Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 27/04/2024 , 06:34 am
Cập nhật : 30/10/2014 , 20:10(GMT +7)
Xoài cát chu Cao Lãnh, Đồng Tháp: Nâng cao giá trị nhờ GlobalGAP
Thu hoạch xoài
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến những vườn xoài cát chu ở Cao Lãnh, Đồng Tháp đó là những vườn xoài sum suê hoa trái, được quy hoạch, thiết kế khoa học. Với người dân ở đây, cụm từ GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) không còn xa lạ mà nó là chìa khóa để khẳng định thương hiệu cây đặc sản vùng quê mình, giúp họ thoát nghèo.

GlobalGap- đưa cây xoài vươn ra thế giới

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình vườn xoài trồng theo mô hình GlobalGAP, anh Trần Long Châu, chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp không giấu nổi niềm tự hào xen lẫn sự hồ hởi bởi những thành công mà người dân ở đây có được từ khi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. 

Do nông dân quen với tập quán sản xuất cũ, khi triển khai sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện theo quy trình mới kỳ công hơn... Tuy nhiên với sự quyết tâm trong xây dựng nhãn hiệu, nhà vườn phải vừa làm, vừa học hỏi, dần dần quy trình sản xuất thực hiện chuyên nghiệp, được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận. Sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, xây dựng nơi trữ, xử lý bao thuốc và rửa dụng cụ phun thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trái cây an toàn. HTX xoài Mỹ Xương đã sản xuất xoài theo hướng an toàn trong việc sử dụng bao trái xoài, biện pháp tỉa cành tạo tán sau thu hoạch và bón phân hữu cơ sinh học.

Cây xoài Cao Lãnh còn được tiếp sức bởi nhiều đề tài nghiên cứu trong nước trong đó nổi bật là đề tài Áp dụng kỹ thuật xử lý cho xoài ra hoa trái vụ của PGS-TS Trần Văn Hâu, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ. Thành công của đề tài đã giúp trái xoài ra hoa trái vụ, có thể ra trái quanh năm từ đó giá bán cũng cao hơn, không còn chờ vào chính vụ mới thu hoạch.

Hiện nay huyện Cao Lãnh có 3.521 ha xoài, đa phần là xoài Cát Chu và xoài Cát Hoà Lộc với sản lượng ước tính khoảng 30.000 tấn/năm. Xoài Cao Lãnh được đánh giá khá cao trên thị trường do có hương vị thơm ngọt thanh, màu sắc đẹp, nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, xoài cát chu Cao Lãnh đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và sản phẩm xoài ở đây đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc…

Kết quả khảo nghiệm thực tế cho thấy, trồng xoài cát theo tiêu chuẩn GlobalGap cho năng suất cao 10-12 tấn/ha, trong đó có khoảng 80% xoài loại 1 - đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, trồng xoài theo quy trình này sẽ giảm chi phí 50% số lần phun xịt thuốc. Với diện tích 1,5ha trồng xoài Cát Hòa Lộc, Cát Chu, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. 

Ông Lê Văn Dũng, một chủ vườn xoài chia sẻ: Trồng xoài GlobalGAP vất vả hơn bình thường ở khâu bao trái, nhưng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và nhà vườn; nhất là trái xoài có mẫu mã đẹp, bán giá cao, sản phẩm có đầu ra ổn định là nguyện vọng của nông dân. Với giá thu mua từ 20.000 đồng/kg đối với xoài Cát Chu, 50.000 đồng/kg đối với xoài Cát Hòa Lộc, nông dân trồng xoài theo GlobalGAP giá bán cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Tiến tới chuyên môn hóa quy trình sản xuất

Không chỉ dừng lại ở việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, người dân ở đây đã biết hình thành những tổ dịch vụ, dần dần chuyên môn hóa các quy trình sản xuất. Xuất phát từ nhu cầu thị trường, tổ dịch vụ chăm sóc cây của HTX xoài Mỹ Xương đã được thành lập với 25 người chuyên đi đốn tỉa, tạo tán, bao trái, phun thuốc trừ sâu... theo yêu cầu của nhà vườn trong khu vực. Hiện tổ dịch vụ này đang ăn nên làm ra, công việc lúc nào cũng dồn dập do nhu cầu lớn, thu nhập của mỗi thành viên đạt 80.000 - 100.000 đồng/ngày.

Ngoài ra, tổ hợp tác còn sản xuất, nhân giống xoài, thu mua sản phẩm của các nhà vườn, mạng lưới thu mua của tổ đã vươn tới 7 xã chuyên canh xoài của huyện với sản lượng xoài tiêu thụ lên đến 250 tấn/năm. Chưa dừng lại ở đó, một xí nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm bao trái cây theo dây chuyền, công nghệ Đài Loan (Trung Quốc) cũng được thành lập. Bình quân mỗi ngày xí nghiệp tiêu thụ được 20.000 bao, với giá 650 đồng/chiếc.

 

 Chất lượng xoài được nâng lên rõ rệt khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap

Điều quan trọng nhất khi áp dụng GlobalGap, tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp cũng đã được hình thành với người dân ở đây. Nhờ áp dụng theo quy trình mới nhà vườn đã thay đổi những thói quen tưởng như nhỏ nhất như ghi nhật ký canh tác, không vứt vỏ thuốc trừ sâu bừa bãi. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, người dân đã quen với cách làm mới, đầu tư có chiều sâu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Th.S Trần Thành Trung, trưởng phòng quản lý khoa học, Sở KH&CN Đồng Tháp cho biết, để cho thương hiệu xoài Cao Lãnh có tiếng ở nước ngoài, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo tổ chức, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản GAP trên địa bàn tỉnh nói chung và tại huyện Cao Lãnh nói riêng; hỗ trợ huyện mở rộng diện tích sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP; triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng xoài Cát tỉnh Đồng Tháp”.

Bài, ảnh: Minh Châu

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner