Làng nghề Hà Nội đã và đang mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho người dân mỗi năm nhưng kéo theo đó là nguy cơ sức khỏe của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu như vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề không được xử lý kịp thời bằng các biện pháp Khoa học Kỹ thuật tiên tiến (KHKT)
Đối mặt với ô nhiễm
GS.TS. Đặng Kim Chi – Chủ nhiệm Chương trình KH&CN và Tài nguyên Hà Nội (01C-09) cho biết, Hà Nội sau khi mở rộng có tới 1270 làng nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng nghề ở khu vực nông thôn, trong số đó có 245 làng nghề đã được công nhận theo tiêu chuẩn làng nghề.
Tùy thuộc vào loại hình sản xuất, sản phẩm tạo thành, công nghệ và thiết bị sử dụng mà có thể phân ra các loại làng nghề như các làng nghế chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu; các làng nghề dệt may, đồ da, vàng mã; các làng nghế gốm sứ; các làng nghề mây tre dan, đồ gỗ mỹ nghệ; các làng nghề cơ kim khí, tái chế phế liệu và các làng nghề vật liệu xây dựng.
Các làng nghề này đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 626.000 người, trong đó số lao động sống và sinh hoạt tại chính các làng nghề là 412.500 người, chiếm gần 66% số lao động. Làng nghề Hà Nội đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hà Nội theo hướng công nghiệp hóa nông thôn,nâng cao đời sống, tăng thu nhập, góp phần làm ra các sản phẩm tiêu dùng phục vụ xã hội.
Cũng theo PGS.TS. Đặng Kim Chi, tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa quá nhanh của Hà Nội đã khiến cho rất nhiều làng nghề biến thành “phố nghề”, “phường nghề”. Sản xuất làng nghề vẫn tập trung chủ yếu ở ngoại thành với quy mô sản xuất nhỏ,manh mún, trình độ thủ công, tổ chức sản xuất phân tán và chủ yếu là hộ gia đình. Hầu hết các cơ sở sản xuất nghề ở các làng nghề gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất và đa số là sản xuất ngay tại nhà. Thực tế đó dẫn đến tình trạng các làng nghề Hà Nội hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm.
Qua khảo sát của các nhà khoa học thuộc chương trình 01C-09 cho thấy, các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nhất là các làng nghề sản xuất tinh bột, nấu rượu, nuôi và giết mổ gia súc là có độ ô nhiễm cao nhất. Các làng nghề ươm tơ, dệt nhuộm sử dụng một lượng nước lớn. Nước thải có độ màu rất cao đã gây ô nhiễm nặng nề mặt nước…,
Ông Lê Văn Soái – Phó Trưởng phòng kinh tế huyện Ứng Hòa- thành phố Hà Nội cho biết, toàn huyện có 20 làng nghề truyền thống, trong đó có 7 làng nghề sản xuất tăm hương xuất khẩu mỗi năm tiêu thụ khoảng 50.000 tấn nứa bổ. Phế liệu trong quá trình sản xuất tăm thải ra tới trên 70% ước tính có khoảng 35.000 tấn/năm gây ô nhiễm môi trường trong các nhà xưởng sản xuất trong làng nghề. Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc của địa phương, nếu không có biện pháp xử lý thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Cần phải xây dựng lộ trình phát triển làng nghề bền vững
Ông Nguyễn Văn Nuôi – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cũng thừa nhận, ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đang là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của địa phương.
Xem nhẹ các giải pháp KHKT
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Vũ Như Hạnh – PGĐ Sở KH&CN Hà Nội cho rằng, những đề tài khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tế đời sống sản xuất còn nhiều hạn chế. Năng lực của cán bộ cấp huyện, thị xã chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu và nghiên cứu khoa học. Cán bộ cấp quận, huyện chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc cấp quận, huyện quản lý có quy mô nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế, do vậy việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa thích đáng.
Hầu hết các cơ sở sản xuất của làng nghề đầu tư rất ít cho công tác ứng dụng KHKT bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường bị xem nhẹ trong quá trình sản xuất nên tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, PGS.TS. Đặng Kim Chi chia sẻ.
Không khó để có thể nhận thấy rằng, người dân chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc ô nhiễm môi trường nên còn chưa coi trọng việc ứng dụng KHKT trong sản xuất cũng như trong xử lý môi trường. Tại làng nghề sản xuất đỗ gỗ mỹ nghệ La Xuyên - Ý Yên – Nam Định, nhìn đâu cũng có thể thấy cảnh nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng từ việc sơn, nhuộm và ngâm gỗ. Hầu hết các công đoạn trên đều làm theo phương pháp thủ công mà không áp dụng biện pháp KHKT nào. Nhiều công ty lớn cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc áp dụng những biện pháp KHKT xử lý môi trường nhưng con số này còn chưa nhiều nên tình trạng ô nhiễm vẫn là vấn đề nhức nhối. Ngoài ra, tại các làng nghề như mây tre đan, làng nghề gốm sứ, làng nghề giấy…, ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn tồn tại thực trạng ô nhiễm môi trường.
GS.TS. Đặng Kim Chi cho rằng, cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và những quy định trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp với đặc thù của từng làng nghề; nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của các hộ sản xuất nghề trong việc giảm ô nhiễm môi trường.
Các hộ sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sản xuất quy mô lớn cần đầu tư tài chính vào việc áp dụng KHKT xử lý môi trường. Các hộ gia đình và cơ sở tham gia sản xuất tại các làng nghề cần có cam kết bảo đảm không gây ô nhiễm tại nơi sản xuất ngay khi đăng ký sản xuất và có chế tài xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Bài, ảnh: Hoàng Anh