Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là xây thêm nhiều con đường chính thống hơn cho start-up đầu tư ra nước ngoài.
Theo bà Thái Vân Linh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Vingroup Ventures, vào thời điểm năm 2018, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, chỉ mới có hai quỹ đầu tư hoạt động trên thị trường.
Tuy nhiên sau 13 năm, Việt Nam đã có đủ điều kiện cho một hệ sinh thái khởi nghiệp thành công với những vườn ươm khởi nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần, vòng gọi vốn series A hay E, F, G... thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các start-up Việt cũng đã trưởng thành và thực tế hơn về cách xây dựng, phát triển công ty.
Cũng theo bà Thái Vân Linh, các nhà khởi nghiệp không chỉ mới khởi nghiệp lần đầu mà đã trưởng thành hơn từ rất nhiều kinh nghiệm và bài học rút ra từ những lần thất bại. Nói về lý do Việt Nam chưa có nhiều công ty vươn ra toàn cầu, bà Thái Vân Linh cho rằng, mặc dù có tiềm năng công nghệ rất cao nhưng điều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam còn thiếu là khả năng tiếp thị, tạo thông điệp và truyền đạt thông tin đến khách hàng. Trong khi đó, bí quyết để thành công bền vững của một doanh nghiệp nằm ở việc tạo ra sản phẩm và bán được sản phẩm.
Đề cập tới sức mạnh truyền thông và tiếp thị, bà Linh dẫn chứng câu chuyện của hai “người khổng lồ” là Samsung và Apple. Theo bà Linh, khi muốn chiếm lĩnh thị trường khu vực hay quốc tế, thiếu sót các kỹ năng mềm trở thành rào cản cho doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, cần có đồng sáng lập kinh nghiệm về tiếp thị vì làm ra sản phẩm tốt mà không biết cách đưa sản phẩm đến khách hàng thì cũng khó thành công.
Chọn phát triển thị trường nước ngoài không hẳn là tham vọng quá lớn với start-up Việt. Phần nhiều trong số họ đã tính những bước đi dài hơn trên chặng đường khó hơn khi đã đủ rắn rỏi. Để có thể thành công trên thị trường quốc tế, các start-up cần nhanh nhạy nắm bắt xu thế cũng như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tiềm lực lẫn hiểu rõ đặc điểm thị trường mục tiêu lớn ở khu vực và thế giới.
Theo báo cáo của tổ chức hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu Startup Genome, các doanh nghiệp khởi nghiệp có mối quan hệ quốc tế sẽ tăng trưởng về doanh thu cao hơn so với doanh nghiệp chỉ có tầm nhìn nội địa. Việc mở rộng ra nước ngoài dù để gọi vốn, xây dựng mạng lưới, tìm kiếm thị trường, thu hút nhân lực, tham gia đào tạo đều là nhu cầu sớm muộn sẽ đến trong vòng đời phát triển của một start-up thành công.
Do vậy, theo TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN), một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là xây thêm nhiều con đường chính thống hơn cho start-up đầu tư ra nước ngoài.
Start-up Việt thường là những bạn trẻ có ý tưởng tốt, nhiều hoài bão, nhưng thường rất thiếu vốn để thực hiện các giai đoạn quan trọng như nghiên cứu và phát triển (R&D) hay mở rộng thị trường… Mặc dù nhiều địa phương quan tâm đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã công bố dành ngân sách hỗ trợ khởi nghiệp, có những nơi lên tới hàng trăm tỷ như Hà Nội hay TPHCM, nhưng nếu không có cơ chế chi tiền thì cũng khó lòng triển khai các chương trình quốc tế như “nhúng” start-up Việt vào môi trường nước ngoài hay mời được các chuyên gia quốc tế tốt về Việt Nam.
Để tháo gỡ một phần “nút thắt” này, các cơ quan hỗ trợ khởi nghiệp đã nỗ lực cho ra đời Thông tư số 45/2019/TT-BTC quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844). Thông tư đã hình thành thêm cơ sở pháp lý cho phép địa phương sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ khởi nghiệp.
Hai điểm nổi bật liên quan đến kết nối quốc tế là không giới hạn mức trần kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài để thực hiện hoạt động đào tạo hoặc kết nối, và Nhà nước hỗ trợ trực tiếp tối đa 50% chi phí cho start-up tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài.
Đặc biệt, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
Quyết định đã điều chỉnh, mở rộng Đề án 844, tập trung vào các giải pháp thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế, nguồn lực từ các tập đoàn, từ chuyên gia và các trường đại học để tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, hình thành và hỗ trợ phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia với các nội dung hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động: Xây dựng, phát triển mạng lưới tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư, chuyên gia, tổ chức tư vấn, huấn luyện, đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, vùng, quốc gia; tham gia với tư cách thành viên vào hoạt động của các mạng lưới ở phạm vi khu vực và thế giới, thu hút nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước; tư vấn chuyển giao công nghệ, đầu tư, phát triển thị trường; nghiên cứu, khảo sát, báo cáo đánh giá, tư vấn hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…