Gạch sinh thái “Ecobricks” không phải là một công nghệ mới mẻ. Ý tưởng về công nghệ này có từ khá lâu và đã được thử nghiệm ở một số nước có điều kiện thời tiết khá giống Việt Nam như Philippines, Indonesia.
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hàng ngày thậm chí hàng giờ chúng ta vô tình thải ra môi trường một lượng không nhỏ rác thải khó phân hủy, chính là vỏ chai nhựa và túi nylon. Những vật liệu này là nguyên nhân chủ yếu khiến môi trường sống của con người bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước vấn đề đáng báo động trên, nhóm bạn trẻ (là học sinh, sinh viên Trường Lê Quý Đôn, Trần Phú, Amsterdam, Viện Đại học mở Hà Nội...) đến từ câu lạc bộ (CLB) Les Pas Verts đã cùng nhau tìm hiểu, tham khảo và thử nghiệm một loại gạch từ vật liệu nhựa phế thải. Nó có tên gọi là “Gạch sinh thái” - Ecobicks. Để gạch sinh thái đi từ ý tưởng đến thực tế là cả một quá trình dài bắt đầu từ việc thu thập, tìm hiểu các tài liệu tham khảo cho đến lúc bắt tay vào làm những sản phẩm đầu tiên.
CLB Les Pas Verts thuộc Tổ chức tình nguyện Water Wise Vietnam (tổ chức dành cho những bạn trẻ yêu môi trường do ĐSQ Mỹ tài trợ), đơn vị chủ quản dự án mang tên “Brick to the future” với thông điệp “Vì một tương lai không chịu ảnh hưởng của rác thải nhựa, hãy hành động ngay từ hôm nay” đến với mọi người.
Bạn Lê Phương Trà - Chủ tịch CLB Les Pas Verts cho biết, nguyên liệu để chế tạo nên gạch sinh thái phải được chọn lọc, bao gồm: chai nhựa được phơi khô, sạch còn nguyên hình dạng không bị thủng, vỡ (có thể dùng chai 500ml-1,5l), túi nylon mềm hoặc cứng, hộp xốp, cốc nhựa dùng 1 lần, vỏ bao bì, giấy bọc nhựa, ống hút… Để viên gạch cứng cáp, không bị bục vỡ hoặc nấm mốc sinh sôi thì những nguyên liệu trên bắt buộc phải khô và sạch.
Cách làm một viên gạch cũng khá đơn giản, bạn chỉ việc mở nắp chai và nhồi những vật liệu như túi nylon mềm hoặc cứng, hộp xốp, cốc nhựa dùng một lần, vỏ bao bì, giấy bọc nhựa, ống hút vào trong. Việc nhồi chúng vào chai cũng cần có kỹ thuật vì đối với những nguyên liệu cứng và to thì bạn nên cắt nhỏ chúng ra, kể cả túi nylon và vỏ bao bì dày cũng vậy. Bạn cần có một chiếc đũa hoặc que dài để nhồi và ấn chặt nguyên liệu vào chai. Phần đáy chai nên nhồi nylon mềm hoặc vật liệu dễ vò, đây là phương pháp khả thi nhất để không khí không bị lọt vào trong chai nhựa. Xung quanh thành chai càng chèn chặt thì ở giữa chai sẽ tự động chặt và cứng. Vật liệu đưa vào chai chèn đến đâu, bạn bóp thử đến đó, thấy cứng và chặt tay là được.
Sau khi chai đã được chèn chặt và cứng, bạn đóng chặt nắp là đã được 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Lúc này sản phẩm có trọng lượng gấp 0,35 lần so với thể tích chai tính bằng ml (ví dụ: chai 500ml có cân nặng tối thiểu khoảng 180g, chai 1,5l khoảng 500g). Đây chính là quy trình tạo nên một viên gạch sinh thái. “Ecobricks” là một từ ghép từ “eco” (thuộc về sinh thái) và “brick” (gạch). Nhiều viên gạch sinh thái nhỏ khi được gắn chặt lại với nhau chúng tạo thành khối lớn và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: bàn, ghế, bồn hoa, giá sách…
Ý tưởng về công nghệ chế tạo gạch sinh thái được hình thành từ cuối năm 2017 và bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 1/2018. Hiện nay, gạch sinh thái được rất nhiều người biết đến và số lượng người làm Ecobricks ngày càng tăng lên dựa vào thông tin CLB thu thập được từ phương tiện truyền thông và những hoạt động ngoại khóa như workshop, triển lãm “Ngày hội sống xanh” ...
Kết quả, số lượng Ecobricks đủ tiêu chuẩn về độ cứng, chặt và đồng đều đã có thể ghép thành những chiếc bàn, ghế và các bạn đang tiến tới thử nghiệm làm một số công trình lớn hơn như bồn hoa và trong tương lai có thể là nhà nữa.
Gần đây nhất, để ý tưởng về công nghệ chế tạo “Gạch sinh thái” - ECOBRICKS đến gần với cộng đồng, đặc biệt là với trẻ em, CLB Les Pas Verts đã phối hợp với Trung tâm Học tập chủ động Galileo Times City, thuộc Hệ thống Giáo dục HOCMAI, tổ chức chương trình làm gạch sinh thái trong hai ngày cuối tuần vừa qua.
Tin, ảnh: Đăng Minh