Vựa lúa lớn nhất nước đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) bước vào vụ đông xuân trong lúc nhiều địa phương ở miền trung đang đối mặt những khó khăn chưa từng có.
Nguyên nhân 'thiên tai' là biến đổi khí hậu (BÐKH); nguyên nhân 'nhân tai' là thủy điện giữ nước mùa khô và xả nước khi có lũ. Miền trung chịu ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất. Ðã có ý kiến của cử tri cần loại bỏ nhà máy thủy điện nhỏ và vừa. Ðảng và Nhà nước đã có những quan tâm và hành động cứu trợ đặc biệt đối với miền trung.
Những hậu quả này ở ÐBSCL là: mất mùa lũ, dân vùng này gọi là 'đói lũ'; đến tháng 11 đầu vụ đông xuân rồi mà lại có những trận mưa muộn khá lớn, làm ngập hằng tuần những cánh đồng đã sạ lúa, làm thối mộng, thối hạt giống ở những tỉnh thuộc tứ giác Long Xuyên, Ðồng Tháp Mười và ở tiểu vùng khác.
Tai hại của 'đói lũ' ở vùng lũ làm cho thu nhập của nông dân bị giảm ngay trong mùa mưa lũ: nguồn lợi thủy sản như tôm, cua, cá không còn theo lũ về; không còn rau dân dã để hái lượm đem bán, như bông (hoa) điềng điễng, hoa súng, hoa lục bình, rau mác, củ co, bồn bồn, cù nèo, rau nhút, củ ấu, ngỏ đắng, rau muống bè... Nhưng tai hại hơn cả là hậu quả mà vụ lúa đông xuân liền kề phải gánh chịu là đồng ruộng không còn được thụ hưởng lộc 'trời cho' phù sa do lũ đưa lại đến cả tỷ tấn hằng năm; và không có lũ quét đi mầm sâu bệnh và cỏ dại. Ở những năm bình thường, sau khi lũ rút, đồng ruộng được làm 'vệ sinh', để lại một lớp phù sa nhiều ít tùy nơi mặc dù đã bị ngăn cản bởi bờ bao bờ vùng. Ở những năm bình thường, người nông dân chỉ cần cào quơ rong, cỏ, làm đất vừa phải là có thể gieo hạt (sạ) lúa, có nơi, như ở Ðồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau..., nước chưa rút hết đã sạ ngầm được, không tốn cả công làm đất.
Trước tình trạng phức tạp như trên, người nông dân muốn đạt năng suất bình thường cũng phải đầu tư nhiều hơn cho khâu chuẩn bị ruộng, khâu làm đất; tăng phân bón; tăng thuốc trừ sâu trừ bệnh đang ở mức cao, lại không có thu nhập những sản phẩm do lũ mang lại như mọi năm. Ðã xuất hiện việc nông dân chán nản sản xuất lúa, vì nếu làm như mọi năm chỉ lỗ vốn.
Ðề nghị các cấp, các ngành chức năng có biện pháp trợ giúp nông dân từ khâu chuẩn bị ruộng đến thu hoạch và sau thu hoạch. Ðiều này không chỉ cho nông dân, mà còn cho cả an ninh lương thực, để không dẫn đến tình trạng sản lượng lúa đông xuân vụ này vùng này có thể giảm tới một vài triệu tấn thóc!
Về mặt khoa học công nghệ, xin tham mưu với bà con nông dân mấy điểm sau: Khó khăn thứ nhất, ngay trước mắt là thiếu hạt giống lúa, phải chạy đôn chạy đáo kiếm mua giống. Bằng mọi cách bà con không để lâm vào tình trạng 'cuống - vội - liều', mà dùng giống không rõ lai lịch, giống lẫn lộn, chất lượng hạt giống kém. Bà con nên căn cứ vào kinh nghiệm của mình, của cán bộ khuyến nông địa phương mà chọn dùng những giống thích hợp trong bộ giống đã được trên khuyến cáo cho từng vùng. Trong điều kiện này, chúng ta chú ý những giống lúa dễ cho năng suất cao như IR50404, OM576, OMCS2000... hơn là những giống chất lượng cao hơn nhưng khó làm như Jasmin, OMCS21. Ở những nơi nông dân ưa dùng những giống lúa nào mà vẫn bán được cho thương lái, chưa thấy do dùng những giống này mà sâu bệnh bột phát, thì không nên có khuyến cáo giảm hay bỏ.
Làm đất chuẩn bị ruộng kỹ, tốt nhất là cơ giới hóa việc làm đất ở nơi có thể, nhằm vùi mầm sâu bệnh và cỏ dại, đưa được dưỡng khí xuống tầng đất sâu hơn nhằm phân giải chất hữu cơ và vô hiệu hóa các chất độc hại như H2S, SO2, NH4... Công đoạn này rất quan trọng trong điều kiện 'đói lũ' như năm nay, nếu không muốn tốn nhiều phân bón và thuốc trừ sâu. Nếu hạt giống lúa là điều kiện 'tiền đề', thì chuẩn bị ruộng kỹ là điều kiện về 'kiến thiết cơ bản' cho vụ lúa. Trong quá trình lúa sinh trưởng, năm nay sẽ có nhiều cỏ dại hơn, trừ bằng dụng cụ, bằng tay, bằng vịt chạy đồng để tiếp tục xáo xới đất, vùi cỏ dại.
Gieo trồng trong phạm vi thời vụ khuyến cáo (nhất thì, nhì thục). Không sạ lúa dày, vừa tốn giống, lại tốn phân đạm, sâu bệnh dễ sinh sôi nảy nở. Mở rộng diện tích sạ lúa theo hàng để dễ dàng khống chế được hạt giống sạ hơn sạ lan. Nếu có thể, làm mạ cấy lúa là tốt nhất, cấy bằng tay, bằng máy nếu có.
Năng thăm nom đồng ruộng (Khoai năng mó, ló (lúa) năng thăm). Vụ này bà con nông dân ta khó có tiền mua đủ phân bón thuốc sâu, thì càng phải làm đúng yêu cầu kỹ thuật: phòng trừ sâu bệnh 'bốn đúng'; bón phân 'đúng lúc'. Lúc lúa đứng cái, làm đòng, nếu lá chuyển sang mầu vàng là phải tìm phân bón thúc ngay 'Bón phân cho lúa làm đòng, Khác nào gái nghén được chồng chăm thai'.
GS. TS Nguyễn Văn Luật