạo ra một khối lượng sản phẩm nấm rơm vô cùng to lớn. Phế liệu rơm rạ sau khi dùng để nuôi trồng nấm rơmcònlà nguồn phân hữu cơ bón trực tiếp cho đồng ruộng,góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ hoặc để rơm rạ tự phân huỷ trên các bờ ruộng, lề đường.
Thành công của dự án là sự phối hợp chuyển giao công nghệ của Trung tâm công nghệ sinh học thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) với đơn vị chủ trì thực hiện. Đơn vị chuyển giao cũng sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân vì vậy trồng nấm rơm trái vụ trực tiếp trên đồng ruộng có thể trở thành một trong những hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.